Phát huy truyền thống, lực lượng Cảnh sát nhân dân phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới
Cách đây 45 năm, ngày 20-7-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố hai Pháp lệnh Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát nhân dân và Chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Từ đó, ngày 20-7 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam.
Cùng với các lực lượng khác trong ngành Công an, lực lượng Cảnh sát nhân dân là lực lượng vũ trang ra đời từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong suốt chặng đường vẻ vang của mình, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng, với lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp, gắn bó máu thịt với nhân dân, đã lập nên nhiều thành tích, chiến công xuất sắc trên các mặt công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, đoàn kết một lòng, chiến đấu ngoan cường, mưu trí và dũng cảm, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và thành quả cách mạng; bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp vĩ đại của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong hoà bình và xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng Cảnh sát nhân dân thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể, với các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng nền an ninh nhân dân vững chắc và tạo được thế trận an ninh nhân dân kết hợp với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, đảm bảo an ninh, trật tự, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho nhân dân.
Bước vào thời kỳ đổi mới, lực lượng Cảnh sát nhân dân một lần nữa đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt, xung kích trên lĩnh vực giữ gìn trật tự an toàn xã hội; tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Công an những vấn đề cơ bản, chiến lược để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Đã tham mưu cho Bộ Công an đề nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành nhiều văn bản như: Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Phòng, chống ma tuý; Luật Giao thông đường bộ; Luật Giao thông đường thuỷ; Luật Phòng cháy và chữa cháy; Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; Chỉ thị 135/HĐBT ngày 14-5-1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về Tăng cường công tác bảo vệ Trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới; Quyết định 114-TTg ngày 21-11-1992 của Thủ tướng Chính phủ về Những biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng, buôn lậu; Nghị quyết 09/NQ-CP của Chính phủ về Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm và Chương trình hành động phòng, chống ma tuý 2006-2010, Nghị quyết 13/2002/NQ-CP ngày 19-11-2002 của Chính phủ về Các giải pháp kiềm chế gia tăng tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; xây dựng và triển khai thực hiện thế trận phòng, chống tội phạm đảm bảo trật tự xã hội.
Hầu hết các lĩnh vực công tác, các chuyên đề nghiệp vụ của lực lượng cảnh sát đều được tổng kết và xây dựng thành các nghị định, chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công an. Hệ thống các văn bản đó đã thực sự được phát huy, tạo chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự của lực lượng Cảnh sát nhân dân và toàn xã hội. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và toàn dân tham gia công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội, từng bước tạo khí thế tấn công, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động tấn công các loại tội phạm, vừa tập trung chỉ đạo đổi mới các mặt công tác nghiệp vụ, vừa triển khai liên tục các đợt cao điểm tấn công trấn áp mạnh bọn tội phạm, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về trật tự an toàn xã hội, khơi dậy khí thế của quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc. Các kết quả trên đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Thực tế đã chứng minh, mỗi chặng đường lịch sử phát triển của cách mạng Việt Nam đều có sự đóng góp to lớn của lực lượng Công an nhân dân nói chung, của lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng. Cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn xung kích, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không sợ hiểm nguy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Chỉ tính trong thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay) đã có 130 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân anh dũng hy sinh và trên 600 đồng chí bị thương, hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ nêu gương sáng về phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, kiên quyết không nhận hối lộ của đối tượng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Sự cống hiến hy sinh và trách nhiệm lớn lao của cán bộ, chiến sĩ đã tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đánh giá cao, ghi nhận lòng trung thành, sự hy sinh và những cống hiến to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và của dân tộc ta. Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 08 Huân chương Hồ Chí Minh; 100 tập thể và 69 cá nhân được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, hàng nghìn tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương các loại... Kỷ niệm 30 năm ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân (20-7-1962 - 20-7-1992), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã tặng lực lượng Cảnh sát nhân dân bức trướng mang dòng chữ “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước vì dân, quên thân phục vụ”. Đặc biệt, năm 2003, lực lượng Cảnh sát nhân dân vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng.
Trong xu thế toàn cầu hoá, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và tiếp tục đổi mới để phát triển đất nước, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, công tác bảo vệ an ninh, trật tự gặp không ít khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hoà bình” hòng tấn công vào nội bộ ta một cách nham hiểm; những yếu tố đe doạ đến sự ổn định xã hội ở trong nước có nơi, có lúc còn diễn biến phức tạp; hoạt động của các loại tội phạm có chiều hướng gia tăng, tệ nạn xã hội, tham nhũng tiêu cực... còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn về an ninh, trật tự. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về trật tự xã hội.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng uỷ Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tham mưu, hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, đơn vị và nhân dân tích cực phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, đảm bảo trật tự xã hội, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, lực lượng Cảnh sát nhân dân cần phải tiếp tục đổi mới theo hướng cơ bản sau đây:
Một là, các hoạt động của lực lượng Cảnh sát nhân dân phải được tiếp tục đổi mới, phù hợp với sự phát triển của đất nước và xu thế hội nhập quốc tế. Mọi hoạt động được tăng cường và có hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật; nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm cụ thể được quy định trong các văn bản pháp luật. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân phải nắm vững pháp luật, chấp hành đúng pháp luật, đồng thời gương mẫu vận động gia đình, nhân dân sống và làm việc theo pháp luật; không ngừng học tập nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, pháp luật, không chỉ luật trong nước mà cả luật quốc tế, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn hội nhập và toàn cầu hoá.
Hai là, lực lượng Cảnh sát nhân dân phải thực sự là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Muốn vậy, lực lượng Cảnh sát nhân dân cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, đổi mới biện pháp công tác để thích ứng với yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm phòng, chống tội phạm của thời kỳ mới; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban, ngành, lực lượng Quân đội để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng; tăng cường sự quản lý có hiệu lực của Nhà nước, phát huy tính tích cực cách mạng của khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao vai trò chủ động của các ngành, các cấp trong bộ máy nhà nước, làm tốt công tác phòng ngừa xã hội để chủ động trong phòng ngừa nghiệp vụ. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa với tấn công, trấn áp tội phạm; tăng cường công tác dự báo để có những đề án, phương án phù hợp; tập trung đấu tranh những loại đối tượng mới, đối tượng ở các địa bàn và các lĩnh vực trọng điểm.
Ba là, tiếp tục đổi mới các biện pháp công tác nhằm vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội, vừa đảm bảo dân chủ và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Lực lượng Cảnh sát nhân dân phải làm tham mưu cho Nhà nước ban hành các văn bản pháp quy quản lý hành chính về trật tự xã hội; hướng dẫn và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện. Tập trung lực lượng và vận động nhân dân tiếp tục thực hiện thắng lợi các chủ trương lớn của Chính phủ về quản lý cư trú; quản lý vũ khí, vật liệu nổ; quản lý trật tự, an toàn giao thông đường bộ và giao thông đô thị, trật tự, an toàn giao thông đường sắt và đường thủy nội địa. Chủ động phối hợp với các ngành, các cấp xây dựng các giải pháp kiềm chế gia tăng, tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, coi đây là nhiệm vụ cấp bách trong tình hình hiện nay. Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đô thị hoá; lập lại trật tự trên lĩnh vực văn hoá, dịch vụ văn hoá, phòng, chống tệ nạn xã hội…
Bốn là, cần đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân trong điều kiện mới. Cảnh sát nhân dân là một lực lượng vũ trang thường trực chiến đấu, đối tượng đấu tranh rất đa dạng và phức tạp, thường xuyên tiếp xúc với các mặt trái của xã hội. Công tác Cảnh sát nhân dân có liên quan đến nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đến quyền lợi của quần chúng, thậm chí sinh mệnh chính trị của người dân. Môi trường công tác của Cảnh sát nhân dân rất phức tạp, thường xuyên phải tiếp xúc với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, các tiêu cực của xã hội. Vì vậy, để nâng cao sức chiến đấu, phải coi trọng xây dựng tổ chức bộ máy và cán bộ của lực lượng Cảnh sát nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh theo hướng là một lực lượng vũ trang cách mạng, tinh nhuệ, chính quy, từng bước hiện đại, gắn bó máu thịt với nhân dân, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng; là lực lượng nòng cốt, đội quân xung kích trên mặt trận đấu tranh bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Đây là yêu cầu cơ bản có ý nghĩa quan trọng, phải xây dựng mặt tích cực để phòng, chống mặt tiêu cực; lấy những điển hình tốt để khắc phục những biểu hiện tiêu cực.
Xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân phải tuân thủ nguyên tắc về sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Chế độ lãnh đạo chỉ huy của lực lượng Cảnh sát nhân dân theo nguyên tắc tập trung thống nhất, chuyên sâu; kết hợp quản lý ngành và lãnh thổ một cách hợp lý.
Thực hiện thật tốt công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị tư tưởng trong lực lượng Cảnh sát nhân dân, làm cho cán bộ, chiến sĩ quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ trong sự nghiệp đổi mới, nhất là hiện nay đất nước bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện tốt phong trào học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân và cuộc vận động do Bộ Chính trị phát động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Các cấp uỷ đảng và thủ trưởng đơn vị Cảnh sát nhân dân cần tăng cường các biện pháp đấu tranh có hiệu quả chống tiêu cực, tham nhũng nội bộ. Để xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự trong tình hình mới, công tác quản lý cán bộ cần được tăng cường, nghiêm túc xem xét, khắc phục những sơ hở, yếu kém. Muốn vậy, cần tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp phê bình xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân. Giáo dục cán bộ, chiến sĩ có thái độ tiếp thu nghiêm túc những ý kiến đóng góp chân thành của nhân dân, dám nhận và sửa lỗi của mình cho dân tin, dân mến lực lượng Cảnh sát nhân dân. Đồng thời kiên quyết làm trong sạch nội bộ, loại bỏ những phần tử thoái hoá, biến chất.
Chủ động điều chỉnh, kiện toàn mô hình bộ máy Cảnh sát nhân dân tinh gọn, không trùng chéo, bớt trung gian, đảm bảo hữu hiệu cho chỉ huy, chỉ đạo tập trung, thống nhất và hiệu quả. Đồng thời với việc củng cố lực lượng Cảnh sát nhân dân ở cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp huyện, cần triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương về bố trí lại tổ chức công an và cảnh sát cấp cơ sở. Tập trung nghiên cứu phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và sự phối hợp hiệp đồng của lực lượng Công an, Cảnh sát với các bộ, ngành trong bảo vệ an ninh, trật tự để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện, vũ khí kỹ thuật hiện đại cho lực lượng Cảnh sát nhân dân; chăm lo cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Cảnh sát nhân dân, nhất là những đồng chí trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
Năm là, tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL), Hiệp hội Cảnh sát các nước Đông Nam Á (ASEANAPOL) và cảnh sát các nước. Trước hết là hợp tác trong phòng, chống buôn lậu, buôn bán ma tuý, cướp biển, không tặc, khủng bố, buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới… Thực hiện các luật quốc tế, hiệp định song phương, Hiệp định Tương trợ tư pháp hình sự quốc tế; Hiệp định Hợp tác phòng, chống tội phạm giữa cảnh sát nước ta và cảnh sát các nước, trong đó chú ý tranh thủ kinh nghiệm, khoa học công nghệ và phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma tuý.
Sáu là, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự bên cạnh những thuận lợi và cơ hội lớn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, cũng đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là đấu tranh với các phương thức mới của tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm lợi dụng công nghệ cao. Vì vậy, lực lượng Cảnh sát nhân dân phải giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, ngành Công an và nhân dân giao phó, xung kích trên mặt trận đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự, góp phần phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./.
Xây dựng “Nhà trường văn hóa, thày giáo mẫu mực, sinh viên thanh lịch”  (13/07/2007)
Sẽ có 720.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề  (13/07/2007)
Các khu kinh tế thu hút 8,6 tỉ USD vốn đầu tư  (13/07/2007)
Điểm sáng Việt Nam  (12/07/2007)
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam  (12/07/2007)
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên