Sản phẩm làng nghề của Hà Tây trong bức tranh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam
1 - Về xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm làng nghề của Việt Nam
Hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được đánh giá là có năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu do có những lợi thế so sánh về đầu vào, như: nguồn nguyên liệu rẻ lại chủ yếu khai thác trong nước; sức lao động dồi dào, thông minh, khéo léo. Do đó, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt mức tăng khá, tăng từ 235 triệu USD (năm 2001) lên trên 560 triệu USD (năm 2005). Sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã vươn tới các thị trường tiêu thụ lớn của thế giới như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản. Đây là mặt hàng mà nhu cầu thị trường thế giới hầu như chưa bị giới hạn bởi tính chất độc đáo và khác biệt của sản phẩm. Bên cạnh đó, xuất khẩu mặt hàng này mang lại giá trị gia tăng lớn, vì thế có thể coi là ngành hàng mũi nhọn để tập trung phát triển xuất khẩu trong giai đoạn 2006 - 2010.
Tuy nhiên, chất lượng các sản phẩm còn thấp, sản xuất bị phân tán, khó có thể triển khai sản xuất hàng loạt để đáp ứng các đơn hàng lớn. Ngoài ra, mẫu mã, kiểu dáng của các sản phẩm xuất khẩu chậm đổi mới, chưa đa dạng phong phú nên chưa phát huy được hết thế mạnh và tiềm năng xuất khẩu. Một vấn đề nữa đặt ra đối với việc phát triển sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu là nguồn nguyên liệu sản xuất đang dần cạn kiệt do khai thác quá mức trong khi thiếu quy hoạch nuôi trồng một cách căn cơ.
Trên cơ sở đánh giá tiềm năng về nhu cầu thị trường và năng lực sản xuất, nếu giải quyết được những hạn chế nêu trên, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này có thể đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 20%/năm, tới năm 2010 đạt kim ngạch khoảng 1,5 tỉ USD.
Về thị trường, hiện nay nhóm hàng này của Việt Nam chỉ chiếm 1,5% kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ, 1,7% của Nhật Bản và 5,4% của EU. Như vậy, nếu so với định mức an toàn về tranh chấp thị trường xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vào các thị trường này vẫn còn nhiều tiềm năng tăng. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có thể khai thác thêm thị trường Ca-na-đa, Hồng Kông, Trung Đông, Nga và các thành viên mới của EU.
Các thị trường mục tiêu được lựa chọn có cơ sở qua những năm gần đây như sau:
Hoa Kỳ: Nhu cầu nhập khẩu khoảng 13 tỉ USD/năm, xuất khẩu của Việt Nam năm 2005 vào Hoa Kỳ chỉ chiếm 1,5% kim ngạch nhập khẩu của nước này, phấn đấu đến 2010 nâng tỷ lệ này lên trên 3% (đạt kim ngạch trên 0,4 tỉ USD).
EU: Nhu cầu nhập khẩu khoảng gần 7 tỉ USD/năm, xuất khẩu của Việt Nam năm 2005 vào EU chỉ chiếm 5,4% kim ngạch nhập khẩu của khu vực này, phấn đấu đến 2010 nâng tỷ lệ lên trên 6,4% (đạt kim ngạch trên 0,6 tỉ USD).
Nhật Bản: Nhu cầu nhập khẩu khoảng 2,9 tỉ USD/ năm, xuất khẩu của Việt Nam năm 2005 vào Nhật Bản chỉ chiếm 1,7% kim ngạch nhập khẩu của nước này, phấn đấu đến 2010 nâng tỷ lệ lên trên 4% (đạt kim ngạch khoảng 150 triệu USD).
2 - Thực trạng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm làng nghề của Hà Tây
Hà Tây là địa phương nổi tiếng bởi "đất trăm nghề", hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm làng nghề của tỉnh Hà Tây thực sự có lợi thế so sánh để phát triển xuất khẩu. Những lợi thế so sánh của hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm làng nghề của Việt Nam đều hiện diện ở Hà Tây.
Thứ nhất, lợi thế về sức lao động dồi dào và tay nghề khéo léo. Theo điều tra của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), trong 1.460 thôn, làng của tỉnh Hà Tây, hiện có gần 80% số làng có nghề (với 411 làng nghề), chiếm 1/5 tổng số làng nghề hiện có tại Việt Nam. Áp dụng tiêu chí (cao hơn mức bình quân chung cả nước), Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây đã cấp bằng công nhận cho 219 làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN). Theo số liệu của Sở Công nghiệp Hà Tây, có khoảng 70 vạn lao động nông thôn làm việc tại các làng nghề theo phương thức "ly nông bất ly hương" với thu nhập bình quân đầu người khoảng 7,5 triệu đồng/năm, trong khi thu nhập tương ứng trong lĩnh vực thuần nông chỉ đạt 5,4 triệu đồng.
Thứ hai, sản phẩm có tính riêng biệt và đậm nét văn hóa truyền thống đã được biết đến không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên thị trường quốc tế, như: các sản phẩm lụa Vạn Phúc, nón Chuông, quạt Vác, khảm trai Chuyên Mỹ, hàng mây tre Phú Vinh, đồ mộc Chàng Sơn, tượng gỗ Sơn Đồng....
Thứ ba, đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung khai thác nguyên liệu địa phương nên đạt được mức giá cả hợp lý, như: sản phẩm từ nguyên liệu guột ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên), trung tâm chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (huyện Hoài Đức), nghề khảm trai Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên)....
Thứ tư, sản phẩm làng nghề của Hà Tây đã thâm nhập một số thị trường trọng điểm của thế giới như Nhật Bản, EU, Mỹ....
Trên thực tế, giá trị sản xuất từ khu vực các làng nghề trong tỉnh đạt khoảng 3000 tỉ đồng/năm, chiếm gần 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) toàn tỉnh. Hiện tại, ngoài số 57 hợp tác xã ngành nghề TTCN còn có trên 154.000 hộ tham gia sản xuất TTCN tại các làng nghề và có 305 công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), công ty cổ phần sản xuất CN-TTCN. Như vậy, hiện nay cả tỉnh tăng 225 doanh nghiệp; trong đó có 110 doanh nghiệp tư nhân, tăng 75 doanh nghiệp so với năm 2001.
Tổng vốn đầu tư vào khu vực sản xuất của các làng nghề TTCN đang tăng lên đáng kể. Trong đó, nguồn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng lên tới 1.080 tỉ đồng, tăng 622 tỉ đồng so với năm 2000. Có khá nhiều doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN trong tỉnh đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ 1 triệu USD trở lên như: các công ty TNHH mây tre đan Yên - Trường, Tiến Động, Văn Minh, Ngọc Sơn... và có 9 làng nghề có doanh thu đạt 50 tỉ đồng/năm trở lên, trong đó làng nghề mây tre đan Yên Trường (huyện Chương Mỹ), đạt doanh thu 70 tỉ đồng/năm; làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Vạn Điểm (huyện Thường Tín) đạt doanh thu 105 tỉ đồng/năm; đặc biệt làng nghề dệt kim, bánh kẹo La Phù (huyện Hoài Đức) hiện đã đạt doanh thu 340 tỉ đồng/năm.
Bên cạnh những điểm mạnh về cạnh tranh đó hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm làng nghề của Hà Tây cũng đang đứng trước những thách thức của cạnh tranh khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Chẳng hạn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ ít tính sáng tạo, chủ yếu làm theo mẫu có sẵn, đơn đặt hàng hoặc "nhái lại" mẫu mã của nước ngoài; số đông doanh nghiệp tại các làng nghề Hà Tây vẫn phải xuất khẩu sản phẩm qua trung gian, chưa thâm nhập được kênh phân phối hàng nhập khẩu của nước ngoài. Khâu xúc tiến thương mại cũng còn nhiều hạn chế, kể cả hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại nhà nước và thực hiện xúc tiến thương mại của doanh nghiệp. Các cơ sở sản xuất chưa thực sự coi trọng giá trị của thương hiệu. Điểm yếu nữa là trong cạnh tranh xuất khẩu, sản phẩm làng nghề Hà Tây thiếu nguồn nguyên liệu được cung cấp ổn định, vững chắc...
3 - Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm làng nghề của Hà Tây
Trước thực tế trên, muốn bảo đảm phát huy lợi thế so sánh về sức lao động dồi dào, giá rẻ, nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước và khai thác những nét văn hóa đặc sắc của các làng nghề truyền thống để phát triển xuất khẩu bền vững hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm làng nghề của Hà Tây, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, ở quy mô cạnh tranh quốc gia, Nhà nước cần khẳng định sự lựa chọn chiến lược đối với phát triển xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, coi đây là một trọng tâm của hoạt động xúc tiến xuất khẩu quốc gia thời gian tới. Công tác quy hoạch vùng nguyên liệu cho xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cũng cần đặc biệt chú trọng; tăng hỗ trợ của Nhà nước trong việc duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, đào tạo và bồi dưỡng tay nghề cho lực lượng lao động thủ công, khuyến khích thích đáng đối với nghệ nhân để họ truyền nghề và sáng tạo trong lao động...
Do hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm làng nghề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động trong nông nghiệp và nông thôn, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền một cách bền vững, đề nghị Chính phủ cho phép triển khai xây dựng sớm Chương trình quốc gia về xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm làng nghề. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Thương mại cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Liên minh hợp tác xã Việt Nam xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt.
Thứ hai, chính quyền tỉnh Hà Tây nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh vốn đang ở thứ hạng thấp so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước (năm 2006 tỉnh xếp hạng 62/64, với số điểm là 40,73(1)); thực hiện trong thẩm quyền của mình và trên cơ sở của chiến lược và quy hoạch ở cấp quốc gia, cần tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho các loại hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thông qua việc quy hoạch dài hạn về vùng trồng nguyên liệu, quy hoạch các vùng, cụm CN-TTCN, làng nghề trên cơ sở chuyên môn hóa và phát huy yếu tố truyền thống.... Xúc tiến mạnh mẽ và đồng bộ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và sản phẩm các làng nghề truyền thống của Hà Tây ở nước ngoài cũng như các đô thị lớn trong cả nước. Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Thương mại Hà Tây phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Vietrade), Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện đồng bộ công tác tuyên truyền và quảng bá hình ảnh về sản phẩm mỹ nghệ của Hà Tây tới các khách hàng tiềm năng và khách hàng trọng điểm quốc tế và trong nước. Phát huy lợi thế xuất khẩu tại chỗ của hàng thủ công mỹ nghệ Hà Tây thông qua việc phối - kết hợp nhịp nhàng với hoạt động quảng bá và xúc tiến du lịch của tỉnh. Đây là lợi thế đặc biệt của Hà Tây.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho người lao động, có biện pháp khuyến khích và có đãi ngộ thỏa đáng đối với các nghệ nhân, nhằm duy trì và phát triển các nghề thủ công truyền thống kết hợp hiện đại hóa một cách phù hợp, đặc biệt đối với các làng nghề nổi tiếng. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp và thợ thủ công Hà Tây trong vấn đề phát triển mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ, tạo điều kiện cho họ đi tham quan, khảo sát thị trường và khách hàng tiêu thụ nước ngoài. Hỗ trợ thông tin thị trường và ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp và thợ thủ công của tỉnh.
Thứ ba, đối với các doanh nghiệp và làng nghề Hà Tây:
- Các doanh nghiệp tích cực triển khai việc áp dụng các mô hình quản trị doanh nghiệp, mô hình quản lý chất lượng trong tổ chức sản xuất và kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
- Đổi mới công tác quản trị nhân lực trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm tiêu chuẩn hóa hoạt động tuyển dụng, đánh giá và sử dụng lao động trong các doanh nghiệp này để nâng cao khả năng đáp ứng những tiêu chuẩn, điều kiện về lao động đặt ra từ phía các nhà nhập khẩu.
- Khai thác hiệu quả những tiện ích của công nghệ thông tin, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường, nắm bắt nhanh chóng nhu cầu của khách hàng, tiết kiệm chi phí giao dịch, quảng cáo..., thông qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
- Nâng cao trình độ hiểu biết luật pháp thương mại quốc tế để sẵn sàng đối phó với tranh chấp thương mại trên thị trường ngoài nước.
- Tăng cường sử dụng các dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh, như dịch vụ tư vấn, dịch vụ nghiên cứu và thăm dò thị trường, dịch vụ pháp lý... để nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính chuyên nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Chủ động tham gia các liên kết và hợp tác dưới các hình thức tổ chức nghề nghiệp trong và ngoài nước, các hiệp hội, như: Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam... thông qua đó đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế với các tổ chức, hiệp hội ngành nghề trong khu vực và trên thế giới, nhằm tranh thủ hỗ trợ về tài chính, kỹ năng chuyên môn, công nghệ và kinh nghiệm hoạt động cho doanh nghiệp.
(1) Theo VCCI,Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, 2006
Về khâu đột phá trong phòng, chống tham nhũng  (27/03/2007)
Tiếp cận một số giải pháp phòng, chống tham nhũng  (27/03/2007)
Cần có những đột phá về lý luận, tạo cơ sở vững chắc cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng trong thời kỳ mới  (26/03/2007)
Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam  (23/03/2007)
Hội nghị toàn quốc thường trực tỉnh ủy, thành ủy  (23/03/2007)
Kỷ niệm ngày quyền của người tiêu dùng thế giới  (23/03/2007)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển