Kết quả và bài học kinh nghiệm xóa đói, giảm nghèo ở Thừa Thiên - Huế
Xóa đói, giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết tình trạng nghèo nàn, lạc hậu cũng như sự chênh lệch mức sống giữa các vùng, miền, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đối với Thừa Thiên - Huế, do điều kiện đặc thù của tỉnh, vấn đề xóa đói, giảm nghèo càng quan trọng và cấp thiết, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh chú trọng tổ chức thực hiện.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII xác định: Phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề xã hội là tiền đề để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Quán triệt và thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của tỉnh về xóa đói, giảm nghèo, trong những năm qua, Thừa Thiên - Huế tập trung các nguồn lực, thực hiện nhiều chính sách, giải pháp xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà ở tạm trên địa bàn, đem lại nhiều kết quả quan trọng, bảo đảm kinh tế - xã hội của địa phương phát triển theo hướng bền vững.
1 - Đầu tư xóa đói, giảm nghèo và xóa nhà ở tạm tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng kinh tế khó khăn
Cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo ở Thừa Thiên - Huế được tiến hành theo từng bước đi cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, trước hết, tập trung ưu tiên xóa đói, giảm nghèo cho những gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công cách mạng ở vùng căn cứ kháng chiến cũ, vùng biên giới, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống. Để tạo nguồn kinh phí, Thừa Thiên- Huế phát động phong trào tham gia xóa đói, giảm nghèo rộng khắp trong toàn tỉnh. Do ý nghĩa nhân văn cao cả và sâu nặng nghĩa tình của cuộc vận động, nên ngay sau khi phát động, phong trào nhanh chóng thu hút sự hưởng ứng và tham gia tích cực của toàn xã hội. Bình quân hằng năm, Quỹ vì người nghèo của tỉnh nhận được số tiền hàng chục tỉ đồng ủng hộ từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Trên cơ sở đó, địa phương hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình khó khăn khắc phục khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.
Đi đôi với hỗ trợ đời sống, tỉnh còn tích cực đẩy mạnh công tác xóa nhà ở tạm cho đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo trên địa bàn. Đây là một trong những nội dung trọng tâm trong chương trình xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Để thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao, Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng liên quan xây dựng và triển khai thực hiện đề án hỗ trợ xóa nhà tạm cho các hộ nghèo trong thời gian 2004 - 2008, với mục tiêu xây dựng mới trên 7.000 căn nhà cho hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, trong đó chú trọng việc hỗ trợ xây nhà cho các đối tượng chưa có nhà ở hoặc nhà ở rách nát, tạm bợ. Nhà ở mới cho dân bảo đảm tiêu chí "4 cứng": cứng khung, cứng mái, cứng nền, cứng tường bao quanh và mức hỗ trợ xây bình quân từ 8 triệu đồng/ nhà trở lên.
Cùng với việc thống nhất chỉ đạo tổ chức thực hiện từ tỉnh đến cơ sở, Thừa Thiên - Huế thành lập ban vận động ủng hộ xóa nhà tạm, nhằm tập trung huy động các nguồn lực xã hội thực hiện có hiệu quả công tác xóa nhà tạm. Để tăng thêm nguồn kinh phí, đẩy nhanh tiến độ thực hiện xóa nhà tạm cho người dân, tỉnh áp dụng nhiều hình thức huy động các nguồn vốn, như thông qua phương tiện thông tin đại chúng, gửi thư ngỏ, vận động các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các nhà hảo tâm, các doanh nhân trong và ngoài nước; phát động cán bộ, công nhân viên chức các cấp ủng hộ một ngày lương; phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố HồChí Minh tổ chức cầu truyền hình "Nghĩa tình Trường Sơn"... thu hút được nguồn tiền ủng hộ trên 11 tỉ đồng. Đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, tỉnh thực hiện lồng ghép chương trình xóa nhà tạm với Chương trình 134, hỗ trợ thêm kinh phí xây dựng 15 triệu đồng/nhà (Trung ương hỗ trợ 5 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng). Nhờ đó, chương trình xóa nhà tạm ở 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới đã hoàn thành cuối năm 2007. Năm 2008, xây dựng xong các khu tái định cư, xóa nhà tạm cho hơn 500 hộ dân ở vùng đầm phá Tam Giang, phấn đấu đến năm 2009 không còn hộ dân nào phải sống lang thang trên đầm phá. Tính chung đến nay, cả tỉnh đã hỗ trợ xây dựng được 9.425 ngôi nhà mới cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo khó khăn với tổng kinh phí trên 110 tỉ đồng, đạt 135% kế hoạch đã đề ra.
2 - Thực hiện đồng bộ các giải pháp xóa nghèo, an sinh xã hội
Những năm gần đây, với quan điểm nhất quán, tăng trưởng kinh tế ổn định phải gắn liền với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững, hàng loạt chủ trương, chính sách, chương trình liên quan đến xóa đói, giảm nghèo của Trung ương và của tỉnh được tổ chức thực hiện có hiệu quả trên địa bàn, như từ nguồn vốn Chương trình 134 của Chính phủ, tỉnh đầu tư xây dựng 25 công trình nước sinh hoạt với tổng kinh phí 12 tỉ đồng; khai hoang đất sản xuất với diện tích 154 ha; hỗ trợ xóa 4.031 nhà tạm cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo. Với nguồn vốn từ Chương trình 135, tỉnh hỗ trợ cho 16 xã đặc biệt khó khăn, xây dựng 82 hạng mục công trình giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, trường học, y tế, nhà văn hóa với kinh phí 41 tỉ đồng; xây dựng 18 mô hình kinh tế, tổ chức 14 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị sản xuất với tổng kinh phí 7,5 tỉ đồng; hỗ trợ đào tạo cho gần 1.200 lượt cán bộ xã, thôn và đào tạo nghề cho 256 lượt nông dân với kinh phí 2,3 tỉ đồng. Từ nguồn vốn Chương trình 257, tỉnh đầu tư cho39 xã bãi ngang xây dựng 52 công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, chợ nông thôn..., góp phần giảm nghèo cho các xã ven biển, đầm phá. Ngoài ra, các chương trình, dự án khác như: Chương trình phát triển nông thôn Thừa Thiên - Huế, Chương trình phát triển thủy sản, nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, Dự án giảm nghèo ở Thừa Thiên - Huế, Dự án phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn dựa vào cộng đồng, Dự án định canh, định cư các xã nghèo, Dự án bố trí lại dân cư và phát triển sản xuất..., từng bước được tổ chức thực hiện và phát huy hiệu quả. Đặc biệt, việc thực hiện chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã và đang góp phần giúp các hộ nghèo khắc phục khó khăn về kinh tế và cơ bản ổn định cuộc sống. Tính đến cuối năm 2008, tổng dư nợ cho hộ nghèo vay toàn tỉnh lên đến 500 tỉ đồng (bình quân mỗi hộ được vay 10 triệu đồng).
Nhìn chung, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp xóa nghèo và an sinh xã hội, kết cấu hạ tầng ở vùng nông thôn, miền núi của Thừa Thiên - Huế từng bước được đầu tư đồng bộ, khang trang. Đến nay, 100% số xã trong tỉnh có trường tiểu học, trung học cơ sở và và trạm y tế (100% số trạm y tế đều có bác sĩ); có đường ô tô đến trung tâm xã. Hệ thống đường liên thôn, liên xã đều được bê tông hóa và nhựa hóa; 100% số xã có điện sinh hoạt với hơn 98% số hộ được dùng điện; 87% số hộ được dùng nước sạch; 100% số xã được phủ sóng truyền hình.
Trong bối cảnh tình hình nước ta nói chung, Thừa Thiên - Huế nói riêng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng kinh tế lạm phát, giá cả thị trường tăng cao, thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm... Tỉnh ủy và ủy ban nhân dân tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác bảo trợ và chính sách an sinh xã hội, nhằm giải quyết những bức xúc về đời sống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là dân nghèo. Cụ thể : Trợ cấp đột xuất trong các dịp lễ, tết cho 34.249 hộ nghèo, hộ bị thiên tai, hộ có người bị nhiễm chất độc hóa học, 8.709 người già, người tàn tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa và 1.000 đối tượng đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội... tổng cộng 5.409 tấn gạo; trợ cấp khó khăn cho 16.000 người có hoàn cảnh khó khăn, hộ chính sách, hộ bị thiên tai trong toàn tỉnh với kinh phí 2,1 tỉ đồng. Ngoài ra, nhằm thực hiện tốt các chính sách đối với hộ nghèo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, tỉnh đầu tư cho lĩnh vực y tế 22 tỉ đồng để mua và cấp phát 166.438 thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ ngành giáo dục hơn 2,4 tỉ đồng để thực hiện miễn phí, giảm học phí, giảm các khoản đóng góp xây dựng trường và trợ cấp mua đồ dùng học tập cho học sinh nghèo...
Chương trình xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà ở tạm cho đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo thực sự trở thành nội dung quan trọng trong kế hoạch hằng năm của các cấp, các ngành, các địa phương ở Thừa Thiên - Huế. Chương trình huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, sự hưởng ứng, chia sẻ và ủng hộ tích cực của cộng đồng quốc tế... Qua đó, khai thác và phát huy các nguồn lực nhằm thực hiện tốt các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà ở tạm trên địa bàn. Nhờ vậy, các chỉ tiêu về xóa đói, giảm nghèo hằng năm của địa phương đều đạt và vượt kế hoạch; đời sống vật chất, tinh thần của đại đa số nhân dân được cải thiện rõ nét. Bộ mặt nông thôn, miền núi, các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn có nhiều khởi sắc và có sự thay đổi đáng kể; chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh giảm từ 21,17% cuối năm 2005 xuống còn 12,1% cuối năm 2008. Riêng tỷ lệ hộ nghèo ở 2 huyện miền núi giảm khá nhanh, huyện Nam Đông từ 24,9% năm 2005 giảm còn 11,4% năm 2008; huyện A Lưới từ 48,47% năm 2005 giảm còn 27% năm 2008.
Với thành tích trên, Thừa Thiên - Huế được Trung ương công nhận là một trong những tỉnh thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo có hiệu quả và trở thành điểm sáng về thực hiện công tác xóa nhà ở tạm cho đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo đặc biệt khó khăn trong cả nước. Quan trọng hơn, hiệu quả từ chương trình đã góp phần làm cho nền kinh tế của tỉnh có nhiều chuyển biến quan trọng, có tính toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 13%. Năm 2008, tuy ảnh hưởng lạm phát nghiêm trọng, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt trên 10%; chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội được giữ vững và tăng cường; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; đoàn kết trong Đảng được củng cố, xã hội đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
3 - Bài học kinh nghiệm
Qua quá trình thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, Thừa Thiên - Huế rút ra được một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, phải xác định xóa đói, giảm nghèo là một trong những chính sách ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là mục tiêu hàng đầu của các mục tiêu thiên niên kỷ. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xóa đói, giảm nghèo phải hướng vào những vùng còn tỷ lệ hộ nghèo cao như vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tinh thần: về chủ trương, phải đúng trọng tâm, đúng trọng điểm; về chỉ đạo, phải quyết liệt, biết khối lượng công việc, lực lượng thực hiện, thời hạn hoàn thành; về chủ trì, phải gương mẫu, tận tụy, sâu sát, dân chủ, sáng tạo nhưng đúng pháp luật của Nhà nước.
Thứ hai, xây dựng lộ trình thực hiện các chính sách, cơ chế đặc thù, các biện pháp đột phá, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn. Đi đôi với công tác này, phải tích cực giải quyết việc làm cho người lao động, gắn với đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động ở nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp nhằm nâng cao kiến thức tay nghề, đủ điều kiện tham gia thị trường lao động chất lượng cao. Đây là một trong những giải pháp tích cực có tác động rất lớn đối với công tác xóa đói, giảm nghèo ở Thừa Thiên - Huế.
Thứ ba, xã hội hóa các hoạt động xóa đói, giảm nghèo, phát động phong trào quần chúng sâu rộng trong toàn tỉnh. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống. Phấn đấu thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững thông qua việc đẩy mạnh các chương trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, các chương trình hỗ trợ về sản xuất và đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, các xã đặc biệt khó khăn kết hợp và lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên từng địa bàn và dựa trên cơ sở đề xuất của nhân dân cho phù hợp; đồng thời, xem việc xóa nhà ở tạm là nội dung quan trọng trong chương trình xóa đói, giảm nghèo của địa phương.
Thứ tư, thiết lập cơ chế phân bổ ngân sách công bằng, minh bạch và có tính khuyến khích cao, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động trong việc huy động nguồn lực tại chỗ cũng như lồng ghép với các nguồn khác, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn lực, bảo đảm đúng mục tiêu, đúng đối tượng, không thất thoát; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn kinh phí của chương trình không đúng mục đích, không có hiệu quả.
Thứ năm, hằng năm, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo và xóa nhà ở tạm; kịp thời khen thưởng để động viên nhân tố tích cực, khắc phục những yếu kém, tồn tại để tổ chức thực hiện chương trình tốt hơn cho những năm tiếptheo.
Trên cơ sở những kết quả và bài học kinh nghiệm, thời gian tới, nhất là nửa nhiệm kỳ còn lại, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên - Huế quyết tâm vượt qua khó khăn, khắc phục những tồn tại, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thực hành tiết kiệm, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra./.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu chuyến thăm chính thức UAE  (15/02/2009)
Giới thiệu một số chính sách mới  (15/02/2009)
Quyết liệt thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư  (14/02/2009)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay