Đảng bộ Ninh Bình đổi mới công tác tổ chức - cán bộ và phương thức lãnh đạo
Đảng bộ Ninh Bình ý thức sâu sắc vấn đề gốc rễ quyết định sự mạnh, yếu, thành, bại của sự nghiệp cách mạng là công tác tổ chức - cán bộ; và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng có ý nghĩa trực tiếp tới kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Do vậy, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ này, đổi mới công tác tổ chức - cán bộ và phương thức lãnh đạo là những vấn đề được Đảng bộ đặc biệt quan tâm.
Năm năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng và Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình đã đạt được những kết quả khá toàn diện, rất quan trọng trên nhiều lĩnh vực làm tiền đề phát triển vững chắc và mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vào loại khá so với mặt bằng chung, cơ cấu chuyển dịch tích cực, các nguồn lực huy động cho đầu tư phát triển tăng nhanh, cơ sở vật chất - kỹ thuật ngày một tăng cường; văn hóa - xã hội có tiến bộ, đời sống nhân dân ổn định và được cải thiện nhiều mặt; diện mạo đô thị, nông thôn ngày một khang trang, sạch đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được tăng cường; hệ thống chính trị được củng cố... Đó là những nền móng cơ bản rất thuận lợi, tạo nên thế và lực mới để Ninh Bình bước vào giai đoạn 2006 - 2010, cùng cả nước thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh.
Tuy vậy, "Ninh Bình vẫn là một tỉnh nghèo trong khu vực (năm 2005 thu ngân sách chỉ đạt 639 tỉ đồng, GDP bình quân đầu người thấp so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, xấp xỉ bằng 1/2 bình quân thu nhập đầu người trong cả nước: 5,3 triệu đồng); quy mô kinh tế còn nhỏ bé, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn yếu; quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều thiếu sót. Hiệu quả hoạt động du lịch và kinh tế đối ngoại còn hạn chế (tỷ trọng dịch vụ trong nền kinh tế, nguồn vốn đầu tư nước ngoài và vốn đầu tư của dân cư đều thấp). Việc chỉ đạo giải quyết một số vấn đề bức xúc như việc làm cho người lao động, vệ sinh môi trường còn nhiều khó khăn, kết quả còn hạn chế. Công tác luân chuyển cán bộ thực hiện chậm, một bộ phận cán bộ còn yếu cả về phẩm chất chính trị và chuyên môn, chưa đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Một số nơi có sự hẫng hụt về cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ tham mưu, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, nhất là ở nơi có đông đồng bào có đạo và vùng đồng bào dân tộc ít người. Kết quả thực hiện Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; một số cơ quan, đơn vị còn có biểu hiện mất đoàn kết"(1). Những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm này đang là lực cản lớn đối với sự phát triển, làm hạn chế các nguồn lực, thế mạnh của địa phương.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh, Ninh Bình, phải giải quyết hiệu quả những khó khăn, hạn chế, nhất là những khuyết điểm nêu trên. Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, với quyết tâm đổi mới lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng toàn diện, cụ thể, sát sao và kiên quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời có những chủ trương, chính sách phù hợp với đòi hỏi thực tế địa phương; sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, nhân dân toàn tỉnh, nhất là sự lãnh đạo, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương... tạo nên sức mạnh tổng lực trong năm 2006, Ninh Bình từng bước đi lên. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, thu hút đầu tư tăng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ; văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân được cải thiện; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, quốc phòng được tăng cường; hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh.
*
* *
Với ý chí quyết tâm mạnh mẽ, với phương châm năng động, sáng tạo để tháo gỡ khó khăn, giảm bớt các lực cản, xác định kế hoạch đúng, thiết thực, động viên và huy động cao nhất mọi nguồn lực, bám sát tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và với nhịp độ khẩn trương, Ninh Bình xác định rõ: "Nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, kiên quyết bứt phá vươn lên, đổi mới mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa, quyết tâm đưa Ninh Bình vươn lên nhanh, mạnh, vững chắc, sớm thoát khỏi tình trạng một tỉnh nghèo"(2); "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khai thác và huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội toàn diện, vững chắc; tiếp tục thực hiện xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, giảm các tai nạn, tệ nạn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và năng lực chỉ đạo điều hành, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp, xây dựng cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, phấn đấu chỉ tiêu GDP tính theo đầu người đạt mức bình quân chung của các tỉnh đồng bằng sông Hồng"(3).
Ngay sau Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện, đẩy mạnh phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội X của Đảng. Các quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005 - 2010; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được chỉ đạo xây dựng và thông qua làm cơ sở hoạt động của hệ thống tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh.
Việc lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy năm 2006 đã tập trung theo hướng vừa bao quát vừa đi vào trọng tâm, trọng điểm, bám sát cơ sở, tăng cường đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, kịp thời phát hiện vấn đề, đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cuộc sống đặt ra. Trong từng công việc, trong từng giai đoạn, ở từng lĩnh vực, Tỉnh ủy phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành. Theo đó, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 7 kế hoạch triển khai 7 chương trình hợp thành chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trên cơ sở đó, tiến hành 7 hội nghị toàn thể Ban Chấp hành, 19 hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy làm việc 18 buổi với các sở, ban, ngành, đoàn thể và 48 buổi giao ban tuần, kịp thời chỉ đạo, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị và những vấn đề mới nảy sinh. Để vận hành toàn bộ hệ thống chính trị, trong năm qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 2 quy chế, 3 nghị quyết, 4 chương trình, 4 thông tri, 4 chỉ thị, 278 thông báo, 57 báo cáo, ... trong đó có ban hành ba Nghị quyết chuyên đề: Nghị quyết 03-NQ/TU về Đẩy mạnh phát triển sản xuất vụ đông đến năm 2010; Nghị quyết 04-NQ/TU về Đẩy mạnh phát triển trồng, chế biến cói, thêu, ren và chế tác đá mỹ nghệ giai đoạn 2006 - 2010; và Nghị quyết 05-NQ/TU về Tăng cường công tác tư tưởng trong tình hình hiện nay.
Để thực hiện thắng lợi chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra, Ninh Bình chọn hai khâu có tính đột phá, làm căn cứ tạo nên sự chuyển động toàn cục tình hình. Một là, đổi mới công tác tổ chức - cán bộ; hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy.
Về công tác tổ chức - cán bộ, từ kinh nghiệm thực tiễn, hơn lúc nào hết, Ninh Bình nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò to lớn, mang tính quyết định của công tác tổ chức và công tác cán bộ đối với sự thành bại của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong thời điểm hiện nay. Nghĩa là, cơ quan lãnh đạo phải được tổ chức thành bộ máy thông minh, dân chủ, nhân văn và hiệu quả. Với tinh thần đó, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân công nhiệm vụ cho các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và từng bước bố trí vị trí người đứng đầu các ngành, ban một cách phù hợp. Là một việc rất quan trọng của công tác tổ chức, việc bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ được tiến hành thận trọng, khách quan, trên cơ sở phát huy cao độ dân chủ của tập thể và cán bộ tự nguyện, nhận nhiệm vụ. Năm 2006, tỉnh đã điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 94 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Hiện tại tuyệt đại đa số các trường hợp này đang phát huy tốt hiệu quả trên cương vị mới được phân công. Đối với một số cán bộ có biểu hiện trì trệ, năng lực quản lý, lãnh đạo hạn chế, chậm đổi mới, Thường trực Tỉnh ủy trực tiếp uốn nắn, giúp đỡ để họ vươn lên. Những trường hợp không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, Tỉnh ủy đã bố trí công việc phù hợp, nếu tuổi đã cao thì vận động cán bộ nghỉ chế độ bảo hiểm trước thời hạn.
Rút kinh nghiệm công tác nhận xét, đánh giá cán bộ năm 2005, năm 2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy trình nhận xét, đánh giá, xếp loại cán bộ, kế hoạch tổ chức tự phê bình và phê bình gắn với đánh giá cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trên cơ sở đó, biểu dương, phê bình, nhắc nhở kịp thời tới từng trường hợp cụ thể. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai nghiêm túc, cụ thể, sát sao, nên thông qua công tác tự phê bình và phê bình năm 2006, bước đầu đã phân loại được đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo diện thường vụ cấp ủy và cấp ủy các cấp quản lý.
Đồng thời, Ninh Bình đặc biệt chú ý tới công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Thường vụ Tỉnh ủy nghiêm túc triển khai tổng kết 5 năm thực hiện Quy định số 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) "Về đảng viên đang công tác ở cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với đảng ủy, chi ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú"; tổng kết Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 12-10-2004, của Ban Bí thư về kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh; tổng kết 20 năm thực hiện Thông tri số 41-TTr/TW của Ban Bí thư về tặng Huy hiệu Đảng cho đảng viên.
Một lần nữa, công tác tổ chức - cán bộ của Đảng bộ tỉnh được đổi mới, tăng cường hơn nữa về chất lượng. Đó là cơ sở mang tính quyết định tới chất lượng bộ máy của cả hệ thống chính trị và chất lượng thực tế đội ngũ đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng. Đó là nhân tố cơ bản bảo đảm thắng lợi việc thực hiện nhiệm vụ toàn diện của tỉnh năm 2006.
Để góp phần làm thật tốt công tác tổ chức - cán bộ, Tỉnh ủy đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, giám sát. Ngay đầu khóa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình kiểm tra năm 2006, trong đó tập trung vào việc kiểm tra nhận thức tư tưởng, nâng cao năng lực lãnh đạo, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trên một số lĩnh vực trọng tâm. Trước hết, Đảng bộ tập trung giải quyết dứt điểm một số vụ việc phức tạp đã kéo dài; đối với đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, căn cứ vào tính chất của vụ việc, khả năng nắm bắt thông tin, các cơ quan chức năng đã định kỳ làm việc hoặc trả lời cụ thể. Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện Kế hoạch tự kiểm tra theo chương trình kiểm tra của Ban Bí thư; tổng kết Chỉ thị số 29-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác kiểm tra; tiến hành 4 cuộc kiểm tra theo đúng chương trình đề ra. Năm 2006, Ủy ban Kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra 378 đảng viên và 276 tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra 302 tổ chức đảng cấp dưới về lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra; kiểm tra về thi hành kỷ luật ở 109 tổ chức đảng; kiểm tra tài chính đảng và việc thu nộp, quản lý, sử dụng đảng phí ở 348 tổ chức đảng cấp dưới; xử lý kỷ luật 227 đảng viên vi phạm kỷ luật, trong đó khai trừ 24 người ra khỏi Đảng, cảnh cáo 81, cách chức 14, khiển trách 108.
Đến nay, sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh, bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị trong toàn tỉnh ngày càng ổn định, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, trong đó đặc biệt là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2006.
Về đổi mới phương thức lãnh đạo, với phương châm: "Đưa thực tiễn cuộc sống vào nghị quyết và đưa nghị quyết trở thành hiện thực sống động trong cuộc sống", Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định, trước hết phải bắt đầu từ việc ban hành nghị quyết và triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện các nghị quyết.
Kinh nghiệm cho thấy, chỉ khi nào xác định đâu là yêu cầu phát triển lâu dài phải từng bước giải quyết thông qua các kế hoạch thì mới có cơ sở hoạch định mục tiêu chiến lược, đâu là vấn đề phải tập trung giải quyết trước mắt để có chủ trương thích hợp đáp ứng đòi hỏi tức thời nhưng không xa rời mục tiêu chiến lược. Hai vấn đề này có mối quan hệ nhân quả với nhau. Đối với Ninh Bình, một tỉnh nghèo, phần lớn cư dân vẫn sống bằng nghề nông; nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng cao (28% - năm 2006) trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Bên cạnh ý thức phát triển nhanh, bền vững công nghiệp, dịch vụ, du lịch thì vấn đề tăng cao và nhanh giá trị sản phẩm từ nông nghiệp để tận dụng lợi thế nông nghiệp và nguồn nhân lực từ nông thôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh từ những năm 2001 - 2005, Hội nghị 6 Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XIX ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển sản xuất vụ đông đến năm 2010. Nghị quyết xác định: "Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước đột phá về phát triển vụ đông, trọng tâm là mở rộng diện tích vụ đông trên đất 2 lúa, từng bước đưa sản xuất vụ đông thành vụ sản xuất chính và trở thành tập quán của nông dân. Tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Gắn phát triển sản xuất vụ đông với xây dựng cánh đồng đạt giá trị thu hoạch 50 triệu đồng/ha/năm. Đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, coi trọng giá trị kinh tế cao phù hợp với từng vùng, khuyến khích phát triển cây trồng mới, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. ổn định chính sách khuyến khích phát triển sản xuất vụ đông trong các năm đến 2010".
Do có nghị quyết đúng đắn, kịp thời, sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt, có kế hoạch trong tất cả các khâu, của các cấp, các ngành, sự đồng thuận hưởng ứng của nhân dân, nhất là nông dân, nên vụ đông năm 2006, toàn tỉnh đã gieo trồng được 14.322 ha cây vụ đông, đạt 100% kế hoạch, trong đó trên đất 2 lúa là 9.882 ha. Đáng chú ý là, cơ cấu cây trồng vụ đông có sự thay đổi theo hướng tập trung gieo trồng các cây có giá trị kinh tế cao, cây phục vụ cho chế biến xuất khẩu (đỗ tương, ngô ngọt, dưa chuột, ớt), tạo tâm lý và nếp làm cây vụ đông, điều mà từ trước tới nay, chưa làm được. Kết quả toàn tỉnh thu hơn 200 tỉ đồng từ vụ đông năm 2006.
Một số xã, huyện trong tỉnh có nghề truyền thống sản xuất cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ lâu đời. Năm 2005, giá trị sản xuất của 3 loại sản phẩm trên đạt 234,7 tỉ đồng, chiếm 31,47% tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp; số lao động sản xuất trực tiếp là 30.856 người. Tuy vậy, quy mô, chất lượng hiệu quả giá trị chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu phát triển kinh tế hàng hóa của thời kỳ mới. Việc trồng, chế biến cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ phát triển chưa ổn định; cơ chế chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh; mối liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Nhận thức được thực tế đó, tháng 8-2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 04/NQ/TU, về đẩy mạnh phát triển trồng, chế biến cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ giai đoạn 2006 - 2010, với mục tiêu đến năm 2010 giá trị sản xuất ba sản phẩm trên đạt 465 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 28,8 triệu USD, hằng năm giải quyết việc làm mới cho từ 3.000 đến 3.500 lao động. Đây là nghị quyết đặt trúng vấn đề, có giải pháp và bước đi phù hợp, cụ thể, phân rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, xác định rõ nguồn vốn của từng cấp cho từng hạng mục công trình. Do vậy, chỉ sau 4 tháng, quyết sách đó nhanh chóng đạt được kết quả bước đầu: vùng trồng cói được mở rộng, công tác giải phóng mặt bằng được tiến hành khẩn trương.
Đồng thời, Nghị quyết 05-NQ/TƯ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác tư tưởng trong tình hình hiện nay cũng nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả cao, tạo nên phong trào thi đua mới trong toàn tỉnh.
*
* *
Nhìn lại năm 2006, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy đã vừa bao quát vừa đi vào cụ thể có tính chuyên đề, rõ mục tiêu, giải pháp chi tiết, trên cơ sở những cơ chế, chính sách rõ ràng, khuyến khích nhân dân, doanh nghiệp, các cấp các ngành, các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Các nghị quyết của Trung ương, tỉnh ủy được tổ chức quán triệt nghiêm túc và triển khai thực hiện tập trung, quyết liệt. Hằng tuần, hằng tháng, Thường trực Tỉnh ủy nghe báo cáo, có ý kiến chỉ đạo cụ thể thông qua giao ban và họp để giải quyết những vấn đề vướng mắc và mới nảy sinh.
Bước đầu, có thể rút ra một số kinh nghiệm từ công tác tổ chức cán bộ và đổi mới phương thức lãnh đạo của năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh:
1 - Chủ trương, nghị quyết của cấp ủy phải xuất phát từ hoàn cảnh, điều kiện của địa phương, đơn vị, nhất thiết phải có cơ chế, chính sách cụ thể, hướng về cơ sở, mạnh dạn trao quyền đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát đối với cơ sở, từng bước đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
2 - Sau khi đã phân công, phân nhiệm rõ đối với tổ chức, cá nhân, phải đề cao trách nhiệm của tổ chức đảng, các cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy trong mọi công việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ.
3 - Từng cấp, ngành, nhất là những người đứng đầu phải chủ động, sáng tạo và kiên quyết chỉ đạo, điều hành, kịp thời ứng phó và nhanh chóng đưa ra những quyết sách có trách nhiệm cao khi nảy sinh những vấn đề mới, phức tạp.
4 - Làm tốt công tác thi đua khen thưởng, tạo nên một phong trào chung hướng vào việc thực hiện tốt nghị quyết của Đại hội đảng bộ các cấp.
Công tác tổ chức - cán bộ là vấn đề có tính gốc rễ quyết định đến sự mạnh, yếu, thành bại của Đảng bộ; phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng, cấp ủy và người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị có ý nghĩa quyết định tới kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Năm đầu thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình tập trung đổi mới những vấn đề trọng yếu đó. Đây vừa là công việc trước nhất, vừa có ý nghĩa lâu dài để Đảng bộ Ninh Bình lãnh đạo sự nghiệp phát triển quê hương theo hướng giàu mạnh, văn minh, hiện đại.
(2), (3) Văn kiện đã dẫn, tr 15, 58
Quảng Ngãi tiếp tục đổi mới công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới  (15/06/2007)
Đồng Tháp cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới  (15/06/2007)
Nhìn lại thành tựu xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam giai đoạn 2001 - 2005 và những vấn đề đang đặt ra  (15/06/2007)
G8: Vẫn nặng về trình diễn  (14/06/2007)
G8: Vẫn nặng về trình diễn  (14/06/2007)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển