Những vết thương dai dẳng của nước Mỹ
TCCSĐT- Chín năm đã trôi qua kể từ sau vụ khủng bố kinh hoàng nhằm vào Trung tâm Thương mại Niu Oóc và Lầu Năm Góc ở Thủ đô Oa-sinh-tơn ngày 11-9-2001, khiến hơn 3000 người thiệt mạng. Nhưng tới nay, sự kiện này vẫn để lại cho nước Mỹ những “vết thương dai dẳng” cả bên trong lẫn bên ngoài.
Chia rẽ từ Khu vực số không
Từ sau vụ khủng bố 11-9 đến nay, Khu vực số không (Ground Zero), địa điểm xảy ra các cuộc tấn công khủng bố ở Niu Oóc, khá yên bình cùng với những tín hiệu hồi sinh. Nhưng từ khi Thị trưởng Niu Oóc Mai-cơn Blôm-bớc (Michael Bloomberq) quyết định cho xây một trung tâm cộng đồng và giáo đường Hồi giáo ở gần Khu vực số không, tranh cãi đã nổ ra gay gắt. Thăm dò của truyền hình CNN cho thấy có tới 70% người Mỹ phản đối dự án “nhạy cảm” này. Vậy là một vấn đề địa phương bỗng trở thành mối quan tâm của cả nước.
Rõ ràng, “vết thương” 11-9 tái phát trong lòng người Mỹ bởi nhiều người thậm chí không phân biệt Hồi giáo ôn hòa với An Kê-đa (Al-Qaeda). Họ có tâm lý cho rằng, chính người Hồi giáo đã giết hàng nghìn người Mỹ, vậy nên việc đền thờ Hồi giáo mọc lên ngay tại địa điểm xảy ra tội ác là điều “không thể chấp nhận được”. Trong số những người phản đối kịch liệt có nhiều chính trị gia nổi bật của Đảng Cộng hòa, một số học giả bảo thủ và thân nhân một số người thiệt mạng trong vụ khủng bố 11-9.
Ngày 10-9, mục sư dòng Phúc âm K.A.Paul tại bang Flo-ri-da tuyên bố kế hoạch đốt hàng trăm cuốn kinh Koran của người Hồi giáo vào ngày 11-9 đã chính thức bị hủy bỏ. |
Các nhà phân tích chính trị nhận định, sự chia rẽ từ Khu vực số không sẽ gây khó khăn cho Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới, bởi ông đã lên tiếng ủng hộ dự án và cho rằng, người Hồi giáo có quyền như bất kỳ người nào khác.
Nhiều công dân Mỹ theo Hồi giáo cảm nhận rõ không khí căng thẳng, bất an trước dịp kỷ niệm 11-9, nhất là sau vụ mục sư Te-ri Giôn (Terry Jones) sống ở một nhà thờ nhỏ tại Ga-nê-vi-lê, bang Phơ-lo-ri-a (Gainesville, Florida) dọa đốt các bản kinh Cô-ran để “cho thấy bản chất của Hồi giáo”.
Có thể nói, thái độ kỳ thị quá khích Hồi giáo đang là một trong những “vết thương” mà vụ khủng bố 11-9 để lại cho nước Mỹ, khiến sự đoàn kết giữa các tôn giáo, đoàn kết trên chính trường và trong người dân Mỹ bị sứt mẻ nghiêm trọng. Hành động này có thể đẩy những người Hồi giáo Mỹ vào thế cô lập trong cộng đồng, từ đó dễ bị lôi kéo tham gia các tổ chức khủng bố cực đoan hơn. Không những thế, nó còn gây trở ngại cho kế hoạch xoa dịu thế giới Hồi giáo, gồm hơn 1,5 tỉ tín đồ, của Tổng thống Ô-ba-ma.
Nhức nhối hai cuộc chiến
Sau vụ khủng bố 11-9, chính quyền cựu Tổng thống G.Bu-sơ đã phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, trong đó tập trung vào I-rắc và Áp-ga-ni-xtan với cái cớ là chính quyền các nước này dung dưỡng chốn ẩn náu cho An Kê-đa, mạng lưới khủng bố đã lập kế hoạch tấn công nước Mỹ.
Bảy năm “sa lầy” tại I-rắc, ngày 31-8 vừa qua, chính quyền Tổng thống Ô-ba-ma phải tuyên bố chấm dứt “sứ mệnh chiến đấu” của quân đội Mỹ ở đây, với cái giá phải trả quá cao cả về xương máu lẫn tiền bạc. “Vết thương” I-rắc chắc chắn sẽ khó lành với Mỹ, bởi nó đã khiến hơn 4.400 lính Mỹ bỏ mạng, hơn 31.000 nghìn binh sĩ khác bị thương, hơn 750 tỉ USD bị “đốt” một cách lãng phí.
Nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng, rút cuộc Mỹ không thể chứng minh Xa-đam Hút-xen (Saddam Hussein) sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt hay có liên hệ với những kẻ tiến hành vụ tấn công 11-9. Bởi vậy, nước Mỹ chẳng được an toàn hơn sau cuộc chiến I-rắc bởi trước đó, đâu có mối đe dọa nào xuất phát ở đây. Ngược lại, An Kê-đa lợi dụng sự oán giận của người I-rắc đối với quân đội Mỹ để kích động bạo lực, reo rắc thái độ thù địch Mỹ. Chúng thậm chí thành công trong việc xây dựng lực lượng ở đất nước này.
Đối với Áp-ga-ni-xtan, bất chấp việc Mỹ tung thêm 30.000 quân tiếp viện và 33 tỉ USD “yểm trợ”, giới quan sát vẫn cho rằng, đây là một cuộc chiến “đáng lãng quên” của Oa-sinh-tơn. Cuộc khảo sát của Công ty Rasmussen Report cho thấy chỉ 41% người Mỹ được hỏi tin rằng quân đội Mỹ có khả năng chiến thắng tại Áp-ga-ni-xtan, trong khi 48% muốn cuộc chiến chấm dứt lập tức.
Tờ Nước Mỹ ngày nay (USA Today) mới đây phê phán rằng, càng ngày, chiến lược chống khủng bố càng khiến người dân Mỹ hoang mang bởi sự nửa vời, còn lâu mới đủ sức mạnh để ngăn chặn sự nổi dậy của Ta-li-ban và triệt phá An Kê-đa tận gốc. Ngoài tổn thất hàng trăm sinh mạng, cuộc chiến này còn trở thành gánh nặng lớn đối với nền kinh tế Mỹ trong thời điểm khủng hoảng, lấy đi hơn 286 tỉ USD tiền thuế của người dân Mỹ.
Nguồn gốc “bi kịch Mỹ” ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan chính là sự thiếu hiểu biết về An Kê-đa, đặc biệt là hiểu biết về cơ cấu tổ chức, năng lực, điểm yếu cũng như ý đồ của tổ chức khủng bố này.
Chín năm sau sự kiện 11-9, tất cả chỉ là nỗi sợ hãi mơ hồ rằng An Kê-đa có thể sở hữu vũ khí hạt nhân và sử dụng chúng để tấn công nước Mỹ. Trong khi đó, không ai rõ số phận trùm khủng bố O-ba-ma Bin La-đen hay sức mạnh thực sự của An Kê-đa tới đâu. Việc thiếu thông tin đã khiến chiến lược chống khủng bố của Mỹ như viên phi công lái máy bay đi vào cơn bão trong đêm, với những hướng dẫn sai lệch.
Nước Mỹ có an toàn hơn?
Để giúp Mỹ an toàn hơn, chính quyền Mỹ chi hàng tỉ USD cho an ninh nội địa, trong đó áp dụng các biện pháp kiểm tra an ninh cá nhân nghiêm ngặt và nâng cao năng lực cảnh báo của cộng đồng tình báo. Không thể phủ nhận mặt tích cực của các nỗ lực này song dường như người Mỹ đang trở thành nạn nhân từ chính cuộc chiến chống khủng bố.
Tờ Thời báo Niu Oóc (New York Times) số ra ngày 30-8 đăng tải bài viết về cách mà các nhân viên vũ trang an ninh biên giới Mỹ đang sử dụng để giám sát các dịch vụ vận tải công cộng, tàu hỏa, bên trong lãnh thổ Mỹ. Nhiều người chỉ trích sự tùy tiện, vi phạm quyền riêng tư cá nhân khi bị an ninh chất vấn những câu như: “Bạn có phải công dân Mỹ?”, “Bạn sinh ở quốc gia nào?”…Đôi khi các biện pháp kiểm tra an ninh còn bị cho là “cưỡng ép, vi hiến, phân biệt chủng tộc”…
Cuộc điều tra riêng kéo dài 2 năm của tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn (The Washington Post) tiết lộ, sau 9 năm cố gắng bảo đảm an ninh nước Mỹ, chính quyền Mỹ đã tạo ra một “thế giới ngầm an ninh, tình báo” rộng lớn, rộng tới mức không ai nắm được chi phí vận hành của “thế giới” này là bao nhiêu, số lượng nhân lực hay chương trình nào đang được triển khai cũng như mức độ hoạt động chồng chéo, lãng phí, thiếu hiệu quả của các cơ quan trực thuộc trong thế giới ấy…
Trong khi đó, các mối đe dọa an ninh nước Mỹ, cả ở trên trời lẫn mặt đất, vẫn hiện hữu. Gần đây nhất, ngày 7-9, một máy bay chở khoảng 200 hành khách của Hãng hàng không Thái Lan (Thai Aiways) thực hiện lộ trình từ Băng-cốc (Bangkok) đi Lốt An-giơ-lét (Los Angeles) của Mỹ bị đe dọa đánh bom; ngày 1-5, cảnh sát Niu Oóc phá vỡ âm mưu đánh bom xe trên Quảng trường Thời đại của một kẻ được Ta-li-ban Pa-ki-xtan hậu thuẫn. Trước đó, ngày 25-12-2009, Mỹ cũng phát hiện âm mưu được cho là của mạng lưới khủng bố An Kê-đa nhằm làm nổ tung một chuyến bay tới thành phố Đơ-troi (Detroit) của Mỹ vào dịp Giáng Sinh.
Thật khó hiểu là sau 9 năm kể từ vụ khủng bố 11-9, các cơ quan chức năng Mỹ vẫn chưa lắp đặt được các thiết bị công nghệ hữu hiệu đúng chỗ để theo dõi và ngăn chặn âm mưu khủng bố “từ trong trứng nước” cũng như chưa có luật lệ, tiêu chuẩn nào quy định cách thức bắt giữ, xét xử các nghi can khủng bố. Mặc dù được đầu tư khoảng 7 tỉ USD nhưng trong bảy năm qua, vấn đề xây dựng một hệ thống liên lạc qua vô tuyến điện giữa các lực lượng chức năng, cứu hộ trong trường hợp khẩn cấp cũng chưa được giải quyết triệt để.
Có thể nói, trong bối cảnh này, người Mỹ chưa thể thoát khỏi nỗi ám ảnh về một cuộc tấn công khủng bố tiềm tàng.
Con đường phía trước
Ngày 11-9 năm nay là thời điểm để Mỹ nhìn nhận lại toàn bộ cuộc chiến khủng bố, liên quan tới việc “đập gẫy và phá bỏ mạng lưới An Kê-đa cùng đồng minh của chúng”
Theo một số chuyên gia chống khủng bố, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên mà chính quyền Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma cần làm trong thời gian tới là đưa ra một khái niệm về thực trạng và xu hướng của chủ nghĩa khủng bố, những cách thức mà chính quyền có thể đối phó với chủ nghĩa cực đoan này. Ngoài ra, chính quyền phải nỗ lực mở rộng cách tiếp cận về thế giới Hồi giáo, đẩy mạnh các phương thức hành động trực tiếp chống các phần tử khủng bố.
Ở bên ngoài, Mỹ sẽ phải xem xét lại việc bố trí các lực lượng của mình tại Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan, I-rắc, đồng thời phát triển mối quan hệ lâu dài với các quốc gia này trên các lĩnh vực như hợp tác an ninh, thương mại, giúp đồng minh chống các cuộc nổi loạn. Ở bên trong, Mỹ phải sắp xếp lại các cơ quan an ninh nội địa và tình báo phức tạp.
Trong thập kỷ tới, sự phân biệt giữa an ninh quốc gia và an ninh nội địa Mỹ có thể bị xóa nhòa. Bởi vậy, cách thức đối phó với các mối đe dọa an ninh cũng phải thay đổi, nhất là khi bọn khủng bố có thể phối hợp với các băng đảng tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán ma túy tiến hành các cuộc khủng bố dưới nhiều hình thức như khủng bố hóa học hoặc sinh học.../.
Kỷ niệm 80 năm truyền thống công tác dân vận của Đảng  (11/09/2010)
Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt - Anh  (11/09/2010)
Liệu cuộc chiến tại I-rắc đã kết thúc?  (11/09/2010)
Diễn đàn chính trị quốc tế năm 2010  (11/09/2010)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay