Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc tại khu vực Mỹ La-tinh trong xu thế mới
TCCS - Trong thời gian gần đây, khu vực Mỹ La-tinh diễn ra những thay đổi lớn với các xu thế mới chưa từng có trong lịch sử. Không chỉ vậy, mặc dù từng được coi là “sân sau” của Mỹ, song hiện đây là khu vực mà Mỹ phải đối mặt với nhiều thách thức. Những biến động này đang khiến cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc trong khu vực ngày càng trở nên phức tạp.
Sự thay đổi mạnh mẽ của môi trường cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc tại khu vực Tây Bán cầu
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc tại khu vực Mỹ La-tinh diễn ra trong môi trường chiến lược mới với những thay đổi quan trọng. Nổi bật là phong trào cánh tả phát triển mạnh mẽ khi có nhiều đảng cánh tả chiến thắng tại các cuộc bầu cử ở một số quốc gia Mỹ La-tinh trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Trong khi đó, nền kinh tế khu vực bị suy giảm do chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, kéo theo tình trạng bất ổn xã hội gia tăng. Đặc biệt, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc trở nên đáng chú ý với sự hiện diện và ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Trung Quốc trong khu vực.
Trên bình diện quốc tế, cục diện thế giới đang có sự thay đổi mang tính hệ thống do tác động của cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc. Cuộc xung đột Nga - U-crai-na hình thành những động lực mới, làm suy yếu trật tự toàn cầu vốn do Mỹ đóng vai trò chủ đạo kể từ sau khi kết thúc “Chiến tranh lạnh”. Theo đó, Mỹ đã có những điều chỉnh chiến lược, chấm dứt sự dính líu quân sự dài nhất trong lịch sử nước Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan, đồng thời khẳng định vị thế lâu dài tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương... Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng khẳng định sức mạnh, củng cố vai trò, ảnh hưởng trong việc theo đuổi các lợi ích kinh tế và chiến lược trên thế giới cũng như tại khu vực Mỹ La-tinh. Các yếu tố này hình thành môi trường chiến lược mới trong khu vực, khiến các nước lớn phải điều chỉnh chính sách đối ngoại và hình thái cạnh tranh mới, cụ thể là:
Thứ nhất, đó là sự trở lại nắm quyền của các chính phủ cánh tả trong khu vực, và sự hợp tác chặt chẽ của khu vực với Trung Quốc. Động lực chính hiện nay tại khu vực Mỹ La-tinh là sự tác động tổng hợp và tương tác chặt chẽ giữa những yếu tố này. Sự tương tác này càng trở nên mạnh mẽ do sự bất mãn kéo dài của người dân đối với tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng, tham nhũng, mất an ninh và sự bất lực của các chính phủ cánh hữu trong việc giải quyết những vấn nạn đó. Trong khi chủ nghĩa tự do mới và chủ nghĩa dân túy cánh hữu đang ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, theo nhận định của nhiều chuyên gia, người dân khu vực Mỹ La-tinh càng có thêm lý do để suy xét lại các mô hình thể chế được Mỹ cổ xúy và chuyển sang tăng cường hợp tác với Trung Quốc như một nguồn lực thay thế. Các động lực này đang tạo ra môi trường mới trong cạnh tranh nước lớn giữa Mỹ và Trung Quốc ngay tại khu vực.
Không chỉ vậy, mặc dù kết thúc năm 2021, mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Mỹ La-tinh đạt 6,3%, sau khi sụt giảm 7% vào năm 2020, song cho đến nay, sự phục hồi này vẫn chưa đủ và không bền vững. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế khu vực trong năm 2022 được dự báo ở mức khiêm tốn, khoảng 3% và không đồng đều giữa các quốc gia. Do đó, Mỹ La-tinh vẫn được cho là khu vực có mức tăng trưởng thấp nhất thế giới. Nếu theo xu hướng trên, khu vực này đang hướng tới một “thập niên mất mát” mới như đã từng trải qua trong những năm 80 của thế kỷ XX. Thêm vào đó là rủi ro chính trị ngày càng gia tăng, nguồn đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm từ năm 2021 cùng dòng vốn lớn chảy ra khỏi khu vực lên tới 128 tỷ USD, sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô do lạm phát, biên độ tài chính thấp hơn do đại dịch COVID-19 cũng như các nguy cơ dịch bệnh mới,... làm tăng thêm sự bất ổn của khu vực, khiến môi trường cạnh tranh nước lớn tại khu vực Mỹ La-tinh trở nên phức tạp hơn.
Thứ hai, xu hướng thắng thế của các chính phủ cánh tả đã tạo ra một môi trường khác về chất trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực. Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, trong thời điểm hiện nay, Mỹ La-tinh đang tiến rất nhanh sang xu hướng cánh tả, bên cạnh nhiều yếu tố ngăn cản việc quay trở lại với các chính sách trung dung hoặc thị trường tự do để giải quyết vấn nạn phổ biến trong khu vực là bất bình đẳng và kém phát triển. Xu hướng này có thể tạo ra những tác động sâu sắc, rộng lớn và lâu dài trong khu vực. Trong bối cảnh người dân ngày càng bất mãn trước tình trạng căng thẳng về kinh tế, tài chính và xã hội do đại dịch COVID-19, các đảng phái cánh tả đã giành lại quyền lực ở nhiều nước Mỹ La-tinh, như Ôn-đu-rát, Pê-ru, Chi-lê, Ác-hen-ti-na, Bô-li-vi-a và Guy-a-na. Các nước cánh tả đi đầu tại Mỹ La-tinh như Cu-ba, Vê-nê-xu-ê-la và Ni-ca-ra-goa tiếp tục củng cố vai trò lãnh đạo đất nước. Ngày càng nhiều người dân Mỹ La-tinh bày tỏ sự không hài lòng đối với các thể chế bảo thủ trong việc giải quyết những khó khăn về kinh tế - xã hội của khu vực. Do vậy, trong số 13 quốc gia khu vực Mỹ La-tinh tiến hành bầu cử kể từ năm 2019 đến nay thì có tới 12 nước đã thay đổi đường hướng chính trị từ hữu sang tả. Sau chiến thắng của Tổng thống cánh tả Gút-xta-vô Pê-trô tại Cô-lôm-bi-a vào tháng 6-2022, cuộc bầu cử Tổng thống Bra-xin vào cuối năm 2022 cho thấy nhiều cơ hội cho ứng cử viên cánh tả - cựu Tổng thống Bra-xin Lu-i I-na-xi-ô đa Sin-va. Ngoài ra, chính quyền ở các nước còn lại, dưới áp lực của người dân, cũng đang chuyển sang xu hướng cánh tả, cả về hệ tư tưởng và thể chế.
Những lợi thế chiến lược đối với Trung Quốc
Thứ nhất, Trung Quốc có lợi ích chiến lược lớn tại Mỹ La-tinh, đồng thời ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng trong khu vực trên cả bình diện song phương và đa phương.
Từ những năm 2000, Trung Quốc duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ La-tinh do có lợi ích chiến lược tại khu vực này, như bảo đảm khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên phong phú giá rẻ và thị trường xuất khẩu cho các hàng hóa có giá trị gia tăng cao của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có những mục tiêu chính trị, như tìm kiếm sự ủng hộ của khu vực đối với chính sách đối nội, đối ngoại của mình. Cùng với việc tăng cường quan hệ song phương, Trung Quốc thúc đẩy lợi ích thông qua các thể chế đa phương khu vực, như Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IADB), Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Cộng đồng các quốc gia Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê (CELAC). Trong khi đó, với nhu cầu cần thêm nguồn lực để đối phó với tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu do biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế trì trệ và nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, các nước trong khu vực ngày càng sẵn sàng hợp tác sâu rộng hơn với Trung Quốc.
Về kinh tế, Trung Quốc hiện là đối tác hàng đầu của khu vực Mỹ La-tinh. Trong giai đoạn 2002 - 2020, thương mại của Trung Quốc với khu vực tăng 8 lần, từ 788 triệu USD lên 7,1 tỷ USD. Cho đến nay, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ thương mại, đầu tư mạnh mẽ với khu vực. Trung Quốc là điểm đến của 1/3 số lượng sản phẩm khai thác và 1/5 sản lượng nông sản của khu vực. Trong thời gian bùng phát đại dịch COVID-19, Trung Quốc xuất khẩu trên 1,5 tỷ liều vắc-xin sang khu vực, chiếm 29% tổng số hợp đồng của Mỹ La-tinh. Trong hai thập niên qua, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư 160 tỷ USD vào khu vực. Sự trở lại nắm quyền của các chính phủ cánh tả trong khu vực đã mang lại lợi ích chiến lược cho Trung Quốc theo nhiều cách, như việc ưu tiên trong hợp tác với Trung Quốc ở cấp độ nhà nước khi Trung Quốc là nguồn cung cấp tài chính thay thế cho các khoản vay tư nhân và các thể chế tài chính đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu vốn có chi phí cao và nhiều điều kiện ràng buộc(1).
Về đầu tư, Trung Quốc tập trung vào các dự án lớn về hạ tầng giao thông, năng lượng, du lịch, cảng biển. Trung Quốc hiện đang tham gia 40 dự án cảng biển lớn tại khu vực Mỹ La-tinh(2), bên cạnh các hạ tầng truyền tải điện. Trung Quốc cũng có vai trò ngày càng lớn trong các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật số trong khu vực và có thể đóng vai trò chi phối trong dịch vụ 5G, thương mại điện tử. Trung Quốc có 44 viện Khổng Tử tại 21 quốc gia Mỹ La-tinh và kế hoạch hợp tác Trung Quốc - CELAC giai đoạn 2022 - 2024 dự kiến sẽ cấp 5.000 suất học bổng cho các sinh viên trong khu vực.
Thứ hai, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa các quốc gia thuộc khu vực Mỹ La-tinh và Trung Quốc được thắt chặt và đẩy mạnh sau sự tàn phá kinh tế bởi đại dịch COVID-19. Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng hơn các yếu tố gây bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội tại Mỹ La-tinh và củng cố thêm sự hợp tác giữa khu vực với Trung Quốc. Ngoài những ảnh hưởng trực tiếp và dai dẳng đến sức khỏe cộng đồng, đại dịch COVID-19 cũng gia tăng động lực quan hệ chặt chẽ hơn giữa các nước khu vực Mỹ La-tinh và Trung Quốc do nhu cầu phục hồi kinh tế. Việc chính phủ các nước mở rộng chi tiêu nhằm giải quyết các tác động kinh tế, xây dựng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng cần thiết để phát triển trong khi nguồn thu bị giảm đã phá vỡ các cân đối tài khóa trong toàn khu vực. Nhu cầu phục hồi sau đại dịch COVID-19 khiến nhiều nước tìm đến những khoản vay và đầu tư kết cấu hạ tầng với điều kiện dễ dàng hơn, làm gia tăng đáng kể sức nặng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Ngay cả những quốc gia thân thiện với Mỹ cũng tăng cường hợp tác với Trung Quốc theo những cách làm giảm lợi ích và vai trò của Mỹ trong khu vực, như dự án tàu điện ngầm của Cô-lôm-bi-a hay nhà máy thủy điện của Guy-a-na... Ngoài việc nhanh chóng cung cấp vắc-xin và vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19 một cách rộng rãi và kịp thời, việc Trung Quốc sớm phục hồi từ đại dịch và đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đã gia tăng nhu cầu đối với các nguyên liệu, hàng hóa và thực phẩm từ khu vực Mỹ La-tinh. Tương tự, trong khi các doanh nghiệp và thị trường phương Tây suy yếu do đại dịch COVID-19, các khoản vay và đầu tư của Trung Quốc lại càng trở nên quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách ở khu vực Mỹ La-tinh trước yêu cầu kích thích tăng trưởng kinh tế. Thực tế này đặt ra những thách thức lớn về chính sách đối ngoại của Mỹ khi khu vực Mỹ La-tinh kết nối chặt chẽ với Mỹ về địa lý, nhưng thương mại đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Năm 2022 được đánh giá là năm tiếp tục đà phát triển quan hệ sâu sắc hơn giữa các quốc gia khu vực Mỹ La-tinh và Trung Quốc, từ các chuyến thăm của Tổng thống Ác-hen-ti-na, Tổng thống Ê-cu-a-đo tới Trung Quốc vào tháng 2-2022, cho tới các sự kiện Pê-ru gia nhập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB, tháng 1-2022), Ác-hen-ti-na tham gia sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI, tháng 2-2022) cùng thỏa thuận khoản vay trị giá 23 tỷ USD từ Trung Quốc.
Thứ ba, sự phát triển của các chính phủ cánh tả tại khu vực Mỹ La-tinh đã tạo dựng chỗ đứng khá vững chắc và lợi thế cạnh tranh vượt trội của Trung Quốc so với Mỹ trong quan hệ với khu vực.
Với tư cách là một cường quốc toàn cầu, Trung Quốc tạo sự ủng hộ quan trọng cho các nước theo đường lối cánh tả cả về chính trị và nguồn lực kinh tế. Những nhu cầu của các nước này về nguồn vốn, định hướng chính trị và bảo vệ chế độ đã thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng sâu rộng với Trung Quốc về cả quy mô và cơ chế hợp tác. Các nguồn lực do Trung Quốc hỗ trợ vừa giúp các chính phủ cánh tả củng cố quyền lực, phát triển lực lượng, vừa hạn chế vai trò của các nước theo đường lối cánh hữu và tạo ra những thách thức lớn đối với vai trò của Mỹ trong khu vực. Với xu thế này, một loạt quốc gia khu vực Mỹ La-tinh đã tham gia BRI và AIIB. Tính đến tháng 3-2022, đã có tới 60% các nước Mỹ La-tinh, gồm 21/35 quốc gia khu vực là thành viên BRI. Ngoài ra, khu vực Mỹ La-tinh cũng có 5 nước là thành viên đầy đủ của AIIB. Ở chiều ngược lại, xu hướng chuyển sang cánh tả trong khu vực sẽ khiến Mỹ La-tinh càng trở nên quan trọng hơn về mặt chiến lược đối với Trung Quốc.
Vai trò và vị thế của Mỹ có phần suy giảm, tạo điều kiện cho các nước khu vực có chính sách độc lập hơn và nhiều cơ hội phát triển
Sự hiện diện sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự của Trung Quốc tại Mỹ La-tinh đã làm suy giảm vai trò và lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Trước thực tế mới, Mỹ đang phải chật vật tìm cách đối phó với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại, đầu tư và tài chính của Trung Quốc. Mặc dù có dấu hiệu phục hồi, song khu vực Mỹ La-tinh vẫn phải chịu tác động nặng nề về kinh tế và tài chính sau đại dịch COVID-19 và từ cuộc xung đột tại U-crai-na. Những hệ lụy kinh tế này là cơ hội để Trung Quốc phát huy vai trò nguồn vốn dồi dào của mình trong việc củng cố quan hệ với chính phủ các nước khu vực Mỹ La-tinh. Xu hướng lực lượng cánh tả ngày càng mạnh và chiếm ưu thế tại Mỹ La-tinh cũng khiến Mỹ buộc phải điều chỉnh chính sách đối với khu vực. Các nước khu vực Mỹ La-tinh ngày càng có những chính sách độc lập hơn với Mỹ, giảm sự hiện diện của Mỹ, cũng như các doanh nghiệp, tổ chức và thực thể Mỹ trong khu vực do sự cạnh tranh từ Trung Quốc.
Trong các vấn đề đa phương, sự thay đổi xu hướng chính trị của khu vực đang làm suy yếu đáng kể những giá trị theo “tiêu chuẩn Mỹ” về dân chủ, nhân quyền, thị trường tự do. Theo nhiều phân tích chính trị quốc tế, các tổ chức do Mỹ dẫn dắt, như Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) đang mất dần vai trò và uy tín. Xu hướng này cũng mở ra cơ hội để Mỹ La-tinh củng cố các cơ chế đa phương không có Mỹ tham gia, như CELAC, Liên minh Bô-li-va cho châu Mỹ - Hiệp định thương mại của các dân tộc (ALBA - TCP) và liên kết với các cường quốc ngoài khu vực, như khuôn khổ Diễn đàn Trung Quốc - CELAC. Các động lực này tương tác lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng sự hiện diện của Trung Quốc cả về kinh tế, chính trị và an ninh cũng như ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong các vấn đề khu vực.
Mỹ thể hiện sự thiếu nhất quán và chậm chân trong việc xây dựng chính sách đối ngoại hiệu quả với khu vực Mỹ La-tinh.
Tình hình chính trị nội bộ đã cản trở Mỹ hình thành một chính sách nhất quán với khu vực Mỹ La-tinh. Các chính sách đối nội cũng chi phối cách tiếp cận của Mỹ với khu vực. Các dự luật có thể mang lại lợi ích cho Mỹ La-tinh như tài trợ kết cấu hạ tầng, năng lượng tái tạo và phúc lợi xã hội cũng như dự án “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) vẫn bị đình trệ đã hạn chế năng lực của Chính phủ Mỹ trong việc cạnh tranh với các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng BRI của Trung Quốc tại Mỹ La-tinh. Cho đến nay, chính quyền của Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn đã không đạt được những kỳ vọng trong chính sách đối với khu vực. Hầu hết các chính sách đối với khu vực Mỹ La-tinh trong thời kỳ chính quyền Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm vẫn được giữ nguyên. Các sáng kiến chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn với khu vực đã bị giới hạn bởi sự lo ngại của Đảng Dân chủ cầm quyền về nguy cơ mất đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11-2022 sắp tới.
Một trở ngại lớn nữa là dường như lòng tin của khu vực đối với vai trò đối tác của Mỹ đã giảm dần trong những năm qua. Hai năm diễn ra đại dịch COVID-19 càng khiến các quốc gia khu vực Mỹ La-tinh thêm hoài nghi về mối quan tâm cũng như vai trò đối tác của Mỹ đối với khu vực. Ngay từ khi bắt đầu đại dịch, Mỹ đã thực thi chính sách “chủ nghĩa dân tộc COVID” và chỉ giúp được rất ít cho các quốc gia khu vực Mỹ La-tinh trong giai đoạn khó khăn này. Mặc dù Mỹ đã thay đổi chính sách trong việc hỗ trợ khu vực ứng phó với đại dịch COVID-19 song điều này cũng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của Mỹ và kỳ vọng của khu vực. Do vậy, quan hệ Mỹ - Mỹ La-tinh không tạo dựng được nền tảng vững chắc và thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn nếu sự cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc trở nên công khai. Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái do đại dịch COVID-19, bạo lực gia tăng và sự hợp tác khu vực đang ở mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua, cùng sự phụ thuộc đáng kể và ngày càng tăng vào thương mại và tài chính Trung Quốc, mặc dù bị Mỹ gây sức ép, các nước Mỹ La-tinh cũng sẽ không phản đối ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc trong khu vực. Vì vậy, theo một số phân tích, nhiều khả năng Mỹ sẽ khó cứu vãn được mối quan hệ đang trên đà nguội lạnh với các quốc gia Mỹ La-tinh trong nhiều năm tới(3). Trong khi Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng với khu vực trên nhiều lĩnh vực, có sức hấp dẫn ngày càng mạnh hơn khi có thể hỗ trợ thị trường, vốn và các dự án đầu tư, thì Mỹ đã không tạo thêm lợi ích thương mại hoặc đầu tư nào cho khu vực. Việc Mỹ có dấu hiệu “buông” khu vực đã tạo điều kiện cho Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh củng cố được vị thế trong khu vực. Kim ngạch thương mại khổng lồ của Trung Quốc và các khoản đầu tư vào khu vực Mỹ La-tinh đã trở thành phổ biến. Ngoại trừ Cô-lôm-bi-a và Ê-cu-a-đo vẫn coi Mỹ là thị trường xuất khẩu chính, các nước còn lại trong khu vực có kim ngạch thương mại ngày càng gia tăng với Trung Quốc.
Mỹ đã có những điều chỉnh chính sách cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng sâu rộng tại Mỹ La-tinh.
Trong nỗ lực cải thiện quan hệ với khu vực, Mỹ đã đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các quốc gia châu Mỹ vào tháng 6-2022 với chủ đề “Xây dựng một tương lai bền vững, phục hồi và công bằng” với các lĩnh vực ưu tiên như y tế, phục hồi sự thịnh vượng, tăng trưởng xanh và bình đẳng. Đây là Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên mà Mỹ đăng cai kể từ năm 1994 và được coi là cơ hội để chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn thể hiện tầm quan trọng của Mỹ La-tinh và các sáng kiến chính sách mới của nước này đối với khu vực. Trước những thay đổi về định hướng phát triển theo đường lối thiên tả, Mỹ điều chỉnh chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác với khu vực theo vấn đề, như bình đẳng giới, biến đổi khí hậu hay các cơ hội hợp tác đa phương. Mỹ cũng công bố khoản viện trợ 4 tỷ USD để giảm đói nghèo, thất nghiệp và bảo đảm an ninh; thúc đẩy đầu tư tư nhân trong khu vực với khoản cam kết trị giá 1,2 tỷ USD vào các nước Trung Mỹ, hay thúc đẩy di dời các chuỗi cung ứng công nghiệp từ Trung Quốc sang “các đồng minh và đối tác cùng chia sẻ giá trị” tại khu vực Mỹ La-tinh. Tuy nhiên, theo một số phân tích, Mỹ dường như đang dần mất đi sức hấp dẫn và ảnh hưởng trong khu vực. Việc Mỹ không mời các nhà lãnh đạo ba nước Vê-nê-xu-ê-la, Cu-ba, Ni-ca-ra-goa tham dự Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của khu vực trước chính sách hàm ý ép buộc “theo Mỹ” hoặc “chống Mỹ”, “dân chủ hay chuyên quyền”, lôi kéo các quốc gia khu vực Mỹ La-tinh phải “chọn bên”. Các nhà phân tích cho rằng, với ảnh hưởng của Trung Quốc đang phổ biến ở Mỹ La-tinh, nếu Mỹ không có sự lãnh đạo và cam kết mạnh mẽ hơn về ngoại giao, chính trị, đặc biệt là kinh tế, đồng thời ứng xử tinh tế trong các vấn đề phức tạp và nhạy cảm về chính trị như vấn đề di cư, tội phạm có tổ chức và môi trường thì sẽ mất dần lợi thế trong cuộc cạnh tranh ở khu vực.
Dự kiến trong thời gian tới, Mỹ sẽ xem xét các chính sách có thể hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Mỹ La-tinh, như các chương trình viện trợ nhằm giúp định vị Mỹ như một đối tác và láng giềng tốt. Mỹ cũng có thể xem xét mở rộng quyền tiếp cận thị trường Mỹ, loại bỏ các rào cản đối với các sản phẩm và dịch vụ khu vực trong khi khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào khu vực Mỹ La-tinh. Một trong những chiến lược được Mỹ kỳ vọng là B3W nhằm tăng cường cạnh tranh chiến lược với sáng kiến BRI của Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ ngoại giao, kinh tế và các biện pháp trừng phạt để ngăn cản chính phủ các nước khu vực tăng cường giao dịch với Trung Quốc và các đối tác khác. Thậm chí, Mỹ có thể tìm cách can thiệp và tác động đến tình hình chính trị nội bộ của các nước trong khu vực, ngăn chặn ảnh hưởng của lực lượng cánh tả và khuyến khích xây dựng lại các mô hình dân chủ kiểu Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ tăng cường hợp tác an ninh, thương mại với các quốc gia đồng minh có lợi ích và sự hiện diện trong khu vực như Anh, Ca-na-đa, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, I-xra-en và Ấn Độ. Đặc biệt, Mỹ cũng sẽ tìm cách làm tăng chi phí của Trung Quốc, Nga và I-ran để hạn chế ảnh hưởng của các nước này trong khu vực, bên cạnh việc làm suy yếu các thể chế đa phương khu vực không thân thiện với Mỹ.
Mỹ La-tinh có triển vọng ngày càng độc lập hơn với Mỹ, có nhiều lựa chọn đối tác hơn và có cơ hội phát triển theo chiều hướng mới.
Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại Mỹ La-tinh sẽ tiếp tục gia tăng căng thẳng, song phần nào cũng có thể mang lại lợi ích cho các quốc gia Mỹ La-tinh khi khu vực có cơ hội nhận được nhiều nguồn lực từ các cường quốc, trong khi có khả năng xây dựng các chính sách độc lập, tự chủ hơn nếu loại trừ được khả năng phải “chọn bên” giữa Mỹ và Trung Quốc. Cho đến nay, Mỹ khó có thể xoay chuyển được xu thế suy giảm vai trò và lợi ích tại khu vực Mỹ La-tinh trong tương lai gần, đặc biệt khi phải đối mặt với sự chia rẽ sâu sắc và cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ sắp tới. Mỹ chỉ có khả năng thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân là chủ yếu, song quy mô của nguồn vốn tư nhân cũng rất hạn chế so với việc sử dụng các doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn chính phủ của Trung Quốc. Trên thực tế, với khu vực Mỹ La-tinh, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc các quốc gia đang đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn về kinh tế, xã hội, tăng trưởng và nhất là việc thiếu hụt kết cấu hạ tầng khổng lồ. Mỹ La-tinh ước tính cần tới 2,2 nghìn tỷ USD đầu tư vào kết cấu hạ tầng thiết yếu để đáp ứng các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào năm 2030. Đây vừa là thách thức to lớn đối với những chính sách khu vực hiện nay của Mỹ, vừa là cơ hội để Mỹ thực sự lấy lại vị thế và uy tín nếu có sự điều chỉnh chính sách, triển khai mạnh mẽ việc hỗ trợ thực hiện các kế hoạch cơ sở hạ tầng và điều chỉnh chính sách thương mại, đồng thời tạo ra nhiều việc làm và phúc lợi hơn cho khu vực Mỹ La-tinh. Với các nước Mỹ La-tinh, nếu khéo tận dụng được các nguồn lực bổ sung lẫn nhau trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc, như xây dựng khả năng bổ trợ giữa các dự án đầu tư, chính sách thương mại và phát triển kết cấu hạ tầng, hay sự bổ trợ và kết nối giữa các dự án B3W và BRI... cũng sẽ giúp huy động được tối đa các nguồn lực phát triển cho khu vực.
***
Như vậy có thể thấy, cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc ngày càng phức tạp tại Mỹ La-tinh đã khiến khu vực từng được coi là “sân sau” của Mỹ đang trở thành một khu vực có nhiều thách thức đối với Mỹ. Môi trường cạnh tranh chiến lược trong khu vực hiện được định hình với những yếu tố quan trọng, như lực lượng cánh tả phát triển mạnh mẽ, các nước khu vực trở nên độc lập hơn, sự hiện diện sâu rộng của Trung Quốc, vai trò của Mỹ suy giảm tương đối. Trong bối cảnh những thách thức toàn cầu cả về kinh tế, chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu..., sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là cơ hội cho các quốc gia Mỹ La-tinh lựa chọn các đối tác để có thể hỗ trợ vượt qua khủng hoảng, vươn lên mạnh mẽ, độc lập và chủ động hơn trên con đường phát triển và thịnh vượng, thay vì bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh chiến lược nước lớn. Bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc tại Mỹ La-tinh cũng khiến đa số các nước khu vực tìm kiếm một chính sách đối ngoại cân bằng phức hợp giữa Mỹ và Trung Quốc để vừa có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, vừa tránh việc “chọn bên” có thể khiến khu vực trở thành địa bàn diễn ra cuộc “Chiến tranh lạnh 2.0” giữa các cường quốc lớn toàn cầu./.
-----------------
(1) Evan Ellis: “The Transitional World Order: Implications for Latin America and the Caribbean” (Tạm dịch: Trật tự thế giới đang thay đổi: Hàm ý đối với Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê), ngày 29-3-2022, https://theglobalamericans.org/2022/03/the-transitional-world-order-implications-for-latin-america-and-the-caribbean/
(2) Evan Ellis: “The Risks of Chinese Engagement in the Americas” (Tạm dịch: Những thách thức khi Trung Quốc can dự vào châu Mỹ), ngày 15-4-2022, https://www.newsmax.com/evanellis/latin-america-belt-and-road-initiative-prc/2022/04/15/id/1065883/
(3) Brian Winter: “What the Summit of the Americas Mess Really Tells Us” (Tạm dịch: Những lùm xùm từ Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ thực sự cho chúng ta biết những điều gì), ngày 12-3-2022, https://americasquarterly.org/article/what-the-summit-of-the-americas-mess-really-tells-us/
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về công nghệ trí tuệ nhân tạo: Thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay  (23/03/2022)
Về sự hình thành ba xu thế lớn trên thế giới ngày nay  (21/12/2021)
Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden  (26/06/2021)
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc tại Mỹ La-tinh: Những thách thức đối với chính quyền mới của Mỹ  (05/05/2021)
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tầm nhìn và thực tiễn  (15/12/2020)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên