Tính khoan dung của tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
Khoan dung thực chất là sự hòa hợp trong sự khác biệt. Khoan dung là sự tôn trọng, chấp nhận và đề cao sự đa dạng, phong phú của các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Khoan dung được thúc đẩy bởi sự hiểu biết, sự thẳng thắn, sự giao tiếp và quyền tự do tư tưởng, nhận thức và tín ngưỡng. Khoan dung trong thế giới đương đại, không chỉ là một nghĩa vụ mang tính đạo đức, mà nó còn là đòi hỏi mang tính chính trị và pháp lý trong phạm vi toàn cầu. Khoan dung sẽ tạo ra sự ổn định, hòa bình, có thể đóng góp vào việc thay thế văn hóa chiến tranh bằng một nền văn hóa hòa bình, một môi trường sống an toàn cho mọi người. Thế giới đương đại, hơn lúc nào hết, cần có sự khoan dung, trong đó khoan dung tôn giáo trở thành một nội dung rất quan trọng.
Dân tộc Việt Nam du nhập và dung dưỡng nhiều loại hình tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, nhưng trong lịch sử chưa hề xảy ra chiến tranh tôn giáo. Có được điều đó là nhờ truyền thống khoan dung vốn của người Việt và đặc điểm đan xen, hòa đồng, khoan dung của tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.
Người Việt quần cư ở ngã ba đường của Đông Nam Á, trông ra biển Đông, từ lâu đã là nơi giao lưu của văn hóa Đông - Tây, Nam - Bắc. Vùng đất người Việt Nam sinh sống thuộc trung tâm khu vực nhiệt đới gió mùa, nhiều ao hồ, đầm lầy, sình bãi; có núi cao rừng rậm; có biển rộng, sông dài. Từ xa xưa, người dân Việt Nam đã có xu hướng thiên về trồng trọt hơn là chăn nuôi, đánh cá hơn là săn thú. Bản tính của người Việt lại cởi mở, bao dung chứ không hẹp hòi, kỳ thị, khép kín. Vì vậy, dù là tôn giáo gì, tín ngưỡng nào, từ đâu đến người Việt Nam cũng sẵn sàng tiếp nhận, miễn là nó không đi ngược lại với lợi ích quốc gia, không xem thường, miệt thị văn hóa bản địa. Ai cũng biết Khổng giáo và Đạo giáo từ Trung Quốc lan xuống, Phật giáo từ Ấn Độ truyền sang Việt Nam từ rất sớm, nhưng vẫn song song tồn tại hàng ngàn năm lịch sử mà không hề có mâu thuẫn dẫn đến xung đột vì lý do tín điều, giáo lý. Sau này, tôn giáo phương Tây du nhập vào Việt Nam và một số tôn giáo bản địa ra đời, tuy có mâu thuẫn mới nảy sinh ở mức độ nào đó, nhưng nhìn chung vẫn sống hòa bình với nhau cùng tín ngưỡng dân gian bản địa.
Vì lẽ đó, có người nói, người Việt tiếp nhận tôn giáo ngoại lai một cách tràn lan, xô bồ, không chọn lọc; ngược lại có ý kiến dựa vào thời kỳ lịch sử truyền đạo Công giáo và triều đại nhà Nguyễn có thái độ “tả khuynh” với tôn giáo này mà cho rằng, dân tộc ta tiếp nhận tôn giáo ngoại lai một cách dè dặt và quá thận trọng. Thật ra, sự tiếp nhận dè dặt và thận trọng đối với đạo Công giáo của nhân dân ta có lý do riêng. Ở đây, ngoài sự mới lạ của bản thân giáo lý Công giáo so với tập tục cổ truyền của dân tộc, còn là, và chủ yếu là, xuất phát từ nhu cầu tự vệ chính đáng của nhân dân ta trong hoàn cảnh lịch sử mà tôn giáo ấy đang bị thế lực ngoại xâm lợi dụng.
