Tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội
Trước hết, có thể khẳng định, trong những năm gần đây, hoạt động lập pháp của Quốc hội đạt được những kết quả tích cực, tăng cả về số lượng và chất lượng. Các luật, pháp lệnh được ban hành đã thể chế đúng đắn, kịp thời đường lối, chính sách của Đảng, bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam đã hình thành, ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế - xã hội. Công tác giám sát được tăng cường với sự kết hợp của nhiều phương thức tổng hợp và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức; tập trung vào những vấn đề thực tiễn cuộc sống đòi hỏi, được dư luận đồng tình và đánh giá cao. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các công trình, dự án quan trọng quốc gia ngày càng được cải tiến, bám sát và đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn. Phương thức hoạt động, chế độ làm việc được cải tiến theo hướng phát huy dân chủ, tăng tính chủ động, sáng tạo, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan,... Những thành tựu này là kết quả của quá trình phát huy nội lực, đổi mới, sáng tạo và mạnh dạn áp dụng nhiều cải tiến trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
Tuy nhiên, hoạt động của Quốc hội vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Mặc dù ban hành được nhiều luật, pháp lệnh, trong đó có một số bộ luật lớn, quan trọng, nhưng hệ thống pháp luật vẫn trong tình trạng chưa hoàn thiện, còn không ít quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chậm đi vào cuộc sống. Quy trình lập pháp đã hình thành, song chưa đồng bộ, việc thực hiện chưa nghiêm. Trong nhiều năm, kế hoạch làm luật không thể hoàn thành. Một số quy định về giám sát còn thiếu hoặc chưa phù hợp nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, trước hết là về nội dung, quy trình, thủ tục tổ chức các hoạt động giám sát; việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị sau giám sát; việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Các quy định pháp luật liên quan đến tiêu chí, quy trình, thủ tục quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có việc quyết định dự toán ngân sách nhà nước, các công trình, dự án quan trọng quốc gia còn nhiều bất cập; quy trình giới thiệu nhân sự, thẩm tra, bầu, phê chuẩn còn một số điểm chưa thật hợp lý. Điều kiện hoạt động của các đại biểu Quốc hội còn khó khăn; việc tiếp xúc cử tri còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu Quốc hội còn thiếu, chưa kịp thời; chưa có cơ chế tham vấn chuyên gia và các cơ quan chuyên môn độc lập để thẩm định các vấn đề khoa học - công nghệ. Bộ máy giúp việc chưa ổn định, cách thức tổ chức công việc còn nhiều điểm chưa hợp lý, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của bộ máy chưa cao. Chưa có chính sách khuyến khích các chuyên gia giỏi, cán bộ có trình độ, kinh nghiệm đến làm việc tại các cơ quan giúp việc Quốc hội...
Tình hình đó đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và việc này cần đặt trong tiến trình hoàn thiện bộ máy nhà nước theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), các văn kiện Đại hội XI của Đảng, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước. Theo đó, cần kế thừa và phát huy có hiệu quả kinh nghiệm của các khóa Quốc hội trước đây; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn hoạt động; bảo đảm vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, vừa tiết kiệm thời gian làm việc, vừa phát huy dân chủ, tập hợp trí tuệ, tinh thần đoàn kết, hợp tác, tính sáng tạo, chủ động của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội, các nhà khoa học, nhà quản lý và nhân dân. Tại diễn đàn các kỳ họp, nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc đổi mới cần xuất phát từ thực tiễn hoạt động của Quốc hội, bảo đảm tính kế thừa, tính khả thi và được tiến hành đồng bộ; phương án đổi mới phải thiết thực, nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan; tập trung đổi mới quy trình, cách thức tổ chức công việc, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Với tinh thần đó, tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIII, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội với các nội dung chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, trong hoạt động xây dựng pháp luật:
- Việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được xác định là giai đoạn thẩm định, thông qua chính sách cơ bản của dự án luật, làm cơ sở cho việc soạn thảo. Theo đó, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội tham gia thẩm tra và có ý kiến bằng văn bản đối với các đề nghị, kiến nghị về luật, các chính sách pháp luật dự kiến đưa vào dự án thuộc chương trình theo lĩnh vực được phân công phụ trách. Các cơ quan giúp việc của Quốc hội có trách nhiệm phục vụ đại biểu Quốc hội thực hiện quyền trình dự án luật, kiến nghị về luật thông qua hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn và hỗ trợ việc chuẩn bị hồ sơ sáng kiến pháp luật, soạn thảo dự án.
- Cơ quan chủ trì thẩm tra dành thời gian phối hợp từ đầu với cơ quan soạn thảo để trao đổi, xử lý các vấn đề thuộc nội dung dự án luật; thu hẹp các vấn đề có ý kiến khác nhau. Cơ quan tham gia thẩm tra có trách nhiệm thẩm tra phần nội dung liên quan đến lĩnh vực được phân công phụ trách. Báo cáo thẩm tra của cơ quan chủ trì thẩm tra cần tập trung phân tích, phản biện và đưa ra các kiến nghị thể hiện chính kiến về các chính sách được đề xuất trong dự án; nêu rõ những vấn đề tán thành, những vấn đề không tán thành, những vấn đề cần bổ sung, hoàn chỉnh và lý do cụ thể; đồng thời đề xuất những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trình Quốc hội xem xét, thảo luận. Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội cần dành nhiều thời gian hơn cho việc thẩm tra, hoàn thiện dự án.
- Trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, tăng cường tổ chức các hội nghị trực tuyến với sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, hoặc hội nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách để xin ý kiến về các dự án luật. Thành phần tham dự, ngoài đại biểu Quốc hội, có thể mời thêm các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thuộc lĩnh vực của dự án. Tăng thời gian làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội để thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật. Đồng thời, cần bảo đảm hoạt động xây dựng pháp luật luôn là một diễn đàn mở để đón nhận ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp, các đối tượng chịu sự tác động của dự án.
- Tại kỳ họp, Quốc hội tập trung thảo luận về những vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan trình, Đoàn thư ký kỳ họp dự kiến những nội dung cơ bản, những vấn đề quan trọng còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án luật cần xin ý kiến đại biểu Quốc hội, làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội được tổng hợp, tiếp thu, giải trình và báo cáo đầy đủ với Quốc hội.
Thứ hai, trong hoạt động giám sát:
- Nghiên cứu, tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm và việc xử lý kết quả trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2012).
- Tiếp tục hoàn thiện thủ tục chất vấn theo nhóm vấn đề, dành toàn bộ thời gian của phiên chất vấn tại hội trường cho việc hỏi và trả lời câu hỏi chất vấn trực tiếp. Trên cơ sở chất vấn của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến một số nhóm vấn đề quan trọng, được cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm để chất vấn tại hội trường. Đại biểu Quốc hội chất vấn từng nhóm vấn đề theo hướng đối thoại, tranh luận. Căn cứ vào kết quả chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và khi cần thiết trình Quốc hội ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Nghị quyết cần nêu rõ kết quả chất vấn, trách nhiệm của người trả lời chất vấn và các cơ quan, tổ chức hữu quan; các đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật.
Hằng năm, tổ chức ít nhất hai lần chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tăng cường hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội về những vấn đề thuộc lĩnh vực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội phụ trách. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương và các đại biểu Quốc hội quan tâm có thể đăng ký tham dự phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội. Tùy theo nội dung, có thể tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp, trực tuyến để các đại biểu Quốc hội tham gia và nhân dân theo dõi, giám sát, bảo đảm để hoạt động của các cơ quan nhà nước gần dân hơn, công khai hơn, minh bạch hơn.
- Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội được thông qua tại kỳ họp thứ nhất của năm trước để có thời gian, điều kiện cho các đại biểu Quốc hội, các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội triển khai thực hiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội tại địa phương, bảo đảm trong cùng một thời điểm chỉ có một đoàn giám sát của cơ quan của Quốc hội tại một tỉnh, thành phố.
Thứ ba, trong quyết định các vấn đề quan trọng:
- Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội tham gia thẩm tra và có ý kiến bằng văn bản về dự toán ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm của bộ, ngành thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách; Ủy ban Tài chính, ngân sách chủ trì thẩm tra toàn bộ dự toán ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương hằng năm. Nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách phải phản ánh ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban khác của Quốc hội. Chính phủ, các cơ quan trình dự án, báo cáo có trách nhiệm bảo đảm để đại biểu Quốc hội có đầy đủ thông tin cần thiết khi tham gia quyết định ngân sách nhà nước.
- Khi cần thiết, tiến hành xem xét tại hai kỳ họp Quốc hội đối với dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định. Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội thẩm tra và có ý kiến bằng văn bản đối với dự án, công trình thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách. Cơ quan chủ trì thẩm tra chủ động nghiên cứu, thu thập thông tin, tư liệu liên quan đến dự án, công trình; phối hợp với cơ quan trình ngay từ đầu quá trình chuẩn bị để trao đổi, xử lý các vấn đề thuộc nội dung của dự án, công trình; tổ chức hội nghị chuyên gia, thu hút các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn độc lập thẩm định các vấn đề khoa học - công nghệ; tổ chức lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động của dự án, công trình.
Thứ tư, trong tổ chức kỳ họp Quốc hội:
- Tập trung nâng cao chất lượng chuẩn bị các dự án, đề án, báo cáo trình Quốc hội; tăng hoạt động giữa hai kỳ họp Quốc hội của đại biểu Quốc hội (trước hết là đại biểu Quốc hội chuyên trách), Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội. Cụ thể, sẽ tổ chức xin ý kiến về các dự án luật, một số báo cáo, dự án, đề án quan trọng tại hội nghị trực tuyến với sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, hoặc hội nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách; tổ chức các hội nghị tư vấn để xin ý kiến chuyên gia; phát huy vai trò của các nhà khoa học, các nhà quản lý, đặc biệt là đại biểu Quốc hội chuyên trách.
- Xem xét, thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội, các dự án, đề án, báo cáo khác tại kỳ họp Quốc hội theo hướng tăng thời gian thảo luận, rút ngắn thời gian trình bày văn bản; tập trung thuyết trình, làm rõ những vấn đề cơ bản, quan trọng của nội dung trình. Văn bản của cơ quan, tổ chức trình phải nêu rõ nội dung cần báo cáo, những vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau cần xin ý kiến Quốc hội. Báo cáo thẩm tra tập trung phân tích, phản biện và đưa ra kiến nghị thể hiện chính kiến của cơ quan thẩm tra về các chính sách được đề xuất trong dự án, đề án, báo cáo; đồng thời, nêu rõ những vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau và đề xuất phương án xử lý. Bố trí thời gian thảo luận tại hội trường phù hợp với nội dung và phạm vi của từng dự án, đề án, báo cáo; tăng cường đối thoại, tranh luận về các vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau.
Thứ năm, trong tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri:
- Tổ chức nhiều hình thức tiếp xúc cử tri phù hợp, bảo đảm để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở nơi ứng cử, nơi cư trú, nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu Quốc hội dành thời gian gặp, nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; gắn nội dung tiếp xúc cử tri với việc chuẩn bị kỳ họp Quốc hội, hoạt động của các cơ quan của Quốc hội.
- Thông báo công khai nội dung, chương trình, lịch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; tạo điều kiện thuận lợi để cử tri có thể tham dự các cuộc tiếp xúc; bảo đảm để đại biểu Quốc hội trực tiếp gặp gỡ với cử tri; tạo không khí cởi mở, dân chủ, trao đổi thẳng thắn giữa cử tri với đại biểu Quốc hội và dành thời gian để cử tri nêu ý kiến, kiến nghị. Phân định trách nhiệm giải quyết kiến nghị cử tri của từng cấp, từng cơ quan, tổ chức; có kế hoạch theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị và thông báo kết quả giải quyết đến cử tri, bảo đảm để mọi kiến nghị của cử tri dù đã giải quyết hay chưa giải quyết đều được trả lời công khai, đúng thời hạn luật định.
Thứ sáu, trong công tác bảo đảm:
- Tạo điều kiện thuận lợi để báo chí tiếp cận, đưa tin về hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và bảo đảm việc đưa tin chính xác, khách quan theo quy định của pháp luật về báo chí. Tăng thời lượng các chương trình phát thanh và truyền hình về Quốc hội trên các kênh truyền hình phủ sóng toàn quốc; xây dựng kênh truyền hình Quốc hội phù hợp với điều kiện của nước ta.
- Cung cấp đầy đủ thông tin về việc chuẩn bị các dự án, đề án, báo cáo trình Quốc hội cho đại biểu Quốc hội; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm thông qua truyền hình trực tuyến từ trụ sở Quốc hội đến các khu vực và 63 tỉnh, thành phố; tổ chức thư viện Quốc hội, cổng thông tin điện tử Quốc hội; chuẩn bị điều kiện, cơ sở vật chất - kỹ thuật nâng cao chất lượng Quốc hội điện tử.
- Kiện toàn bộ máy cơ quan tham mưu, giúp việc theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng; có sự liên thông, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, bảo đảm không chồng chéo và phân tán nguồn lực. Tổng kết hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, xây dựng cơ chế hoạt động hiệu quả, bảo đảm liên thông, gắn kết với Văn phòng Quốc hội trong việc phục vụ hoạt động của đại biểu Quốc hội./.
40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan  (29/01/2013)
Chiến lược “xoay trục - đảo chiều” có đem lại thành công cho nước Mỹ?  (29/01/2013)
Chủ tịch nước thăm Khu di tích quốc gia Tân Trào  (28/01/2013)
Phó Chủ tịch nước tiếp Chủ tịch Quỹ Nippon của Nhật  (28/01/2013)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay