Chính sách phát triển nông nghiệp Thái Lan và một số gợi ý tham chiếu cho Việt Nam
TCCS - Là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới (sau Ấn Độ), nông nghiệp luôn giữ vai trò cực kỳ quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Thái Lan. Phát triển nông nghiệp bền vững được coi là một trong những động lực kinh tế chính của Thái Lan. Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu, những hạn chế về nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế về nguồn nhân lực, căng thẳng thương mại và gần đây nhất là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đang là những lực cản đối với sự phát triển nông nghiệp bền vững của Thái Lan hiện nay.
Những khó khăn của nền nông nghiệp Thái Lan
Nông nghiệp thu hút khoảng 40% lực lượng lao động và đóng góp gần 10% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Thái Lan. Không chỉ là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, các nông sản khác của Thái Lan cũng có kim ngạch xuất khẩu lớn như đường, dứa, cao su. Nhưng hiện nay, với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (như hạn hán, thiếu nước ngọt nghiêm trọng, xâm nhập mặn vào mùa khô), hạn chế của nguồn tài nguyên thiên nhiên (như đất, nước, năng lượng), hạn chế về nhân lực (như lao động nông nghiệp giảm, giá lao động tăng cao), căng thẳng thương mại (kinh tế toàn cầu bất ổn, xuất khẩu sụt giảm và đồng Bạt tăng giá...) và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến ngành nông nghiệp Thái Lan đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Có thể kể đến như:
Thứ nhất, diện tích đất nông nghiệp đang có xu hướng giảm. Đất canh tác nông nghiệp của Thái Lan có khoảng 22 triệu héc-ta nhưng đang có xu hướng giảm mạnh do thiếu nước tưới tiêu. Sự sụt giảm đất canh tác nông nghiệp còn do tốc độ công nghiệp hóa, sự mở rộng các khu công nghiệp, giải trí; sự gia tăng nhanh chóng của những đô thị lớn; kèm theo đó là sự thiếu chú trọng trong việc áp dụng các kỹ thuật canh tác mới theo phương châm phát triển bền vững, khiến độ màu mỡ của đất canh tác bị rửa trôi, xói mòn hoặc nhiễm mặn.
Thứ hai, hạn chế ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp. Thái Lan gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với nền nông nghiệp 4.0 khi mà chi phí công nghệ cao, phương thức truyền tải dữ liệu phức tạp, tốc độ phát triển các công nghệ ứng dụng còn hạn chế, đặc biệt các hộ sản xuất nhỏ lẻ rất khó đầu tư nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ. Khoa học - công nghệ hiện mới chỉ áp dụng để thúc đẩy sản xuất lúa gạo, chứ chưa được áp dụng trong toàn bộ ngành nông nghiệp của Thái Lan.
Thứ ba, môi trường, tài nguyên đất, nước bị hạn chế. Nông nghiệp là lĩnh vực sử dụng nhiều nhất nguồn đất, nước. Không chỉ diện tích đất nông nghiệp của Thái Lan đang sụt giảm mà chất lượng đất cũng đang xuống cấp do sử dụng quá nhiều phân hóa học. Tình trạng khan hiếm nước trở thành vấn đề nan giải. Hiện Thái Lan đang trải qua tình trạng hạn hán khốc liệt nhất trong vòng 30 năm qua (giai đoạn 1990 - 2020). Lượng dự trữ nước của các đập chỉ ở mức 11% công suất, mức thấp nhất trong vòng 50 năm (giai đoạn 1970 - 2020). Nguồn nước cạn kiệt đã khiến sản xuất nông nghiệp bị thiếu nước.
Thứ tư, nông nghiệp Thái Lan đang phải đối diện với tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Sự phát triển của các lĩnh vực, như chế tạo, du lịch, xây dựng và dịch vụ đã dẫn tới sự dịch chuyển lớn của lực lượng lao động và gây ra khủng hoảng thiếu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Thái Lan. Mỗi năm, lao động nông nghiệp chỉ tăng 3% trong khi sinh viên học ngành nông nghiệp giảm trung bình từ 5% - 10%(1).
Thứ năm, căng thẳng thương mại khiến đồng Bạt đã giảm giá trị so với đồng USD. Đồng Bạt Thái Lan trở thành đồng tiền mất giá nhất trong số các đồng tiền giao dịch phổ biến ở Đông Nam Á trong quý I-2021. Đồng Bạt mất 4% giá trị so với đồng USD khi 31,24 Bạt đổi 1 USD, mức sụt giảm cao trong khu vực Đông Nam Á so với sự mất giá của nhiều đồng tiền khác. Đồng Bạt tăng giá gây bất lợi cho nông nghiệp Thái Lan, khiến chi phí sản xuất nông nghiệp tăng, ảnh hưởng đến xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp (nhất là các mặt hàng tôm và gạo), điều này đã làm suy giảm khả năng cạnh tranh của hàng nông nghiệp Thái Lan trên thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 khiến giá gạo quốc tế có xu hướng tăng mạnh, trong khi năng suất nông nghiệp Thái Lan đang ở mức thấp khiến nguồn cung càng trở nên khan hiếm hơn.
Trước bối cảnh mới với nhiều khó khăn, mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững nhằm giúp Thái Lan thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, tăng thu nhập trung bình lên gấp bảy lần, từ mức 56.450 Bạt (năm 2020) lên 390.000 Bạt (năm 2040), thông qua áp dụng các công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp, giúp giảm thiểu các phương pháp canh tác không hiệu quả, tiết kiệm nước trong sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và các hóa chất khác không gây hại đến môi trường, giảm lao động nông nghiệp và chi phí sản xuất.
Chính sách phát triển nông nghiệp bền vững của Thái Lan
Chính sách phát triển nông nghiệp của Chính phủ là yếu tố quyết định tới phát triển nông nghiệp bền vững của Thái Lan.
Thứ nhất, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, trợ giá nông sản. Thái Lan tập trung “chấn hưng” nền nông nghiệp và hướng mục tiêu sản xuất nông nghiệp bền vững với những chính sách “cởi mở” cho người nông dân cũng như bất cứ nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. Do hạn hán kéo dài dẫn đến sản lượng nông nghiệp thu hoạch giảm sút, Thái Lan đã áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ người nông dân kịp thời, gồm: Một là, hỗ trợ bốn tỷ Bạt (năm 2016) giúp đỡ người nông dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán kéo dài; hai là, thu mua thóc từ nông dân với mức giá 14 Bạt - 15 Bạt/kg (tương đương 0,39 USD - 0,41 USD/kg) cao hơn mức giá thị trường là 9 Bạt - 10 Bạt/kg (tương đương 0,25 USD - 0,27 USD/kg) nhằm hỗ trợ nông dân về chi phí phân bón, hạt gieo trồng, cải tạo đất và thu hoạch; ba là, nông dân trồng lúa còn được hưởng những ưu đãi, như mua phân bón với giá thấp, miễn cước vận chuyển phân bón, được cung cấp giống mới có năng suất cao, được vay vốn lãi suất thấp từ ngân hàng nông nghiệp. Ngoài ra, Thái Lan cũng hỗ trợ về giá cho nông dân trồng năm loại cây chủ lực là: sầu riêng, nhãn, vải, măng cụt và chôm chôm. Để thực hiện tốt chính sách hỗ trợ giá, Thái Lan còn tuyển dụng các chuyên viên cao cấp với nhiệm vụ giám sát từ việc sản xuất, phân phối, chế biến, giá cả cho đến tìm thị trường xuất khẩu mới cho nông nghiệp.
Hiện nay, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Thái Lan đã thông qua quỹ hỗ# trợ trị giá 150 tỷ Bạt để giúp đỡ 10 triệu nông dân bị ảnh hưởng từ đại dịch. Hỗ trợ mỗi nông dân 5.000 Bạt chuyển vào tài khoản mỗi tháng cho đến tháng 7-2020. Khoản hỗ trợ này do Ngân hàng nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp Thái Lan (BAAC) dành cho 7,6 triệu nông dân là khách hàng của BAAC. Năm 2020, Chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch hỗ trợ các dự án mới trị giá khoảng 30 tỷ Bạt (tương đương 956 triệu USD)(2) cho lĩnh vực nông nghiệp và tạo việc làm ở khu vực nông thôn.
Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới. Khoa học - công nghệ giúp nông dân không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất. Chính khoa học - công nghệ hiện đại đã giúp Thái Lan phát triển mạnh nhiều ngành sản xuất nông nghiệp, giải phóng sức lao động của nông dân và cải thiện mức thu nhập. Thái Lan chủ động sản xuất máy móc nông nghiệp và thiết bị nông nghiệp phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của người sử dụng. Hầu hết các thiết bị nông nghiệp được sử dụng ở Thái Lan được sản xuất trong nước. Đầu tư áp dụng công nghệ mới giúp tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của Thái Lan nhanh nhất Đông Nam Á. Thái Lan áp dụng công nghệ mới trong nông nghiệp nhằm hướng tới việc tận dụng tối đa nguồn tài nguyên dồi dào và tăng thêm giá trị cho sản phẩm, thông qua áp dụng các công nghệ tiên tiến và đổi mới trong canh tác, nhằm tăng chất lượng, tính đồng bộ và hiệu quả.
Năm 2019, Chính phủ Thái Lan thực hiện giải ngân 330 triệu USD từ Quỹ Năng lực cạnh tranh để hỗ trợ thành lập Học viện công nghệ cao giúp tăng khả năng cạnh tranh của Thái Lan trong thu hút đầu tư nước ngoài. BAAC thông qua các gói vay trị giá 65 tỷ Bạt mua máy móc và sản phẩm công nghệ cao sử dụng trong nông nghiệp đến năm 2023. Trong đó, 15 tỷ Bạt sẽ được phân bổ cho nông trại quy mô nhỏ và 50 tỷ Bạt dành cho các doanh nghiệp cộng đồng và hợp tác xã nông nghiệp và các khoản vay chỉ phải chịu mức lãi suất hằng năm là 0,01%.
Thứ ba, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến thực phẩm. Chính phủ Thái Lan có chính sách trợ cấp ban đầu cho các nhà máy chế biến, đầu tư trực tiếp vào kết cấu hạ tầng và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển; xúc tiến phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các nhà máy chế biến của các hộ gia đình được khuyến khích đầu tư công nghệ hiện đại, tạo ra khối lượng lớn sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt. Thái Lan cũng chuyển từ xuất khẩu thịt gà nguyên liệu (chưa chế biến) sang xuất khẩu thịt gà đã qua chế biến sang các nước châu Âu và Nhật Bản.
Thái Lan có những chính sách tài chính hấp dẫn cho các nhà đầu tư như giảm thuế, ưu đãi tiền tệ, cho vay ngoại tệ... nhằm thu hút nhiều nhất nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chiến lược ưu tiên thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến và phân phối hàng nông sản được Thái Lan thông qua (năm 2014) cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ hiện đại nhằm hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp và các doanh nghiệp này được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 5 năm.
Chính phủ Thái Lan thực hiện mở cửa để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông sản, chú trọng đến công nghệ hiện đại để tạo nên những sản phẩm có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường lớn. Do vậy, hàng nông sản của Thái Lan rất đa dạng, mẫu mã đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm và được các thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) chấp thuận.
Thứ tư, chính sách chuyển đổi cơ cấu ngành và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. Chính sách đa dạng hóa sản phẩm được Chính phủ Thái Lan thực hiện nhằm giảm bớt rủi ro thị trường về giá, ổn định thị trường tiêu dùng trong nước, khai thác triệt để nội lực về vốn và lao động trong nước. Quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Thái Lan đã phản ảnh rõ nét định hướng phát triển thương mại đa dạng hóa và phát huy lợi thế so sánh. Do ảnh hưởng của hạn hán, Thái Lan đã tài trợ các chương trình tư vấn giúp nông dân bỏ lúa nước chuyển sang các loại cây trồng cần ít nước hơn như lúa mì, ngô, các loại đậu...
Để tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp chế biến trên thị trường quốc tế, Thái Lan hướng đến mục tiêu gia tăng chất lượng nông sản xuất khẩu thông qua thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư vào chế biến, nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm nông sản phù hợp với yêu cầu thị trường quốc tế. Chính phủ Thái Lan yêu cầu các nhà đầu tư phải thực hiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng và quản lý môi trường ISO 14000 trong các nhà máy chế biến, tạo ra những sản phẩm nông sản chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế, vượt qua các rào cản kỹ thuật để có thể thâm nhập vào các thị trường khắt khe.
