Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 8-12 đến 14-12-2008)
1. I-ran tiếp tục chương trình hạt nhân
Ngày 8-12-2008, Bộ Ngoại giao I-ran ra tuyên bố, Tê-hê-ran sẽ không bao giờ ngừng chương trình hạt nhân và mong đợi chính quyền mới ở Mỹ sẽ thay đổi chính sách “củ cà rốt và cây gậy” đã từng bị thất bại dưới thời Tổng thống G.W.Bu-sơ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao I-ran nhấn mạnh, nếu Mỹ vẫn giữ quan điểm trong quá khứ đòi I-ran ngừng làm giàu u-ra-ni, thì câu trả lời sẽ là: không bao giờ. Ngày 7-12-2008, Tổng thống Mỹ mới đắc cử Ba-rắc Ô-ba-ma nói rằng, ông sẵn sàng đối thoại trực tiếp với I-ran và trao cho quốc gia này các ưu đãi về kinh tế để đổi lấy việc nước này ngừng chương trình hạt nhân gây tranh cãi.
2. Tổng thống và Thủ tướng U-crai-na tái lập liên minh
Ngày 9-12-2008, Đảng của Tổng thống U-crai-na, ông Y-u-sen-co, đã tái lập liên minh với phái của Thủ tướng Chi-mo-sen-co và một đảng nhỏ hơn, nhằm giải quyết mối bất đồng đang gây tổn hại tới chính trường nước này. Động thái mới này diễn ra sau gần ba tháng khủng hoảng chính trị do liên minh cầm quyền sụp đổ. Trước đây, ông Y-u-sen-co rút khỏi liên minh với phái của bà Chi-mo-sen-co với lý do nữ thủ tướng này có quá nhiều tham vọng, có thể làm hạn chế quyền lực của Tổng thống. Ngoài ra, cả hai cựu đồng minh chính trị trong “cách mạng da cam” còn bất đồng trong cách phản ứng đối với Mat-xcơ-va trong cuộc chiến giữa Nga và Gru-di-a hồi tháng 8-2008.
3. Nga thành lập Ủy ban chống khủng hoảng
Ngày 10-12-2008, Thủ tướng Nga V.Pu-tin tuyên bố thành lập Ủy ban chống khủng hoảng do Phó Thủ tướng I-go Xu-va-lốp phụ trách. Ủy ban này có nhiệm vụ soạn thảo các kế hoạch hành động bình ổn kinh tế vĩ mô, nâng cao sự vững chắc của khu vực tài chính. Trước mắt, Ủy ban này sẽ tham gia vào việc ổn định thị trường hàng hóa, bảo vệ thuế quan, hỗ trợ nhu cầu và đề xuất sản xuất hàng hóa trong nước, cũng như soạn thảo các biện pháp chống khủng hoảng mang tính hệ thống trên những lĩnh vực kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
4. Đàm phán hạt nhân 6 bên về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên kết thúc trong bế tắc
Ngày 11-12-2008, cuộc đàm phán 6 bên kéo dài 4 ngày về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên kết thúc mà không đạt được kết quả nào. Phía CHDCND Triều Tiên không chấp nhận đề xuất mà các nước đưa ra trong cuộc đàm phán. Bình Nhưỡng từ chối cho phép các thanh sát viên nước ngoài lấy mẫu thử từ khu liên hợp hạt nhân tại Giông-biên (Yongbyon), một biện pháp cốt yếu để kiểm tra mức độ chân thực trong việc liệt kê chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Hiện chưa có lịch trình cụ thể cho việc nối lại cuộc đàm phán. Đại diện đàm phán của Mỹ cũng không công bố chi tiết những khác biệt, bất đồng giữa các bên.
5. Ngành công nghiệp ôtô Mỹ trước nguy cơ phá sản
Ngày 12-12-2008, Kế hoạch cứu nguy khẩn cấp trị giá 14 tỉ USD dành cho các nhà sản xuất ô-tô Mỹ đã bị bác bỏ với tỷ lệ 52/35 tại Thượng viện sau khi Nghiệp đoàn lao động ôtô Mỹ (UAW) từ chối chấp thuận một số yêu cầu của Đảng Cộng hòa. Để được thông qua, kế hoạch này cần ít nhất 60 phiếu thuận theo quy định. Hai bên đã không thể nhất trí với nhau về các điều khoản cắt giảm lương vào năm 2009 để lương của nhân công Mỹ bằng với mức lương của người lao động làm trong các công ty ô-tô Nhật Bản. Ông Ha-ri Rây (Harry Reid), người lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, bày tỏ hy vọng Tổng thống G.W.Bu-sơ sẽ trích một phần kế hoạch 700 tỉ USD giải cứu Phố U-ôn để trợ giúp khẩn cấp các hãng chế tạo xe. Trong khi đó, các tập đoàn General Motors và Chrysler LLC cho biết họ có thể bị phá sản trong vài tuần tới. Hãng Ford Motor Co. tuy thông báo không cần đến sự trợ giúp của Chính phủ liên bang vào lúc này nhưng hãng chưa chắc chắn có thể trụ lại được.
6. Biểu tình từ Hy Lạp lan khắp châu Âu
Ngày 12-12-2008, có thêm nhiều cuộc biểu tình tại I-ta-li-a, Pháp và Đức. Đến ngày này, bạo động đã từng làm tê liệt Hy Lạp đang lan sang lãnh thổ của nhiều nước châu Âu, làm dấy lên lo ngại xung đột có thể khơi ngòi cho làn sóng phản đối toàn cầu hóa, sự bất mãn trong giới trẻ và những người bị tổn thương vì bất ổn kinh tế, thất nghiệp cao. Trong những ngày vừa qua, người biểu tình ở Tây Ban Nha, Đan Mạch và I-ta-li-a đã đập phá cửa kính của các cửa hiệu, ném chai lọ vào cảnh sát và các ngân hàng. Trong khi đó, tại Pháp, nhiều xe ô-tô bị phóng hỏa bên ngoài tòa lãnh sự của Đan Mạch. Một số cuộc biểu tình đã được tổ chức qua Internet. Chưa bao giờ giới chức tại châu Âu lại lo ngại về các điều kiện gây bất ổn như hiện nay.
7. Hội đàm cấp cao Nhật Bản - Trung Quốc và Hàn Quốc
Chiều 13-12, tại thành phố Fukuoka, miền nam Nhật Bản đã diễn ra cuộc hội đàm cấp cao 3 nước Nhật Bản- Trung Quốc và Hàn Quốc. Ngay sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Nhật Bản Aso Taro, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myon Pak đã ký bản tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh kế hoạch thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa ba nước trên nhiều lĩnh vực, đồng thời sẽ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh ba bên định kỳ một năm 1 lần. Phát biểu tại cuộc họp báo chung của ba vị nguyên thủ, Thủ tướng Nhật Bản Aso Taro cho biết, đây là cuộc hội đàm đầu tiên giữa ba nguyên thủ của 3 quốc gia châu Á. Cả ba vị lãnh đạo đều nhất trí xây dựng một nền hòa bình ổn định và phồn vinh tại châu Á và trên thế giới.
8. Thụy Sĩ mở cửa biên giới đi lại tự do với EU
Thụy Sĩ là quốc gia trung lập, nằm ở giữa lãnh thổ châu Âu, nhưng không phải là thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Các nước láng giềng có cùng biên giới với Thụy Sĩ là Pháp, Đức, Italy, Áo và Lich-ten-xtên. Sau hơn 3 năm kể từ cuộc trưng cầu dân ý tại Thụy Sĩ, với tỷ lệ 54,6% số người dân ủng hộ việc gia nhập khu vực Schengen, kể từ 12-12-2008, nước này chính thức mở cửa cho người dân qua lại biên giới giữa Thụy Sĩ và các nước thành viên EU mà không cần thị thực nhập cảnh. Để chuẩn bị cho sự kiện này, ngay từ năm 2005, Thụy Sĩ đã thông qua một số đạo luật và chuẩn bị các cơ sở hạ tầng để đáp ứng các điều kiện của Hiệp định Schengen. Mục đích của hiệp định này là tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa các nước thành viên EU, trong khi đó vẫn duy trì sự kiểm soát biên giới với bên ngoài và đảm bảo các tiêu chuẩn an ninh trong khu vực.
9. Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 14 ở Pô-dơ-nan (Ba Lan)
Tại cuộc họp, ông Ban Ki Mun nói: "Khủng hoảng kinh tế là rất nghiêm trọng, song khi kết hợp cùng với những ảnh hưởng từ tình trạng biến đổi khí hậu, cái giá mà chúng ta phải trả cao hơn rất nhiều. Tác động từ khủng hoảng khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới sự thịnh vượng và cuộc sống của các dân tộc, cả hiện tại và trong tương lai xa". Chính phủ các nước nên dành một phần lớn khoản chi để đầu tư vào tương lai xanh, và "Thỏa thuận Xanh mới" sẽ có hiệu lực cho tất cả các nước, giàu cũng như nghèo. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) giữ vai trò "đầu tàu" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi các nước phát triển đi tiên phong trong vấn đề này. Hội nghị kết thúc mà không đạt được tiến bộ cơ bản. Các nước còn bất đồng về mục tiêu dài hạn cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, một mục tiêu then chốt để đạt được Thoả thuận tại Copenhagan (Đan Mạch) vào năm tới.
10. Hội nghị cấp cao EU và những vấn đề đặt ra
Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu EU khai mạc sáng 11-12 tại Thủ đô Brúc-xen (Bỉ), với sự có mặt của lãnh đạo 27 quốc gia thành viên của khối này. Đây là Hội nghị cấp cao cuối cùng trước khi kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của Pháp. Tại Hội nghị này, 3 hồ sơ quan trọng được lãnh đạo các nước EU tập trung thảo luận. Trước hết đó là triển vọng của Bản Hiệp ước Lix-bon đang dang dở, trong đó đề cập những quy định hiến pháp mới của Liên minh châu Âu. Nội dung thứ hai đang được tất cả các nước Liên minh châu Âu quan tâm là Kế hoạch phục hồi kinh tế của Khối. Một nội dung nữa đã được bàn luận không ít tại các cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo EU, đó là vấn đề giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hạn ngạch đối với việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đối với các nước EU… Trước khi diễn ra cuộc họp này, vẫn có những bất đồng giữa các nước lớn trong EU, nhất là giữa Pháp với Đức. Thủ tướng Đức vẫn luôn thận trọng với những sáng kiến về chính sách đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính và phục hồi kinh tế của Ủy ban châu Âu và Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di./.
*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 1-12 đến 7-12-2008)
Thủ tướng mới của Thái Lan  (15/12/2008)
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tham dự hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN  (15/12/2008)
Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ 8-12 đến 14-12-2008)  (15/12/2008)
Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa  (15/12/2008)
Hội nghị toàn quốc về việc làm và xuất khẩu lao động  (15/12/2008)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên