Nâng cao tính chiến đấu của báo chí cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”
Nhận diện những thủ đoạn sử dụng truyền thông thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”
Mục tiêu chiến lược của các thế lực thù địch là chống phá hệ tư tưởng Mác - Lê-nin, chống phá các thể chế nhà nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa. Để đạt được mục tiêu ấy, một trong những thủ đoạn của các thế lực thù địch là dùng sức mạnh mềm với chiến lược “diễn biến hoà bình” và vũ khí chính là “thông tin, truyền thông” tấn công một cách toàn diện, liên tục vào mọi lĩnh vực đời sống chính trị - xã hội của các quốc gia, dân tộc đi theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc chiến này, phương tiện truyền thông đại chúng là một công cụ được các thế lực thù địch khai thác triệt để và sử dụng làm “vũ khí” tấn công lợi hại nhất.
Với thủ đoạn tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình”, trong những năm gần đây, các lực lượng chống phá cách mạng Việt Nam không ngừng kích động tâm lý, tình cảm của người dân xung quanh các vấn đề biên giới, lãnh thổ cũng như xuyên tạc các nỗ lực ngoại giao, giải quyết hòa bình các tranh chấp mà Việt Nam đang thực hiện với mục đích làm suy giảm niềm tin, gieo rắc sự nghi ngờ đối với chủ trương, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, gây chia rẽ dân tộc. Ví dụ, trong khi dư luận khu vực và quốc tế có nhiều quan điểm, ý kiến thể hiện mong muốn Trung Quốc và các bên liên quan giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông, kiềm chế để tránh một cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra thì các thế lực thù địch đã lợi dụng phương tiện truyền thông đại chúng để đưa những thông tin xấu, kích động sự chia rẽ, tạo nghi ngờ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong nỗ lực giải quyết tranh chấp trên Biển Đông...
Với luận điệu “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”, các thế lực thù địch vu cáo Đảng và Nhà nước ta vi phạm quyền tự do báo chí, nhằm làm cho báo chí tách rời sự lãnh đạo của Đảng, làm cho các nhà báo mất phương hướng chính trị, mất sức chiến đấu trong hoạt động báo chí. Bên cạnh đó, chúng còn tạo điều kiện thuận lợi cho các phần tử cơ hội, bất mãn ở trong nước viết sách, báo,... tuyên truyền cho các quan điểm sai trái về “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”. Các lực lượng thù địch còn ra sức cổ vũ, tiếp sức cho việc thúc đẩy thành lập báo tư nhân, nhà xuất bản tư nhân làm cơ quan ngôn luận cho “lực lượng dân chủ”, lợi dụng công nghệ thông tin, mạng internet, blog,... để “công bố” rộng rãi các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung xấu, phản động; truyền bá thông tin, quan điểm sai trái, thù địch và khuyến khích nhiều người lên mạng để “trao đổi”, “thu nhận” thông tin; dùng báo mạng làm “nóng” các vấn đề của đất nước, gây nên những hoài nghi trong nhân dân, kích động gây rối, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc.
Các thế lực thù địch còn gia tăng kích động cho văn nghệ sĩ đòi tự do sáng tác, tự do công bố các tác phẩm văn học nghệ thuật, phản đối sự kiểm duyệt của cơ quan nhà nước, đòi được công khai, đánh giá lại các sự kiện, nhân vật lịch sử theo quan điểm phương Tây, từng bước thoát ly sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ.
Báo chí cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”
Trong tiến trình hội nhập quốc tế, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ vào những thành tựu trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục... Hệ thống báo chí đã rất nỗ lực trong việc phổ biến kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân. Đó là những thông tin nhanh, phong phú, đa dạng, nhiều chiều theo định hướng chính trị của Đảng và Nhà nước, đồng thời phản ánh ý kiến xây dựng và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Báo chí đã giới thiệu những nhân tố tích cực, khẳng định những thành tựu đổi mới và con đường xã hội chủ nghĩa đã lựa chọn, chống những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, phê phán những quan điểm sai trái, chống những luận điểm thù địch... Báo chí đã truyền bá, cổ vũ cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước là phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm công bằng xã hội, giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh. Báo chí góp phần đẩy mạnh tuyên truyền sự nghiệp mở rộng và hợp tác kinh tế của nước ta với các nước trong khu vực và quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc xây dựng đất nước ngày càng ổn định và phát triển.
Qua công tác thông tin, tuyên truyền, báo chí đã nêu bật được thành tựu phát triển của đất nước, những giá trị truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, báo chí đã phản ánh tình cảm và niềm tin vững chắc của nhân dân đối với đường lối và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.
Báo chí nước ta cũng có sự đổi mới và phát triển. Các tờ báo chính trị và lý luận của Đảng đã đi đầu và làm nòng cốt trong cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”. Giá trị, tính chiến đấu của các tác phẩm báo chí là góp phần đưa quan điểm, định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng vào nhận thức của đông đảo quần chúng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tờ báo có nhiều hạn chế trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, chưa chủ động đưa những thông tin về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một số báo tuyên truyền về thành tựu của đất nước, nhưng mới dừng ở mức “giới thiệu” chung chung, chưa thể hiện sâu sắc ý nghĩa của những thành tựu đạt được trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức. Những gương điển hình, nhân tố tích cực nhiều khi được phản ánh chưa thực sự có tính thuyết phục. Trong phản ánh khó khăn, khuyết điểm, báo chí thiếu chủ động thông tin đối với một số vụ việc để cho báo chí nước ngoài khai thác, lợi dụng. Một số cơ quan báo chí trong nước do chưa kiểm chứng nguồn tin, thông tin mâu thuẫn nhau, làm giảm hiệu lực trong việc định hướng dư luận. Một số trường hợp thông tin về các khuyết điểm lại phiến diện, mang tính sự vụ, hoặc đôi khi có tính moi móc, thiếu xây dựng, tạo nên hiểu lầm về sự đối lập giữa dân với Đảng và Nhà nước, tạo những kẽ hở cho lực lượng thù địch lợi dụng.
Tính chiến đấu trong tấn công và phản tuyên truyền các luận điệu phản động, xuyên tạc của các thế lực thù địch trên các báo còn hạn chế, chưa tương xứng. Bên cạnh đó, mặt trái của cơ chế thị trường cũng là một yếu tố khiến cho sức chiến đấu của các báo trong cuộc chiến chống “diễn biến hòa bình” bị suy giảm. Một số lãnh đạo và phóng viên đã bộc lộ tư tưởng lệch lạc, quá nhấn mạnh vai trò “phản biện” và lạm dụng “quyền lực xã hội” để đưa các bài viết, những thông tin sai lệch về chủ trương, đường lối, quan điểm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đây thật sự là những mối nguy hiểm đối với sự nghiệp cách mạng nói chung, cũng như với sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng.
Một số tờ báo ca ngợi một chiều nền văn minh, mức sống và lối sống tư sản. Không ít tờ báo có biểu hiện của khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo những thị hiếu tầm thường, sa vào tuyên truyền bạo lực, đồi truỵ, mê tín dị đoan để câu khách; khai thác, truyền bá cho lối sống ngoại lai, thẩm mỹ ngoại lai, xa lạ với truyền thống văn hóa dân tộc, dịch và in các tác phẩm văn hóa nước ngoài một cách thiếu chọn lọc, gây tâm lý hưởng thụ văn hóa ngoại lai, coi thường văn hóa dân tộc. Hiện tượng khai thác dễ dãi những thứ “sưu tầm”, “lượm lặt đó đây” trên thế giới đã vô tình góp phần làm đảo lộn bậc thang giá trị xã hội, vô hình chung kích động những tâm lý và thái độ ngược chiều đối với đường lối lãnh đạo của Đảng, hướng đi của đất nước.
Những vấn đề đặt ra
Đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là một cuộc đấu tranh gay go, phức tạp. Trong cuộc đấu tranh này, các cơ quan báo chí, những người làm báo không chỉ đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, vu cáo, bịa đặt của địch, mà điều quan trọng là chứng minh tính đúng đắn của đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta; khẳng định những giá trị ưu việt của chủ nghĩa xã hội; xây dựng cách nhìn, quan điểm đúng đắn cho đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên, bởi vì đây là đối tượng quan trọng hàng đầu của âm mưu “diễn biến hòa bình”.
Trong cuộc chiến này, báo chí có vai trò rất quan trọng. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, những thành tựu vượt bậc mà công nghệ thông tin mang lại, kéo theo sự bùng nổ thông tin trên phạm vi toàn cầu và báo chí đã trở thành một lực lượng mới, một vũ khí mới tác động trực tiếp đến các quốc gia, các nền văn hóa sau sức mạnh quân sự và kinh tế. Sự nguy hiểm của “diễn biến hòa bình” chính là vì nó đã tiềm ẩn, tích hợp được trong mình sức mạnh của cả quân sự và kinh tế. Đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” qua hệ thống báo chí đã trở thành một hình thức mới của đấu tranh giai cấp trong giai đoạn hiện nay.
Trong cuộc tấn công trên mặt trận tư tưởng - văn hóa các lực lượng thù địch đã lựa chọn một thứ vũ khí lợi hại - đó chính là hệ thống các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là báo chí. Do đó, bên cạnh việc phản bác những luận điệu vu cáo, chỉ trích của các thế lực chống đối, cơ hội chính trị, báo chí cần chủ động tấn công, vạch trần những mặt xấu, các khuyết tật của xã hội tư bản; trình bày quan điểm chính diện của Đảng, Nhà nước một cách có hệ thống trên các vấn đề lớn như: Tự do, dân chủ, nhân quyền, kinh tế nhiều thành phần và định hướng xã hội chủ nghĩa... Báo chí là kênh thông tin đa dạng, nhiều chiều với phạm vi thông tin rộng, lượng thông tin lớn và kịp thời, trở thành công cụ đắc lực đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”. Các chuyên mục, bài phân tích, bình luận, thể hiện rõ tính chiến đấu của báo chí, thực sự góp phần quan trọng củng cố lòng tin của nhân dân đối với chế độ và sự lãnh đạo của Đảng; góp phần tạo cơ chế “miễn dịch” trong xã hội trước các luận điệu tiến công của các thế lực thù địch. Đây là nhân tố quyết định làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”.
Để tăng cường sức mạnh của hệ thống báo chí nước ta, cần đánh giá đúng trình độ kỹ thuật, năng lực đội ngũ, thực trạng lãnh đạo, quản lý, vai trò, nhiệm vụ của các báo trong cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”. Trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược phát triển báo chí nước ta nhằm làm tốt chức năng tuyên truyền thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát hiện những nhân tố mới, những gương người tốt, việc tốt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng thời tham gia đắc lực vào cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa.
Chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch không chỉ tập trung vào mô hình xã hội chủ nghĩa hiện thực ở Liên Xô, Đông Âu trước đây, phủ nhận lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn tiến công về chính trị, công kích vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thân thế, sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh, xuyên tạc, lên án sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc, kích động tâm lý hẹp hòi, tư tưởng cực đoan tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tác động xấu đến mọi mặt đời sống văn hóa, xã hội... Điều đó đòi hỏi chúng ta phải đề cao cảnh giác, sớm phát hiện, ngăn chặn, phá bỏ âm mưu của các thế lực thù địch, phản động. Báo chí là công cụ đắc lực mà các thế lực thù địch triệt để khai thác, chống phá chúng ta trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Vì thế, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động phá hoại của địch thông qua phương tiện báo chí là một công việc phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực, chủ động của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn thể nhân dân; trong đó các cơ quan thông tin đại chúng, các cơ quan báo chí và các nhà báo, nhà truyền thông phải là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò xung kích để đấu tranh có hiệu quả, đập tan mọi luận điệu thù địch, vạch trần bản chất đen tối của các thế lực thù địch; đồng thời góp phần xây dựng, củng cố nhận thức, lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội./.
Chủ tịch nước tiếp các vị Đại sứ đến trình quốc thư  (14/08/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Ấn Độ  (14/08/2013)
Quán triệt các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI  (14/08/2013)
Tăng cường quan hệ quốc phòng góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ba Lan  (14/08/2013)
Ra mắt Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội  (14/08/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên