Tiền Giang đổi mới công tác tuyên giáo ở cơ sở
Tiền Giang là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long có diện tích tự nhiên 2.481 km2, dân số gần 1.700.000 người. Tiền Giang là cửa ngõ nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông. Hiện nay, Tiền Giang nằm trong vùng phụ cận kinh tế trọng điểm phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bình Dương - Bà Rịa - Vũng Tàu). Với địa thế đó, Tiền Giang có nhiều thuận lợi cho phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, mở rộng giao lưu kinh tế.
Trong quá trình hình thành và chinh phục thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm để tạo dựng cuộc sống, người dân Tiền Giang luôn cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất, kiên cường bất khuất trong đấu tranh. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân Tiền Giang đã lập nhiều chiến công vang dội với những chiến thắng như: Cổ Cò, Giồng Dứ, Long Hưng, Ấp Bắc... Nhiều anh hùng liệt sĩ tên tuổi còn mãi trong ký ức mọi người như Trừ Văn Thố, Lê Thị Hồng Gấm...
Tiền Giang có lực lượng cán bộ khoa học - kỹ thuật đông nhất đồng bằng sông Cửu Long với 73.089 người; công nhân kỹ thuật 28.071 người; trung học chuyên nghiệp 30.387 người; trình độ cao đẳng và đại học là 14.465 người và trên đại học là 166 người.
Về cơ cấu kinh tế ngành năm 2005, giá trị thu nhập GDP khu vực 1 chiếm 48,0%; khu vực 2 chiếm 22,5%; khu vực 3 chiếm 29,5%. Thu nhập bình quân đạt 7,52 triệu đồng/người/năm. Hoạt động thương mại phát triển đa dạng và phong phú, chất lượng hàng hóa bán ra được nâng lên, phương thức mua bán dễ dàng, thuận lợi, đáp ứng nhanh chóng mọi nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của dân cư, ngành du lịch có nhịp độ phát triển khá.
Từ thực tiễn của Tiền Giang, trên cơ sở nhận thức đúng vai trò, vị trí và sức mạnh của công tác tư tưởng, lý luận trong công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 3-9-1997, của Ban Bí thư Trung ương (khóa VIII); Thông báo số 71-TB/TW, ngày 7-6-1997 của Thường vụ Bộ Chính trị (khóa VIII), các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác tư tưởng, ngày 18-9-1997, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã có công văn 144-CV/TU về tăng cường lãnh đạo đổi mới công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên, việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. Quán triệt các chỉ thị của Trung ương và Tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, nhất là cấp xã, phường, thị trấn đã nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tư tưởng,Công tác tuyên truyền, báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên dư luận xã hội ở cơ sở được coi là một lực lượng quan trọng, có vai trò chính trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tiền Giang có 9 huyện, thị, thành phố với 169 xã, phường, thị trấn. Hệ thống tuyên giáo ở cơ sở của tỉnh có 146 ban tuyên giáo xã, 16 ban tuyên giáo phường và 7 ban tuyên giáo thị trấn.
Qua khảo sát thực tế công tác tuyên giáo ở các đảng bộ An Thái Chung (huyện Cái Bè), Tam Bình (Cai Lậy), Tân Lập (huyện Tân Phước), phường 2 (thị xã Gò Công), Tân Thành (huyện Gò Công Đông), cho thấy, hầu hết các đảng bộ đều rất quan tâm đến công tác tuyên giáo. Các đảng bộ cho rằng việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đưa chủ trương, chính sách vào cuộc sống nhằm đem lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng. Trên cơ sở nhận thức đó, các đảng bộ cơ sở luôn quan tâm xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền vận động như: tổ chức tuyên truyền miệng; sinh hoạt đoàn thể; sinh hoạt ở khu dân cư; thông báo thời sự; tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh; cổ động trực quan và qua hoạt động văn hóa - văn nghệ. Trong đó, hình thức tuyên truyền miệng và tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh được coi là hai công cụ chủ yếu. Trong hoạt động tuyên truyền miệng, mỗi đảng bộ xã, phường, thị trấn đề ra quyết định phân công lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên trực thuộc cấp ủy. Số lượng báo cáo viên được phân công ở cấp xã từ 1 - 3 đồng chí và 5 - 7 đồng chí tuyên truyền viên. Bên cạnh đó là lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội với nhiệm vụ giúp đảng bộ nắm bắt, dự báo diễn biến tình hình tư tưởng trong nội bộ và ngoài xã hội. Đồng thời, các đảng bộ còn rất chú trọng chỉ đạo, sử dụng lực lượng tuyên truyền viên của Mặt trận và các đoàn thể trong hoạt động tuyên truyền.
Công tác khoa giáo của các đảng bộ xã, phường, thị trấn ở Tiền Giang đã có chuyển biến tích cực. Sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khoa giáo ở cơ sở chủ yếu là định hướng để các ngành chuyên môn hoạt động theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng. Quá trình đó được thúc đẩy nhất quán và đồng bộ dựa trên cơ sở nắm vững các quan điểm được thể hiện trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về các lĩnh vực khoa giáo và các quy định về hoạt động khoa giáo, qua các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn của cấp trên.
Cụ thể việc lãnh đạo công tác khoa giáo của các đảng bộ xã, phường, thị trấn trong thời gian qua được đánh giá ở một số lĩnh vực sau:
- Về chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn 2001 - 2010 ở Tiền Giang là khắc phục tình trạng bất cập trên nhiều lĩnh vực; tiếp tục đổi mới một cách có hệ thống và đồng bộ; tạo cơ sở để nâng cao rõ rệt chất lượng và hiệu quả giáo dục; phục vụ đắc lực công tác công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước hết là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh nhằm đưa Tiền Giang phát triển nhanh và bền vững.
- Công tác vận động toàn dân chăm lo công tác giáo dục đã đạt được một số kết quả như: Hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có hội khuyến học và Hội đồng giáo dục. Dưới sự lãnh đạo của đảng bộ, hội khuyến học đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể chính trị - xã hội như Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... để vận động xóa mù chữ, đưa trẻ em đến lớp... Hằng năm, hội khuyến học cơ sở đã tặng hàng chục suất học bổng và nhiều hiện vật có giá trị cho học sinh giỏi, học sinh nghèo, phối hợp với ngành giáo dục đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia xây dựng xã hội học tập.
- Về công tác y tế, đã chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh, rèn luyện thân thể, hưởng ứng các đợt tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, vệ sinh môi trường, phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em và các bệnh xã hội khác.
Kết quả điều tra ở một số địa bàn, cho thấy đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp xã, phường, thị trấn trình độ văn hóa, chính trị và chuyên môn nghiệp vụ còn thấp. Cụ thể có 3,85% trình độ tiểu học, 11,9% trình độ trung học cơ sở, trình độ trung học phổ thông là 40,38%, cao đẳng là 4,62%, đại học là 34,62%. Về trình độ lý luận chính trị sơ cấp là 28,85% trung cấp là 40%, trình độ cao cấp chỉ có 15% và đại học là 8,55%. Trình độ đại học chuyên ngành công tác tư tưởng chỉ có 10,38% và 16,5% báo cáo viên được bồi dưỡng nghiệp vụ là quá thấp, cho nên hoạt động công tác tư tưởng ở cơ sở gặp không ít khó khăn. Qua kết quả điều tra chỉ có 28,48% lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên được định hướng thông tin là còn quá nhiều bất cập. Khả năng diễn đạt tốt ở báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cấp xã, phường, thị trấn mới chỉ đạt 8,8%. Việc triển khai học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước nhìn chung còn đơn giản, nhàm chán, vẫn sử dụng phương pháp cũ, lạc hậu; báo cáo viên đọc toàn văn, trong khi đó người học thiếu tài liệu nghiên cứu, học tập dẫn đến tình trạng người học hiểu chung chung, không đầy đủ, cụ thể.
Từ thực tiễn họat động công tác tuyên giáo cơ sở ở Tiền Giang trong những năm qua, bước đầu rút ra bài học kinh nghiệm sau:
Một là, phải đổi mới tư duy về công tác tuyên giáo, đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ thực tiễn của địa phương, Tỉnh ủy Tiền Giang đã định hướng chung cho công tác tuyên giáo của tỉnh trong những năm tới là tập trung chỉ đạo tuyên truyền nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo của Đảng là "coi phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội". Để đổi mới phương pháp lãnh đạo, Đảng bộ cần đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò và tác dụng của công tác tuyên truyền, giáo dục nói riêng, công tác tư tưởng nói chung của cả hệ thống chính trị ở cơ sở từ cấp ủy đến toàn bộ cán bộ, đảng viên; từ bộ máy đảng, chính quyền đến mặt trận và các đoàn thể quần chúng, từ đó tạo ra sự thống nhất trong chủ trương và hành động của toàn Đảng bộ đối với công tác tuyên giáo.
Hai là, kiện toàn bộ máy tổ chức và hoạt động của Ban Tuyên giáo cơ sở đang là đòi hỏi cấp thiết. Kiện toàn bộ máy Ban Tuyên giáo xã, phường, thị trấn phải dựa trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Việc kiện toàn bộ máy tổ chức Ban Tuyên giáo xã, phường, thị trấn nên theo cơ cấu có đồng chí ủy viên Thường vụ hoặc đảng ủy viên làm Trưởng ban. Đi đôi với kiện toàn tổ chức, phải tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng cho được quy chế làm việc của Ban Tuyên giáo cơ sở, trong đó, xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm, chế độ làm việc và mối quan hệ làm việc đối với Ban Tuyên giáo cấp trên cũng như với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể xã hội khác.
Ba là, phải củng cố đội ngũ chuyên trách làm công tác tuyên giáo có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Ban Tuyên giáo cơ sở và cán bộ làm công tác tuyên giáo phải nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Phải coi công tác tuyên giáo nói chung, đặc biệt là công tác văn hóa - văn nghệ là một động lực, phương thức quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, phục vụ tích cực cho nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đồng thời, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có trình độ, năng lực và nhiệt tình trong công tác theo nội dung Chỉ thị 14-CT/TW và Thông báo 71-TB/TW.
Chú trọng đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị và từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị ở cơ sở.
Hơn hai mươi năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới ngọn cờ của Đảng, bằng nội lực và sức mạnh tự thân cũng như sự chỉ đạo sát sao của các ngành trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang đã thu được những thành tựu rất đáng khích lệ, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của công tác tuyên giáo. Trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, công tác tuyên giáo ở Tiền Giang đang tiếp tục chuẩn bị cho mình một hành trang đủ mạnh đủ để tự tin là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng trước nhu cầu hội nhập.
Cơ sở lý luận và điều kiện thực hiện Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa  (17/09/2007)
Về quá trình thực hiện chính sách tiền tệ và giá cả ở Việt Nam  (17/09/2007)
Đổi mới chức năng xã hội của Nhà nước  (17/09/2007)
WTO với vấn đề giáo dục ở nước ta  (17/09/2007)
Bước phát triển trong quan hệ Việt Nam - Nga - Séc - Ba Lan  (17/09/2007)
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên