Từ vai trò, vị trí to lớn của công nghiệp dệt trong nền kinh tế quốc dân, và chiến lược hiện đại hóa nền kinh tế, cũng như để đối phó với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Thường vụ Quốc vụ viện Trung Quốc đã xem xét và thông qua trên nguyên tắc Quy hoạch điều chỉnh và chấn hưng ngành công nghiệp dệt và chế tạo trang thiết bị.

Quy hoạch chấn hưng ngành dệt được thông qua tiếp sau Quy hoạch chấn hưng ngành công nghiệp xe hơi và gang thép. Như vậy, đến nay đã có 4 trong số 10 quy hoạch chấn hưng các ngành công nghiệp lớn của Chính phủ Trung Quốc được ban hành.

Với Quy hoạch chấn hưng ngành dệt, Chính phủ sẽ ủng hộ tín dụng cho các doanh nghiệp có cơ sở tương đối tốt nhưng tạm thời gặp khó khăn trong kinh doanh và tài chính; nâng đỡ về tài chính và thuế đối với các doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ. Trong Quy hoạch này, tỷ lệ hoàn thuế xuất khẩu hàng dệt may được nâng thêm 1%, tức là từ 14% lên 15%. Mặc dù mức tăng này chưa đáp ứng mức đề nghị của ngành chủ quản là 3%, song 1% đối với các doanh nghiệp dệt may có lợi nhuận rất thấp là điều có ý nghĩa lớn để giảm bớt khó khăn và kích thích phát triển. Việc điều chỉnh tỷ lệ hoàn thuế xuất khẩu lần này giúp ngành dệt may Trung Quốc tăng thêm lợi nhuận hơn 5 tỉ nhân dân tệ trong năm 2009. Tuy vậy, theo các nhà kinh tế phân tích, do nhu cầu thị trường nước ngoài hiện đang suy giảm nên ngành dệt may Trung Quốc vẫn rất khó vượt qua khó khăn trong thời gian ngắn.

Nét đặc biệt trong Quy hoạch chấn hưng ngành dệt may là bên cạnh mục đích tháo gỡ khó khăn trước mắt, kích thích tăng trưởng, Nhà nước đã chú trọng vào việc điều chỉnh và nâng cấp kết cấu ngành. Các doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn, quan tâm đến bảo vệ môi trường sẽ được Nhà nước hỗ trợ thêm; những doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu, mức độ ô nhiễm cao sẽ bị đào thải nhanh hơn.

Như vậy, Quy hoạch này mặc dù có định hướng là giúp tất cả các doanh nghiệp có cơ hội tháo gỡ khó khăn, tạo đà phát triển, nhưng vẫn thiên về nâng đỡ những doanh nghiệp có chất lượng cao hơn.

Cùng với Quy hoạch chấn hưng ngành dệt may, Chính phủ Trung Quốc cũng ban hành Quy chế chấn hưng ngành chế tạo nhằm tiến tới tự chủ về trang thiết bị, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa đối với một số dự án lớn và công trình trọng điểm, vừa mang lại lợi ích đối với các doanh nghiệp có thực lực, về lâu dài kích thích công nghiệp chế tạo của Trung Quốc phát triển.

Thông qua Quy hoạch chấn hưng ngành dệt may và ngành chế tạo trang thiết bị vào thời điểm này con là một giải pháp làm dịu áp lực về số lượng người mất việc làm đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Hiện nay, Trung Quốc có khoảng 20 triệu lao động nông dân thất nghiệp trở về quê./.