Kinh tế Nga năm 2021 và những thách thức trong năm 2022
TCCS - Năm 2021 là một năm đầy sóng gió không chỉ đối với riêng nước Nga mà còn đối với cả thế giới. Tuy nhiên, dù chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19 nhưng nền kinh tế Nga vẫn đạt được những kết quả khả quan. Bước sang năm 2022, dự báo nền kinh tế Nga sẽ đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, dự đoán sẽ bị chững lại, thậm chí sụt giảm, nhất là do những tác động từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine.
Bức tranh kinh tế Nga năm 2021
Năm 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga giảm 3,0% so với mức giảm 3,8% của nền kinh tế thế giới. Theo ước tính do Cơ quan Thống kê quốc gia Nga (Rosstat) công bố ngày 1-2-2021, đây là mức suy giảm mạnh nhất trong vòng 11 năm của Nga(1). Sau khi suy giảm tới 3,0% trong năm 2020, nền kinh tế Nga đã phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2021, đạt mức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Theo Rosstat, GDP của Nga tăng 4,7% trong năm 2021, nhanh nhất kể từ năm 2008. Con số này cao hơn mức dự báo 4,5% trong một cuộc khảo sát của Bloomberg. Các biện pháp kích thích của Chính phủ Nga cũng như sự phục hồi kinh tế toàn cầu và giá dầu tăng trong năm 2021 được cho là những yếu tố góp phần nâng cao mức tăng trưởng.
Khi các biện pháp hạn chế dịch bệnh COVID-19 được nới lỏng ở Nga vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nhu cầu của người tiêu dùng tăng mạnh trong quý II-2021 nhờ được hỗ trợ bởi tiết kiệm tích lũy trong năm 2020 và tăng trưởng tín dụng nhanh chóng. Đầu tư vào Nga cũng tăng mạnh trong quý II-2021. Trong thời gian diễn ra Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Peterburg năm 2021 (SPIEF 2021) vào tháng 6-2021, các doanh nhân đến từ nhiều nước trên thế giới đã ký kết 800 hợp đồng đầu tư với các doanh nghiệp của Nga, trị giá 3.800 tỷ rúp(2). Bên cạnh đó, thặng dư tài khoản vãng lai đạt mức cao nhất trong nhiều năm do giá cả hàng hóa tăng và du lịch nước ngoài thấp, đạt 82 tỷ USD vào tháng 9-2021(3).
Lạm phát đã gia tăng trong suốt năm 2021 khi Nga phải đối mặt với nhu cầu tiêu dùng cao, giá hàng hóa tăng và tắc nghẽn nguồn cung. Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ vào năm 2021 khi lạm phát tăng cao hơn tỷ lệ mục tiêu của CBR từ tháng 12-2020. Kể từ tháng 3-2021, CBR đã tăng lãi suất 6 lần, tổng cộng là 325 điểm cơ sở. Động thái này đã giúp duy trì lãi suất thực. Tính đến cuối tháng 10-2021, tỷ lệ lạm phát của Nga là 7,5% (so với mức mục tiêu 4% mà CBR đưa ra)(4).
Bên cạnh đó, lạm phát giá tiêu dùng tiếp tục nhích lên. Trong tháng 8-2021, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hằng năm ở mức 6,7%, tiếp tục tăng lên 7,4% vào tháng 9-2021. Lạm phát lương thực đã thúc đẩy sự gia tăng này với việc tăng giá trên nhiều mặt hàng thực phẩm. Tỷ lệ lạm phát hằng năm ở các khu vực của Nga dao động từ 3% đến 9,3%(5). Nhu cầu phục hồi kết hợp với tình trạng tắc nghẽn nguồn cung vẫn tiếp diễn và giá hàng hóa toàn cầu cao đã kết hợp đẩy giá lương thực lên cao.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, CBR đã tăng thu ấn tượng, trong đó doanh thu từ dầu khí tăng 60%, thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập tăng khoảng 30% mỗi loại. Thâm hụt ngân sách tổng thể giảm từ 3,8% vào cuối năm 2020 xuống còn khoảng 1% vào quý III-2021. Doanh thu từ dầu và khí đốt cao đồng nghĩa với việc CBR đã có thêm 35 tỷ USD ngoại hối trong khoảng thời gian từ tháng 1-2021 đến tháng 11-2021 và số tiền này sẽ chuyển đến Quỹ tài sản quốc gia năm 2022(6).
Thị trường lao động của Nga cũng có sự phục hồi rõ rệt. Số lượng việc làm trong quý II-2021 đã tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020 và tỷ lệ người thất nghiệp trên các vị trí việc làm đã giảm xuống. Vào tháng 7-2021, tổng lực lượng lao động đạt 75,5 triệu người, gần như phục hồi trở lại mức trước đại dịch COVID-19 là 75,6 triệu người vào tháng 7-2019. Tăng trưởng tiền lương thực tế, vốn được duy trì trên 2% vào năm 2020, tiếp tục ở mức trung bình 2,5% cho đến cuối tháng 8-2021(7). Mức tăng lương đáng kể nhất tập trung vào ba hoạt động kinh tế: dịch vụ khách sạn và ăn uống (+30,1%), giáo dục (+26,2%), văn hóa, thể thao và giải trí (18,8%)(8)...
Thách thức trong năm 2022
Trong thời gian tới, Nga được dự báo sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức và khủng hoảng tiềm ẩn, bao gồm tình trạng thiếu đầu tư vào vốn con người, các nguyên nhân khác gây ra tình trạng trì trệ của nền kinh tế vĩ mô, đại dịch COVID-19, lạm phát gia tăng, các lệnh trừng phạt quốc tế và về lâu dài là chuyển đổi năng lượng xanh… là những yếu tố rủi ro chính đối với nền kinh tế Nga trong năm 2022. Không chỉ vậy, tỷ lệ tiêm phòng thấp ở Nga khiến đại dịch COVID-19 trở thành mối đe dọa đặc biệt lớn và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ Nga cũng sẽ là những nhân tố đè nặng lên triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Nga.
Về tăng trưởng kinh tế, một trong những yếu tố kìm hãm tăng trưởng đó là sự can thiệp quá mức của Nhà nước vào nền kinh tế và các khía cạnh khác, tạo ra tình trạng hành chính hóa quá mức và kém hiệu quả; chưa tạo được động lực khuyến khích đầu tư, huy động vốn nước ngoài, bảo vệ quyền sở hữu, duy trì cạnh tranh hoặc bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật. Các rủi ro kinh tế của đất nước cũng trở nên trầm trọng hơn do các thách thức môi trường chưa được giải quyết và thiếu các bước triển khai thực tế để giải quyết các thách thức này.
Cuộc khủng hoảng nhân lực của Nga cũng được xem như một trong những thách thức chính đối với sự phát triển của đất nước. Tình trạng “chảy chất xám”, tăng trưởng kinh tế thấp, thu nhập không cao và hạn chế cơ hội trau dồi kỹ năng việc làm đang làm xói mòn chất lượng lực lượng lao động của Nga, làm hạn chế tăng trưởng kinh tế và cải thiện năng suất lao động.
Lạm phát tăng cao cũng là yếu tố tác động tiêu cực đến nền kinh tế của Nga. Áp lực lạm phát đến từ những gián đoạn trong chuỗi sản xuất và hậu cần, tình trạng thay đổi về cơ cấu trên thị trường lao động do hậu quả tác động của đại dịch COVID-19 khiến tăng trưởng năng suất lao động tụt hậu đáng kể so với tăng trưởng tiền lương, biến động giá cả trên thị trường toàn cầu. Rủi ro lạm phát ngắn hạn cũng được cho là liên quan đến sự biến động gia tăng trên thị trường toàn cầu gây ra bởi một loạt sự kiện địa - chính trị, có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng tỷ giá hối đoái và lạm phát. Lạm phát trung hạn phần lớn chịu ảnh hưởng của chính sách tài khóa nhằm ứng phó với dịch bệnh và hỗ trợ nền kinh tế, làm gia tăng thâm hụt ngân sách và nợ công…
Những rủi ro của nền kinh tế Nga phải đối mặt còn liên quan trực tiếp đến những thách thức về vấn đề môi trường chưa được giải quyết. Điều này không chỉ bao gồm các vấn đề sinh thái mà còn cả những thay đổi cấu trúc rõ ràng trên thị trường toàn cầu do quá trình khử carbon gây ra, làm giảm nhu cầu về dầu, từ đó tác động rất lớn làm giảm nguồn thu ngân sách ổn định từ dầu khí của Nga, khiến nền kinh tế Nga dự kiến sẽ tăng trưởng chậm hơn đáng kể so với kinh tế toàn cầu trong mười lăm năm tới.
Như vậy, theo các chuyên gia dự báo trước khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine thì tăng trưởng GDP của Nga trong năm 2022 sẽ xấp xỉ 2,5%. Dự báo chính thức của Bộ Phát triển kinh tế Nga cho năm 2022 là 3%. Ông Sergey Grishunin - Giám đốc Cơ quan Xếp hạng quốc gia cho biết - sự tăng trưởng của nền kinh tế Nga sẽ được quyết định phần lớn bởi tình hình quốc tế và sẽ theo xu hướng toàn cầu, cũng như việc liệu doanh nghiệp có thể thích ứng với việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở Nga và trên toàn thế giới hay không(9). Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo mức tăng trưởng của nền kinh tế Nga sẽ chậm lại rõ rệt vào năm 2022, sau khi GDP phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021. Nhu cầu trong nước - động lực chính cho sự phục hồi của năm 2021 - sẽ hạ nhiệt vào năm 2022, vì cả chi tiêu hộ gia đình và hoạt động đầu tư dần trở lại xu hướng trước đại dịch COVID-19. Theo WB, mức tăng trưởng của nền kinh tế Nga trong các năm 2022, 2023 lần lượt là 2,4% và 1,8%(10).
Không giống như dự báo của Chính phủ Nga và CBR, phần lớn các chuyên gia tin rằng tỷ lệ lạm phát ở Nga trong năm 2022 sẽ giảm so với năm 2021, nhưng vẫn sẽ không đạt mục tiêu; dự báo đến cuối năm 2022, con số này sẽ là 5,1%. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Nga Vladislav Onishchenko cho biết, theo CBR, tỷ lệ lạm phát sẽ giảm xuống 4% - 4,5% vào cuối năm 2022, nhưng kịch bản này dường như rất khó xảy ra. Theo ông V. Onishchenko, việc đạt được mục tiêu sớm nhất có vẻ thực tế hơn vào năm 2023, với điều kiện không có cú sốc mới nào đối với nền kinh tế toàn cầu. Còn theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cảnh báo hồi đầu tháng 2-2022, thời kỳ phục hồi sau đại dịch COVID-19 đã qua và nền kinh tế Nga hiện đang phát triển quá nóng. Lạm phát đang tăng hơn gấp đôi so với mục tiêu của CBR, bất chấp việc tăng lãi suất 525 điểm cơ bản trong năm 2021. Theo đó, tăng trưởng năm 2022 có khả năng chậm lại 2% - 3% và giảm tốc hơn nữa vào năm 2023(11).
Trong trường hợp lạm phát vẫn ở mức cao, việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể cũng có ảnh hưởng xấu đến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Nga. Triển vọng kinh tế dài hạn của Nga sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố. Trong đó, Nga tiếp tục phải đối mặt với mức tăng trưởng tiềm năng tương đối thấp nếu Chính phủ không có giải pháp sẽ cản trở khả năng đạt được các mục tiêu phát triển cao cũng như nâng cao thu nhập và mức sống của người dân. Thành công sẽ phụ thuộc vào việc khuyến khích các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, đổi mới và xây dựng giá trị, cả trong nước và thông qua liên kết với chuỗi giá trị toàn cầu.
Một yếu tố khác sẽ tác động đến nền kinh tế Nga trong dài hạn là Chiến lược phát triển carbon thấp mới của nước này, được Chính phủ Nga công bố vào ngày 29-10-2021. Mục tiêu là thúc đẩy tăng trưởng xanh, giảm thiểu biến đổi khí hậu, giảm 70% lượng khí thải ròng vào năm 2050 và trung hòa carbon ròng 10 năm sau đó. Chiến lược đặt ra mục tiêu nâng cao tăng trưởng đồng thời với việc xanh hóa nền kinh tế, nhằm mục tiêu tăng trưởng trung bình ít nhất 3% mỗi năm. Mục tiêu kép đầy tham vọng là tăng trưởng và xanh hóa này sẽ kêu gọi sự tập trung đồng thời vào việc giải quyết những hạn chế tồn tại từ trước trong toàn bộ nền kinh tế đối với tăng trưởng và khả năng cạnh tranh, đồng thời hạn chế chi phí của quá trình chuyển đổi xanh và tận dụng đầy đủ các cơ hội mà Nga có thể có.