Thứ năm, thiết lập hệ thống bảo đảm rủi ro cho nông dân. Thái Lan có quỹ bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp cho tất cả nông dân. Phạm vi bảo hiểm áp dụng cho cây lương thực, cây lấy dầu, cây vườn, cây thương mại... Mức bồi thường chiếm từ 60% - 90% của sản lượng trung bình. Chính phủ Thái Lan đã hỗ trợ nguồn kinh phí đáng kể để phát triển bảo hiểm nông nghiệp rộng khắp. Đối với các sản phẩm nông nghiệp, Chính phủ Thái Lan hỗ trợ để tăng sức cạnh tranh với hình thức như: Tổ chức hội chợ triển lãm hàng nông nghiệp, đẩy mạnh công tác tiếp thị... Ngân sách nhà nước Thái Lan hỗ trợ bảo hiểm cho cây lúa rất lớn, góp phần giữ được giá lúa gạo có lợi nhất cho nông dân.
Để khuyến khích nông dân mua bảo hiểm, BAAC đã cho nông dân vay vốn để sản xuất. Phí bảo hiểm và bảo hiểm được xác định dựa trên số lượng các khoản vay và khả năng chi trả(3). Chính phủ xúc tiến hỗ trợ mua bảo hiểm lúa, trợ giúp người nông dân thông qua chương trình hỗ trợ tới 80% phí bảo hiểm. Nông dân ở vùng có rủi ro thấp sẽ được chi trả 60 Bạt/rai (khoảng 240.000 đồng/héc-ta) và Chính phủ đóng góp thêm 64 Bạt/rai (khoảng 260.000 đồng/héc-ta). Ở những vùng có nguy cơ rủi ro cao, nông dân được chi trả 100 Bạt/rai (khoảng 400.000 đồng/héc-ta) và Chính phủ bù thêm đến 383 Bạt/rai (khoảng 1,5 triệu đồng/héc-ta). Nếu cây trồng bị thiệt hại do thiên tai, công ty bảo hiểm sẽ chi trả 1.111 Bạt/rai (khoảng 4,5 triệu đồng/héc-ta) và 555 Bạt/rai (khoảng 2,25 triệu đồng/héc-ta) đối với thiệt hại do sâu, bệnh(4). Ông Pa-vẹt On-ga Sịt-ti-cun, Tổng Thư ký Hội đồng Bảo hiểm Thái Lan khẳng định, với tình hình hạn hán nghiêm trọng, mất mùa đang trở thành nỗi lo thường trực của nông dân thì các khoản bảo hiểm dành cho lúa gạo là điều cần thiết.
Ngoài những chính sách trên, Thái Lan đưa ra năm phương thức nhằm cải thiện kỹ thuật canh tác và thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững trong tương lai, gồm: Một là, hệ thống canh tác tích hợp được sử dụng khi hai hoặc nhiều hoạt động nông nghiệp khác nhau trên cùng một diện tích canh tác, góp phần làm giảm chi phí cho nông dân và tận dụng tối đa không gian và tiềm năng sản xuất; hai là, nông nghiệp hữu cơ, canh tác hữu cơ hạn chế số lượng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón được sử dụng trong canh tác; ba là, canh tác tự nhiên là mô hình canh tác bền vững lý tưởng cho nhiều vùng ở Thái Lan, bao gồm canh tác không làm đất, không sử dụng hóa chất và bảo tồn hoàn toàn hệ sinh thái với ít thiệt hại do canh tác; bốn là, nông - lâm kết hợp, cho phép kết hợp các loại cây trồng và gia súc, mang lại lợi nhuận kép, góp phần tăng cường khả năng sử dụng đất cho nông nghiệp bền vững, đồng thời thúc đẩy tái trồng rừng; năm là, lý thuyết mới về nông nghiệp, dành cho nông dân có ruộng hạn chế về diện tích và thiếu nguồn nước. Điều này nhấn mạnh khả năng tự cung, tự cấp bằng cách chia đất sẵn có thành bốn phần và sử dụng mỗi phần cho các nhu cầu khác nhau, gồm ao (chăn nuôi cá), ruộng (trồng hoa màu), ruộng lúa tự tiêu và không gian (ở và chăn nuôi gia súc).
Một số gợi ý tham chiếu cho Việt Nam
Trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, thiên tai, dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành nông nghiệp của Việt Nam. Với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn bảo đảm được an ninh lương thực trong nước và trở thành điểm tựa an ninh lương thực cho nhiều quốc gia. Xuất khẩu nông nghiệp vẫn đạt tỷ trọng cao, nhất là sự lên ngôi của ngành lúa gạo Việt Nam, vượt cả Thái Lan, Ấn Độ. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam chưa thực sự bền vững, nhất là khi chịu tác động của các cú sốc thiên tai, dịch bệnh. Từ thực tế chính sách phát triển nông nghiệp của Thái Lan, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam:
Thứ nhất, quy hoạch và quản lý sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả để bảo vệ người nông dân. Đất là nguồn tài nguyên rất lớn, vì vậy cần hạn chế tối đa lấy đất nông nghiệp trồng lúa để sử dụng cho mục đích công nghiệp, đánh thuế mạnh vào việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp nhằm ngăn chặn việc nông dân mất đất do quá trình đô thị hóa. Chính phủ cần có các chính sách và giám sát chặt chẽ việc quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp trên cả nước và có tầm nhìn xa hơn trong công tác xây dựng và phát triển nông thôn. Cần kiên quyết giữ các vùng đất tốt chuyên canh ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh đó, cũng cần có các chính sách nới rộng thời gian giao quyền sử dụng đất từ 50 đến 100 năm để người dân an tâm đầu tư lâu dài. Trong trường hợp người dân chuyển sang các ngành, nghề khác thì Nhà nước đứng ra mua và cho thuê nhằm bảo đảm diện tích đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ đất ruộng ở nông thôn.
Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn không chỉ là áp dụng những tiến bộ của công nghệ thông tin, tự động hóa vào chăn nuôi và trồng trọt... mà còn là phải thay đổi các quy trình, quy luật sinh học nhằm tạo ra các cây công nghiệp ngắn ngày, cho năng suất cao, chất lượng cao, có khả năng chống chịu với thời tiết khắc nghiệt và có sức kháng bệnh tốt. Cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ, trong đó ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng.
Thứ ba, phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường. Ở Việt Nam, việc sử dụng nhiều phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu đã dẫn đến dư lượng chất độc hại trong các sản phẩm nông nghiệp. Việc sử dụng phân bón vô cơ cho mỗi héc-ta đất canh tác hiện nay ở Việt Nam gần như gấp đôi so với mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Phát triển nông nghiệp đã gây tổn hại môi trường, mất đa dạng sinh học, thoái hóa đất, ô nhiễm nước và phát thải khí nhà kính. Bởi vậy, để giảm thiểu các tác hại này và bảo đảm cho nông nghiệp phát triển bền vững, cần hạn chế sử dụng các loại hóa chất cho nông nghiệp. Nên áp dụng phương pháp canh tác và sử dụng các loại phân bón hữu cơ thân thiện, kể cả những chế phẩm từ nông nghiệp để làm giàu đất và cung cấp chất dinh dưỡng hữu ích cho cây trồng. Hữu cơ hóa đất nông nghiệp thông qua sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh và thuốc trừ sâu sinh học để cải tạo đất thoái hóa, nâng cao độ màu mỡ. Điều này vừa giúp sử dụng quỹ đất hiệu quả, giảm số lượng nhập khẩu phân bón, vừa nâng cao xuất khẩu nông sản hữu cơ sạch. Mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ của Thái Lan là bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam để thay đổi tập quán sản xuất theo hướng tiến bộ, thân thiện với môi trường.
Thứ tư, hỗ trợ tài chính có hiệu quả trong nông nghiệp và nâng cao mức sống cho nông dân. Hỗ trợ có hiệu quả cho nông dân nghĩa là: 1- Hỗ trợ đúng theo nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cho phép trợ cấp nông nghiệp (trừ trợ cấp xuất khẩu) đến 10% GDP của ngành. Việt Nam có thể dành 2 tỷ - 2,2 tỷ USD để hỗ trợ cho nông dân. WTO không cho phép hỗ trợ bóp méo giá cả thị trường; 2- Tập trung hỗ trợ phát triển hạ tầng kỹ thuật và mở rộng mạng lưới giao thông nông thôn, đào tạo và nâng cao dân trí, nâng cao ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ cho vùng khó khăn, chi trả trực tiếp cho người sản xuất, trợ cấp chi phí tiếp thị và vận chuyển trong và ngoài nước; 3- Hỗ trợ để thu hẹp khoảng cách thu nhập và mức sống giữa nông thôn và thành thị thông qua các chương trình lớn của Chính phủ như Chương trình 35, 135, 134...
Hỗ trợ của Nhà nước là chất xúc tác để phát huy hiệu quả của các thành phần kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hiện nay, nông dân Việt Nam chiếm đa số trong dân cư nhưng đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 14% tổng đầu tư ngân sách nhà nước là chưa hợp lý, vì vậy, cần nâng cao tỷ lệ đầu tư gấp đôi mức hiện nay, khoảng 28% - 30% sẽ là phù hợp.
Thứ năm, tạo điều kiện thuận lợi thu hút FDI vào phát triển nông nghiệp. Nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến thu hút vốn FDI. Kinh nghiệm của Thái Lan là phát triển hệ thống vận tải hàng không với hệ thống sân bay thương mại rộng khắp. Để khuyến khích nhà đầu tư, các dự án FDI thường được miễn thuế trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, do đặc điểm các dự án FDI trong nông nghiệp thường là các dự án dài hạn, do vậy, việc khuyến khích về thuế cũng phải được thực hiện trong một thời gian dài để bảo đảm các dự án đầu tư đạt được hiệu quả nhất định. Thái Lan đã dành từ 3 đến 8 năm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án nông nghiệp. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài được chuyển lợi nhuận về nước. Thái Lan không hạn chế việc chuyển lợi nhuận, cổ tức của các nhà đầu tư nước ngoài về nước họ. Điều này tạo tâm lý an tâm cho nhà đầu tư, tăng tính hấp dẫn của thị trường. Mục tiêu thu hút vốn FDI vào ngành nông nghiệp Việt Nam là 6 tỷ USD năm 2030. Nông nghiệp Việt Nam mặc dù không được đầu tư mạnh nhưng nhiều sản phẩm nông nghiệp vẫn vươn lên đứng hàng đầu thế giới về tỷ trọng xuất khẩu. Ðây sẽ là lý do các tập đoàn quốc tế muốn đầu tư vào Việt Nam trong tương lai.
Có thể thấy, trong xu thế hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu cũng như với đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội đặc thù của Việt Nam, việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp là một hướng phát triển phù hợp. Thêm vào đó, để phát triển nông nghiệp bền vững, thì định hướng chiến lược là cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng thương hiệu nông sản. Hai định hướng chiến lược cơ bản này sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và tạo lợi thế cạnh tranh cho nông sản, góp phần nâng cao doanh thu trong sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho nông dân một cách bền vững. Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển nông nghiệp và lợi thế địa lý khi ở trong khu vực có dân số đông với nhiều thị trường tiềm năng để xuất khẩu nông sản và tiềm năng phát triển nông nghiệp Việt Nam còn rất lớn. Vì vậy, nông nghiệp Việt Nam được coi là thế mạnh, là đòn bẩy để kích thích tăng trưởng kinh tế./.
----------------------
(1) “Ngành nông nghiệp Thái Lan đối mặt với thiếu lao động trầm trọng”, Báo Tin tức nông nghiệp điện tử,
http://www.tintucnongnghiep.com/2014/09/nganh-nong-nghiep-thai-lan-oi-mat-voi.html
(2) Vinh Trang: “Thái Lan lên kế hoạch 956 triệu USD tăng thu nhập khu vực nông thôn, nông nghiệp”, https://saigondautu.com.vn/the-gioi/thai-lan-len-ke-hoach-956-trieu-usd-tang-thu-nhap-khu-vuc-nong-thon-nong-nghiep-83770.html, ngày 9-9-2020
(3) Hnin Ei Win: “Crop Insurance in Thailand”, https://ap.fftc.org.tw/article/1105, ngày 7-9-2016
(4) Thái Lan chuyển hướng nông nghiệp vì hạn hán, Báo Thanh niên điện tử, http://thanhnien.vn/kinh-doanh/thai-lan-chuyen-huong-nong-nghiep-vi-han-han-680327.html
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp các đại sứ trình quốc thư  (14/07/2021)
Tỉnh Quảng Ninh tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao  (19/11/2020)
Ngày làm việc thứ hai Hội nghị Cấp cao ASEAN 37: Đẩy mạnh kết nối, hợp tác Mekong với Hàn Quốc, Nhật Bản  (14/11/2020)
Quảng Nam cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới  (31/10/2020)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên