Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
TCCS - Thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã thúc đẩy ngành nông nghiệp Thủ đô phát triển nhanh chóng và bền vững, nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, hiệu quả cao được hình thành, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân.
Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao là một xu thế tất yếu, giúp phát triển sản xuất nông nghiệp, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao đời sống của người dân. Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, việc đổi mới khoa học công nghệ được xem là một trong những giải pháp then chốt, giúp giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các tính năng ưu việt của công nghệ, như công nghệ nhà kính, công nghệ tự động hóa, công nghệ cảm biến,… từ đó giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Điều này cũng giúp giảm bớt sự lệ thuộc của quá trình sản xuất nông nghiệp vào các yếu tố tự nhiên, như: thời tiết, khí hậu…
Ở thành phố Hà Nội, ngay từ khi triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thành phố đã mạnh dạn lựa chọn dồn điền đổi thửa là khâu đột phá để tập trung chỉ đạo, tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp. Sau khi dồn ghép ruộng đất, các địa phương đã dần chuyển đổi được khoảng 40.000 ha đất trồng lúa truyền thống sang các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Thời gian qua, việc ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, đưa các giống mới chất lượng vào sản xuất nông nghiệp của thành phố đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, hình thành nên một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và từng bước xây dựng các thương hiệu sản phẩm có chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Với phương châm “nhiều vùng nhỏ cộng lại thành vùng lớn”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội đã phối hợp với các huyện, thị xã trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, phát huy được lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, như rau, hoa, cây ăn quả... Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố tuy quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt, những kết quả của bước đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người nông dân, giúp họ yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất và vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương. Cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, việc đưa các giống mới chất lượng vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố cũng giúp phát triển hơn 140 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng được một số thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Thủ đô. Sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra những chuỗi sản phẩm có giá trị cao và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dự báo thị trường cũng như liên kết “4 nhà” để tiêu thụ nông sản cho nông dân cũng được quan tâm, chú trọng thực hiện ngày càng có hiệu quả...
Đến nay, trên địa bàn thành phố đã triển khai khoảng 160 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Trong lĩnh vực trồng trọt, có gần 130 ha trồng rau ứng dụng nhà lưới, gần 50 ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; việc canh tác hoa đã bước đầu ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu, như xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới, lắp đặt điều hòa, máy điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm; có trên 1.000 ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao. Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỷ lệ chuồng nuôi sử dụng hệ thống chuồng kín đạt 30% số trại chăn nuôi lợn và gà quy mô lớn, 87% số trại chăn nuôi bò sữa và trên 50% số trại chăn nuôi bò thịt; trên 75% số trang trại chăn nuôi bò sữa, 44% số trại chăn nuôi bò thịt, 44% số trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư đã sử dụng hầm biogas; 65% số trại chăn nuôi bò sữa, 45 số trại chăn bò thịt, 85% số trại nuôi lợn và 85% số trại chăn nuôi gà sử dụng chế phẩm xử lý môi trường trong chăn nuôi. Trong nuôi trồng thủy sản, các hộ sản xuất đã ứng dụng công nghệ cao vào một số khâu, như làm giàu oxy bằng quạt nước, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nước, sử dụng công nghệ Biofloc… Một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nổi bật có thể kể đến, như mô hình Hợp tác xã rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý, tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng nhờ áp dụng phương pháp canh tác theo công nghệ cao, toàn bộ quy trình sản xuất các loại rau hữu cơ không sử dụng thuốc và phân bón hóa học nên không chỉ hạn chế các tác động bất lợi của thời tiết, mang lại năng suất cao, mà còn bảo đảm chất lượng sản phẩm ổn định, được thị trường ưa chuộng. Từ đó, các sản phẩm của Hợp tác xã được lựa chọn để cung cấp thường xuyên cho các trường học trên địa bàn huyện và nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị…
Việc áp dụng khoa học - công nghệ cao vào sản xuất tuy đòi hỏi mức vốn đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất cao, ổn định hơn nhiều so với gieo trồng theo phương pháp truyền thống. Trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất) hoạt động theo mô hình khép kín từ khâu sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm, bình quân mỗi tháng xuất khoảng 1.000 con lợn thịt và từ 500 đến 1.000 con lợn giống; doanh thu đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm. Trang trại còn sở hữu vùng trồng rau hữu cơ quy mô lớn đầu tiên trên địa bàn thành phố, cung cấp hàng chục tấn rau mỗi ngày. Mô hình sản xuất nấm công nghệ cao của Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) đã đầu tư gần 70 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất và đóng gói nấm kim châm sạch theo công nghệ hiện đại của Nhật Bản, với quy mô hơn 3.000 m2, sản lượng đạt 30 tấn/tháng, mang lại doanh thu 1,8 - 2 tỷ đồng/tháng. Ngoài ra, còn có mô hình sản xuất giống và hoa lan hồ điệp của Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng); mô hình áp dụng thâm canh lúa cải tiến toàn phần và mô hình gieo cấy lúa Japonia (huyện Ứng Hòa); mô hình nuôi gà siêu trứng ở một số hộ gia đình (huyện Đông Anh); mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ cao (huyện Ứng Hòa, huyện Chương Mỹ); mô hình trồng hoa, sản xuất giống hoa nuôi cấy mô của Công ty cổ phần Vật tư và giống cây trồng Hà Nội; mô hình sản xuất rau thủy canh của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn (huyện Gia Lâm); mô hình sản xuất hộ gia đình của gia đình ông Nguyễn Mạnh Hồng ở xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì)…
Một số giải pháp góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở thành phố Hà Nội thời gian tới
Trong thời gian tới, cùng với các mục tiêu về xây dựng huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, việc nâng cao đời sống cho người nông dân được thành phố Hà Nội coi là một nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, việc phát triển toàn diện ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại được thành phố xác định là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Trên thực tế, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, thành phố cũng cần nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách về khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất và có cơ chế giao đất ổn định, dài hạn để phù hợp với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngành nông nghiệp các cấp cần tiếp tục hỗ trợ các địa phương và nông dân trong việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản; tổ chức tập huấn cho nông dân, người sản xuất nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho người dân để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị cần tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; nêu gương và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, tập trung ngoài khu dân cư; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sạch trong sản xuất; gắn sản xuất với bảo đảm an toàn thực phẩm; mở rộng các khu chế biến, bảo quản nông sản...
Hiện nay, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở thành phố Hà Nội chủ yếu mới dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ từng phần, do đó chưa phát huy được hết tiềm năng. Vướng mắc đang đặt ra đối với các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là nguồn vốn và quỹ đất. Do đó, các ngành chức năng thành phố cũng cần quan tâm, nghiên cứu, từng bước tháo gỡ những khó khăn này ở những cấp độ khác nhau, làm sao để có những giải pháp thật sự thiết thực và hiệu quả nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có dự án, phương án đầu tư để phát triển sản xuất giống, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản ứng dụng công nghệ cao,… hướng đến xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển nhanh, mạnh và bền vững./.
Phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch ở Hà Nội  (28/11/2020)
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp ở thành phố Hà Nội  (26/11/2020)
Tỉnh Quảng Ninh tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao  (19/11/2020)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh
- Quản trị di sản bền vững để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân, Thủ tướng Singapore
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay