Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo là “ Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân”. Công dân có tín ngưỡng, tôn giáo hay không có tín ngưỡng, tôn giáo đều là công dân Việt Nam, có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau.

Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo đã cùng đồng bào cả nước viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Ngày nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng bào các tôn giáo đã đoàn kết cùng đồng bào cả nước hợp thành khối đại đoàn kết vững chắc thực hiện ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đoàn kết xây dựng đất nước để nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Về những đóng góp tích cực của giáo dân và các tổ chức tôn giáo, Đảng ta nhận định: Nhìn chung các tổ chức tôn giáo đã xây dựng đường hướng hành đạo, hoạt động theo pháp luật; các tôn giáo được Nhà nước công nhận hoạt động theo hướng gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước. Nhận định trên cũng là sự ghi nhận những thành tựu quan trọng của công tác tôn giáo trong thời gian qua, đồng thời chỉ ra yêu cầu cơ bản, nội dung cốt lõi của công tác giải quyết vấn đề tôn giáo ở nước ta trong giai đoạn mới của cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh: lương - giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, nhân dân ta nhất định thắng lợi. Đoàn kết lương - giáo là đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo, đoàn kết giữa đồng bào theo các tôn giáo khác nhau trong khối đại đoàn kết dân tộc, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là nội dung cơ bản để củng cố tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Không thể có khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc, nếu không thực hiện được đoàn kết lương - giáo, nếu không quy tụ được hơn hai mươi triệu tín đồ các tôn giáo trong sự nghiệp cách mạng. Một đất nước đa dân tộc, nhiều tôn giáo như nước ta thì vấn đề đoàn kết toàn dân tộc càng trở nên quan trọng. Muốn thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp, giai cấp... phải thống nhất được điểm tương đồng làm cơ sở cho việc tăng cường đoàn kết. Một khi thống nhất được điểm tương đồng thì tinh thần yêu nước được phát huy, sự đoàn kết dân tộc thêm chặt chẽ và được tăng cường. Không thống nhất điểm tương đồng thì không thể củng cố được khối đại đoàn kết toàn dân.
 
Điểm tương đồng của khối đại đoàn kết có cội nguồn sâu xa của truyền thống lịch sử dân tộc, từ tinh thần yêu nước của mọi người dân Việt Nam. Đồng bào dù theo tôn giáo hay không theo một tôn giáo nào cũng đều có lòng yêu nước thiết tha, tình cảm gắn bó với mảnh đất mà mình sinh sống. Đó là cơ sở để xây dựng khối đoàn kết và xác định điểm tương đồng trong mỗi giai đoạn lịch sử. Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là mẫu số chung, là điểm tương đồng lớn nhất của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các tổ chức tôn giáo đã xây dựng đường hướng hành đạo, hoạt động theo pháp luật; các tôn giáo được Nhà nước công nhận hoạt động theo hướng gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống “Tốt đời, đẹp đạo”, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước.

Để củng cố, tăng cường đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân trong điều kiện mới, công tác tôn giáo có nhiều vấn đề phải làm như Đảng ta đã chỉ ra tại Hội nghị Trung ương 7 (khoá IX). Bài viết đề cập đến một số vấn đề chủ yếu liên quan trực tiếp với việc tăng cường đoàn kết toàn dân với những nội dung sau:

Một là, phát huy mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực của tôn giáo; thống nhất quan điểm tương đồng làm cơ sở để củng cố tăng cường khối đại đoàn kết. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới; tôn giáo với bản chất và chức năng của mình có khả năng nhất định trong việc tạo ra sự liên kết xã hội chặt chẽ, củng cố, tăng cường tính cộng đồng. Sự cố kết, gắn bó của các tín đồ theo cùng một đạo là một trong những đặc trưng nổi bật của tôn giáo. Mặt tích cực đó cần được phát huy và có chính sách đúng đắn hướng sự cố kết cộng đồng và khả năng liên kết xã hội của tôn giáo vào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý, sự cố kết cộng đồng trong một tôn giáo của các tín đồ cũng dễ dẫn đến nguy cơ chia rẽ, cục bộ, có thể làm rạn nứt xã hội, thậm chí dẫn đến mâu thuẫn giữa các tôn giáo, giữa người theo đạo với người không theo đạo, dễ bị kẻ xấu lợi dụng phá hoại khối đại đoàn kết, làm suy yếu sức mạnh quốc gia. Đảng ta nhận định: Tình hình hoạt động tôn giáo còn có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định. Vì vậy, giải quyết vấn đề tôn giáo phải tăng cường được khối đại đoàn kết toàn dân, không để xảy ra tình trạng sự cố kết cộng đồng trong một tôn giáo nhưng lại dẫn đến sự biệt lập, ảnh hưởng xấu đến đoàn kết toàn dân tộc.

Hai là, phát huy tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm của đồng bào theo đạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng bào theo đạo có lòng yêu nước thiết tha, từng gắn bó với sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Truyền thống tốt đẹp ấy cần phải được phát huy hơn nữa. Tình yêu quê hương, đất nước đã thấm sâu vào con tim của mỗi tín đồ. Làm thế nào để khơi dậy, đánh thức tình cảm thiêng liêng ấy và phát huy, nâng lên tầm cao mới, với những nội dung mới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới là vấn đề lớn mà công tác tôn giáo phải đặc biệt quan tâm và có biện pháp phù hợp. Vấn đề giáo dục tình yêu quê hương, đất nước gắn với tình yêu chế độ xã hội chủ nghĩa của đồng bào các tôn giáo, làm cho các chức sắc và tín đồ tôn giáo thực sự hòa nhập và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc phải là một nội dung chủ yếu của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ở vùng tôn giáo hiện nay.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống mới “Tốt đời, đẹp đạo” trong quần chúng tín đồ, chức sắc, nhà tu hành. “Tốt đời, đẹp đạo” là thực hiện tốt những yêu cầu của một tín đồ đối với tôn giáo mà mình theo, không để kẻ xấu lợi dụng phá hoại cách mạng; đồng thời phải thực hiện tốt trách nhiệm của công dân đối với đất nước. Người tín đồ của tôn giáo đồng thời phải là người công dân tích cực của đất nước trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giáo dục làm cho quần chúng tín đồ, các chức sắc tôn giáo nhận thức sâu sắc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm, nghĩa vụ của chính bản thân họ; động viên đồng bào đóng góp sức người, sức của nhiều hơn cho sự nghiệp cách mạng. Chừng nào các tín đồ tôn giáo còn đứng ngoài cuộc, thờ ơ, thiếu trách nhiệm với đất nước, còn coi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ của chính quyền, của những người không theo tôn giáo, thì chừng đó còn tạo kẽ hở cho sự chia rẽ, phá hoại của các thế lực thù địch, và khi đó cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền truyền thống yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc, làm sao cho các tôn giáo gắn bó với dân tộc, với đất nước và chủ nghĩa xã hội, hăng hái thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, các thế lực thù địch luôn coi tôn giáo là vấn đề quan trọng trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng tuyên truyền, kích động nhằm chia rẽ quần chúng theo đạo với quần chúng không theo đạo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân và cơ sở chính trị - xã hội của đất nước. Chúng ra sức lợi dụng vấn đề tôn giáo, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công khai chống phá cách mạng Việt Nam, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta. Những vấn đề về dân tộc và tôn giáo ở Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, việc truyền đạo trái phép ở trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc cùng với những “bản điều trần về tình hình tôn giáo ở Việt Nam” là âm mưu của các thế lực thù địch tạo cớ để chia rẽ khối đại đoàn kết. Tuy nhiên, vấn đề tôn giáo là vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Cho nên quá trình giải quyết và xử lý vấn đề tôn giáo không được chủ quan, nóng vội, giản đơn. Trong mọi trường hợp cần phân biệt rõ đâu là vấn đề thuộc về tín ngưỡng, tâm linh, đâu là vấn đề bị kẻ thù lợi dụng để có thái độ rõ ràng và cách xử lý đúng. Mọi sự sơ suất, chủ quan, nóng vội hoặc giản đơn trong xử lý vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo đều có thể dẫn đến nguy cơ chia rẽ làm rạn nứt khối đoàn kết toàn dân tộc, làm suy yếu sức mạnh quốc gia.

Năm là, tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước cho chức sắc và tín đồ tôn giáo; phân tích cho chức sắc, tín đồ các tôn giáo hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá cách mạng. Tạo điều kiện để đồng bào tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của chúng. Phải làm cho mọi quần chúng tín đồ, mọi chức sắc tôn giáo thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đấu tranh chống lại sự lợi dụng tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; coi đó không chỉ là yêu cầu cách mạng mà còn là sự đòi hỏi của chính bản thân các tôn giáo. Thực tế cho thấy có một số tín đồ, thậm chí cả chức sắc tôn giáo, do nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác nên đã bị các thế lực thù địch lợi dụng. Tình hình đó không những ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp cách mạng mà còn làm vẩn đục, ô nhiễm sự lành mạnh của bản thân các tôn giáo, làm giảm đi sự tôn nghiêm của các tôn giáo đối với các tín đồ. Vì vậy, đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại cách mạng thực sự là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của chính đồng bào theo đạo, của bản thân các tôn giáo.
 
Đảng và Nhà nước ta kiên trì thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo yêu cầu mọi hoạt động tôn giáo phải tuân thủ theo hiến pháp và pháp luật, và đều có nghĩa vụ và trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tự do tín ngưỡng tôn giáo không có nghĩa là hoạt động tôn giáo nằm ngoài khuôn khổ pháp luật, đi ngược lại lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, không có nghĩa là lợi dụng tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tự do tín ngưỡng không có nghĩa là ép buộc người khác bỏ đạo hoặc theo đạo. Tự do không theo hoặc theo một tôn giáo là một quyền cơ bản của con người, cần phải được tôn trọng và bảo vệ không chỉ trong hiến pháp, mà ngay cả trong thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, trong khi thực hiện nhất quán chính sách tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng, phải kiên quyết đấu tranh chống mọi sự lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch thì mới có thể làm mục tiêu đoàn kết các tôn giáo là đoàn kết các dân tộc trong tình hình mới của đất nước ta hiện nay./.