Thực chất của luận thuyết “nhân quyền cao hơn chủ quyền”
Từ sau thời kỳ Chiến tranh lạnh, đế quốc Mỹ và một số nước phương Tây tung ra nhiều luận thuyết mới cực kỳ kỳ quặc, trong đó đáng chú ý là luận thuyết “nhân quyền cao hơn chủ quyền”. Thậm chí, họ còn ngang nhiên tuyên bố: “những nước phi dân chủ và không quan tâm đến việc tôn trọng nhân quyền đều không được coi là những nước có chủ quyền”!? Luận thuyết “nhân quyền cao hơn chủ quyền” được các thế lực hiếu chiến, phản động sử dụng như một cơ sở để đề ra các chính sách xâm lược, can thiệp quân sự vào các nước khác và biện minh cho các hành động xâm lược, can thiệp quân sự mà họ đã tiến hành đối với nhiều quốc gia, dân tộc trong những thập kỷ qua.
Vậy phải chăng ngày nay, “nhân quyền cao hơn chủ quyền” và “quyền con người” cao hơn chủ quyền thiêng liêng của quốc gia? Đây là những vấn đề mới về mặt lý luận cũng như thực tiễn cần được làm sáng tỏ.
Thực ra luận thuyết trên chỉ là một hình thức biến tướng của chủ nghĩa thực dân mới. Bởi vì trước đây, để mở rộng thuộc địa, các nước đế quốc thường sử dụng phương thức cổ điển là đánh thành và chiếm đất. Còn ngày nay, họ trắng trợn can thiệp vào nội bộ các nước có chủ quyền bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn và hình thức khác nhau, không hẳn vì mục đích xâm chiếm lãnh thổ mà vì muốn áp đặt quan niệm “nhân quyền” của mình đối với quốc gia, dân tộc khác. Cần phải nói ngay rằng, những người đưa ra và cổ súy cho luận thuyết “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, hay “nhân quyền toàn cầu”, “nhân quyền không biên giới”, ngay từ đầu họ đã cố tình hoặc lảng tránh một lẽ đơn giản là, trên thế giới không thể có một con người nào sống ngoài cộng đồng quốc gia, dân tộc; càng không có cái thế giới tồn tại mà không cần rạch ròi biên giới giữa các quốc gia. Họ cũng bỏ qua một sự thật hiển nhiên là, thời đại mà chúng ta đang sống có hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, hàng nghìn dân tộc khác nhau, theo những tôn giáo khác nhau và có truyền thống văn hóa khác nhau. Trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đó, con người thuộc các chế độ chính trị - xã hội khác nhau, cùng một lúc chịu sự tác động của hai mối quan hệ: quan hệ về nhân quyền và quan hệ về chủ quyền quốc gia. Quan hệ nhân quyền là quan hệ về cá nhân, còn quan hệ chủ quyền quốc gia là quan hệ cộng đồng các cá nhân trong quốc gia đó. Hai mối quan hệ cơ bản của con người là nhân quyền và chủ quyền quốc gia không cùng một bậc, không cùng một tuyến tiếp cận, và do đó, không thể đem so sánh cái này cao hoặc thấp hơn cái kia. Việc quy chủ quyền quốc gia về cùng một bậc với nhân quyền, rồi coi “nhân quyền” cao hơn “chủ quyền” là một việc làm khiên cưỡng, không lôgíc, phản khoa học và thiếu tính thuyết phục. Đó là một sai lầm về mặt phương pháp luận, một sự sai lầm từ gốc, nếu không nói đó là một sự đánh tráo khái niệm rất thô thiển, trắng trợn, có dụng ý xấu về chính trị.
Thử hỏi, nếu chủ quyền của một quốc gia, dân tộc bị xâm phạm, bị chà đạp, thì nhân quyền của quốc gia, dân tộc đó có còn được đảm bảo vững chắc? Và, nếu không có chủ quyền quốc gia, dân tộc, thì căn cứ vào đâu để xác định sự tồn tại của một quốc gia, dân tộc độc lập?
Ai cũng biết rằng, nhân quyền là giá trị chung của nhân loại, không phải là sản phẩm của riêng giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản phương Tây. Đó chính là sản phẩm của nền văn minh do toàn thể nhân loại sáng tạo nên trong quá trình đấu tranh xã hội và cải tạo tự nhiên; là sản phẩm của sự thống nhất biện chứng giữa tính phổ biến và tính đặc thù, giữa tính giai cấp và tính nhân loại. Tuy nhiên, nhân quyền bao giờ cũng hình thành và phát triển trong một hoàn cảnh lịch sử - xã hội, một điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, dân tộc và phạm vi lãnh thổ quốc gia, dân tộc nhất định, chịu sự quy định của các yếu tố kinh tế - xã hội, chính trị - xã hội của quốc gia, dân tộc đó. Một quốc gia, một dân tộc dù phát triển hay chưa phát triển, đều có một quan niệm riêng về nhân quyền và theo đó, có phương thức đảm bảo các quyền con người riêng, không giống các quốc gia khác. Không thể một quốc gia nào áp đặt giá trị nhân quyền của quốc gia mình lên một quốc gia khác, cũng như áp đặt các quốc gia khác phương thức đảm bảo quyền con người của quốc gia mình, cho dù, nhân quyền có tính phổ biến cao. Hàng rào chủ quyền quốc gia ngăn cản mọi sự áp đặt vô lý đó. Nếu một quốc gia hoặc một giai cấp, một thế lực nào đó tự coi mình là đại diện cho nhân quyền toàn nhân loại, lấy tiêu chuẩn giá trị nhân quyền của nước mình áp đặt cho các nước khác, lấy quan điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “nhân quyền không biên giới” để làm cơ sở cho sự can thiệp vào nội bộ các quốc gia độc lập, có chủ quyền là vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Trong Khoản 2, Điều 4 và Khoản 2, Điều 7 của Hiến chương Liên Hợp quốc đã khẳng định những nguyên tắc cơ bản về tôn trọng và đảm bảo sự bình đẳng về chủ quyền quốc gia. Tuyên bố của Hội nghị thế giới về Nhân quyền tại Viên (Áo) ngày 25-6-1993 ghi rõ: “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Với quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do theo đuổi con đường phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của mình”[1]. Nguyên Tổng thống Pháp J.Si-rắc cũng phải thừa nhận một chân lý: “Không một dân tộc nào, cho dù mạnh như thế nào, năng động như thế nào hay hiện đại như thế nào, được phép buộc toàn thế giới tuân theo luật lệ của mình”. Cộng đồng quốc tế đã có những Tuyên ngôn và Công ước về nhân quyền, trong đó có những chuẩn mực nhân quyền đòi hỏi tất cả các nước phải tuân theo. Ngoài ra, không một quốc gia nào được lấy Hiến pháp, pháp luật của mình để khống chế, áp đặt tiêu chuẩn và quan niệm nhân quyền cho nước khác, càng không thể lấy đó để tạo cớ can thiệp thô bạo hoặc xâm phạm chủ quyền của một quốc gia, dân tộc khác dưới bất cứ hình thức nào.
Thế nhưng, như mọi người đều biết, suốt mấy thập kỷ qua, có những thế lực hiếu chiến dựa vào sức mạnh đồng đô la, máy bay, tên lửa, đại bác và cả “con ngoáo ộp” hạt nhân, đã liên tục gieo rắc tai họa và chết chóc cho nhiều quốc gia, dân tộc để quyết giành quyền “bá chủ thế giới”. Họ dùng mọi thủ đoạn để đàn áp phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân các nước Á, Phi, Mỹ La-tinh; sẵn sàng sử dụng vũ lực để dập tắt mọi khát vọng của các dân tộc quyết đấu tranh giành độc lập và tự do nhưng không theo cái gậy chỉ huy của họ. Xin dẫn vài số liệu: chỉ trong 10 năm cuối thế kỷ XX, quốc gia tự coi là “hiệp sĩ nhân quyền” đã gây ra 40 cuộc chiến tranh để trừng phạt những nước không theo quan niệm “giá trị” do họ đưa ra. Khi thực hiện các cuộc xâm lược, các thế lực hiếu chiến quốc tế đã không ngần ngại sử dụng cả những loại vũ khí và phương tiện chiến tranh bị Liên Hợp quốc ngăn cấm. Nhân danh bảo vệ “quyền con người”, họ tạo cớ để phán xét, chụp mũ nước này, nước nọ là “vi phạm nhân quyền”, là “gây thảm họa nhân đạo”, rồi phớt lờ cả Liên Hợp quốc, họ đem quân đội và cảnh sát nhảy vào quốc gia độc lập có chủ quyền để bắt cả tổng thống, tàn sát nhiều người dân thường vô tội. Sự thực từ năm 2001, có nước đã bị khai trừ khỏi Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp quốc nhưng lại nhân danh “bảo vệ quyền con người”, lấy nhân quyền làm công cụ để thực hiện mưu đồ chính trị cường quyền của mình. Phải chăng đó là thứ “nhân quyền” của kẻ mạnh đối với những quốc gia, dân tộc nhỏ yếu? Phải chăng đó là hiện thực hóa luận thuyết “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “nhân quyền không biên giới” do họ chủ xướng?
Thật trớ trêu, trong khi rao giảng về nhân quyền cho các nước khác, những thế lực hiếu chiến chỉ nhấn mạnh đến nhân quyền cá nhân và quyền chính trị công dân, tuyệt đối hóa tự do cá nhân, phủ định quyền độc lập, quyền sinh tồn và quyền phát triển thuộc phạm trù nhân quyền của cả một quốc gia, dân tộc. Thử hỏi, nếu một quốc gia bị tước mất quyền cơ bản nhất là độc lập, chủ quyền thì thực hiện nhân quyền của người dân nước đó sẽ ra sao? Lịch sử và hiện thực đã chứng minh, chủ quyền là nhân quyền tập thể của nhân dân một quốc gia, dân tộc, cho nên phải được tôn trọng và bảo vệ về mặt pháp lý quốc tế. Xâm phạm đến chủ quyền quốc gia, dân tộc là chà đạp lên nhân quyền của toàn thể nhân dân nước đó. Vì lẽ như vậy, không thể có và không bao giờ có cái gọi là “nhân quyền cao hơn chủ quyền”.
Trên thực tế, chủ quyền quốc gia được xác lập là cơ sở để bảo vệ và phát triển nhân quyền đích thực của nhân dân mỗi nước. Một quốc gia không có (hoặc chưa có) chủ quyền dân tộc, thì không thể nói đến nhân quyền, đến “quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc” của người dân. Nếu mất chủ quyền quốc gia thì còn đâu để nói đến nhân quyền. Luật quốc tế hiện đại thừa nhận cả nhân quyền và chủ quyền quốc gia đều là những nguyên tắc cơ bản; cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm bảo vệ cả nhân quyền lẫn chủ quyền quốc gia. Việc cải thiện tình hình nhân quyền của mỗi nước chỉ có thể thực hiện được khi Nhà nước có chủ quyền và được lãnh đạo bởi một tổ chức và thông qua sự nỗ lực của toàn dân. Cho nên, không thể đặt nhân quyền cao hơn chủ quyền quốc gia. Chỉ có giữ vững chủ quyền quốc gia mới có điều kiện để bảo vệ và phát triển nhân quyền đích thực.
Rõ ràng, tuy có những chuẩn mực luật pháp quốc tế hiện đại, nhưng vấn đề nhân quyền muốn thực thi phải đặt nó trong quan hệ với một quốc gia, dân tộc cụ thể, gắn với những điều kiện lịch sử cụ thể về trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán, truyền thống, pháp luật và chế độ chính trị của quốc gia, dân tộc đó. Có một thực tế là, trong quan hệ quốc tế hiện nay, có nhiều vấn đề nảy sinh đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hợp lực cùng nhau giải quyết. Thế nhưng, về nguyên tắc cơ bản, việc thực hiện nhân quyền không bao giờ được tách rời với việc thực thi Hiến pháp, pháp luật của nhà nước đó. Cho nên, cần phải khẳng định lần nữa rằng, luận thuyết “nhân quyền cao hơn chủ quyền” thực chất là sự ngụy biện, phản khoa học, phản nhân văn và lừa bịp con người, tạo nên một thứ “bùa mê” nhằm mê hoặc con người rằng “nhân quyền cao hơn tất cả”. Luận thuyết đó hoàn toàn vi phạm nguyên tắc bình đẳng quốc gia và nguyên tắc chủ quyền bất khả xâm phạm mà luật pháp quốc tế đã xác lập. Xét đến cùng mục đích của luận thuyết đó chỉ nhằm thực hiện sự bá quyền và chính trị cường quyền, áp đặt “quan niệm giá trị” và thực thi chính sách “Ngoại giao pháo hạm” của các thế lực hiếu chiến, phản động quốc tế, tạo cớ để gây sức ép và can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia, dân tộc khác.
Đối với người Việt Nam, nhân quyền trước hết là quyền dân tộc tự quyết, dân tộc độc lập. Truyền thống cộng đồng, truyền thống dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm, cũng như kinh nghiệm cách mạng Việt Nam trong những thập kỷ gần đây đều cho thấy, khi “vong quốc nô” thì không thể có nhân quyền. Mất nước sẽ mất tất cả. Thực tế ở Việt Nam, bảo vệ và phát triển nhân quyền trước hết lại bắt đầu bằng quá trình giải phóng dân tộc; nhân quyền chỉ có trong độc lập, tự do. Người Việt Nam đã phải hy sinh xương máu của biết bao thế hệ mới giành được chủ quyền quốc gia, bởi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Gần 20 năm qua, với đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta đang từng bước thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đấy là biểu hiện cao nhất và cụ thể nhất của nhân quyền Việt Nam, của sự bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, các thế lực thù địch luôn tăng cường các hoạt động phá hoại về chính trị, tư tưởng, vu cáo, công kích chế độ và sự lãnh đạo của Đảng ta. Chúng khuyến khích, tập hợp, hỗ trợ cho bọn phản động, bọn cơ hội, bất mãn phát triển lực lượng, hình thành lực lượng đối lập và các tổ chức phản động hòng gây mất ổn định chính trị, kinh tế của nước ta. Việc cơ quan lập pháp của một quốc gia hằng năm tự cho mình quyền được phán xét, đánh giá, nhận định về tình hình nhân quyền của các nước khác trên thế giới, thậm chí ra “Đạo luật nhân quyền” đối với Việt Nam là một hành vi bất hợp pháp trong sinh hoạt quốc tế hiện đại, trong đó có các nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của nước khác, nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết và bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, đã được ghi tại Điều 1 và Điều 2 của Hiến chương Liên Hợp quốc.
Trong một thế giới hội nhập, xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ và sâu sắc, còn nhiều vấn đề phức tạp mà bất cứ quốc gia nào cũng không tự mình giải quyết được, do đó đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế mới đảm bảo được nhân quyền. Nhưng sự hợp tác quốc tế và khu vực phải đặt trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập và chủ quyền của nhau, dựa trên những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế hiện đại. Không một quốc gia nào được lợi dụng vấn đề nhân quyền như một công cụ gây sức ép trong quan hệ quốc tế, gắn nhân quyền với viện trợ kinh tế và thương mại, tuyệt đối không được lôi kéo các tổ chức quốc tế trong thực hiện các mưu đồ chính trị khi xử lý các vấn đề nhân quyền.
Thế giới chúng ta đang sống vừa thống nhất, vừa đa dạng, phức tạp với bản sắc riêng của từng quốc gia, dân tộc. Tuy rất đặc thù, nhưng nhân quyền, cũng như các lĩnh vực khác, đang trở thành bộ phận của đời sống quốc tế. Do đó, thay vì áp đặt quan điểm sen đầm quốc tế “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “nhân quyền không biên giới”, nên đưa vấn đề nhân quyền vào trong tiến trình của các cuộc đối thoại song phương và đa phương trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Như vậy, chúng ta khẳng định rõ ràng, luận thuyết “nhân quyền cao hơn chủ quyền” là một luận thuyết hoàn toàn sai lầm về mặt khoa học, lại chứa đựng những ý đồ chính trị xấu xa, biện minh cho chính sách xâm lược của các thế lực hiếu chiến, phản động quốc tế. Vì vậy, luận thuyết đó không thể đứng vững trước sự đấu tranh có lý, có tình, phù hợp với luật pháp quốc tế của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới. Luận thuyết “nhân quyền cao hơn chủ quyền” tất yếu sẽ bị lịch sử và hiện thực bỏ qua.
[1] Văn kiện quốc tế về quyền con người, Trung tâm nghiên cứu quyền con người và Viện Thông tin khoa học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2000, tr. 102.
Việt Nam - Niu Di-lân: Mối quan hệ đối tác lâu dài, ổn định và toàn diện  (13/09/2007)
NIU DI-LÂN (New Zealand)  (13/09/2007)
Tuân thủ các nguyên tắc, quy định sinh hoạt đảng với thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát của đảng hiện nay  (13/09/2007)
Thực chất của luận thuyết “nhân quyền cao hơn chủ quyền”  (13/09/2007)
Về công tác tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta hiện nay  (13/09/2007)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên