Các nguyên tắc, quy định trong sinh hoạt đảng có vai trò quan trọng bảo đảm giữ vững bản chất của Đảng, cũng như ngày càng nâng cao bản lĩnh chính trị, hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Kiểm tra, giám sát - một nội dung trong sự lãnh đạo toàn diện của Đảng - chỉ đạt kết quả trên cơ sở tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, quy định sinh hoạt đảng của các tổ chức đảng và mỗi đảng viên. Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa X vừa diễn ra bàn về nhiều vấn đề, trong đó có việc thực hiện có hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát trong Đảng.

1. Về các nguyên tắc, quy định trong sinh hoạt đảng và công tác kiểm tra, giám sát

Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động theo những nguyên tắc tổ chức cơ bản, được ghi trang trọng tại Điều lệ Đảng, trong đó có nguyên tắc tập trung dân chủ. Đây là nguyên tắc quan trọng, quyết định bản chất của Đảng, và trong thực tế lãnh đạo là một yêu cầu nghiêm ngặt. Theo đó, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng là một điều kiện bảo đảm cho những thắng lợi.

Cùng với nguyên tắc tập trung dân chủ, trong sinh hoạt đảng, Đảng ta chú trọng thực hiện một số nguyên tắc khác: Tự phê bình và phê bình; Đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng; giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, nhằm bảo đảm Đảng hoàn thành sứ mệnh của mình trước đất nước và dân tộc.

Bên cạnh các nguyên tắc nêu trên, trong sinh hoạt Đảng, còn có những yêu cầu về chế độ sinh hoạt, nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng thật sự hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng. Trong đó, quan trọng nhất là: Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số. Quy định tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách đòi hỏi tổ chức đảng trong lãnh đạo, trong mọi quyết định, thể hiện ở các nghị quyết của mình, đều phải có sự tham gia của mọi thành viên. Ý kiến của số đông được thống nhất là quyết định của tập thể, điều đó bảo đảm trí tuệ tập thể, đồng thời hạn chế được nguy cơ ý chí chủ quan của cá nhân có thể lái quyết định của tổ chức đảng theo mục đích riêng. Việc làm rõ tính đúng, sai sẽ được thông qua thực tiễn. Và, trước hết thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, căn cứ vào những quy định hiện hành của Đảng, dựa trên Hiến pháp, pháp luật.

Chung quanh vấn đề này, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lãnh đạo cần phải tập thể, mà phụ trách cần phải cá nhân. Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc.

Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc.”[1]

Chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của tổ chức đảng và kỷ luật đảng phải được thực hiện, thông qua công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp, cùng với sự nhận xét của từng đảng viên. Như vậy, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ chính là điều kiện để công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng có kết quả, đồng thời đảm bảo tập trung đi đôi với dân chủ. Việc thực hiện các nguyên tắc và chế độ sinh hoạt đảng có vai trò quan trọng đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, cũng như bảo đảm sự vững mạnh về tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đồng thời, kiểm tra, giám sát là một khâu quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển của Đảng, bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng hoàn chỉnh.

So với Đại hội IX, Điều lệ Đảng do Đại hội X ban hànhsự bổ sung quan trọng tại Chương VII về kiểm tra, giám sát của Đảng và Ủy ban kiểm tra các cấp. Cùng với việc bổ sung nhiệm vụ giám sát vào chức năng lãnh đạo của Đảng tại Điều 30, nội dung về giám sát được bổ sung tại Điều 32, Khoản 3, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra các cấp là “Giám sát cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý và tổ chức đảng cấp dưới về việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết của cấp ủy và đạo đức, lối sống theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương”[2]

Hướng dẫn thi hành công tác kiểm tra, giám sát, ngày 24 - 11 - 2006, Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Quyết định số 25 - QĐ/TW về “Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và chương VIII Điều lệ Đảng khóa X”. Theo Quyết định 25 - QĐ/TW: Tổ chức đảng cấp trên được giám sát tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên; đảng viên được tham gia giám sát theo sự phân công của tổ chức đảng có thẩm quyền.

Đối tượng giám sát gồm: chi bộ (chi bộ cơ sở, chi bộ trong đảng bộ cơ sở, chi bộ trong đảng bộ bộ phận), đảng uỷ bộ phận, đảng uỷ cơ sở, cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, thường trực cấp uỷ các cấp; uỷ ban kiểm tra, các ban đảng, văn phòng cấp uỷ; ban cán sự đảng, đảng đoàn; các tiểu ban, hội đồng, tổ công tác do cấp uỷ các cấp lập ra.

Chủ thể giám sát gồm: chi bộ (chi bộ cơ sở, chi bộ trong đảng bộ cơ sở, chi bộ trong đảng bộ bộ phận), đảng uỷ bộ phận, đảng uỷ cơ sở; cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ các cấp; uỷ ban kiểm tra, các ban đảng, văn phòng cấp uỷ. Quyết định cũng nêu rõ hơn một bổ sung quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ cũng như tự phê bình và phê bình, đó là: giám sát đối với tổ chức đảng về việc bảo đảm quyền của đảng viên.

Những bổ sung đó phản ánh những thay đổi trong thực tiễn, đòi hỏi bên cạnh những quy định về kiểm tra, còn cần phải có sự bổ sung về nội dung, ở đây là hoạt động giám sát, để bảo đảm việc giữ vững kỷ luật của Đảng được tiến hành thường xuyên, liên tục.

Việc tiến hành kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp vẫn dựa trên những nội dung cơ bản của nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng, dưới các hình thức: theo chuyên đề; tiến hành thường xuyên và bất thường...; bằng các biện pháp như phân công cấp ủy viên phụ trách từng lĩnh vực, xây dựng quy chế phối hợp giữa các ban, ngành, nắm tình hình địa phương và đơn vị qua nhiều kênh thông tin...

Kiểm tra, giám sát - một khâu trong hoạt động lãnh đạo của Đảng - không chỉ đảm bảo giữ vững kỷ luật trong Đảng, đảm bảo các tổ chức đảng và đảng viên thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, mà còn góp phần vào việc sớm phát hiện những vấn đề cần có sự tổng kết trong thực tiễn, nói cách khác là bảo đảm mối liên hệ giữa lý luận với thực tiễn trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Như vậy, giữa việc thực hiện các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt đảng với công tác kiểm tra, giám sát có mối liên hệ chặt chẽ, khăng khít, và mối liên hệ này còn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính khoa học, cách mạng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng.

2. Một số yêu cầu để bảo đảm thực hiện có kết quả công tác kiểm tra, giám sát

Thứ nhất, sinh hoạt thường kỳ, báo cáo đầy đủ. Mọi tổ chức đảng đều phải thực hiện nghiêm túc việc sinh hoạt định kỳ, qua đó đánh giá hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng và đảng viên, đồng thời góp phần giữ vững tư cách đảng viên. Thông qua sinh hoạt thường kỳ, các tổ chức đảng và mọi đảng viên có điều kiện đánh giá việc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nghị quyết của cấp ủy, việc rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững tư cách đảng viên cũng như ngày càng nâng cao trình độ chuyên môn, để đảm bảo trình độ và phẩm chất của mỗi đảng viên nói riêng, tổ chức đảng nói chung. Kết quả của các đợt sinh hoạt phải được báo cáo đầy đủ lên cấp uỷ cấp trên trực tiếp. Đây chính là cơ sở quan trọng để cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của mình. Nếu có vấn đề nảy sinh trong công tác, xuất hiện những biểu hiện không tốt về nhận thức chính trị, tư cách đảng viên; hiệu lực lãnh đạo và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng giảm sút, cấp ủy cấp trên và Ủy ban Kiểm tra các cấp có thể chấn chỉnh kịp thời.

Thứ hai, thắt chặt mối liên hệ mật thiết với quần chúng, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng. Liên hệ mật thiết với quần chúng, nhằm giữ vững cơ sở chính trị - xã hội, là thực hiện tôn chỉ, mục đích của mình, đồng thời bảo đảm tính khách quan, khoa học cho việc ban hành các chủ trương, đường lối, qua đó, vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng được khẳng định, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân càng khăng khít. Đảng ta đang xây dựng cơ chế tiến hành việc giám sát, phản biện xã hội đối với sự lãnh đạo của mình. Điều đó có quan hệ khăng khít với yêu cầu Đảng giữ mối liên hệ mật thiết với quần chúng, cũng là cơ sở thuận lợi cho hoạt động kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng có kết quả.

Một trong những cơ sở bảo đảm mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân chính là thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, Quy định số 76 - QĐ/TW, ngày 15-6-2000, của Bộ Chính trị khoá IX “Về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú”. Thông qua việc thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở và Quy định số 76 - QĐ/TW, được sự quan tâm theo dõi của tập thể và quần chúng, từng đảng viên có điều kiện và hoàn cảnh nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, giữ vững tư cách đảng viên; tổ chức đảng ngày càng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Đó cũng chính là mục tiêu của công tác kiểm tra, giám sát. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt các quy định của Đảng cũng chính là làm tốt công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp.

Thứ ba, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng là yêu cầu quan trọng để công tác kiểm tra, giám sát đạt được kết quả. Tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén chống những quan điểm và tư tưởng sai trái. Do đó, tự phê bình và phê bình phải tiến hành dựa trên sự phân tích, đánh giá khách quan, khoa học những hoạt động của đảng viên, tổ chức đảng. Việc đánh giá, xem xét trong tự phê bình và phê bình phải căn cứ vào Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng, Hiến pháp và pháp luật..., làm rõ được mục đích chính, tác động cơ bản của những hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên. Những quan điểm đúng đắn, vì sự tiến bộ, phục vụ nhân dân phải được ủng hộ, bảo vệ; quan điểm ngược lại phải bị phê phán, xóa bỏ.

Cố nhiên, không loại trừ đây đó, vẫn có nơi lợi dụng tự phê bình và phê bình để mưu toan trục lợi, kéo bè kéo cánh, trù úm những cá nhân tốt. Để đẩy lùi thói tệ này, không có cách nào khác là phải nêu cao tinh thần cộng sản, kiên trì thực hiện tự phê bình và phê bình một cách trong sáng, bảo vệ những quyền và lợi ích cơ bản của người đảng viên. Mọi đảng viên và tổ chức đảng phải kiên trì, mọi nơi, mọi lúc đấu tranh với những cá nhân lợi dụng tự phê bình và phê bình. Việc thực hiện nhuần nhuyễn hoạt động tự phê bình và phê bình với yêu cầu cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số là điều kiện cho công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy và Uỷ ban Kiểm tra các cấp đạt được kết quả tốt.

Hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng không thể thực hiện hiệu quả nếu tách rời việc thực hiện các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt đảng. Kỷ luật và tính thống nhất trong Đảng dựa trên sự tự giác, tinh thần phấn đấu không ngừng của mỗi đảng viên, tính chiến đấu không khoan nhượng trước những vi phạm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng. Vì thế, giữ vững các nguyên tắc và chế độ sinh hoạt đảng chính là xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh, cũng là thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát.



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t 5, tr 505

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Điều lệ, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006 , tr 50 -51