Do điều kiện lịch sử, kể từ khi lập nước cho đến nay, mối quan tâm lớn nhất và thường trực trong mỗi người dân ở xứ này là cảnh giác, đề phòng ngoại xâm. Xưa nay tất cả những gì không phải là sản phẩm văn hóa bản địa, nếu không trực tiếp góp phần vào sự nghiệp giữ nước đều bị nhân dân ta tiếp nhận và xem xét rất thận trọng.
Dù Phật giáo rất phù hợp với tâm thức của người Việt và khi du nhập đã nhanh chóng hòa vào tín ngưỡng bản địa, nhưng phải ngót 1000 năm, cha ông ta mới chấp nhận và dành cho Phật giáo chỗ đứng xứng đáng trong đời sống tinh thần của mình. Cũng với thái độ thận trọng ấy, phải gần 15 thế kỷ nhân dân ta mới tiếp nhận và coi Khổng giáo như là quốc đạo thời Lê - Nguyễn. Nếu đội ngũ Nho sĩ vắng bóng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở thế kỷ XV và không góp phần vào việc giữ vững kỷ cương xã hội, củng cố ý thức cộng đồng, thắt chặt quan hệ gia đình, dòng tộc và quốc gia... thì dễ gì có được vị trí như nó đã từng có trong lịch sử thời kỳ ấy.
Tôn giáo nào, dù ở đâu đến, vị trí của nó trước hết phải được khảo nghiệm của lịch sử dựng nước và giữ nước, sau nữa phải tôn trọng và hòa đồng cùng với tín ngưỡng bản địa. Nhân dịp Hội thảo quốc tế lần đầu tiên ở Việt Nam với chủ đề “Phật giáo thời đại mới - cơ hội và thách thức” do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam chủ trì vào ngày 17-7-2006 có tổ chức lễ trồng cây bồ đề. Đây là cây bồ đề chiết từ cây bồ đề do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp nhận từ Ấn Độ hồi chiến tranh được trồng ở khuôn viên chùa Trấn Quốc (Hà Nội). Lần này được rước về trồng tại khu đất mang tên người anh hùng Lê Minh Xuân tại thành phố Hồ Chí Minh - nơi sẽ là Học viện Phật học Việt Nam. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói: “Sự hiện diện của hầu hết các vị khách quốc tế làm cho buổi lễ trồng cây càng thêm ý nghĩa. Giá trị hòa hợp đại chúng trên tinh thần từ bi, hỉ xả là một nhân tố căn bản, sâu xa đã góp phần làm nên nhân loại, hiếm có một đất nước nào chịu đựng triền miên chiến tranh và nhiều biến thiên xã hội, lại là nơi chung sống hòa hợp của nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo như ở nước ta”.
Dân tộc ta có thời kỳ buộc phải cầm vũ khí để trả thù nhà, đền nợ nước. Tinh thần cứu khổ độ sinh của nhà Phật quyện kết trong ý chí kiên cường của người Việt Nam đã rèn đúc nên bản lĩnh khoan dung của dân tộc để lịch sử dân tộc mãi mãi không phải là lịch sử của thù hận và xung đột.
Đó là di sản quý báu do tư tưởng Phật giáo chảy chung dòng với truyền thống dân tộc và đã hòa quyện làm một. Sau cuộc kháng chiến đánh giặc Minh mà tội ác của nó “trúc Nam Sơn không ghi hết tội, nước Nam Hải không rửa sạch mùi”, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của các vị anh hùng Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã lấy đức từ bi diệt hận thù, lấy ơn trả oán, sẵn sàng cấp lương thảo, thuyền bè, ngựa xe cho những kẻ gây tội ác về nước, mở đường hiếu sinh cho kẻ thù cũng là mở ra phương trời của nền thái bình bền vững. Lê Lợi: “Đã cho người Minh giảng hòa, hạ lệnh cho Bắc Giang, Lạng Giang, sửa đắp cầu cống, đường sá, lại cho các lộ sắp đủ thuyền ghe, buồm chèo, đưa đến quan dinh giao cho họ về nước”(1). Ông quan niệm: “Tha mạng cho ức vạn người mà tuyệt mối chiến tranh cho sau này, sử xanh ghi chép, tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn sao” và: “Bèn sai đường thủy thì cấp 500 chiếc thuyền... đường bộ thì cấp cho lương cỏ... hơn 2 vạn người vừa bắt được vừa đầu hàng, 2 vạn con ngựa... Mọi người đều đến dinh Bồ Đề lạy tạ mà về. Bọn Phương Chinh vừa cảm ơn vừa xấu hổ đến chảy cả nước mắt”(2).
Đế quốc Mỹ đã gây tang tóc, đau thương mất mát cho bao nhiêu gia đình, thôn bản. Nhưng người Việt Nam cũng vẫn sẵn sàng gác lại quá khứ để dang rộng cánh tay đón chào những người bạn Mỹ ân hận về lỗi lầm quá khứ để hướng tới tương lai, vì lợi ích của cả hai dân tộc.
Lòng nhân ái, đức khoan dung vốn có của người Việt bắt gặp đức từ bi của Phật giáo, hiếu nghĩa của Khổng giáo làm cho tính khoan dung tôn giáo càng được nhân lên và trở thành một trong những đặc điểm tôn giáo ở Việt Nam.
Dù tôn giáo ở đâu đến xứ sở này thì quá trình du nhập, tồn tại ở Việt Nam đã được bản địa hóa khiến cho các tôn giáo luôn có xu hướng tác động, ảnh hưởng lẫn nhau và chung sống một cách hòa bình, hữu hảo bên nhau. Tôn giáo vào trước mở rộng cửa đón tôn giáo vào sau, tạo nên một sự hòa hợp rộng rãi.
Từ thế kỷ thứ I và II, cả ba tôn giáo: Nho, Phật, Lão đều được người Việt chấp nhận và dung nạp. Các thế kỷ X, XI, XII với các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần đánh dấu một thời kỳ độc lập, tự chủ lâu dài của dân tộc. Giới Nho sĩ chưa hình thành nên việc học chữ thường diễn ra ở các ngôi chùa do các vị sư đảm nhiệm. Các vị sư muốn đọc được kinh Phật phải học chữ Nho mà học chữ Nho nhất thiết phải kinh sách đạo Khổng. Vì vậy, không lấy gì làm lạ là nhiều sư tăng thông thạo Nho học và có người còn giỏi về địa lý phong thủy của đạo Lão. Điển hình là nhà sư Vạn Hạnh. Có thể nói, trí thức ngày xưa xuất thân từ giới tu hành và không ít người tài ba được đào tạo tại nhà chùa. Không ít người vừa là sư tăng, vừa là đạo sĩ và Nho sĩ. Họ không chỉ có lòng yêu nước nồng nàn, tự tôn dân tộc mà còn có học vấn uyên bác về nhiều lĩnh vực; không chỉ thấu hiểu giáo lý của đạo mình theo; mà còn am tường kinh điển, học thuyết của các tôn giáo, tín ngưỡng khác. Bốn triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần kéo dài từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV, với hoàn cảnh nước nhà độc lập, tự cường đã tạo thuận lợi cho Tam giáo hòa quyện với nhau và với bản tính bao dung của tâm thức người Việt.
Có thể nói, ở Việt Nam có nhiều người là Phật tử nhưng rất am hiểu Khổng giáo và cũng trọng Đạo giáo. Ngược lại, các thầy pháp của Đạo giáo (phù thủy, chiêm tinh, bói toán...) cũng không hề bài bác Phật giáo và Nho giáo. Thực tế, có nhà Nho nương thân trong chốn cửa thiền, mà cũng không ít tăng, ni thông thạo Khổng giáo.
Nhà sư Vạn Hạnh - người có công lớn xây dựng cơ nghiệp cho nhà Lý - thuộc đời thứ 12 dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Ông là người làng Cổ Pháp (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), từ nhỏ đã tinh thông Tam giáo. Chủ trương của ông là lấy phương pháp Thiền học để dung hòa cõi Trời (siêu nhiên), Đất (thiên nhiên) và Nhân (nhân sinh). Tư tưởng ấy của nhà sư nổi tiếng này, không chỉ được đưa vào nội dung thi cử mà còn ảnh hướng lớn đến thái độ đối với Phật, Khổng, Đạo thời Lý - Trần và các triểu đại phong kiến tiếp theo.
Triều Lý Nhân Tông (1075) bắt đầu tuyển sinh thi Tam giáo, Ngô Sĩ Liên viết: “Thi Tam giáo là có thể thông thạo cả ba loại giáo lý Nho, Đạo, Thích để ra làm quan. Các vị chân Nho thời xưa cũng xem rộng các sách của bách gia chư tử, ra vào đạo Lão và đạo Phật mung lung huyền bí không căn cứ vào đâu được cả. Trở lại tìm ở 6 kinh (Thi, Thư, Dịch, Xuân, Thu, Lễ, Nhạc). Sáu kinh truyền cái đạo của Khổng Tử, có quan hệ vua tôi, cha con, có giáo huấn về định luật của sự vật, về luân thường của nhân dân, mà tôn chỉ nguyên bản thì lại là duy tinh, duy nhất khiến cho người ta một khi theo đạo Nho, mà lại thông hiểu sang đạo Phật và đạo Lão. Đạo Lão chủ thuyết thiên biến, vạn hóa có đức lại không cho là đức, tùy cảm mà ứng vật không biết đâu là viết tích thường còn. Đạo Phật thì thuyết: Không có sống, không có chết, không từ đâu đến và không đi đâu, cùng không có cả sức mạnh gân thịt, cùng không có tướng mạo. Phan Huy Chú cũng cho rằng: “Triều đại Lý - Trần, cả hai đời đều tôn sùng Phật - Lão cho nên tuyển chọn nhân sĩ ắt lấy người tinh thông cả hai giáo lý ấy... Người mà thực có bản lĩnh... tinh thông Tam giáo”(3).
Thực ra, tư tưởng về Tam giáo đồng nguyên đã xuất hiện ở nước ta từ rất sớm. Vào thế kỷ thứ II, đất Giao Chỉ thời Sĩ Nhiếp đã là nơi giao lưu của văn hóa Việt - Ấn - Hàn, sự quần tụ và dung hòa của tư tưởng Phật - Nho - Đạo với văn hóa bản địa của người Việt cổ đã tạo nên văn hóa - tôn giáo hỗn dung. Một số thiền sư tiêu biểu có công cho việc tạo dựng Tam giáo, người đầu tiên phải kể đến Mâu Tử (khoảng thế kỷ II - III sau công nguyên). Ông vốn sinh thành ở Trung Quốc, rồi chạy loạn sang Việt Nam. Trong tác phẩm Lý hoặc luận mà ông viết vào khoảng năm 198 có tâm sự: “Sau khi mẹ chết, không muốn làm quan, ông đắm mình trong Tam giáo. Từ đó dốc chí vào đạo Phật, gồm ngẫm Lão Tử năm ngàn chữ, ngậm huyền diệu làm rượu ngon, xem ngũ kinh làm đàn sáo”. Qua đó có thể thấy, tính hòa đồng, đan xen, dung hợp để trở thành Tam giáo đã manh nha hình thành từ thời Sĩ Nhiếp và trở thành bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Sau này, tư tưởng về Tam giáo được một số nhà sư bổ sung, phát triển và hoàn thiện dần, như: Thiền sư Viên Chiếu (999-1091), Trần Thái Tông (1218-1277), Thiền sư Hương Hải (1631-1718), Thiền sư Toàn Nhật (1750? - 1832?), Tỳ Kheo Giác Lâm (thế kỷ 19).
Ở Việt Nam, nhất là dưới thời Lê - Nguyễn, rất ưu ái Nho sĩ, nhưng tầng lớp Nho gia luôn bị dằn vặt và bế tắc về tư tưởng trước cái triết lý Đức trị trong xã hội ngày càng đề cao pháp quyền. Vì thế, cũng ngày càng có nhiều nhà Nho tìm hiểu triết lý nhà Phật, nghiên cứu và vay mượn triết lý nhà Phật; đồng thời cũng ham thích thú tiêu dao của Lão tử và vô vi của Trang tử để trốn tránh xã hội hiện tồn. Mượn Phật giáo và Lão giáo để bày tỏ tâm tư của mình là khá phổ biến ở tấng lớp Nho sĩ. Ngay cả các nhà Nho nổi tiếng, chịu ảnh hưởng sâu đậm của Khổng giáo nhưng vẫn đến với Đạo giáo như Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm.
Phật - Khổng - Lão là ba tôn giáo có từ lâu ở nước ta, giáo lý của ba tôn giáo này đâu phải có sự tương đồng và lịch sử tồn tại không phải không có mâu thuẫn từ những người theo tôn giáo khác nhau. Song, chưa hề xảy ra xung đột đến mức dẫn đến chiến tranh tôn giáo như đã từng diễn ra ở một số nước trên thế giới. Truyền thống “tam giáo đồng nguyên”, “ngũ chi hợp nhất” được thể hiện rõ ở đạo Cao Đài - một tôn giáo nội sinh điển hình cho dung hợp. Tin rằng, một thứ tôn giáo na ná như đạo Cao Đài không thể ra đời và tồn tại ở các nước có truyền thống nhất thần, độc tôn.
Tôn giáo nào cũng dạy con người làm điều lành, tránh làm điều dữ; gạt điều dở, giữ điều hay, hướng con người vươn tới chân, thiện, mỹ. Nếu Khổng giáo dạy con người về nhân nghĩa, thì Đạo giáo giáo dục con người biết quý trọng và sống hài hòa với tự nhiên, nếu Công giáo dạy con người ta bác ái thì đạo Phật dạy người ta về từ bi, hỷ xả vô ngã vị tha, gạt bỏ tham, sân, si. Nhưng, dù có hòa đồng, pha trộn, dung hợp giữa các tôn giáo thế nào đi nữa; dù cho thời kỳ này, ông vua khác có coi trọng hoặc định kiến với tôn giáo thế nào; thì đã là người Việt ai cũng rất coi trọng tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên. Đây có thể coi là mẫu số chung về nhu cầu tâm linh của người Việt.
Tính khoan dung tôn giáo Việt Nam không chỉ thể hiện ở nhu cầu tâm linh đa chiều của người dân mà còn thể hiện sự dung hợp của đối tượng thờ phụng ở các nơi thờ tự và cả thái độ của các triểu đại phong kiến đối với tôn giáo.
Chùa là nơi thờ Phật, nhưng chùa đâu phải chỉ có Phật A Di Đà, Thích Ca Mâu Ni, Di Lặc, các vị La Hán, Bồ Tát... mà ở đấy, ta còn thấy các vị thánh, thần, tiên, mẫu... của tôn giáo và tín ngưỡng bản địa, hoặc những danh nhân văn hóa lịch sử; không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Hầu hết ngôi chùa Phật giáo có ban hoặc điện Mẫu Tam phủ, Tứ phủ; không ít chùa thờ các danh nhân văn hóa, lịch sử, người có công với cộng đồng, dân tộc, hoặc những người có công xây cất, tôn tạo ngôi chùa... Gần đây, nhiều ngôi chùa có bàn thờ Bác Hồ và có vị sư trụ trì ngôi chùa còn coi Người như một vị Bồ Tát đã cứu nhân độ thế. Chùa thờ Phật nhiều khi cũng thờ thêm các vị thánh nhân của đạo Lão mà dân tin cậy, ngóng chờ, hy vọng, như Chùa Thày ở Sài Sơn, ngược lại, các đền, các phủ cũng đặt thêm tượng Phật lên bệ thờ. Có trường hợp thật minh bạch và rõ ràng như chùa Châu Đài ở Thượng Cát (Từ Liêm, Hà Nội) mà dân chúng nhiều đời thường gọi là “đền Tam giáo” từ lâu đã thờ trên cao nhất là Lạc Long Quân, Âu Cơ, Đức Thích Ca, Quan Âm, Từ Lộ (Từ Đạo Hành), Khổng Tử, Trần Hưng Đạo (và phu nhân), Thái Thượng Lão quân cùng 12 vị tiên đồng Ngọc nữ. Ở một số chùa và đền khác, chúng ta cũng thường gặp các Đức Phật chung bệ thờ với đức Thánh Tản Viên, bà Chúa Liễu Hạnh, thậm chí với Thần Độc cước, Tam Bành, Huyền Đàn, bà Đà.
Đền Ngọc Sơn thờ cả Quan Công và Đức Thánh Trần. Văn Miếu được lập ra từ đời Lý Thánh Tông (1070) cốt để thờ Khổng Tử là vị giáo chủ của đạo Nho, là người thầy vĩ đại của muôn đời, nhưng xét thấy những học trò và thế hệ những người kế tục sự nghiệp của Ngài cũng công rất lớn và hậu thế cũng thấy rất xứng đáng được tôn thờ, do đó, Văn Miếu ngoài thờ tượng Khổng Tử ở chính gian giữa còn có bốn pho tượng bày ở hai bên “tả”, “hữu” gồm có: Nhan tử, Tăng tử, Tư tử, Mạnh tử gọi là tứ phối. Phía sau còn vẽ tranh 72 người khác trong những học trò của Khổng Tử gọi là “thất thập nhị hiền” để thờ phối.
Vào thế kỷ XIV, đời Trần Nghệ Tông lại đưa Trương Hán Siêu, Đỗ Tử Bình và Chu Văn An vào phối thờ tại Văn Miếu và không ít những người đỗ đạt cao được khắc tên họ, công trạng trong khuôn viên thờ Khổng Tử.
Các triều đại phong kiến Việt Nam thường có thái độ khoan dung tôn giáo, có thời kỳ coi một tôn giáo là “quốc giáo”, nhưng không nên hiểu “quốc giáo” theo phương Tây, bởi một lẽ đơn giản là triều đình có thể trọng tôn giáo này và coi là chỗ dựa tinh thần cho xã hội, nhưng nhìn chung không cấm các tôn giáo, tín ngưỡng khác không được hoạt động như ở các triều đình phong kiến châu Âu.
Từ những năm đầu của thời kỳ xây dựng nền độc lập cho đến cuối vương triều Trần, Phật giáo là tôn giáo chủ lưu làm nền tảng tinh thần cho quốc gia Đại Việt. Đến thời Lê - Nguyễn, Nho giáo trở thành ý thức hệ chính thống cho một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền. Nhưng, ngay Đinh - Lê - Trần Khổng giáo vẫn có vai trò và Lê - Nguyễn đâu phải Phật giáo đã lụi tàn.
Văn hóa khoan dung là một trong những đặc điểm văn hóa truyền thống của người Việt được thể hiện qua tính hòa đồng, đan xen, khoan dung tôn giáo. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến cho Việt Nam có nhiều tôn giáo, nhiều tín ngưỡng, nhưng đã tránh được những cuộc xung đột, đối đầu dẫn đến chiến tranh như đã từng diễn ra trong lịch sử và cũng đang tiếp diễn ra ở một số quốc gia. Đảng ta coi phấn đấu cho “Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung”(4).
(1) Xem: Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, 2006, tr 63
(2) Xem: Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, 2006, tr 66
(3) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Khảo mục chí, T III, Nxb Sử học, Hà Nội, 1961, tr 54
(4) Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy, Ban chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003, tr 49
Tính khoan dung của tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam  (12/09/2007)
Đô thị hóa và xây dựng văn hóa đô thị Việt Nam hiện đại  (12/09/2007)
Thời cơ và thách thức đối với phát triển xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam sau khi gia nhập WTO  (12/09/2007)
Quốc tế cộng sản với cách mạng Việt Nam  (12/09/2007)
Khi Việt Nam đã vào WTO  (12/09/2007)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên