WTO với vấn đề giáo dục ở nước ta

Bùi Hiền
15:57, ngày 17-09-2007

Thực hiện Cam kết có điều kiện về dịch vụ giáo dục trong WTO, nền giáo dục nước nhà sẽ đón nhận nhiều cơ hội đồng thời phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Làm thế nào để tận dụng tối đa các mặt tích cực và hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực của nó, nhanh chóng xây dựng nền giáo dục Việt Nam tiên tiến, khoa học và hiện đại... đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là tâm huyết của tác giả bài viết gửi tới bạn đọc.

Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo đúng tên gọi của nó, thì WTO chỉ là không gian buôn bán, trao đổi hàng hoá trên phạm vi toàn cầu, nhưng trên thực tế nó lại đòi hỏi các nước phải tuân theo những quy định chung nghiêm ngặt, liên quan đến nhiều lĩnh vực hoạt động ngoài thương mại. Cựu Thủ tướng thuộc Đảng Xã hội Pháp đã nói: Luật lệ của WTO là do các nước giàu đặt ra và chỉ để phục vụ lợi ích của nước giàu. Quy định giáo dục là một ngành dịch vụ thương mại của WTO khá xa lạ đối với Việt Nam và mang tính áp đặt, nên không phải nước nào cũng tán thành và chịu cam kết. Song Việt Nam chấp nhận có điều kiện quan điểm đó và đã cam kết thực hiện một số điều chủ yếu sau đây với WTO (trích bản Cam kết về dịch vụ giáo dục của Việt Nam):

5 DỊCH VỤ GIÁO DỤC

Chỉ cam kết các lĩnh vực kỹ thuật, khoa học tự nhiên và công nghệ, quản trị kinh doanh và khoa học kinh doanh, kinh tế học, kế toán, luật quốc tế và đào tạo ngôn ngữ.

Đối với các phân ngành (C), (D) và (E) dưới đây: Chương trình đào tạo phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam phê chuẩn.

B. Dịch vụ giáo dục phổ thông cơ sở

(CPC 922)

(1) Chưa cam kết.

(2) Không hạn chế.

(3) Chưa cam kết.

(4) Chưa cam kết, trừ các cam kết chung.

(1) Chưa cam kết.

(2) Không hạn chế.

(3) Chưa cam kết.

(4) Chưa cam kết, trừ các cam kết chung.

C. Giáo dục bậc cao

(CPC 923)

D. Giáo dục cho người lớn (CPC 924)

E. Các dịch vụ giáo dục khác 929 bao gồm đào tạo ngoại ngữ

(1) Chưa cam kết.

(2) Không hạn chế.

(3) Không hạn chế, ngoại trừ:

Kể từ ngày gia nhập, chỉ cho phép thành lập liên doanh. Cho phép phía nước ngoài sở hữu đa số vốn trong liên doanh. Kể từ ngày 1-1-2009 sẽ cho phép thành lập cơ sở đào tạo 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Sau 3 năm kể từ ngày gia nhập: không hạn chế.

(4) Chưa cam kết, trừ các cam kết chung.

(1) Chưa cam kết.

(2) Không hạn chế.

(3) Giáo viên nước ngoài làm việc tại các cơ sở đào tạo có vốn đầu tư nước ngoài phải có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm giảng dạy và phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam công nhận về chuyên môn.

Những cam kết trên đây của Việt Nam đòi hỏi chúng ta, trước hết là trên bình diện chính sách vĩ mô, phải tìm ra những biện pháp phù hợp để khai thác triệt để các lợi ích có thể có, đồng thời ngăn ngừa, gạt bỏ được những ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp giáo dục của Việt Nam theo quan điểm "Giáo dục là quốc sách hàng đầu" với các chức năng "nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài" cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Điều quan trọng trước hết cần tìm hiểu là các nước phát triển đòi mở cửa dịch vụ giáo dục ở Việt Nam nhằm mục đích gì. Theo chúng tôi, mục đích trực tiếp trước mắt của họ là tạo nguồn nhân lực phù hợp với mục tiêu sản xuất, kinh doanh để họ đạt được lợi nhuận cao nhất trong thương mại, kinh doanh không chỉ ở Việt Nam (việc có vài tổ chức giáo dục nói rằng họ không có mục đích lợi nhuận chỉ là một cách che đậy mục đích kiếm lời gián tiếp lâu dài về sau mà thôi) vì hai lý do: nguồn tuyển sinh dồi dào và chi phí đào tạo thấp. Theo cam kết thì bên cạnh hình thức liên doanh, bắt đầu từ 1-1-2009, họ (tức các nước phát triển nhất trong WTO) được phép thành lập không hạn chế các cơ sở đào tạo 100% vốn nước ngoài đối với các phân ngành giáo dục bậc cao (C), giáo dục người lớn (D) và các dịch vụ giáo dục khác trong đó bao gồm đào tạo ngoại ngữ (E) (riêng vấn đề ngoại ngữ chúng tôi sẽ bàn tới sau), nghĩa là họ có thể tuyển thẳng số lượng lớn những học sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, các cử nhân, thạc sĩ và những người lớn khác (hiện nay nền giáo dục của chúng ta chưa thể đáp ứng đầy đủ nguyện vọng học tập của mọi người dân cả về số lượng và chất lượng) để trực tiếp tạo ra nguồn nhân lực theo yêu cầu và cho nhu cầu của họ tại Việt Nam và ngoài Việt Nam (thí dụ cho các doanh nghiệp ở nước thứ ba mà nhân công ở đó quá thiếu hoặc đắt đỏ hơn). Như vậy, về mặt số lượng, mục tiêu của nước ngoài phù hợp với mục tiêu của Việt Nam, nên chúng ta có thể tận dụng cơ hội này để nhanh chóng nâng nguồn nhân lực được đào tạo từ 27% hiện nay lên trên 40% vào năm 2010 và cao hơn nữa trong những năm tiếp theo. Song ngay trong việc tăng trưởng số lượng thuộc phạm vi các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, quản trị kinh doanh, luật pháp quốc tế v.v... theo cam kết trên chúng ta cũng cần có các biện pháp hữu hiệu để giám sát và điều chỉnh sao cho phù hợp với cơ cấu kinh tế - xã hội và các định hướng phát triển cơ bản và lâu dài của Việt Nam, nếu không nó sẽ dẫn tới sự mất cân đối nghiêm trọng về nguồn nhân lực cho các ngành nghề cần ưu tiên phát triển của Việt Nam.

Về chất lượng đào tạo đội ngũ lao động, chúng ta càng có cơ sở để hy vọng rằng, WTO cũng có thể giúp ta nhanh chóng đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động trong nước và thế giới, vì các cơ sở giáo dục của họ có những chuyên gia bậc cao, có cơ sở vật chất - kỹ thuật đào tạo tiên tiến, có nhiều kinh nghiệm quản lý giáo dục khá hiệu quả. Mặt mạnh này của họ cần được ngành giáo dục tận dụng tối đa để chẳng những sớm tạo đủ nguồn nhân lực tốt, mà còn nắm bắt được những ưu điểm của họ để nhanh chóng đưa nền giáo dục Việt Nam trong các lĩnh vực kể trên tiến lên ngang hàng với các nước tiên tiến. Song cũng ở mặt chất lượng đào tạo chúng ta cần thấy rõ sự khác biệt rất cơ bản là bên nước ngoài chủ yếu đòi hỏi trình độ chuyên môn, tay nghề cao cùng với tác phong công nghiệp tương ứng với các dây chuyền công nghệ hiện đại, với những ngành chuyên môn sâu, mà không cần tính đến nhân cách toàn diện của người lao động, trong khi Việt Nam đòi hỏi ngành giáo dục phải đào tạo người lao động có chất lượng toàn diện, trong đó chất lượng chuyên môn cao không được tách rời khỏi lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc và lý tưởng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hơn nữa, cũng cần phải thấy rõ sự khác biệt rất xa về chất lượng giữa loại trường chi nhánh xuất khẩu giáo dục này với các trường mẹ ở chính quốc. Trước hết nó khác biệt ở chỗ là tại trường mẹ kế hoạch và chương trình đào tạo bao giờ cũng có các phần nội dung xã hội nhân văn của họ. Bước vào thế kỷ XXI nhiều nước còn gọi đây là thế kỷ giáo dục nhân văn, nên chất lượng giáo dục của họ nói chung là khá toàn diện theo quan điểm nhân văn của mỗi nước. Bởi thế chi phí đào tạo ở các nước có nền giáo dục tiên tiến là rất cao, không phù hợp với khả năng tài chính của đại bộ phận phụ huynh học sinh của các nước đang phát triển muốn gửi con em đi du học ở nước ngoài. Một lượng học bổng khuyến khích quá ít ỏi không đủ đáp ứng nhu cầu về nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp của họ và của các nước đang phát triển trên khắp thế giới. Cho nên việc đưa dịch vụ giáo dục vào các nước này là biện pháp tối ưu đối với các nước phát triển. Suy ngẫm kỹ về phương thức đào tạo theo kiểu kỹ trị thực dụng ấy tại Việt Nam quả thực thấy nó rẻ hơn nhiều so với trong nước họ vì: họ có thể không phải tính đến những chi phí quốc gia và xã hội cho giáo dục trước đó của học sinh, có thể không phải chi trả học bổng mà chỉ cần miễn học phí cho học sinh (hiện nay Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đang cấp kinh phí cho nhiều đoàn tu nghiệp sinh Việt Nam sang nước họ để đào tạo công nhân theo địa chỉ), có thể rút ngắn thời gian đào tạo tới một, hai năm so với trường bình thường ở nước ta và nước họ, do chỉ tập trung vào dạy các môn chuyên ngành trực tiếp liên quan đến sản xuất, kinh doanh của họ (các môn học xã hội - nhân văn của Việt Nam hoặc của nước ngoài đều không được cam kết dạy ở các trường này). Để tận dụng triệt để các nhân tố tiết kiệm kể trên và đẩy nhanh tốc độ đào tạo nhân lực cho nhu cầu lớn lao này, các nước phát triển trong WTO mới cố đòi được mở dịch vụ giáo dục ở các nước đang phát triển.

Về bản chất kiểu giáo dục đào tạo kỹ trị thực dụng là cách thức tốt nhất và nhanh nhất tạo ra tại chỗ một đội ngũ những người rất mờ nhạt ý thức tự chủ, tự tôn dân tộc, mà sẵn sàng an phận làm thuê cho nước giàu. Bởi vậy, không nên đánh giá nhầm và ngộ nhận chất lượng cao của loại hình trường này ở nước ngoài với chất lượng thực sự tiên tiến của các trường mẹ tại chính quốc, rồi vồ vập, đón chào và cho họ mở cửa ồ ạt các dịch vụ giáo dục kiểu này. Trái lại, cần phải hết sức quan tâm giải quyết tốt những mặt tiêu cực trong chất lượng giáo dục của loại trường này trên lãnh thổ Việt Nam. Nếu không, nguy cơ chảy máu chất xám ngay tại Việt Nam là rất nghiêm trọng, và hậu quả tai hại của khuynh hướng giáo dục kỹ trị thực dụng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam là không thể lường trước hết được. Vậy là với nguồn tuyển sinh phong phú và chi phí đào tạo thấp ở Việt Nam, cộng thêm các thương hiệu giáo dục - đào tạo vốn đã nổi tiếng tiên tiến trên thị trường lao động quốc tế đang hợp lại thành lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ và chắc chắn nó sẽ tạo ra sức ép rất lớn đối với nền giáo dục Việt Nam. Nhờ có những lợi thế đó họ sẽ thu hút được đông đảo học sinh có năng lực nhất vào học. Cùng với tấm bằng có thương hiệu quốc tế nữa thì học sinh tốt nghiệp của họ sẽ dễ tìm được việc làm hơn và thu nhập cao hơn. Chính sức cạnh tranh ở đầu ra của dịch vụ giáo dục sẽ có tác dụng trực tiếp điều chỉnh, thậm chí chi phối cả đầu vào của cả hệ thống giáo dục - đào tạo bậc cao của Việt Nam. Tỷ lệ thí sinh đại học của các ngành xã hội nhân văn năm học vừa qua tụt xuống mức thấp nhất từ trước đến nay cho thấy xu thế thực dụng đang phát triển mạnh trong tầng lớp trẻ và cũng từ đó có thể chỉ ra cho thấy một viễn cảnh đáng quan ngại về nguồn nhân lực và nhân tài ở một số lĩnh vực nhất định sau khi ta vào WTO. Vì vậy, Nhà nước ta phải có những đối sách phù hợp ngay từ đầu thì giáo dục mới có thể làm tròn sứ mệnh của mình là vừa tận dụng được thời cơ sớm tạo ra một nguồn nhân lực phù hợp với cơ cấu vĩ mô của nền kinh tế, đủ về số lượng, mạnh về chất lượng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", mà lại vừa không để mình bị hòa tan trong WTO, không để bị cái "thế giới phẳng" của các nước giàu có nhất cố tình đè lên trên và kìm hãm mãi dưới tầng sâu của những nước chậm phát triển về kinh tế và bị buộc phải cam phận cung cấp không hạn chế những người làm thuê giá rẻ cho cái thế giới phẳng ấy.

Mục đích sâu xa, lâu dài của những nước yêu cầu Việt Nam mở cửa dịch vụ giáo dục không hạn chế, thì không có nghi ngờ gì cả là họ nhằm từng bước tác động làm thay đổi tận gốc nhân cách của học sinh, sinh viên theo những định hướng giá trị toàn cầu về mọi mặt của họ để cuối cùng là thu hút, lôi cuốn một bộ phận đáng kể những thanh niên có năng lực nhất của Việt Nam nghĩ như họ, làm theo họ và đi theo con đường phát triển chính trị - xã hội trên cái "thế giới phẳng" mà họ đang mong muốn hoàn toàn làm chủ. Cách thực thi những mục đích này thì "muôn hình, vạn trạng" và vô cùng tinh vi. Đây là một thực tế hiển nhiên mà người ta cố tình lảng tránh và che giấu, còn trong chúng ta thì lại có một số người chưa thấy hoặc có thấy nhưng ngần ngại đả động tới nó vì những lí do tế nhị riêng tư. Chân lý đơn giản này đã được lịch sử chứng minh rõ ràng rằng từ xưa đến nay mọi nền giáo dục, mọi kiểu nhà trường đều tự nhiên, đương nhiên tiến hành đánh giá, chọn lọc các giá trị chính trị, tư tưởng, đạo đức, kinh tế, văn hóa, khoa học v.v... hiện có ở trong và ngoài nước, rồi bằng những phương thức và phương pháp thích hợp nhất truyền đạt, bồi dưỡng, huấn luyện cho người học theo định hướng của các mục đích trước mắt và lâu dài của mình. Việt Nam đã chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, nên nền giáo dục của Việt Nam phải đào tạo cho được những con người xã hội chủ nghĩa thông minh, tài giỏi nhiều mặt, kiên định và sẵn sàng xả thân vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội như các thế hệ cha anh đã nêu gương. Đó là những định hướng giá trị cơ bản nhất của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà các nhà trường nước ngoài đều cố né tránh hoặc cố ý uốn chệch theo hướng các giá trị của họ. Bác Hồ đã chỉ rõ rằng, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa Việt Nam đương nhiên phải do và chỉ có thể do nền giáo dục xã hội chủ nghĩa Việt Nam tạo ra, chứ không thể trông cậy hoặc phó mặc cho nước ngoài. Tuy thế, chúng ta không hề "đóng cửa" mà vẫn đang ra sức tranh thủ học hỏi những thành tựu giáo dục tiên tiến nhất của thế giới. Cho dù các nền giáo dục tư bản chủ nghĩa có tiên tiến đến đâu thì mục đích của họ về bản chất cũng đều trái ngược tính chất xã hội chủ nghĩa của nền giáo dục Việt Nam. Đành rằng chúng ta chỉ cam kết cho mở một số lĩnh vực kể trên, hơn nữa còn ghi rõ "Chương trình đào tạo phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam phê chuẩn", "giáo viên nước ngoài làm việc tại các cơ sở đào tạo có vốn đầu tư nước ngoài phải có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm giảng dạy và phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam công nhận về chuyên môn", thế nhưng tất cả những điều đó cũng mới chỉ cho phép ta giám sát được yêu cầu và nội dung giáo dục kiến thức khoa học trong phạm vi các môn học ấy thôi. Cho nên, không thể yên tâm và bằng lòng với một vài quy định bắt buộc đó, vì rằng bản thân hệ thống chương trình đào tạo của các trường nước ngoài tại Việt Nam thiếu vắng các môn khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam tự nó đã làm mất đi tính cân đối trong việc hình thành nhân cách và thiên về giáo dục mang nặng tính chất kỹ trị theo định hướng giá trị của chủ nghĩa thực dụng rồi. Với tính hấp dẫn về các lợi ích kinh tế trước mắt, kiểu nhà trường kỹ trị - thực dụng này có thể có tác động làm xói mòn dần những giá trị nhân văn dân tộc và xã hội chủ nghĩa trong xã hội Việt Nam và kể ngay cả trong các trường học của chúng ta.

Có thể sẽ nảy sinh sức ép xã hội đòi nhà trường Việt Nam cũng phải tăng phần nội dung khoa học - kỹ thuật lên ngang các trường nước ngoài ấy và giảm thiểu các phần giáo dục xã hội và nhân văn (tại chính nước họ các trường học không hề được phép cắt bỏ những môn học xã hội nhân văn do Nhà nước quy định) để tấm bằng của mình cũng dễ dàng được chấp nhận tương đương với các nước trong khu vực và thế giới. Chạy theo đòi hỏi này là vô hình trung ta chỉ hướng tới mục đích tạo nguồn nhân lực sẵn sàng làm thuê cho nước ngoài, mà không cần biết đến hoặc quên đi lý tưởng độc lập, tự chủ, chấn hưng dân tộc để trong tương lai không xa Việt Nam có thể "sánh vai cùng các cường quốc năm châu" như lời căn dặn thanh, thiếu niên của Bác Hồ từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chừng nào đất nước Việt Nam chưa thực sự được chấn hưng, nền kinh tế chưa được phát triển như các nước thì đời sống nói chung và mức thu nhập nói riêng của người lao động Việt Nam, kể cả những người có chuyên môn và tay nghề cao, vẫn sẽ luôn luôn thấp hơn ở các nước phát triển và cũng thấp hơn cả ở các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Chắc hẳn không có một ai trong chúng ta muốn kéo dài mãi sự kém cỏi như thế, không ai muốn mang thân đi làm thuê mãi cho nước ngoài để mong có đời sống cao hơn đồng bào, đồng nghiệp của mình. Tuy nhiên, vẫn có một số ít người bị tiêm nhiễm nặng tư tưởng thực dụng muốn dựa vào nước ngoài để sớm tự tách ra cảnh nghèo nàn lạc hậu cho riêng mình. Còn tình trạng lạc hậu chung của cả đất nước Việt Nam hiện nay chỉ có thể được chấm dứt khi chúng ta làm cho tất cả mọi người Việt Nam, kể cả những người đi học nước ngoài hoặc theo học tại các trường nước ngoài trên đất nước mình, trước hết là những đảng viên và thanh niên, biết đặt lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc lên trên hết; sẵn sàng từ bỏ phần nào các quyền lợi riêng tư, tạm thời chấp nhận một số thiệt thòi vật chất nhất định trước mắt để đem hết trí tuệ và nhiệt tình ra phụng sự cho sự nghiệp chấn hưng dân tộc.

Việc phân tích cặn kẽ cả hai mục đích trước mắt và lâu dài của dịch vụ giáo dục trong WTO cho thấy, đối với sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta phương thức hiện diện thương mại, tức mở trường nước ngoài tại Việt Nam, tuy có mang lại không ít lợi ích trực tiếp trước mắt dễ nhận thấy, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn những nguy hại lâu dài, thật to lớn và rất khó lường, nên cần hết sức tỉnh táo tìm ra những đối sách thật khôn khéo và hữu hiệu để tận dụng được tối đa các mặt tích cực và hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực của nó. Điều này chúng ta tin rằng có thể làm được, nếu tất cả đều thực sự đồng lòng kiên quyết và khôn khéo áp dụng đồng bộ các phương sách thích hợp trên cơ sở giữ vững lập trường độc lập, không hữu khuynh buông lỏng nguyên tắc trước sức ép thường xuyên về nhiều mặt của đối tác và cũng là đối thủ. Những phương sách này vừa phải nhằm tương tác với những lợi ích kinh tế trực tiếp trước mắt để cùng có lợi cho cả hai bên, vừa phải hướng tới ngăn chặn các mục tiêu chính trị - xã hội tiêu cực lâu dài của đối phương. Bởi vì, suy cho cùng lĩnh vực giáo dục - đào tạo là nơi diễn ra thầm lặng, nhưng quyết liệt nhất giữa các đối phương nhằm tranh thủ và chiếm lĩnh trọn vẹn trái tim và khối óc của thế hệ trẻ về phía mình, để xây dựng vững chắc một cơ sở chính trị - kinh tế - xã hội bảo đảm cho thắng lợi cuối cùng của những mục tiêu chiến lược của mình. Cho nên, chúng ta không thể coi nhẹ và lơ là với hoạt động giáo dục của nước ngoài trên đất nước Việt Nam.

Để tiếp tục phát triển mạnh mẽ nền giáo dục Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình gia nhập sâu vào WTO, chúng ta cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, điều kiện cấp phép mở trường. Người xin mở dịch vụ phải cam kết tuân thủ đầy đủ các bộ luật hiện hành của nước ta, trước hết là Bộ Luật giáo dục, ngoại trừ các điều khoản luật đã có thỏa thuận riêng với WTO. Chỉ cho phép mở dịch vụ giáo dục tại Việt Nam những trường lớp đã được cấp giấy thẩm định chất lượng quốc tế và được Việt Nam thẩm định lại tính phù hợp về năng lực đào tạo (năng lực chuyên môn và năng lực tài chính) với nhu cầu số lượng và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở nước ta. Điều kiện này bảo đảm chắc chắn ngay từ đầu về chất lượng và số lượng nhân lực được đào tạo, tránh được lãng phí và mang lại lợi ích cho cả hai bên. Chỉ được thuê đất xây trường hoặc thuê nhà làm trường theo chuẩn cơ sở vật chất trường học của Việt Nam tại địa điểm do Chính phủ Việt Nam cho phép. Giá đất được phía Việt Nam quy định tùy theo những ưu tiên sinh lợi và ưu tiên ngành nghề. Các ngành nghề không thuộc diện khuyến khích thì không được hưởng ưu tiên. Có các biện pháp hành chính, kinh tế hạn chế hoặc từ chối cho thuê đất làm trường đào tạo theo hướng xâm hại tới lợi ích trước mắt và lâu dài của Việt Nam. Được phép xây dựng hoặc thuê nhà làm ký túc xá cho học sinh theo Luật Đầu tư doanh nghiệp nước ngoài của Việt Nam. Ngoài hoạt động chuyên môn đào tạo ra, cơ sở dịch vụ giáo dục nước ngoài phải tuân thủ và chấp hành đúng các quy định trong Luật Giáo dục của Việt Nam. Không được cản trở và hạn chế thành lập các tổ chức chính trị - xã hội của Việt Nam trong nhà trường nước ngoài để tạo điều kiện cho học sinh được hưởng các quyền lợi như các công dân khác của Việt Nam. Phải đình chỉ hoạt động giáo dục, nếu cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam kết luận là cơ sở đó đã vi phạm nghiêm trọng các pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Hai là, điều kiện tuyển sinh. Chỉ được tuyển công dân Việt Nam và công dân nước ngoài cư trú lâu dài tại Việt Nam đã có chứng chỉ bằng cấp tương ứng với cấp bậc dự tuyển và phải trả phí đào tạo mà nhà nước Việt Nam đã chi cho thí sinh ấy trong suốt cả quá trình học tập trước đó ở nhà trường Việt Nam, nhất là đối với những học sinh đã được học qua các trường lớp đặc biệt, đã được cấp học bổng. Được thu, giảm, miễn học phí và cấp học bổng theo các mức thỏa thuận với phía Việt Nam trong từng địa bàn và từng thời điểm để đảm bảo sự ổn định tình hình giáo dục ở trong nước, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh.

Ba là, điều kiện tuyển chọn, sử dụng cán bộ. Nhà cung cấp dịch vụ giáo dục được phép tự mình chỉ định người quản lí và giám đốc điều hành cơ sở giáo dục của mình, nhưng phải làm thủ tục nhập cảnh và cư trú có thời hạn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Được phép tuyển dụng chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước Việt Nam, nhưng đều phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam công nhận có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu về chất lượng của từng bộ môn. Phải ưu tiên tuyển dụng chuyên gia Việt Nam có trình độ chuyên môn phù hợp và trả mức lương tương đương với chuyên gia nước ngoài cùng ngạch bậc. Chỉ được di chuyển chuyên gia, cán bộ giảng dạy trong phạm vi những cơ sở giáo dục của một chủ thể đăng ký dịch vụ tại Việt Nam. Không được phép chuyển nhượng chuyên gia tại Việt Nam. Nhà quản lý và các chuyên gia không được tiến hành các hoạt động không liên quan đến chức năng, nhiệm vụ giáo dục trong trường và không tham gia vào những việc làm gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự chính trị - xã hội ở Việt Nam. Những chuyên gia có hành động vi phạm pháp luật Việt Nam sẽ phải chịu sự phán quyết của tòa án Việt Nam, chỉ khi có liên quan đến các luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc thừa nhận mới có thể đưa ra xem xét trước một tòa án quốc tế thích hợp.

Bốn là, điều kiện cấp bằng và tuyển dụng người tốt nghiệp. Khóa học sinh tốt nghiệp đầu tiên và tiếp theo định kỳ 5 năm phải được cơ quan giám định chất lượng giáo dục có thẩm quyền quốc tế, hoặc Việt Nam công nhận thì bằng tốt nghiệp mới có giá trị sử dụng. Nhà trường không có trách nhiệm làm dịch vụ môi giới hoặc tuyển dụng trực tiếp những người tốt nghiệp của mình, ngoại trừ số người được đào tạo theo hợp đồng với những doanh nghiệp có trả phí đào tạo trước. Sinh viên tốt nghiệp có đóng học phí trong suốt quá trình học tập thì không phải trả phí tuyển dụng, sinh viên được học bổng hoặc giảm miễn phí đào tạo thì phải trả phí tuyển dụng. Người tuyển dụng phải nộp phí tuyển dụng lao động cho nhà nước Việt Nam.