G8: Vẫn nặng về trình diễn

Hương Nguyễn
09:39, ngày 14-06-2007

Từ lâu nay, người ta cho rằng Hội nghị thượng đỉnh G8 chỉ là nơi để các nhà lãnh đạo các nước công nghiệp hàng đầu thế giới phô diễn hình ảnh của họ do những thỏa thuận đạt được ít có hiệu quả trong thực tế. Như dự báo của nhiều nhà phân tích, Hội nghị thượng đỉnh G8 năm nay diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8-6 tại Hai-li-ken-đam (Đức) dường như vẫn diễn ra như "truyền thống".

Vài nét về G8

G8 là nhóm 8 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản (G6, 1975), Ca-na-đa (G7, 1976) và Nga (không tham gia một số sự kiện). Điểm nhấn của G8 là Hội nghị thượng đỉnh kinh tế và chính trị, được tổ chức hằng năm với sự tham gia của những người đứng đầu nhà nước và các quan chức quốc tế. Bên cạnh đó cũng có nhiều hội nghị bên lề và khảo sát chính sách.

G8 bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 và suy thoái toàn cầu theo sau đó, dẫn đến việc Mỹ thành lập Nhóm Thư viện (Library Group), quy tập các quan chức tài chính cấp cao từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản để thảo luận các vấn đề kinh tế.

Năm 1991, sau khi “chiến tranh lạnh” chấm dứt, Nga bắt đầu gặp nhóm G7 sau hội nghị thượng đỉnh chính. Từ hội nghị lần thứ 20, nhóm này trở thành P8 (Political 8), hay gọi không chính thức là "G7 cộng 1". Kể từ hội nghị lần thứ 24 tại Bớc-ming-ham, Nga tham gia đầy đủ hơn, đánh dấu sự hình thành G8. Tuy nhiên Nga không được tham gia hội nghị dành cho các bộ trưởng tài chính vì không phải là cường quốc kinh tế; và "G7" được dùng để chỉ cuộc họp ở cấp bộ trưởng này. Hội nghị thượng đỉnh năm 2002 tại Ca-na-na-xki (Ca-na-đa) quyết định Nga sẽ là chủ nhà cho hội nghị năm 2006, đánh dấu quá trình Nga trở thành thành viên đầy đủ của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.

G8 được xem như diễn đàn không chính thức của các nhà lãnh đạo các cường quốc, không có cơ cấu hành chính hay văn phòng. Chương trình nghị sự do nước chủ nhà và cũng là chủ tịch của hội nghị năm đó đưa ra. Hằng năm, một quốc gia thành viên sẽ nhậm chức chủ tịch G8 vào ngày 1-1 và là chủ nhà cho một loạt các cuộc họp cấp cao cho các đại diện thành viên, chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh hằng năm giữa các nguyên thủ trong 3 ngày vào giữa năm.

G8 chiếm hơn một nửa sản phẩm của toàn thế giới và đại diện cho ảnh hưởng chính trị của thế giới. Các chủ đề được bàn thảo bắt đầu từ những quan ngại về kinh tế và lan sang các vấn đề khác như nghèo đói, chủ nghĩa khủng bố và sự thay đổi khí hậu toàn cầu.

Những vấn đề then chốt được đưa ra tại G8 - 2007

- Các nhà lãnh đạo G8 sẽ kiểm tra lại các chính sách đối ngoại và những chính sách an ninh quan trọng xung quanh các vấn đề: tình trạng bất ổn ở dải Ga-da; I-xra-en; phát triển ở Li-băng và chương trình hạt nhân của I-ran.

- Tạo ra "luật chơi" công bằng trong thị trường vốn, thương mại thế giới, và thiết lập các tiêu chuẩn xã hội cũng như môi trường.

- Phát triển "cách tiếp cận có chất lượng mới" với việc viện trợ cho châu Phi. Ý tưởng này bao gồm cung cấp viện trợ cho các quốc gia chứng tỏ thiện chí cải cách và có trách nhiệm. Những tiêu chí chính là có chính phủ quản lý tốt, một môi trường đầu tư tốt hơn, hòa bình và an ninh, chống lại HIV/AIDS, bệnh lao và sốt rét.

- Tạo ra một diễn đàn đàm phán thay thế cho Nghị định thư Ky-ô-tô sẽ hết hạn vào năm 2012. Để chống lại sự nóng lên toàn cầu, thế giới cần đồng thuận trong vấn đề cắt giảm khí thải nhà kính. Mục tiêu là phải giảm 50% lượng khí thải độc hại trước năm 2050 - một hiệp ước cụ thể đang được trông đợi vào thời điểm này.

- Giúp đỡ các nước công nghiệp mới như: Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin, Mê-hi-cô và Nam Phi với kế hoạch là tạo ra "Tiến trình Hai-li-ken-đam".

- Giảm bớt rủi ro tiềm ẩn trong sự bùng nổ kinh tế toàn cầu; giải quyết vấn đề mất cân đối toàn cầu như thâm hụt thương mại Mỹ, sự phát triển mạnh mẽ dự trữ tiền tệ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc (hiện đang nắm giữ 1.200 tỉ USD), thặng dư thương mại ở Nhật Bản, Trung Quốc và một phần châu Âu cũng như các nước xuất khẩu dầu.

- Kêu gọi minh bạch hơn trong quản lý các quỹ đầu cơ, đang ít bị giám sát. Hiện có khoảng 9.000 quỹ đầu cơ, nắm giữ 1.883 tỉ USD, hoạt động chủ yếu ở Mỹ và Anh.

- Phát triển các chiến lược chống lại việc ăn cắp bản quyền phim và phần mềm với sự giúp đỡ của các nước công nghiệp mới.

- Mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài, chống lại làn sóng "bảo hộ đầu tư" - làn sóng nhằm chống lại các nhà đầu tư nước ngoài.

- Tạo đột phá trong các cuộc đàm phán phát triển Đô-ha vì một sự tự do tương lai cho thương mại thế giới.

- Hội nghị sẽ phát đi một tín hiệu mạnh mẽ kêu gọi các tiêu chuẩn xã hội tốt hơn. G8 sẽ tìm kiếm các cuộc đối thoại với các nước công nghiệp mới và các tổ chức quốc tế.

Những bất đồng khó vượt qua

- Vấn đề khí hậu

Với hy vọng mang lại thành công cho Hội nghị, trong cuộc hội đàm tại Béc-lin ngày 5-6, Thủ tướng nước chủ nhà A. Méc-ken, đại diện Liên minh châu Âu và Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê đã nhất trí cùng đi đầu trong nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hối thúc các nước đi đến ký kết một thỏa thuận tiếp nối Nghị định thư Ky-ô-tô. EU và Nhật Bản cũng nhất trí cho rằng, mục tiêu lâu dài của thế giới là giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050. Đây được xem là vấn đề khó thỏa thuận tại Hội nghị.

Về vấn đề này, Mỹ có quan điểm rất khác biệt, cho rằng cần một giải pháp toàn cầu. Quan điểm của ông Bu-sơ là 15 quốc gia gây ô nhiễm nhất sẽ nhóm họp vào cuối năm tới, mỗi nước tự quyết định về mục tiêu giảm khí thải của riêng mình. Mỹ cũng phản đối đề xuất của Đức về việc cắt giảm lượng khí thải tại hội nghị. Tuy vậy, ông Bu-sơ cho hay Mỹ vẫn mong muốn có một kế hoạch “hậu Ky-ô-tô” và nói rằng đã xuất hiện một sự đồng thuận về cách giải quyết thay đổi khí hậu trên thế giới. Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ nói, cần phải có một cơ sở khung để giải quyết chủ đề ấm nóng toàn cầu và Mỹ sẽ không ký vào bất cứ văn bản nào mang tính ràng buộc. Ông C. Cúp-chan, chuyên gia của Hội đồng ngoại giao (tổ chức nghiên cứu chính trị, có trụ sở tại Niu-oóc) nhận xét rằng, việc Mỹ thừa nhận mức độ nguy hại của vấn đề thay đổi khí hậu chỉ giống như một sự xoa dịu với châu Âu chứ không phải là một cam kết nghiêm túc.

Tuy lãnh đạo G8 trong cuộc họp tại Đức đã đạt được thỏa thuận cùng nhau làm việc để giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu, song những người chỉ trích thỏa thuận nói rằng nó thiếu các hình thức chế tài.

- Kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu

Người đứng đầu chính quyền Oa-sinh-tơn đã có một giọng điệu có tính hòa giải khi được hỏi về cuộc “khẩu chiến” với Mát-xcơ-va quanh kế hoạch xây dựng các cơ sở phòng thủ tên lửa ở Cộng hòa Séc và Ba Lan: “Nga không phải là kẻ thù. Vì vậy, không cần có phản ứng quân sự bởi vì chúng tôi không phải đang ở trong cuộc chiến với Nga. Nga không phải là một mối đe dọa. Hệ thống phòng thủ tên lửa đơn thuần là một biện pháp phòng thủ, không phải nhằm vào Nga mà nhằm vào các mối đe dọa thực sự".

Trong cuộc gặp trực tiếp với G. Bu-sơ bên lề Hội nghị, Tổng thống V. Pu-tin bất ngờ đưa ra một số điều kiện để Nga không phản đối kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ. Đó là xây dựng hệ thống radar tại A-dec-bai-gian thay vì triển khai hệ thống phòng thủ ở Ba Lan và Cộng hòa Séc. Ngày 8-6, Tổng thống Nga V. Pu-tin lại đề nghị địa điểm mới cho hệ thống tên lửa của Hoa Kỳ. Sau khi Hội nghị G8 kết thúc, V. Pu-tin đã có cuộc họp báo và ông nói: “Họ có thể đặt hệ thống đó ở phía nam, trong một quốc gia đồng minh của NATO như Thổ Nhĩ Kỳ hay ngay cả I-rắc, thậm chí có thể đặt ngoài khơi…”. Những giải pháp mà ông V. Pu-tin đề xuất xem ra rất khó chấp nhận đối với Mỹ. Vì thế, cuộc tranh cãi về lá chắn tên lửa chắc sẽ còn kéo dài.

- Lời hứa với châu Phi

Tại Hội nghị, lãnh đạo G8 cam kết sẽ viện trợ 60 tỉ USD để giúp châu Phi ngăn chặn các căn bệnh hiểm nghèo như: AIDS, lao, sốt rét... Trong số này, phía Mỹ sẽ chi 30 tỉ USD. Cùng với viện trợ y tế cho châu Phi, lãnh đạo các nước G8 khẳng định lại cam kết tại Hội nghị cấp cao G8 - 2005 là tăng viện trợ cho châu Phi lên 50 tỉ USD/năm đến năm 2010. Trong bản ký kết chung, các nước G8 khẳng định chiến lược chung trong việc thúc đẩy mở rộng quan hệ hợp tác với châu Phi, đồng thời cho rằng, bệnh tật, nghèo đói và an ninh, trong đó có đấu tranh chống khủng bố, là những vấn đề chung của thế giới.

Tuy nhiên, trên thực tế, con số 60 tỉ USD vẫn chưa đạt được mục tiêu mà Liên hợp quốc giao cho các nước G8 trong việc ngăn chặn đại dịch AIDS trên toàn cầu. Liên hợp quốc yêu cầu mỗi năm G8 chi 15 tỉ USD cho công tác này, trong khi Hội nghị G8 năm nay chỉ nhất trí viện trợ 12 tỉ USD/năm cho việc ngăn chặn 3 căn bệnh AIDS, lao và sốt rét.

- An ninh khu vực

Đây là vấn đề có nhiều điểm bất đồng, đặc biệt giữa Nga với các nước G8 xung quanh các khu vực quan trọng.

Tại hội nghị, Nga đã phản đối kế hoạch của Pháp về một cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc cho độc lập của Cô-xô-vô do lo ngại rằng Bê-ô-grát sẽ phải từ bỏ tỉnh này. Nga ủng hộ Bê-ô-grát từ chối từ bỏ chủ quyền và đe dọa sẽ dùng quyền phủ quyết cuộc bỏ phiếu của Hội đồng bảo an. Trong khi đó, phương Tây cho rằng độc lập của Cô-xô-vô là tất yếu và những sự trì hoãn có thể đốt lên bạo lực.

Nga cũng cực lực phản đối các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với I-ran nhằm buộc quốc gia Hồi giáo này phải từ bỏ chương trình làm giàu u-ra-ni-um. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo G8 cũng đe dọa sẽ có thêm các biện pháp hoặc có thêm sự cấm vận đối với I-ran nếu nước này tiếp tục từ chối yêu cầu ngừng làm giàu u-ra-ni-um của Liên hợp quốc.

Mặc dù Thủ tướng A. Méc-ken, chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G8 - 2007 tuyên bố "Hội nghị đã thành công", các nhà bình luận quốc tế vẫn cho rằng, từ diễn biến và kết quả của Hội nghị G8 có thể thấy, các nước thành viên G8 chưa đủ can đảm để đối mặt với nhận thức, cho dù có bao nhiêu hội nghị đi nữa, sẽ vẫn không có tiến bộ nào đạt được, trừ phi họ cùng nhau hành động. Chương trình nghị sự của G8 luôn được thông tin đầy đủ, chi tiết tới mọi người dân trên thế giới, nhưng không một giải pháp cụ thể nào được đề cập! 32 năm đã trôi qua, G8 vẫn chưa trở thành một diễn đàn lý tưởng với những giải pháp cụ thể, hữu hiệu để giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu.