Thành phố Hà Nội tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần xây dựng Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến
TCCS - Xác định việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII là nhiệm vụ chính trị quan trọng, trọng tâm của nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2021 - 2026 của Đảng bộ thành phố Hà Nội, Thành ủy Hà Nội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả nghị quyết này trong cả hệ thống chính trị của Thủ đô. Thời gian tới, thành phố Hà Nội quyết tâm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh.
Về kết quả thực hiện nghị quyết của Trung ương, kế hoạch của Thành ủy Hà Nội
Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và các kế hoạch của Trung ương, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cơ bản hoàn thành việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố; cơ cấu tổ chức bên trong theo hướng tinh gọn đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo nhiệm vụ; tinh giản biên chế, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; rà soát, điều chỉnh biên chế tối thiểu, bố trí số lượng cấp phó bảo đảm đúng quy định; xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc, quy trình giải quyết công việc, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Về quản lý và sử dụng biên chế công chức, viên chức
Giai đoạn 2015 - 2021, thành phố đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu về tinh giản biên chế (từ 10% trở lên). Cụ thể, giảm từ 1.473 biên chế công chức (tỉ lệ 15,6%, bao gồm giảm 578 công chức thuộc Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương Hà Nội đã chuyển về Bộ Công Thương) và giảm 12.890 biên chế sự nghiệp (tỷ lệ 10%) so với năm 2015.
Thực hiện Nghị định số 106/2020/NĐ-CP, ngày 10-9-2020, của Chính phủ, “Về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập”, từ năm 2022, Bộ Nội vụ giao 1.240 người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tại các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm một phần chi thường xuyên cho thành phố Hà Nội. Thành phố Hà Nội đã thực hiện chuyển 198 đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị đối với 21.572 biên chế.
Về thực hiện chính sách tinh giản biên chế
Để đẩy mạnh tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chủ động nghiên cứu, xây dựng cơ chế đặc thù khuyến khích đối tượng nghỉ tự nguyện tinh giản biên chế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét. Thực hiện Nghị định số 113/2018/NĐ-CP, ngày 31-8-2018, của Chính phủ, “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, ngày 20-11-2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế”, thành phố Hà Nội đề xuất bổ sung 4/5 nhóm đối tượng tự nguyện tinh giản biên chế. Thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Nội vụ ban hành Văn bản số 609/SNV-TCBC, ngày 27-3-2019, của Sở Nội vụ, về “Triển khai, hướng dẫn bổ sung một số nội dung thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 113/2018/NĐ-CP, ngày 31-8-2018, của Chính phủ”; qua đó, công tác giải quyết chế độ tinh giản biên chế có sự chuyển biến rõ nét, đến tháng 6-2022, thành phố đã giải quyết nghỉ tinh giản biên chế được 34 đợt, với 1.646 trường hợp; trong đó, có 291 trường hợp nghỉ do sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại theo vị trí việc làm, 769 trường hợp nghỉ do phân loại, đánh giá.
Về số lượng cấp phó
Triển khai thực hiện Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, ngày 14-9-2020, của Chính phủ, “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, ngày 4-4-2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, ngày 7-10-2020, của Chính phủ, “Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập”; thành phố Hà Nội quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố rà soát số lượng lãnh đạo cấp phó thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập do thực hiện sắp xếp. Đối với số lượng cấp phó dôi dư, các cơ quan, đơn vị đề xuất lộ trình giảm số lượng trong 3 năm và phương án giảm số lượng cấp phó do điều động, bổ nhiệm, kiện toàn khi thiếu cấp trưởng, nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khi có nhu cầu.
Về vị trí việc làm
Ngay sau khi rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy và biên chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thành phố Hà Nội tập trung xây dựng, hoàn thiện đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh xây dựng quy chế, quy trình giải quyết công việc. Kết quả, tháng 5-2017, phê duyệt xong vị trí việc làm khối cơ quan hành chính, đến tháng 9-2017, phê duyệt xong vị trí việc làm khối đơn vị sự nghiệp công lập. Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành xong toàn bộ vị trí việc làm trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, xác định được số lượng biên chế dự kiến theo từng vị trí việc làm đến năm 2021; bám sát tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021, tối thiểu là 10% theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW. Mặc dù các ban, bộ, ngành trung ương chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát cơ cấu viên chức theo đề án vị trí việc làm, thực hiện nghiêm việc sắp xếp theo đúng bản mô tả công việc, khung năng lực của vị trí việc làm được thành phố phê duyệt.
Trên cơ sở đề án vị trí việc làm được phê duyệt, thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm việc bố trí, sắp xếp, tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch, thăng hạng, đào tạo,...; tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện. Các bất cập trong quá trình thực hiện được các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã báo cáo cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quyết định điều chỉnh kịp thời. Đến nay, 100% số cơ quan, đơn vị thực hiện tuyển dụng công chức, viên chức theo đúng khung năng lực xây dựng (bằng cấp chuyên môn, kinh nghiệm công tác, khả năng đáp ứng công việc,...); công tác bổ nhiệm, nâng ngạch, thăng hạng, đào tạo, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật… được thực hiện đúng theo vị trí việc làm, bước đầu phát huy được trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và sở trường công tác của từng cán bộ, công chức, viên chức; công tác tham mưu có chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị được nâng lên.
Sau 5 năm triển khai đề án vị trí việc làm, toàn thành phố Hà Nội có 646 trường hợp phải thay đổi theo vị trí việc làm; trong đó, có 96 trường hợp điều chuyển để phù hợp với bằng cấp, chuyên môn, nghiệp vụ; 317 trường hợp phải đào tạo, bồi dưỡng bổ sung cho phù hợp với vị trí việc làm; 154 trường hợp phải nghỉ tinh giản biên chế, 79 trường hợp thôi việc và bố trí công tác khác.
Về tuyển dụng đội ngũ công chức, viên chức
Từ năm 2017 đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiến hành 13 đợt tuyển dụng công chức làm việc tại các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; có 2 đợt tuyển dụng công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn và 65 cuộc tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục thuộc ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và các đơn vị sự nghiệp khác, cụ thể: 1- Tuyển dụng công chức hành chính là 646 chỉ tiêu; trong đó, có 276 chỉ tiêu thi tuyển và 370 chỉ tiêu tuyển dụng không qua thi tuyển; 2- Tuyển dụng công chức cấp xã là 1.408 chỉ tiêu; trong đó, có 449 chỉ tiêu thi tuyển và 959 chỉ tiêu tuyển dụng công chức nguồn cấp xã; 3- Tuyển dụng viên chức là 17.354 chỉ tiêu; trong đó, có 10.978 chỉ tiêu tuyển dụng viên chức giáo dục, 4.882 chỉ tiêu tuyển dụng viên chức y tế và 1.494 chỉ tiêu tuyển dụng viên chức khác.
Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Về thực hiện cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, người có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị thành phố.
Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, thành phố Hà Nội đã nghiên cứu, ban hành quy định về tuyển dụng, hỗ trợ thu hút một lần, hỗ trợ, đền bù chi phí đào tạo sau đại học; đào tạo lớp công chức nguồn của thành phố, nguồn cơ sở ở xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao theo Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND, ngày 17-7-2016, của Hội đồng nhân dân thành phố, “Về chính sách trọng dụng nhân tài”. Thành phố Hà Nội luôn chú trọng đến việc thu hút, trọng dụng người tài, người có trình độ cao, như sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc, người tốt nghiệp loại giỏi ở nước ngoài, người có 5 năm kinh nghiệm, có năng lực trình độ; bác sĩ nội trú, vận động viên có thành tích cao, đặc biệt là quan tâm tuyển dụng đội ngũ giáo viên mầm non tại các trường mầm non nông thôn chuyển đổi thành trường mầm non công lập, được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ, các đối tượng có liên quan phấn khởi, yên tâm công tác.
Năm 2022, để bảo đảm thu hút, tạo nguồn công chức từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1695/QĐ-UBND, ngày 19-5-2022, “Về việc phê duyệt chỉ tiêu và kế hoạch xét tuyển công chức làm việc tại sở, cơ quan tương đương sở, ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội năm 2022”, phê duyệt 36 chỉ tiêu xét tuyển vào công chức làm việc tại sở, cơ quan tương đương sở, ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP, ngày 5-12-2017, của Chính phủ, “Về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ”.
Về rà soát, cập nhật, bổ sung chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố định kỳ hằng năm rà soát, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo thẩm quyền; đồng thời, đề xuất các chương trình đào tạo bồi dưỡng đặc thù theo ngành, lĩnh vực phụ trách. Văn bản dựa trên cơ sở nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng toàn thành phố và phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội báo cáo Thường trực Thành ủy thông qua. Hằng năm, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thành phố; theo đó, các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được Sở Nội vụ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành theo quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, ngày 1-9-2017, của Chính phủ, “Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức”.
Ngoài ra, để bảo đảm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1698/QĐ-UBND, ngày 19-5-2022, “Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030”; trong đó, đặt ra nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, nhằm phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giao thông, đô thị Thủ đô theo văn bản hướng dẫn của Trung ương, Chính phủ và Thành ủy Hà Nội.
Về đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Ban Tổ chức Trung ương về việc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong tình hình mới; Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3814-QĐ/TU, ngày 16-5-2018, “Quy định khung tiêu chí đánh giá (hằng tháng) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị của thành phố” và tổ chức hội nghị tập huấn và hướng dẫn triển khai, cụ thể hóa quy định đối với các đồng chí trưởng phòng/ban/bộ phận phụ trách công tác cán bộ của các đơn vị. Các đơn vị trong toàn thành phố Hà Nội quán triệt tinh thần quy định đến toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; xây dựng quy định của đơn vị và bắt đầu thực hiện việc đánh giá hằng tháng từ tháng 7-2018.
Qua quá trình triển khai thực hiện, việc đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với đội ngũ công chức, viên chức, lao động hợp đồng đã phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chuẩn hóa và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp; nâng cao ý thức, trách nhiệm, tính tự giác trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng, tạo môi trường sáng tạo, đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt là, việc phân cấp đánh giá trên quan điểm “Ai giao việc - người đó đánh giá” đã tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị, góp phần thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng; nâng cao trách nhiệm cho các cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, gắn với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Về đổi mới cơ chế, phương thức tuyển dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thực hiện Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, ngày 29-11-2018, của Chính phủ, “Sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập”, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã triển khai công tác tuyển dụng theo đúng quy định; theo đó, về nội dung, hình thức, quy trình thi tuyển và xét tuyển thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng trong công tác tuyển dụng, gắn thẩm quyền tuyển dụng với thẩm quyền sử dụng công chức, viên chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Cụ thể, việc tuyển dụng công chức, viên chức được tổ chức theo 2 vòng: Vòng 1 thi trắc nghiệm về kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học để bảo đảm chính xác trong việc chấm thi và thuận tiện trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Vòng 2 thi chuyên môn, nghiệp vụ bằng hình thức phỏng vấn, thực hành hoặc thi viết do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định.
Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng và phòng, chống tiêu cực trong quá trình tuyển dụng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo cơ quan liên quan nghiên cứu quy định pháp luật, đổi mới phương thức tổ chức tuyển dụng để bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và thực tài trong công tác tuyển dụng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội bố trí, lắp đặt camera hỗ trợ giám sát công tác coi thi, ứng dụng công nghệ thông tin để thi trắc nghiệm các môn trên máy tính; việc tổ chức ra đề thi, coi thi, chấm thi, tổng hợp điểm bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.
Bên cạnh tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng tuyển dụng, việc phân cấp thẩm quyền trong tuyển dụng viên chức đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện tuyển dụng viên chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, giải quyết những bất cập, vướng mắc trong kỳ tuyển dụng.
Về thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc xây dựng Đề án thí điểm đổi mới thi tuyển chức danh trưởng phòng, chi cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành các quyết định để triển khai thực hiện thi tuyển chức danh lãnh đạo đối với 85 chức danh lãnh đạo tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc 5 sở, 9 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố và 26 ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã. Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã ban hành kế hoạch thi tuyển và triển khai thực hiện bảo đảm theo kế hoạch.
Tuy nhiên, công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn những khó khăn, hạn chế: 1- Một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa sâu sát với công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế, công tác cán bộ nói riêng; còn thiếu quyết liệt trong quán triệt, triển khai thực hiện, nên hiệu quả trên một số mặt chưa cao, có nơi còn để xảy ra sai sót. Nhận thức, trình độ, năng lực trong tổ chức, thực thi nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; 2- Một số nhiệm vụ, giải pháp trong nghị quyết, kế hoạch của Trung ương, được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cụ thể hóa, phân công, giao nhiệm vụ, song đến nay có nội dung tiến độ triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đặt ra; 3- Một số phương án sắp xếp phải chờ Trung ương hướng dẫn, như sắp xếp các trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông cấp huyện thành trung tâm nông nghiệp cấp huyện theo Nghị quyết số 08/NQ-CP, ngày 24-1-2018, của Chính phủ, “Về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25- 10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; 4- Biên chế giảm không đáp ứng đủ theo định mức, dẫn đến chất lượng giáo dục, y tế bị ảnh hưởng. Phương án ký hợp đồng từ nguồn thu theo Nghị quyết số 102/NQ-CP, ngày 3-7-2020, của Chính phủ, “Về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế” còn nhiều vướng mắc, khó khăn về nguồn và mức chi trả.
Một số bài học kinh nghiệm
Một là, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh là nhân tố quyết định sự phát triển của Thủ đô. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.
Hai là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Đảng bộ và chính quyền các cấp phải rất nhạy bén, chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, kịp thời đề ra các chủ trương, giải pháp phù hợp với quá trình phát triển, giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề mới, phức tạp nảy sinh từ thực tiễn.
Ba là, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong hệ thống chính trị và toàn thành phố. Tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự thống nhất cao trong Đảng bộ, đồng thuận trong nhân dân, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Bốn là, bám sát sự chỉ đạo, quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương; chủ động phối hợp, tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ, hợp tác của các ban, bộ, ngành, của các cơ quan đơn vị, của các địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí, sự ủng hộ đồng lòng của đội ngũ trí thức và nhân dân trong quá trình xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh./.
Đảng bộ thành phố Hà Nội tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập  (18/06/2024)
Đảng bộ thành phố Hà Nội sơ kết việc thực hiện một số nội dung quan trọng về công tác xây dựng Đảng  (09/05/2024)
Thành phố Hà Nội tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính  (15/04/2024)
Thành phố Hà Nội tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính  (15/04/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên