Chiến lược cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2050
TCCS - Trong 10 năm qua, nhờ kiên trì thực hiện 7 quy hoạch chiến lược, Quảng Ninh đã sớm nắm bắt phát huy được những cơ hội cũng như nhận diện, vượt lên những thách thức để triển khai thành công các mục tiêu phát triển của tỉnh, vươn lên trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động, cực tăng trưởng khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, những quy hoạch cũ đã bộc lộ những hạn chế, đặt ra yêu cầu triển khai phương thức quy hoạch mới mang tính toàn diện và phù hợp hơn.
Những thành tựu đạt được trong thời gian qua
Năm 2022 là một năm đầy biến động và thách thức đối với tỉnh Quảng Ninh khi vừa phải thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa phải ứng phó kịp thời trước tác động từ bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước, nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu do cuộc xung đột Nga - Ukraine, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc…; hay những khó khăn nội tại của tỉnh, như tăng trưởng kinh tế còn gặp nhiều thách thức, do năng lực nội sinh của ngành than, điện không có yếu tố mới, không có sự gia tăng; công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục gặp nhiều khó khăn; cạnh tranh với các địa phương xung quanh trong thu hút nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng triển khai thực hiện chiến lược tổng thể nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với yêu cầu mới.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh chú trọng triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với những giải pháp cụ thể, nhằm phát huy tối đa vai trò trụ cột của ngành than, điện và công nghiệp chế biến, chế tạo trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh. Cụ thể, tỉnh bảo đảm sự phát triển ổn định và tăng sản lượng tối đa trong việc sản xuất than nhằm đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế, bảo đảm đủ sản lượng than cho sản xuất điện, không để thiếu điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, cũng như bảo đảm đời sống cho người dân cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Đặc biệt, diện mạo các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo tại tỉnh Quảng Ninh đã thay đổi đáng kể nhờ tỉnh thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả khả quan.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh năm 2022 đã có nhiều điểm sáng. Tỉnh giữ vững đà tăng trưởng kinh tế hai con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022). Trong năm 2022, tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính đạt 10,28%; tổng thu ngân sách nhà nước ước tính đạt 56.500 tỷ đồng (tăng 8% so với năm 2021), trong đó thu nội địa đạt 42.000 tỷ đồng. Ngành du lịch tại tỉnh Quảng Ninh cũng ghi nhận những kết quả khả quan với tổng lượng khách du lịch năm 2022 đạt khoảng 11,6 triệu lượt (gấp 2,6 lần năm 2021), tổng doanh thu du lịch đạt trên 25.000 tỷ đồng (gấp 3,2 lần năm 2021)…(1).
Với nền tảng phát triển vững chắc của năm 2022, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu trong tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2023. Tốc độ tăng trưởng GRDP trong 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh đứng thứ hai trong vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ tư cả nước. Tỉnh Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước lần thứ hai giữ vị trí đứng đầu cả 4 chỉ số quan trọng (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI; Chỉ số cải cách hành chính -ParIndex; Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước - SIPAS; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh - PAPI), 10 năm liên tục (từ năm 2013 - 2022) nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Trong đó, 6 năm liên tiếp (2017 - 2022) giữ vị trí đứng đầu về chỉ số PCI. Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Ninh năm 2023 ước tính đạt 28.000 tỷ đồng, tổng kế hoạch đầu tư công ước tính đạt 14.278 tỷ đồng (chiếm khoảng 46% tổng chi ngân sách địa phương). Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại tỉnh Quảng Ninh ước tính đạt 832,17 triệu USD(2).
Tầm nhìn chiến lược trong giai đoạn mới
Ngày 11-2-2023, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 80/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong vùng đồng bằng sông Hồng hoàn thành việc lập và phê duyệt quy hoạch tỉnh. Đây là nền tảng quan trọng để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong việc thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước.
Theo Quy hoạch, phạm vi quy hoạch trên đất liền bao gồm 13 đơn vị hành chính với tổng diện tích chiếm 6.206,9km2, phía bắc giáp Trung Quốc, phía Đông và Nam giáp vịnh Bắc Bộ và phía tây giáp các địa phương Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang và Lạng Sơn. Phần diện tích biển có ranh giới ngoài cách đường mép nước biển khoảng cách 6 hải lý. Tỉnh định hướng quy hoạch phát triển đô thị trung tâm thành phố Hạ Long tầm nhìn đến năm 2040 lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối.
Kế thừa phương châm “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực” từ các quy hoạch trước, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiến hành kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng. Đồng thời, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với tam giác động lực phía Bắc, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển; trên cơ sở đó quy hoạch, quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn lực đất đai, tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên biển cho mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn và tái lập thị xã Tiên Yên.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lồng ghép vào quy hoạch quốc gia, xây dựng phù hợp với định hướng phát triển đất nước, bảo đảm tính khoa học và đáp ứng yêu cầu được quy định tại Luật Quy hoạch, đồng thời kế thừa và phát huy những chiến lược trong 7 quy hoạch chiến lược trước đó. Trong đó, quy hoạch thời kỳ này tiếp tục xác định quan điểm xuyên suốt trong quá trình phát triển của tỉnh là tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa. Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh tiến hành kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, góp phần nâng cao chất lượng sống về mọi mặt của nhân dân. Hơn nữa, tỉnh cũng nắm bắt các cơ hội trong nước và quốc tế, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số và toàn cầu hóa. Đồng thời, tổ chức không gian phát triển hợp lý nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ, phát huy thế mạnh của từng địa phương và của tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh cũng tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu, đồng thời giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp.
Không chỉ vậy, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 kế thừa đầy đủ những định hướng nền tảng của các kế hoạch trước đây, bảo đảm quy hoạch mang tính liền mạch, xuyên suốt, đồng thời bản quy hoạch lần này được cập nhật, bổ sung những thông tin, dữ liệu, những cơ hội mới. Tỉnh Quảng Ninh cũng bảo đảm quy hoạch vừa mang tính liền mạch, vừa xác định được những trọng tâm phát triển trong giai đoạn tới. Với sự công phu, bài bản, khoa học trong quá trình lập, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đánh giá là một trong những bản quy hoạch mẫu của cả nước. Chất lượng và tính kế thừa của quy hoạch tỉnh được các nhà đầu tư đánh giá cao. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng để chính quyền địa phương có thể tạo dựng niềm tin với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn này được công khai, minh bạch trong một tổng thể phát triển dài hạn, tạo ra nền tảng quan trọng cho sự phát triển, xây dựng thương hiệu, để trở thành cực tăng trưởng toàn diện của khu vực phía Bắc. Hơn nữa, bản quy hoạch được nghiên cứu và xây dựng công phu, khoa học với cách tiếp cận hiện đại, phù hợp với xu thế và tư duy quốc tế hiện nay. Quy hoạch đã làm rõ những cơ hội, tiềm năng phát triển nổi trội, bổ sung, phân tích xu hướng phát triển xanh, đồng thời đề ra các cách thức đối mặt với những thách thức của tỉnh trong giai đoạn tới. Trong đó, nhiều tư duy mới được đề cập, có thể là hình mẫu để các địa phương khác tiếp cận, học hỏi.
Vì vậy, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đánh giá là hội tụ đầy đủ trí tuệ, khát vọng phát triển của tỉnh Quảng Ninh, mang tính kế thừa những định hướng chiến lược đã được xác định từ 7 quy hoạch chiến lược trước đó, đồng thời xác định rõ các khâu đột phá trong giai đoạn mới. Đó là: mục tiêu phát triển đến năm 2030 xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh trở thành cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội phát triển năng động và toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 là 10%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 19.000 - 20.000 USD(3). Tỉnh Quảng Ninh hướng tới trở thành tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt: văn minh, giàu đẹp, hiện đại, đời sống của nhân dân được nâng cao về mọi mặt.
Tầm nhìn phát triển đến năm 2050 xác định rõ Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế. Định hướng của tỉnh là trở thành một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao. Đồng thời, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn, hướng tới việc người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển.
Sớm phát huy hiệu quả quy hoạch chiến lược
Ngay sau khi bản Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua, tỉnh Quảng Ninh đã sớm bắt tay triển khai quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện của các địa phương và quy hoạch chung xây dựng các khu kinh tế với những định hướng, bước đi chiến lược cụ thể.
Các địa phương, ngành, lĩnh vực đã bám sát Đồ án quy hoạch tỉnh để triển khai lập quy hoạch song song trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh. Đồng thời, thực hiện điều chỉnh, khớp nối trên cơ sở bám sát các quy hoạch định hướng lớp trên trong quá trình hoàn thiện. Do vậy, các đồ án quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu đô thị, xây dựng… đã được triển khai đồng bộ, chất lượng tốt, bảo đảm tiến độ, thống nhất mốc thời gian và tuân thủ quy định pháp luật hiện hành. Có thể thấy, đây là giai đoạn tỉnh Quảng Ninh quyết tâm cao đồng bộ hóa các đề án quy hoạch.
Đối với quy hoạch chung khu kinh tế, hiện nay có 3/5 khu kinh tế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng, bao gồm khu kinh tế ven biển Vân Đồn, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, đồng thời triển khai lập Quy hoạch chung xây dựng cho khu kinh tế ven biển Quảng Yên. Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong sinh đã được triển khai lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch bảo đảm quy định bởi Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh. Riêng các quy hoạch phân khu, tỉnh Quảng Ninh sẽ có 91 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 (đô thị và khu chức năng). Danh mục và kế hoạch lập các đồ án quy hoạch đô thị - nông thôn, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã có 6/7 huyện hoàn thành quy hoạch xây dựng vùng huyện và được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, bao gồm: Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Bình Liêu, Cô Tô và Vân Đồn. Đặc biệt, tỉnh sẽ sử dụng quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 266/QĐ-TTg, ngày 17-2-2020, cho huyện Vân Đồn. Ngoài ra, tỉnh cũng tiến hành nghiên cứu và báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy hoạch huyện Hải Hà sẽ nằm trong quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái trong quý III-2023. Đối với quy hoạch chung đô thị, 5/6 thị xã, thành phố bao gồm Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Đông Triều và Móng Cái đã hoàn thành Quy hoạch chung đô thị được phê duyệt.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng tại từng địa phương; thực hiện các trình tự thu hồi, hủy bỏ đối với các quy hoạch chi tiết không phù hợp; rà soát quy hoạch không thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định… để bảo đảm thực hiện các quy hoạch một cách hiệu quả. Trên cơ sở đó, dữ liệu quy hoạch sẽ hoàn chỉnh, công bố, công khai, số hóa đồng bộ với hệ thống dữ liệu quốc gia để triển khai các kế hoạch phát triển theo đúng định hướng, sớm phát huy hiệu quả bản quy hoạch chiến lược. Những quy hoạch, định hướng phát triển đô thị được tỉnh nghiên cứu đáp ứng đầy đủ yêu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế; đô thị phía sau mang tính liên vùng phải làm nền tảng, hỗ trợ cho đô thị phía trước, tạo thành một cấu trúc liên hoàn, liên kết chặt chẽ, tất cả cùng cộng hưởng sức mạnh cho nâng cao năng lực đối trọng, cạnh tranh đô thị xuyên biên giới. Phát triển các đô thị bền vững, theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh và có tính tiên phong dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực của phát triển.
Với sự kiên trì, tinh thần kế thừa và tuân thủ thực hiện 7 quy hoạch chiến lược như một chỉ dẫn quan trọng, tỉnh Quảng Ninh đã định vị những giá trị, cơ hội, cùng thách thức để triển khai các mục tiêu phát triển. Từ đó, vươn lên trở thành một trong những tỉnh phát triển kinh tế - xã hội năng động, cực tăng trưởng khu vực phía Bắc. Ngoài ra, các chiến lược quy hoạch mới của tỉnh đóng vai trò quan trong trong việc phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển, tạo nền tảng cho tỉnh Quảng Ninh có những bước tiến mới nhanh hơn, bền vững hơn./.
---------------------------
(1) Nguyễn Huế: “Triển khai nhiệm vụ năm 2023: Kỳ vọng nhiều thành công”, Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh, ngày 31-12-2022, https://www.quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=117079
(2) Lan Anh: “Quảng Ninh đứng thứ 4 cả nước về tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2023”, Trang web Đài tiếng nói Việt Nam, ngày 30-6-2023, https://vov.vn/kinh-te/quang-ninh-dung-thu-4-ca-nuoc-ve-tang-truong-kinh-te-trong-6-thang-dau-nam-2023-post1029743.vov
(3) Đỗ Phương: “Quy hoạch chiến lược - Kiến tạo động lực phát triển”, Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh, ngày 9-6-2023, https://www.quangninh.gov.vn/chuyen-de/tangtruong/Trang/ChiTietTinTuc. aspx?nid=123066
Xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển bền vững, định hình tương lai đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050  (19/12/2023)
Tỉnh ủy Quảng Ninh đẩy mạnh công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng - Những kết quả qua nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025  (19/12/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay