Quảng Ninh tích cực chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm
TCCS - Để giúp người dân và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chất lượng cao với chi phí thấp, thu về giá trị kinh tế cao từ những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, ngành nông nghiệp Quảng Ninh xác định phải thực hiện chuyển đổi số và coi đây là giải pháp chiến lược, quan trọng để phát triển bền vững. Đó cũng là kỳ vọng của tỉnh Quảng Ninh nhằm tạo được sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp đến với thị trường trong nước và quốc tế.
Tiến tới số hóa nền nông nghiệp của tỉnh
Dưới tác động của dịch bệnh, việc tiêu thụ nông sản buộc phải chuyển sang hình thức thương mại điện tử, hiện diện ở những trang bán hàng online. Việc chuyển đổi có tính tình thế này không chỉ “cứu cánh” cho những nông sản thu hoạch cục bộ, mà còn là bước hiện đại hóa, số hóa đối với người nông dân.
Thực tế trong năm 2021, nhiều hộ nông dân đã áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Toàn tỉnh có trên 1.000ha vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, trên 90ha vùng trồng trọt hữu cơ, 28 cơ sở có chứng nhận VietGAP lĩnh vực chăn nuôi, 416 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP...); 14 vùng trồng cây ăn quả, 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm. Năm 2022, ngành nông nghiệp Quảng Ninh xác định đẩy mạnh số hóa là giải pháp tiên quyết để tạo nên sự đột phá. Muốn vậy nông sản phải có hệ thống dữ liệu để truy suất được nguồn gốc, cấp phát tem chứa mã QR và tem chống hàng giả, có chứng nhận VietGAP, hữu cơ… Các vùng nuôi, trồng, các cơ sở chế biến, đóng gói, xuất khẩu nông sản phải được cấp mã; các cánh rừng trồng phải có chứng chỉ rừng; sản phẩm OCOP phải được chuẩn hóa và sản xuất theo chuỗi, tăng mạnh số sản phẩm OCOP 5 sao…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Minh Sơn cho biết, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu tập trung phát triển chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng nền tảng dữ liệu số phục vụ quản lý ngành; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thiện phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn và cấp tài khoản tham gia quản lý cho 142 cơ sở là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, tiến tới mở rộng đến cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn. Đồng thời qua các trang điện tử, cung cấp thông tin 456 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của 13 địa phương trong tỉnh với các siêu thị, chợ, 27 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, 5 sàn giao dịch thương mại điện tử; phối hợp hỗ trợ đưa thông tin cho 418 cơ sở doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh niêm yết và giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.
Hướng tới chuyển đổi số bền vững
Việc chuyển đổi số cũng được áp dụng nhiều vào các lĩnh vực sản xuất, nuôi trồng thủy sản trong ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh. Ðiển hình là khu phức hợp sản xuất giống công nghệ cao Việt-Úc Quảng Ninh tại xã Tân Lập, huyện Ðầm Hà do Tập đoàn Việt - Úc làm chủ đầu tư có quy mô gần 170ha. Thực hiện chủ trương số hóa trong sản xuất, Công ty đã đầu tư khu nhà sản xuất tảo, khu sản xuất thức ăn tươi sống Artemia, phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế, hệ thống lọc nước tự động hiện đại nhất thế giới; hệ thống tự động cho tôm ăn. Các hệ thống này được kết nối qua hệ thống máy tính xử lý để có thể theo dõi quá trình sinh trưởng và môi trường phát triển tốt nhất cho tôm giống. Bên cạnh đó, tôm giống đã được mã hóa bảo đảm truy xuất nguồn gốc, chủng loại, bố mẹ, địa điểm nuôi, thời gian xuất bán, qua đó, khẳng định chất lượng tôm giống trên thị trường. Cùng với Tập đoàn Việt-Úc, Công ty cổ phần thực phẩm BIM đang triển khai dự án nuôi tôm công nghệ cao, quy mô 128 ha tại xã Ðại Bình dự kiến mỗi năm ương dưỡng hơn 250 triệu con tôm giống; Hợp tác xã thủy sản Bắc Việt mở rộng quy mô sản xuất 7 triệu tấn cá, hàu giống/năm cung cấp cho thị trường.
Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh còn nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số trong kết nối đưa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao lên sàn thương mại điện tử, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho nông dân và các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp. Ðơn cử như các sản phẩm: na, vải, thanh long, bưởi, gạo nếp cái hoa vàng, ruốc hàu, mắm sá sùng... đã bước đầu tiếp cận được các sàn thương mại điện tử, các trung tâm thương mại và đặc biệt đã phát huy hiệu quả các kênh bán hàng online. Thị xã Ðông Triều đã sớm xây dựng thương hiệu, bộ nhãn hiệu nhận diện cho quả na. Nhiều vườn na đã áp dụng và được công nhận tiêu chuẩn VietGAP, được cấp mã vùng trồng. Theo đó, quả na Ðông Triều được cấp mã QR, cấp tem chống hàng giả. Ðây chính là những dữ liệu để đơn vị chức năng và người tiêu dùng tự mình truy xuất được nguồn gốc, nắm được quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch quả na, từ đó yên tâm về chất lượng của quả na. Ðến nay, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Ðông Triều đã kết nối với các sàn thương mại điện tử là Sendo, Voso, Cuccu và xây dựng trang thương mại điện tử dongtrieumart.vn để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm. Ðây được coi là bước đi mạnh dạn cho mục tiêu ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực nông nghiệp; tại các trung tâm thương mại, người mua hàng có thể quét mã tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tiêu chuẩn và giá cả của sản phẩm. Từ việc chuẩn hóa quy trình sản xuất, quy trình thương mại, mã hóa thông số... hầu như tất cả các sản phẩm nông nghiệp Quảng Ninh đều có ưu thế trên thị trường, được hệ thống phân phối uy tín trong nước đón nhận, từng bước tiếp cận thị trường nước ngoài “khó tính” và cho thấy giá trị đạt cao hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại.
Mục tiêu xuyên suốt của ngành nông nghiệp Quảng Ninh là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương, những sản phẩm đã ứng dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP giúp tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghiệp số trong nền kinh tế; tiếp tục xây dựng thí điểm mô hình sản xuất kết nối nông nghiệp thông minh, quản lý theo chuỗi, kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; ứng dụng IoT để hỗ trợ theo dõi, giám sát và hỗ trợ tự động hóa quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp. Ngành nông nghiệp đã hoàn thiện phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” và bấm nút khởi động tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn/. Đây là bước chuyển căn bản thay đổi phương thức tiêu thụ nông sản của người nông dân trong xu thế công nghệ số ngày càng phát triển như hiện nay. Ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đang trở thành xu thế kinh doanh tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay, hướng đến kênh phân phối tiêu thụ hiện đại và mang tính bền vững.
Với những giải pháp tích cực đó, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp và từng bước nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân và khu vực nông thôn./.
Tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, tạo môi trường cho khởi nghiệp, đầu tư, kinh doanh  (30/06/2022)
Tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tới chuyển đổi số ở Việt Nam và một số hàm ý chính sách  (26/06/2022)
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản chuyển đổi số toàn diện  (16/06/2022)
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên
- Thành ủy Hải Phòng và Tạp chí Cộng sản ký kết Chương trình phối hợp nghiên cứu, tuyên truyền về xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn với con người xã hội chủ nghĩa tại thành phố Hải Phòng
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm