Một số vấn đề về nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động báo chí của Hải Phòng

Trần Thị Hà Giang Trưởng phòng Báo chí và Xuất bản, Sở Thông tin Truyền thông thành phố Hải Phòng
19:31, ngày 06-12-2012
TCCSĐT - Hải Phòng có đầy đủ các điều kiện để nhanh chóng hội nhập với xu hướng phát triển của truyền thông hiện đại; đây cũng là địa phương có tốc độ phát triển nhanh, là nơi lao động, sinh sống, học tập của nhiều tầng lớp nhân dân; đồng thời cũng là nơi dễ nhận những tác động, ảnh hưởng của các xu thế văn hoá được du nhập theo con đường hàng hải. Vì vậy, hoạt động báo chí và quản lý hoạt động báo chí đòi hỏi phải theo kịp yêu cầu của thực tiễn.

Tình hình công tác quản lý báo chí 

Trên địa bàn Hải Phòng hiện có 34 cơ quan báo chí, gồm: 6 cơ quan báo chí của thành phố, 2 cơ quan báo chí của lực lượng vũ trang, 26 văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các báo trung ương, các bộ, ngành. 

Trong thời gian gần đây, công tác quản lý nhà nước về báo chí tại thành phố Hải Phòng đã có những điều chỉnh tích cực để phù hợp với tình hình mới, như chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích; mở rộng các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các báo trung ương, bộ, ngành; nỗ lực phối hợp các cơ quan báo chí vào hoạt động chung, tạo thành một cộng đồng báo chí gắn kết,... 

Tuy nhiên, hoạt động báo chí của Hải Phòng cũng có những bất cập, như đôi lúc chưa làm chủ thông tin, chưa định hướng tốt dư luận xã hội; hoạt động báo chí chưa mang lại hiệu ứng cao, hiệu quả thông tin tuyên truyền trên báo chí còn hạn chế; chưa thể hiện sự đóng góp tích cực để phát triển thành phố...; khi xảy ra các vụ việc “nổi cộm”, các cơ quan quản lý báo chí chưa phát huy hết chức năng tham mưu, chưa tạo được sự phối hợp thống nhất trong đăng tải nội dung thông tin, gây ảnh hưởng tới đời sống xã hội; vẫn tồn tại một số biểu hiện thương mại hóa báo chí, chạy theo thị hiếu không lành mạnh của một số ít công chúng,…; việc quản lý các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí trung ương trên địa bàn còn bất cập.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên là do hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí trên địa bàn thời gian qua chưa cao. Điều đó có thể nhận thấy trên một số phương diện:

- Công tác xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp báo chí còn chậm. 

- Công tác ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí, xây dựng chế độ, chính sách về báo chí trong tổ chức thực hiện còn chưa đầy đủ.

- Công tác tổ chức thông tin cho báo chí, quản lý thông tin của báo chí khi xảy ra các sự cố nghiêm trọng còn bị động, lúng túng, chưa tổ chức được lực lượng thông tin chính thống, để thông tin đi sai lệch với bản chất của sự việc, có lúc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, gây hiệu ứng xấu trong dư luận xã hội.

- Công tác quản lý hoạt động của báo chí liên quan đến nước ngoài và hoạt động báo chí nước ngoài tại Hải Phòng nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh thành phố còn chưa được quan tâm. 

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ báo chí; việc khen thưởng, tôn vinh trong hoạt động báo chí; hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển báo chí và việc chấp hành pháp luật về báo chí; việc thi hành các biện pháp ngăn chặn hoạt động báo chí trái pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí,… còn hạn chế.

- Tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý chưa đồng bộ, hiệu quả; văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chưa đầy đủ...

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý báo chí 

Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, báo chí Hải Phòng phát triển với tư cách là một bộ phận của báo chí Việt Nam và báo chí thế giới. Với những tiềm năng hiện có, Hải Phòng cần sớm hội nhập với những khuynh hướng phát triển của báo chí thế giới. Trong bối cảnh xuất hiện các xu hướng mới, như truyền thông hội tụ với các tòa soạn đa phương tiện; ngôn ngữ truyền thông hiện đại; phát triển kinh tế báo chí; hình thành các cơ quan báo chí lớn; phát triển mạnh mẽ các báo mạng điện tử... công tác quản lý báo chí sẽ được mở rộng và cũng gặp khó khăn, phức tạp hơn.

Trong bối cảnh đó, nền tảng, quan điểm xuyên suốt, nhiệm vụ chính trị hàng đầu đối với mọi hoạt động của báo chí Hải Phòng là cần gắn chặt với nội dung Nghị quyết số 32/NQ-TW, ngày 5-8-2003, của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: “Thành phố phải tập trung xây dựng và phát triển để Hải Phòng xứng đáng là thành phố cảng, công nghiệp hiện đại; là đô thị trung tâm cấp quốc gia…; một cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế động lực phía Bắc; một trọng điểm phát triển kinh tế biển…; một pháo đài bất khả xâm phạm về quốc phòng - an ninh; có tổ chức đảng và hệ thống chính trị không ngừng lớn mạnh, đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Phấn đấu Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp văn minh, hiện đại trước năm 2020”.

Để công tác quản lý báo chí trong thời gian tới ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu, cần quán triệt các quan điểm: Một là, hoạt động quản lý báo chí nhằm phục vụ sự nghiệp cách mạng phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Hai là, quản lý về báo chí bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tạo điều kiện cho hoạt động báo chí phát triển trong khuôn khổ của pháp luật. Ba là, quản lý về báo chí theo kịp trình độ phát triển cao của phương tiện kỹ thuật, công nghệ truyền thông hiện đại. Bốn là, quản lý về báo chí phù hợp với cơ chế vận hành trong điều kiện kinh tế thị trường. 

Trên cơ sở đó, xin đề cập đến ba nhóm giải pháp lớn nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý báo chí của thành phố Hải Phòng thời gian tới:

Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về quản lý hoạt động báo chí

- Nâng cao nhận thức đối với các cơ quan lãnh đạo quản lý báo chí và quản lý hoạt động báo chí, thông qua các giải pháp: Tập trung tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thành phố về phát triển báo chí và pháp luật về báo chí; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan tuyên truyền về hoạt động báo chí và quản lý báo chí; nâng cao chất lượng của công tác tổ chức, quản lý thông tin báo chí,... Sở Thông tin và Truyền thông là đầu mối, chủ động kết nối thông tin với các cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin định kỳ, thường xuyên cho các cơ quan báo chí, khai thác tối đa lợi thế hệ thống Cổng thông tin điện tử thành phố trong cung cấp thông tin cho báo chí. 

- Nâng cao nhận thức của người làm báo: Xây dựng một đội ngũ nhà báo của Hải Phòng có tâm, có tài và có tầm, hướng nhà báo tới phẩm chất trung thực, sự ngay thẳng trước sự thật khách quan, bản lĩnh bảo vệ chân lý và lẽ phải; xây dựng bộ Quy tắc nghề nghiệp riêng cho mỗi cơ quan báo chí dựa trên cơ sở Luật Báo chí, Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Hội Nhà báo thành phố cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chấp hành những quy định về đạo đức nghề nghiệp; nâng cao hiệu quả của công tác khen thưởng, tôn vinh trong hoạt động báo chí, xây dựng và tổ chức thực hiện giải báo chí hằng năm của thành phố Hải Phòng do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì;… 

Nhóm giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp 

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí: 

Cần hoàn thiện Luật Báo chí, sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn; nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa văn bản của Trung ương thực hiện tại địa phương, thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện; xây dựng, hoàn thiện, triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phát ngôn và chế độ cung cấp thông tin cho báo chí, Quy định về quyền hạn trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, Quy chế hoạt động của các cơ quan đại diện, phóng viên thường trú tại Hải Phòng,...; xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển báo chí, xây dựng một số chuyên đề phục vụ công tác quản lý nhà nước về báo chí; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong quản lý thông tin; nâng cao hiệu quả định hướng, đánh giá thông tin, tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của báo chí; triển khai thực hiện đúng tiến độ quy hoạch phát triển báo chí, tránh sự chồng chéo, lãng phí trong hoạt động,…

- Giải pháp hoàn thiện chế độ chính sách: Hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính trong hoạt động báo chí, tạo điều kiện cho báo chí sớm về chủ về tài chính, có cơ chế mở rộng việc xã hội hóa bằng các hình thức thích hợp theo quy định của pháp luật; có chính sách trợ giá cho các cơ quan báo chí phục vụ các nhiệm vụ chính trị; tạo điều kiện để các cơ quan báo chí mở rộng hợp tác quốc tế, đầu tư khoa học - công nghệ trong in ấn, phát hành, phát sóng, thu tín hiệu, phát triển thêm các loại hình báo chí mới, khuyến khích xây dựng tòa soạn đa phương tiện,…; nghiên cứu xây dựng một khu vực văn phòng tập trung cho các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại Hải Phòng.

- Hoàn thiện cơ chế quản lý, như bổ sung các quy định nhằm cải tiến phương thức, lề lối làm việc, cơ chế phối hợp thống nhất giữa các cơ quan quản lý báo chí; xây dựng tốt các nguyên tắc làm việc và quy chế phối hợp trong sự vận hành của bộ máy quản lý nhà nước về báo chí, phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chỉ đạo, cơ quan chủ quản, người đứng đầu cơ quan báo chí; triển khai có hiệu quả quy chế phối hợp phân công nhiệm vụ quản lý báo chí giữa Sở Thông tin và Truyền thông với các ban, ngành liên quan. 

Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực quản lý hoạt động báo chí

- Tổ chức đào tạo bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, xây dựng đội ngũ, nâng cao chất lượng, trình độ đội ngũ cán bộ quản lý báo chí và đội ngũ làm công tác báo chí. Hằng năm, cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí cần rà soát, đánh giá công tác quy hoạch cán bộ, thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nguồn; chuẩn bị đội ngũ kế cận các chức danh chủ chốt; bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín vào các vị trí quan trọng. Đội ngũ cán bộ chủ chốt, lãnh đạo ở cơ quan báo chí phải được đào tạo chuyên ngành báo chí và chuyên ngành phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, có trình độ lý luận chính trị. 

- Cần có những quy định cụ thể về tuyển dụng cán bộ, sắp xếp và bố trí cán bộ; có chính sách đào tạo và đào tạo lại những cán bộ quản lý báo chí để đáp ứng yêu cầu phát triển chung của xã hội và không tụt hậu với các nước trong khu vực và trên thế giới./.