TCCS - Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố đạt 30%; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%,... thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp trọng tâm và cấp thiết nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Các đại biểu tham quan triển lãm giới thiệu các dự án, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo, trình diễn công nghệ và kết nối cung cầu tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Thủ đô 2023 (Techfest Hanoi 2023)_Ảnh: TTXVN

Một số kết quả tích cực

Hiện nay, thành phố Hà Nội thuộc nhóm 3 địa phương (Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội) dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, an toàn, an ninh mạng. Bên cạnh các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi, như dân cư, doanh nghiệp bảo hiểm... được duy trì, khai thác hiệu quả, thành phố ban hành các văn bản, kế hoạch để khuyến khích, định hướng người dân, tổ chức và doanh nghiệp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn; xây dựng, phát triển thương mại điện tử; triển khai hóa đơn, biên lai điện tử...

Thời gian qua, thành phố Hà Nội tiến hành đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp số, startup, để tạo đà cho phát triển kinh tế số. Về doanh nghiệp công nghệ số, đến năm 2022, trên địa bàn thành phố có hơn 9.300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử với tổng doanh thu khoảng 12,8 tỷ USD, thu hút hơn 207.000 lao động. Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp công nghệ đã làm chủ các công nghệ “lõi”, phát triển khoảng 40 nền tảng “Make in Viet Nam”, như Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel; Tổng Công ty Công nghệ và Giải pháp CMC; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Hà Nội,…

Về hạ tầng khoa học - công nghệ, Hà Nội đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đơn cử như Khu công nghệ cao Hoà Lạc thu hút được trên 94 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 89,3 tỷ đồng, trong đó có 52 dự án đang hoạt động. Nhiều dự án của các tập đoàn hàng đầu trong và ngoài nước đang có mặt và hoạt động tại đây, như Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec và Tập đoàn Nissan Techono (Nhật Bản) và các tập đoàn lớn của Việt Nam, như Viettel, VNPT, Vingroup, FPT. Với nhiều sản phẩm công nghệ cao, như công nghệ 4G, 5G, thiết bị y tế kỹ thuật số, cấu kiện động cơ máy bay, các giải pháp phần mềm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp lớn trên nền tảng Akaminds IOT, Akabot, điện thoại thông minh… sản xuất tại đây. Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng đang hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, triển khai xây dựng nền tảng dữ liệu não người Việt Nam tại Hệ tri thức Việt số hóa,…

Đề án “Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội” triển khai từ năm 2016 đến nay, đánh dấu một bước đi mạnh mẽ và đầy quyết tâm của thành phố Hà Nội trong việc đề ra cơ chế, chính sách xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành Thủ đô khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo.

Bên cạnh đó, các cơ quan của thành phố triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận kinh tế số. Đặc biệt là triển khai hàng loạt các hội nghị tập huấn kỹ năng xúc tiến thương mại với các chủ đề về phục hồi kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số; giao dịch, đàm phán trong kinh doanh và thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu; kỹ năng xúc tiến thương mại điện tử, tiếp cận thị trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử quốc tế; xây dựng thương hiệu và phát triển hệ thống nhận diện thương hiệu; kinh doanh phát triển kênh phân phối hiện đại, bán hàng online và tổ chức mạng lưới bán lẻ…

Thông qua các hội nghị tập huấn, các doanh nghiệp dần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương mại điện tử tại thị trường trong nước và xuất khẩu, ứng dụng các giải pháp công nghệ số để tăng cường hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ đã có các giải pháp đồng bộ để tiếp cận, sử dụng thương mại điện tử trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số...

Trong lĩnh vực y tế, mạng lưới khám, chữa bệnh trực tuyến đã kết nối thêm 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa, góp phần thu hẹp khoảng cách y tế giữa các vùng, miền, giữa tuyến Trung ương và địa phương. Nhờ vậy, tỷ lệ chuyển tuyến giảm xuống dưới 10%, giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng và giảm tải cho hệ thống y tế.

Bên cạnh đó, tính đến cuối năm 2022, thành phố đã có 4,4 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng căn cước công dân để đi khám chữa bệnh; có 503 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã áp dụng sử dụng căn cước công dân tra cứu khám chữa bệnh; gần 57.000 lượt công dân sử dụng căn cước công dân để tra cứu khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Ngoài ra, ở lĩnh vực giáo dục, việc áp dụng khoa học - công nghệ vào quản lý giảng dạy và học tập đã giúp lĩnh vực giáo dục - đào tạo có nhiều khởi sắc, chất lượng đào tạo được nâng cao, đặc biệt là quy mô giáo dục được mở rộng đến những khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa. Giảng dạy và trao đổi bằng hình thức trực tuyến đã nâng cao sự tương tác giữa người dạy và người học, trở thành hoạt động cần thiết, mang lại nhiều sự thuận tiện, như giảm thời gian đi lại, tra cứu tài liệu, tăng khả năng tự học, tự đọc...

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, qua việc áp dụng công nghệ số vào giảng dạy thời gian qua, trình độ sử dụng công nghệ thông tin của người dạy và người học đều được nâng cao - đây là tín hiệu tốt, bảo đảm nguồn nhân lực tương lai sẽ nắm được công nghệ hiện đại.

Ngày 6-9-2021, thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4098/QĐ-UBND, “Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định thực hiện chuyển đổi số trên ba trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Để triển khai Quyết định số 4098/QĐ-UBND, thành phố đã tích cực hưởng ứng và triển khai nhiều hoạt động, sự kiện thiết thực, ý nghĩa. Trong đó có Kế hoạch số 238/KH-UBND, ngày 25-9-2023, “Về tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023”. Theo đó, Hà Nội đã tổ chức các cuộc thi, hội thảo, sự kiện nổi bật về chuyển đổi số như: Cuộc thi thử thách lập trình viên công nghệ số, hội thảo về khoa học ứng dụng công nghệ thông tin, thực tại ảo, thực tại tăng cường (VR/AR), sự kiện “Phát động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm” được tổ chức ngày 7-10-2023 vừa qua.

Bên cạnh đó, ngày 12-10-2023, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Thủ đô năm 2023 (Techfest Hanoi 2023) với chủ đề: “Hà Nội kết nối Vùng Thủ đô - sáng tạo và phát triển”. Theo số liệu của Startup Blink công bố tại sự kiện, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai đơn vị được xếp hạng trong top 1.000 thành phố khởi nghiệp toàn cầu. Những năm qua, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Hà Nội diễn ra khá sôi nổi. Đến nay, Hà Nội có khoảng 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên tổng số 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước (chiếm 26,32%). Trên địa bàn có 32 vườn ươm doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực (chiếm 38,1% tổng số vườn ươm cả nước); 14 tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh (chiếm 40%).

Thống kê từ năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên thành phố đã huy động được 1 tỷ USD với 100 thương vụ gọi vốn thành công. Những con số này liên tục tăng trong các năm qua thể hiện sự tham gia tích cực của cộng đồng vào phát triển hệ sinh thái. Thành phố có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, qua đó thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hiện, Hà Nội đang là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước bảo đảm đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Năm 2022, các chỉ số xếp hạng, đánh giá liên quan đến chuyển đổi số được nâng cao, trong đó có chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) xếp thứ 24/63 tỉnh/thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2021; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 78%, tỷ lệ hộ gia đình có truy cập internet băng rộng đạt 90%...

Ngoài ra, Hà Nội đang tập trung vào 4 nhóm nội dung cơ bản của chuyển đổi số, như số hóa thực thể (định danh cá nhân, đất đai, nhà cửa, định vị, bản đồ số) phục vụ người dân, doanh nghiệp; số hóa quy trình (phương thức phối hợp các hoạt động trong hệ thống); rà soát, xây dựng cơ chế hoặc kiến nghị những quy định không thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố; chuyển đổi số, chính là thực hiện quá trình đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm, dịch vụ với 3 nền tảng hướng tới hình thành 3 trụ cột chính quyền số - kinh tế số - xã hội số. Từ nền tảng này, nền kinh tế số của Thủ đô góp phần cùng cả nước phát triển và hội nhập nhanh hơn với thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chuyển đổi số tại Hà Nội vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đánh giá của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, việc chuyển đổi số tại thành phố vẫn chậm được triển khai. Hiện nay, các nhiệm vụ, công việc liên quan đến chuyển đổi số mới chủ yếu trên kế hoạch, quán triệt, tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, kết quả, tiến độ của việc xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống phân tích, xử lý dữ liệu, hệ thống phân tích thông tin báo cáo, việc xây dựng Trung tâm điều hành thông minh thành phố Hà Nội để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của các cơ quan còn chậm. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu còn hạn chế, dữ liệu còn phân tán ở các cấp, cấu trúc còn nhiều ý kiến khác nhau và chưa có sự rõ ràng theo các cấp. Tiến độ thực hiện nhiệm vụ số hóa dữ liệu trong quản lý ngành theo kế hoạch của thành phố còn chậm, nhất là lĩnh vực quản lý đất đai. Việc số hóa dữ liệu thông tin quy hoạch chậm gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin. Một số cơ quan hành chính của thành phố còn thiếu cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, an toàn thông tin,... Điều này ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng trong công tác tham mưu, triển khai nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

Hà Nội tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu kinh tế số

Theo Kế hoạch số 239/KH-UBND, ngày 27-9-2023, của Ủy ban nhân dân thành phố, “Về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, mục tiêu kinh tế số phát triển mạnh mẽ; phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hà Nội vào năm 2030 chiếm 40% (năm 2025 đạt 30%), tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%,... Chương trình chuyển đổi số của thành phố Hà Nội nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực toàn cầu.

Sở thông tin và Truyền thông Hà Nội đã triển khai và hướng dẫn các đơn vị của thành phố thực hiện Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến 2025, định hướng đến 2030”; kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội; chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030...

Cụ thể, đến năm 2025, Hà Nội thuộc nhóm năm địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, về công nghệ thông tin, về chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng. Hà Nội đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông - Nam Á về khoa học dữ liệu (data science) và trí tuệ nhân tạo (AI).

Về phát triển chính quyền số, thành phố phấn đấu 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4. 90% hồ sơ công việc tại cấp thành phố, 80% hồ sơ cấp huyện và 60% hồ sơ cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. 100% cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm. 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin. Cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử của thành phố trước năm 2025, hướng tới hình thành chính quyền số thành phố Hà Nội…

Kế hoạch số 239/KH-UBND nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 30-12-2022, của Thành ủy Hà Nội, “Về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Nghị quyết số 18-NQ/TW); nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Kế hoạch đặt ra 27 chỉ tiêu về chính quyền số với 100 nhiệm vụ, 7 chỉ tiêu về kinh tế số với 77 nhiệm vụ, 14 chỉ tiêu về xã hội số với 6 nhiệm vụ và các nhiệm vụ về nghiên cứu khoa học công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế, đo lường giám sát triển khai, giảm thiểu tác động tiêu cực của phát triển kinh tế số, xã hội số. Theo đó, chính quyền số có 27 chỉ tiêu như đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp chất lượng dịch vụ; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương…

Về kinh tế số có 7 chỉ tiêu như đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của thành phố đạt 30%; tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hằng năm tăng trên 7%...

Về xã hội số có 14 chỉ tiêu như đến năm 2025, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt 50%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 90%...

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu tiếp tục triển khai theo hướng tổng thể, đồng bộ, bảo đảm kết nối và chia sẻ dữ liệu số theo quy định; không phát triển các ứng dụng nhỏ lẻ, dùng riêng của một đơn vị; kế thừa các kết quả triển khai xây dựng chính quyền điện tử theo đúng quy định của thành phố từ giai đoạn trước.

Hà Nội cũng không đầu tư trùng lặp với các nội dung xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng dùng chung, các hệ thống thông tin chuyên ngành, ứng dụng, dịch vụ đã được các bộ, ngành triển khai.

Đáng chú ý, kế hoạch 239 cũng đặt ra việc thử nghiệm triển khai một số dịch vụ đô thị thông minh tại một số quận, huyện. Cụ thể, kế hoạch chỉ rõ công an thành phố sẽ chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 6-1-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên toàn thành phố một cách đồng bộ và hiệu quả, coi đây là một giải pháp quan trọng tạo tiền đề để chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Theo kế hoạch, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố cập nhật danh mục cơ sở dữ liệu thành phố khi có điều chỉnh, phát sinh, đồng thời phát triển dữ liệu mở của thành phố, ban hành quy chế về quản lý, bảo đảm  an toàn thông tin mạng của thành phố Hà Nội.

Đặc biệt, bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các cơ quan thuộc thành phố sẽ được xây dựng. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới nhất về dữ liệu số phải được liên tục cập nhật, kịp thời hướng dẫn các đơn vị triển khai xây dựng theo quy định; đúng tiến độ, lộ trình từng bước cung cấp dữ liệu mở của chính quyền thành phố để thúc đẩy phát triển chính quyền số, xây dựng thành phố thông minh.

Mục tiêu của thành phố là sẽ hình thành 2 - 3 khu đô thị thông minh trên địa bàn trong giai đoạn từ năm 2025 - 2030. Dự kiến, thành phố sẽ thử nghiệm triển khai một số dịch vụ đô thị thông minh tại một số quận, huyện, gắn liền phát triển dịch vụ đô thị thông minh với phát triển chính quyền số, bao gồm dịch vụ giao thông, đô thị, y tế, giáo dục, an toàn vệ sinh thực phẩm, việc làm, an sinh xã hội, nước sạch và dịch vụ cấp điện…/.