TCCS - Thành phố Hà Nội xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ đột phá chiến lược, thường xuyên chỉ đạo, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tổ chức thực hiện. Những năm qua, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, sở, ngành trên địa bàn thành phố đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện cải cách hành chính, nhất là những lĩnh vực liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh và đời sống người dân.

Quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo hiệu quả công tác cải cách hành chính

Thành phố xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời chú trọng rà soát, công bố, công khai các thủ tục hành chính, xây dựng các quy trình liên thông thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc và đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Thực hiện Kế hoạch số 281/KH-UBND, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành 21 quyết định, công bố 115 thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý của thành phố. Các sở, ban, ngành đã phê duyệt 450 quy trình; cấp huyện ban hành 1.789 quy trình; cấp xã ban hành 2.962 quy trình giải quyết các công việc nội bộ (ngoài thủ tục hành chính) và 128 quy trình liên thông giải quyết công việc cấp huyện, xã. Các thủ tục hành chính nội bộ được công khai trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố, trang thông tin điện tử của các sở, ngành. Kết quả rà soát và ban hành các quy trình giải quyết thủ tục hành chính đối với các thủ tục ủy quyền cho cấp huyện, tập trung lĩnh vực có nhiều thủ tục như công thương, giao thông vận tải, kế hoạch đầu tư…, bảo đảm 100% số thủ tục hành chính được ủy quyền có quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính kèm theo. Thành phố đã ban hành các quyết định ủy quyền kèm theo quy trình nội bộ của 578 thủ tục hành chính (đạt 94%); 8 quyết định phê duyệt phương án đơn giản hóa 122 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực; 100% số thủ tục hành chính được đơn giản hóa, công bố, công khai. Ngoài việc rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm, thành phố còn chỉ đạo rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, cắt giảm thành phần hồ sơ, tiết kiệm chi phí cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính.

Ủy ban nhân dân thành phố còn ban hành các quy trình nội bộ đối với các sở: Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, đó là: Quyết định số 5356/QĐ-UBND, ngày 23-10-2023, về việc phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực môi trường, khoáng sản, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường (11 thủ tục hành chính); Quyết định số 4844/QĐ-UBND, ngày 28-9-2023, về việc phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội thực hiện theo phương án ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của ủy ban nhân dân cấp huyện; Quyết định số 4124/QĐ-UBND, ngày 17-8-2023, về việc phê duyệt 01 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực giám định tư pháp xây dựng; 01 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực quản lý chất lượng công trình xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng; Quyết định số 3828/QĐ-UBND, ngày 27-7-2023, về việc phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính các lĩnh vực: Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; đầu tư tại Việt Nam; đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP); đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đầu tư bằng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Trong năm 2023, thành phố Hà Nội đã công bố 15 quyết định với 93 thủ tục hành chính nội bộ và tiếp tục thực hiện rà soát, xác định các thủ tục hành chính nội bộ theo hướng dẫn. Đồng thời, đẩy mạnh ủy quyền thực hiện thủ tục hành chính theo hướng: Cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết, gây nhũng nhiễu, tiêu cực. Đến nay, thành phố đã ban hành các quyết định ủy quyền của 543/617 thủ tục hành chính, đạt 88%; 100% số thủ tục hành chính sau khi được ủy quyền đều đã ban hành các quy trình nội bộ để triển khai thực hiện, đưa vào quy trình điện tử thực hiện trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố; 74 thủ tục hành chính còn lại các đơn vị của thành phố tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị

Thành phố Hà Nội luôn xác định cải cách hành chính là tiền đề thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; đề cao vai trò, trách nhiệm, cũng như xác định thành công hay thất bại trong công tác cải cách hành chính ở các cơ quan, đơn vị các cấp có vai trò quan trọng của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Vai trò, trách nhiệm người đứng đầu phải thể hiện rõ trong công tác cải cách hành chính, bởi nếu thủ tục hành chính không được cải cách tốt hoặc chậm thì sẽ đánh mất lợi thế, cơ hội, trở thành rào cản đối với sự phát triển.

Theo đó, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số của thành phố đã phát huy hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất, đồng bộ trên toàn thành phố. Đến nay, Ban Chỉ đạo đã họp 03 phiên và có thông báo kết luận cụ thể, xác định một số nhiệm vụ tập trung cần triển khai về chuyển đổi số, chính quyền số; các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phân cấp, ủy quyền; cơ chế phối hợp trong thực hiện thủ tục hành chính nội bộ. Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy ban hành Chương trình phối hợp về tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền công tác cải cách hành chính giai đoạn 2023 - 2025, với mục tiêu tuyên truyền sâu rộng, vận động nhân dân, các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô tích cực hưởng ứng, tham gia trách nhiệm, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cải cách hành chính, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó còn chỉ đạo, ban hành Kế hoạch thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính gắn với phong trào thi đua cải cách hành chính, trong đó, ưu tiên thông tin - truyền thông về dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số, những kết quả đạt được nổi bật trong công tác cải cách hành chính; mở rộng hình thức tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội (zalo, facebook…) hệ thống loa truyền thanh tại cơ sở, các ứng dụng truyền thông trên nền tảng công nghệ, kỹ thuật số (youtube, tiktok...), sân khấu hóa.

Song song đó, việc đưa vào vận hành chính thức 04 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung đã hỗ trợ đắc lực công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đến các cấp chính quyền thành phố được đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt, công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời dựa trên dữ liệu số. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các cơ quan, đơn vị; đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thành phố có chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động và hiệu quả phục vụ. Những kết quả đó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, hạn chế tình trạng tham nhũng, tiêu cực, rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Thời gian tới, để công tác cải cách hành chính đạt được mục tiêu đề ra, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, các cấp, ngành; xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật và trách nhiệm thực thi công vụ, gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, tổ chức gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 07-8-2023, của Thành ủy, về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố Hà Nội”./.