Tập trung mọi nguồn lực để khai thác có hiệu quả, bền vững tiềm năng và lợi thế của cây chè, đưa sản phẩm chè Thái Nguyên có vị thế cao trên thị trường trong nước và thế giới là nội dung quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh. Làm rõ định hướng trên, chúng tôi có cuộc trao đổi với lãnh đạo Sở Công - Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với đại diện doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên.

“Ngành công thương tham gia hiệu quả trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ”

Ông Đinh Khắc Hiển
Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên

Cây chè Thái Nguyên được tỉnh xác định là cây công nghiệp chủ lực, có lợi thế trong nền kinh tế thị trường, là cây xóa đói, giảm nghèo và làm giàu của nông dân. Giai đoạn 2000 - 2005, tỉnh đã thực hiện đề án phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè. Sau 5 năm thực hiện, các mục tiêu của đề án cơ bản đã đạt được. Ngày 28-3-2006, UBND tỉnh ra Quyết định số 520/QĐ-UBND, về việc phê duyệt đề án phát triển chè Thái Nguyên giai đoạn 2006 - 2010, với các mục tiêu chủ yếu: tổng diện tích đạt 17.500 ha (50% diện tích sản xuất nguyên liệu chè xanh, 30% diện tích sản xuất nguyên liệu chè cao cấp, 20% diện tích sản xuất nguyên liệu chè đen); năng suất bình quân: 8,5 tấn búp tươi/ha/năm; giá trị thu nhập bình quân 50 triệu đồng/ha/năm.

Để góp phần thực hiện các mục tiêu đó, ngành công thương Thái Nguyên đã và đang tiếp tục tham gia có hiệu quả toàn bộ quá trình từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ chè, cụ thể là: tham gia sản xuất chè nguyên liệu, xây dựng và triển khai các dự án trình diễn về tưới nước và thu hoạch quy mô hộ gia đình từ năm 2006, tiếp tục hỗ trợ nhân rộng trên các vùng chè trọng điểm toàn tỉnh; tham gia chế biến các sản phẩm chè với 38 cơ sở công nghiệp chế biến và kinh doanh (trong đó 7 cơ sở thuộc Tổng Công ty Chè Việt Nam, 8 hợp tác xã, 22 cơ sở thuộc địa phương) và 156 cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình. Toàn bộ thiết bị phục vụ gồm 100 máy hái chè, 16.649 máy vò và 8.350 máy sao chè gắn động cơ. Đến tháng 8-2008, Thái Nguyên xuất khẩu 3.342 tấn, đạt khoảng 30% tổng sản lượng, với giá trị 8.829.000 USD. Ngoài ra, ngành còn hỗ trợ sản xuất, chế biến và tiêu thụ bằng việc xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chè túi lọc tự động; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thiết bị chế biến chè và các doanh nghiệp chế biến tham gia hội chợ để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý chè trên địa bàn tỉnh; quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè của các doanh nghiệp trên trang điện tử của Sở Công Thương Thái Nguyên và thông qua các hội chợ triển lãm do ngành thực hiện; tổ chức hội nghị các doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu nhằm bồi dưỡng kỹ năng đàm phán, ký kết hợp đồng, xây dựng thương hiệu, giải quyết tranh chấp, giới thiệu và định hướng thị trường xuất khẩu các sản phẩm của tỉnh, trong đó có sản phẩm chè.

Ngoài một số thuận lợi mang yếu tố đặc trưng vùng miền, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, ngành chè Thái Nguyên đang gặp không ít khó khăn, đó là: thiết bị của các doanh nghiệp thiếu đồng bộ, công nghệ chưa được quan tâm đổi mới; ngành chưa chủ động được thị trường, thiếu sản phẩm đặc biệt cao cấp và hệ thống quản lý chất lượng chè đồng bộ; mối liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ và người trồng nguyên liệu chưa bền vững. Trước yêu cầu mới, để tiếp tục phát triển cây chè, nâng cao thương hiệu chè Thái Nguyên, Sở Công - Thương đề ra các giải pháp cơ bản: Một, đổi mới công nghệ và thiết bị chế biến nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng, đa dạng đáp ứng nhu cầu thị trường. Hai, xây dựng, cải tiến hệ thống thu mua, đổi mới hệ thống phân phối và đa dạng hóa phương thức mua bán hàng; xây dựng mối quan hệ tốt giữa doanh nghiệp với nông hộ sản xuất nguyên liệu,... Ba, đẩy mạnh các hoạt động phát triển thương hiệu, xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm chè Thái Nguyên để thăm dò thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước. Bốn, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ trước hết vào các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè.

“Tiếp tục đầu tư cho cây chè theo hướng tập trung, an toàn, bền vững và tăng cường quảng bá”

Bà Nguyễn Thị Ngà
Phó Giám đốc
Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn
Thái Nguyên

Tại thời điểm Thái Nguyên chọn chè là cây mũi nhọn (năm 1998) là lúc ngành đang rất khó khăn: hầu hết cơ sở vật chất của các nông trường, xí nghiệp, doanh nghiệp chè trên địa bàn được gom hết về Tổng Công ty; cây chè Thái Nguyên nguy cơ bị mai một. Vì vậy, tỉnh đưa ra những giải pháp đồng bộ để tìm cách khắc phục khó khăn, đưa ngành chè phát triển. Trước hết, xây dựng “Đề án phát triển, sản xuất, tiêu thụ chè giai đoạn 2000 - 2005”, với mục đích phục hồi lại ngành chè, dù năng suất, sản lượng chè rất thấp trong khi diện tích trồng chè đã trên 12 nghìn héc-ta. Để thực hiện tốt đề án, tỉnh đầu tư kinh phí triển khai tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, hợp đồng với 25 cán bộ, kỹ sư mới ra trường để trợ giúp trong công tác chỉ đạo. Người trồng chè được vay vốn ưu đãi qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với quy định rõ là, nếu trồng chè bằng cành thì được vay cao hơn trồng bằng hạt; nếu vay thâm canh, vay chế biến, tiêu thụ, thì người trồng chè được ưu tiên miễn thuế đất nông nghiệp. Đồng thời, tỉnh kêu gọi và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư cho ngành chè; đổi mới sự phối hợp của 3 ngành: ngành nông nghiệp phụ trách về phát triển nguyên liệu; ngành công nghiệp phụ trách về chế biến; ngành thương mại phụ trách về tiêu thụ.

Qua 5 năm thực hiện, tỉnh đánh giá là có sự chuyển biến tốt. Thứ nhất nâng cao một bước kiến thức khoa học - kỹ thuật cho người trồng chè. Thứ hai, chất lượng chè được nâng lên. Thay cho việc phun thuốc trừ sâu cho chè bằng việc kiên trì đưa chương trình quản lý tổng hợp IBM tập huấn cho nông dân, sau đó thành lập Câu lạc bộ Tiếng nói nhân dân ở các vùng. Tại các vùng chè, các câu lạc bộ, hợp tác xã hoạt động tốt. Từ năm 2000 đến 2006, cứ hai năm một lần, tỉnh tổ chức thi, đánh giá chất lượng chè. Qua đây, chất lượng sản phẩm chè không chỉ được nâng cao rõ rệt mà còn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn 2006 - 2010, tỉnh định hướng rất rõ là, phải phát triển theo vùng hàng hóa, tập trung phát triển vùng chè đặc sản. Theo đó, trong quy hoạch, chúng tôi phân vùng 17.500 ha chè thành nhiều loại: vùng sản xuất chè cao cấp, chè nguyên liệu, chè xanh để phục vụ chế biến công nghiệp, vùng sản xuất chè đen... Theo cách đó, có 70% diện tích sản xuất chè xanh, trong đó có 20% phục vụ sản suất chè đặc sản; còn lại 20% sản xuất chè đen. Trên địa bàn tỉnh hiện có 30 cơ sở chế biến chè, trong đó, một số doanh nghiệp đã vươn tới thị trường khó tính như Trung Quốc, Đài Loan thậm chí cả Mỹ, để xuất khẩu chè xanh cao cấp.

Phương hướng chính của giai đoạn này là nâng cao chất lượng. Do vậy, tỉnh không phát triển thêm diện tích chè, mà chủ yếu là trồng thay thế, trồng lại bằng giống mới. Hiện nay, cơ cấu giống mới đạt trên 20% diện tích; mỗi năm trồng mới 600 ha, trong đó có 400 ha là trồng giống mới. Tỉnh đang triển khai và cấp chứng chỉ cho 2 mô hình sản xuất chè an toàn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi mô hình khoảng 10 ha. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng cho các vùng chè tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè. Tuy nhiên, cái khó khăn nhất hiện nay là, dù diện tích chè của tỉnh đứng thứ 2 cả nước (sau Lâm Đồng) nhưng không tập trung, vẫn còn manh mún, tức là 8/9 huyện, thành, thị trồng rải rác, và số hộ tham ra sản xuất chè rất đông (66.000 hộ) nên số hộ có quy mô vài héc-ta không nhiều.

Về thị trường và việc liên kết sản xuất, chúng tôi thành lập Hội Chè Thái Nguyên để bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất chè gồm 31 thành viên tham gia, chủ yếu là các doanh nghiệp, các câu lạc bộ, hợp tác xã và các hộ sản xuất chè có quy mô lớn. Tuy nhiên, Hội cũng gặp khó khăn bởi hoạt động còn nhiều hạn chế, chưa ngang tầm với thực tiễn.

Xu hướng tới của tỉnh là vẫn tiếp tục đầu tư chè theo hướng an toàn, bền vững và tăng cường quảng bá, vì chè Thái Nguyên đã có thương hiệu. Vừa qua, tỉnh đã đầu tư theo nguồn vốn của Bộ Khoa học và Công nghệ, xây dựng được thương hiệu tập thể do Hội Nông dân tỉnh quản lý và Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ban quản lý dự án chè xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho chè Tân Cương.

“Doanh nghiệp nào có chiến lược phát triển lâu dài và gắn kết chặt chẽ với nguồn nguyên liệu thì phát triển bền vững”

Bà Đỗ Thị Đức Lý Phó Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên, Giám đốc Doanh nghiệp chè Hoàng Bình

Ngành chè chúng tôi hiện có gần 30 câu lạc bộ, mỗi câu lạc bộ có từ 30 đến 40 người. Các câu lạc bộ này liên kết rất chặt chẽ, cùng tìm thị trường, cùng sản xuất và tiêu thụ, giám sát lẫn nhau trong quy trình sản xuất, một số hợp tác xã sản xuất chè phát triển khá bền vững. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng, vì các câu lạc bộ hay các hợp tác xã chưa tự đi giao dịch, tìm kiếm thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài. Chúng tôi đã thử nghiệm một số mô hình. Cách đây 2 năm, mô hình “Quản lý chất lượng từ nương chè đến bàn trà” ra đời, kêu gọi được vốn của một tổ chức nước ngoài, giúp cho phương pháp và cử các chuyên gia đến tập huấn, hướng dẫn cách làm. Sau đó, tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng thành mô hình phát triển chè bền vững theo Nghị định số 21. Đây là cách làm hay nhưng đòi hỏi sự liên kết đa ngành và sự tham gia tích cực của người nông dân làm chè.

Chè Thái Nguyên nổi tiếng là chè đặc sản, nên người dân làm chè đặc sản chủ yếu theo quy mô hộ gia đình. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện còn hơn 54.000 hộ chế biến chè một cách thủ công, do vậy, rất khó kiểm soát về chất lượng. Chúng tôi đang tuyên truyền vận động người dân nhóm lại với nhau thành tổ hợp sản xuất. Hiện nay, số doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ chè trên địa bàn đông nhưng số doanh nghiệp hoạt động thực sự hiệu quả lại không nhiều, vì một số doanh nghiệp đầu tư hệ thống chế biến chè đen mà người dân lại chủ yếu sản xuất chè xanh. Đây là vấn đề cần được tháo gỡ từ việc dự báo, quy hoạch đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp nào có chiến lược phát triển lâu dài và gắn kết chặt chẽ với nguồn nguyên liệu thì doanh nghiệp đó phát triển được bền vững, ví dụ như: Công ty Chè Sông Cầu, Sông Chu, Bắc Sơn, Hòa Bình, Thái Nguyên...

Công ty Hoàng Bình chúng tôi luôn yêu cầu những hộ nông dân cẩn thận trong các khâu sản xuất, giữ vững cam kết hai bên về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hướng ưu tiên chất lượng. Về đầu ra, tiêu thụ đến đâu, Công ty thanh toán cho người nông dân đến đó. Hiện nay, Hoàng Bình bao tiêu sản phẩm cho vùng chè Tân Cương gồm có Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân. Vùng này có diện tích khoảng 500 ha. ở mỗi xã, Hoàng Bình đặt một điểm sản xuất, đưa người nông dân có vườn chè lên làm quản đốc phân xưởng sản xuất cho Công ty và được hưởng chế độ như công nhân của Công ty, được khoán hưởng lãi trên khâu sản phẩm, nếu làm tốt. Từ đó, kích thích người dân có trách nhiệm hơn trong tất cả các công đoạn sản xuất. Đồng thời, họ được hưởng đủ các tiêu chuẩn khen thưởng như công nhân viên của Công ty. Cuối năm, nếu đạt xuất sắc thì được đi du lịch nước ngoài với chế độ ưu đãi, được kèm thêm 1 người thân, trong khi công nhân viên của Công ty không có quyền lợi này. Công ty đang kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Nông - Lâm triển khai dự án chè an toàn, và dự án 200 ha trồng mẫu trong hồ Núi Cốc, xây dựng chương trình bảo tồn giống chè cũ đồng thời đưa những giống mới năng suất, chất lượng cao vào trồng trên diện rộng./.