Kịch bản nào cho nền kinh tế Nga sau cuộc khủng hoảng Ukraine?
Ngoài những dự báo và những nhân tố tác động kể trên, một nhân tố địa - chính trị được đánh giá có tác động rất lớn đến triển vọng của nền kinh tế Nga là cuộc khủng hoảng từ xung đột với Ukraine hiện nay. Chiến sự giữa Nga và Ukraine đã khiến Mỹ và phương Tây tăng cường các lệnh trừng phạt kinh tế ngặt nghèo đối với Nga. Sự cô lập ngày càng tăng về tài chính và chính trị sẽ gây ra những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế nước này mặc dù Chính phủ Nga đã tích lũy được nguồn dự trữ chính phủ đáng kể - hơn 630 tỷ USD (562 tỷ euro)(12) và tin rằng sẽ bảo vệ nền kinh tế khỏi tình trạng tồi tệ nhất của bất kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế nào từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, nền kinh tế Nga sẽ phải đối mặt với những tổn hại lớn cả về ngắn hạn và dài hạn:
Một là, theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu kinh tế trong chuyển đổi của Ngân hàng Phần Lan, bất chấp nỗ lực phi đô la hóa của Chính phủ Nga trong những năm gần đây thì hơn một nửa số lượng hàng hóa xuất khẩu của Nga vẫn được định giá bằng đồng USD, 30% khác được tính bằng đồng euro, vì các đối tác kinh tế của Nga - phần lớn là những đối tác mua dầu và khí đốt - đã từ chối chuyển sang giao dịch bằng đồng rúp của Nga. Điều đó khiến nền kinh tế Nga vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt.
Hai là, lĩnh vực tài chính của Nga là một trong những mục tiêu của các lệnh trừng phạt. Ngay sau khi Nga triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, một loạt biện pháp trừng phạt đã được đưa ra. Mỹ và các nước phương Tây nhất trí đưa Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, ngăn CBR sử dụng 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Về lý thuyết, tài sản được tính bằng đồng USD, đồng euro, đồng bảng Anh và đồng nhân dân tệ và lợi ích của việc nắm giữ những khoản dự trữ như vậy sẽ cho phép CBR can thiệp đáng kể để tăng giá đồng rúp trong trường hợp có biến động. Tuy vậy, nếu Nga gặp khó khăn trong việc mua đồng rúp bằng dự trữ ngoại hối của mình, áp lực lên tiền tệ sẽ gia tăng, hạn chế khả năng hỗ trợ đồng rúp của CBR. Ngoài ra, Mỹ cũng đã nhắm vào hai tổ chức tài chính lớn nhất của Nga là Sberbank và VTB, ngăn các tổ chức này xử lý các khoản thanh toán thông qua hệ thống tài chính của Mỹ. Các doanh nghiệp nhà nước của Nga sẽ không được phép huy động vốn thông qua thị trường Mỹ. Các biện pháp trừng phạt bao gồm gần 80% tài sản ngân hàng ở Nga.
Bên cạnh đó, việc các tổ chức và quốc gia trên thế giới như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh, Nhật Bản, Canada và các quốc gia khác công bố các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp và cá nhân Nga cho thấy đây là hành động phối hợp chưa từng có về phạm vi và tác động kinh tế tiềm tàng đến nền kinh tế Nga. Đơn cử như, Chính phủ Anh tuyên bố cấm bất kỳ thực thể nào của nước này tiến hành giao dịch với CBR, đề xuất một dự luật lên Quốc hội nước này để kiểm soát dòng tiền của Nga đổ vào Anh. Chính phủ Na Uy cho biết, quỹ dầu mỏ trị giá 1.300 tỷ USD của nước này sẽ bán bớt các khoản đầu tư trị giá 3 tỷ USD của Nga(13). Tập đoàn dầu khí BP của Anh cũng đã cắt đứt quan hệ với Công ty dầu khí Nga Rosneft, thoái lui 20% cổ phần của công ty. Tập đoàn dầu khí Shell của Anh cũng sẽ kết thúc mọi liên kết với Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga...
Tác động trước mắt có thể thấy là, sau khi các nước áp đặt lệnh trừng phạt mới và cứng rắn hơn với Nga liên quan đến căng thẳng Nga - Ukraine, ngày 28-2-2022, đồng rúp đã mất gần 30% giá trị so với đồng USD, mức thấp nhất từ trước đến nay. Theo Hãng tin Bloomberg News của Mỹ, đồng rúp đã giảm 27% giá trị, xuống còn 114,33 rúp/USD trong giao dịch ở nước ngoài(14). Đồng rúp mất giá có nguy cơ đẩy lạm phát lên cao, con số ước tính có thể lên tới 70%(15).
Không chỉ vậy, các chi nhánh của Ngân hàng Sberbank lớn nhất của Nga ở châu Âu đang trên bờ vực sụp đổ khi các khoản tiền gửi tiết kiệm của khách hàng bị rút dồn dập. Cổ phiếu của Sberbank (SBRCY) niêm yết tại London (Anh) giảm gần 99,9%. Cổ phiếu của Tập đoàn năng lượng Gazprom (GZPFY) giảm 37% trong giao dịch tại London (Anh). Cổ phiếu của nhà cung cấp dịch vụ internet Yandex (YNDX) đã bị đình chỉ giao dịch trên Nasdaq, cùng với 7 công ty khác của Nga được niêm yết tại New York (Mỹ).
Để giảm thiểu những tác động của các biện pháp trừng phạt hà khắc do Mỹ và phương Tây áp đặt, CBR đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ thị trường trong nước, như nâng lãi suất chủ chốt từ mức 9,5% lên 20%, ngày 28-2-2022; yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu của Nga bán 80% doanh thu bằng ngoại tệ trên thị trường nhằm hỗ trợ đồng rúp; tạm thời nới lỏng các hạn chế đối với trạng thái ngoại tệ mở của các ngân hàng, qua đó cho phép các ngân hàng chống chịu với “các hoàn cảnh bên ngoài”; yêu cầu các doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán từ chối các lệnh chào bán chứng khoán Nga của khách hàng nước ngoài; đóng cửa thị trường chứng khoán… Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo, nền kinh tế Nga sẽ suy giảm mạnh trong năm 2022. Ngân hàng Goldman Sachs và các nhà kinh tế của JP Morgan hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Nga từ 2% xuống còn âm 7% (16).
Ba là, các đợt trừng phạt của Mỹ và phương Tây có thể kéo theo tình trạng giá dầu thế giới tăng cao, khiến năng lượng vốn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu sẽ gây ra lạm phát, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Nga. Trên thực tế, gần 2/3 số lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Nga chảy sang châu Âu, chiếm khoảng một nửa doanh số bán dầu toàn cầu của nước này. Xuất khẩu năng lượng của Nga sang châu Âu trị giá 90 tỷ euro mỗi năm(17). Đây thực sự là nguồn doanh thu khổng lồ đối với ngân sách của Nga trong những năm gần đây. Các nhà phân tích nhận định, cho dù Nga có động thái làm gián đoạn dòng chảy khí đốt và mất nguồn thu hay không cũng được cho là sẽ dẫn tới nguy cơ châu Âu tăng cường biện pháp dài hạn nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga. Ngày 8-3-2022, Mỹ chính thức công bố cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga; trong khi đó Anh tuyên bố nước này sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ của Nga vào cuối năm 2022... Điều này sẽ khiến nền kinh tế Nga dễ bị tổn thương trước những biến động về nhu cầu trên thị trường dầu khí.
Những diễn biến mới nhất của cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ là một ẩn số đối với triển vọng của nền kinh tế Nga trong năm 2022. Cho dù các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga ở mức độ nào và dưới hình thức nào, cho dù nền kinh tế Nga đã được chuẩn bị “sẵn sàng” trước bất kỳ một cuộc khủng hoảng nào, thì những tác động mà nền kinh tế Nga sẽ phải hứng chịu là điều khó tránh khỏi cả trong ngắn hạn và dài hạn./.
---------------------
(1) Thương Nguyệt: “Kinh tế Nga suy giảm mạnh nhất trong 11 năm”, Báo Hà Nội mới điện tử, http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/The-gioi/990238/kinh-te-nga-suy-giam-manh-nhat-trong-11-nam, ngày 2-2-2021.
(2) Lê Thế Mẫu: “Thế giới và nước Nga: Nhìn từ Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint - Petersburg 2021”, Tạp chí Cộng sản điện tử, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/823402/the-gioi-va-nuoc-nga--nhin-tu-dien-dan-kinh-te-quoc-te-saint---petersburg-2021.aspx, ngày 19-6-2021.
(3), (6), (7), (10) The World Bank: “46th Issue of the Russia Economic Report”, (Tạm dịch: “Báo cáo kinh tế Nga số 46”), https://documents1.worldbank.org/curated/en/099050011302118976/pdf/P17756206d40310aa0a5e109d6fa60bc55a.pdf, ngày 1-12-2021.
(4) Holly Ellyatt: “5 charts show Russia’s economic highs and lows under Putin” (Tạm dịch: “Năm biểu đồ thể hiện mức cao và thấp của nền kinh tế Nga dưới thời kỳ Tổng thống Nga Vladimir Putin”), https://www.cnbc.com/2021/10/11/russias-economy-under-president-putin-in-charts.html, ngày 11-10-2021.
(5), (8) The World Bank: “Russia Monthly Economic Developments” (Tạm dịch: “Diễn biến nền kinh tế Nga hằng tháng), https://www.worldbank.org/en/country/russia/brief/monthly-economic-developments, tháng 9-2021.
(9) TASS: “Russian economy in 2022: low base effect can no longer support GDP growth” (Tạm dịch: “Kinh tế Nga năm 2022: Hiệu ứng cơ bản thấp không còn hỗ trợ tăng trưởng GDP”), https://tass.com/economy/1382019, ngày 28-12-2021.
(11) Anna Andrianova: “Russia’s Economy Grew 4.7% in 2021, quickest pace since 2008” (Tạm dịch: “Nền kinh tế Nga tăng trưởng 4,7% vào năm 2021”, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2008”, https://www.bloomberg.com/news/articles/2022-02-18/russian-economy-grew-4-7-in-2021-quickest-pace-since-2008, ngày 18-2-2022.
(12), (17) Jake Cordell: “Russia’s Economy on the brink of crisis after Ukraine attack” (Tạm dịch: “Nền kinh tế Nga bên bờ vực khủng hoảng sau cuộc tấn công Ukraine”), https://www.themoscowtimes.com/2022/02/24/russias-economy-on-the-brink-of-crisis-after-ukraine-attack-a76555, ngày 24-2-2022.
(13) Arthur Sullivan: “Russia's economy in crisis as sanctions bite” (Tạm dịch: “Nền kinh tế Nga khủng hoảng vì lệnh trừng phạt”), https://www.dw.com/en/russias-economy-in-crisis-as-sanctions-bite/a-60943968, ngày 28-2-2022.
(14) Bích Liên: “Nga - Đồng ruble mất gần 30% giá trị sau các lệnh trừng phạt mới nhất”, https://www.vietnamplus.vn/nga-dong-ruble-mat-gan-30-gia-tri-sau-cac-lenh-trung-phat-moi-nhat/775395.vnp, ngày 28-2-2022.
(15) Andrew Ross Sorkin, Jason Karaian, Sarah Kessler, Stephen Gandel, Michael J. de la Merced and Lauren Hirsch: “How economic warfare is battering Russia” (Tạm dịch: “Chiến tranh kinh tế đang tàn phá Nga như thế nào”, https://www.nytimes.com/2022/02/28/business/dealbook/russia-ukraine-sanctions.html, ngày 28-2-2022.
(16) Ngọc Trang: "JPMorgan Chase: Kinh tế Nga có thể giảm 35% vì lệnh trừng phạt", Tạp chí VnEconomy điện tử, https://vneconomy.vn/jpmorgan-chase-kinh-te-nga-co-the-giam-35-vi-lenh-trung-phat.htm, ngày 4-3-2022.
Căng thẳng Nga - Ukraine: Bản chất, nguyên nhân và triển vọng  (03/03/2022)
Đàm phán về bảo đảm an ninh giữa Nga - Mỹ - NATO: Hy vọng mong manh  (23/02/2022)
Về sự hình thành ba xu thế lớn trên thế giới ngày nay  (21/12/2021)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển