Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
TCCS - Di sản văn hóa là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đều là nguồn lực quan trọng, khi được phát huy, phát triển sẽ trở thành sức mạnh nội sinh cho dân tộc, trở thành động lực và nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay, được xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân.
Di sản văn hóa là biểu hiện lối sống của cộng đồng, do các cộng đồng sáng tạo nên và được truyền từ đời này sang đời khác. Di sản văn hóa bao gồm các thành tố mang tính phi vật thể như phong tục, nghi lễ, lễ hội, tri thức địa phương, niềm tin, hệ giá trị, nghệ thuật,... Trong bối cảnh mới hiện nay, di sản văn hóa ngày càng chứng minh vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển, là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần, môi trường nuôi dưỡng và làm giàu bản sắc văn hóa, đa dạng văn hóa. Để hướng tới sự phát triển bền vững và nhân văn, chúng ta cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa di sản văn hóa và phát triển trong chính sách, chiến lược và các chương trình phát triển ở cả cấp vĩ mô và vi mô đối với tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội.
Bảo tồn văn hóa, trong đó có di sản văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay từ khi mới thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Dân ta phải biết sử ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã ký sắc lệnh số 65/SL (6 điều) trong đó chỉ rõ các đối tượng được bảo tồn, giữ gìn: “Đình chùa, đền, các nơi thờ tự khác; các cung điện, thành quách, lăng mộ và bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có ích cho lịch sử”(1).
Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Mối quan hệ giữa di sản văn hóa và phát triển cũng được xem là một trong những mối quan hệ cơ bản cần được giải quyết trong quá trình phát triển đất nước, nhất là khi văn hóa ngày càng được coi là nguồn lực quan trọng cho phát triển.
Năm 1998, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” được ban hành. Nghị quyết khẳng định: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo các giá trị văn hóa mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể”(2). Nghị quyết đã xác định phương hướng, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây là thời kỳ mà nước ta đã vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội và bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được nêu trong Nghị quyết là “Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa”. Trên cơ sở tiến hành đúc kết những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa cách mạng, nhất là những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã có những quan điểm xác định rõ vai trò của di sản văn hóa dân tộc và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và xã hội trong việc bảo tồn và phát huy di sản trong sự nghiệp đổi mới.
Từ chiêm nghiệm, di sản văn hóa là tài sản vô giá của dân tộc, vừa là của cải vật chất, vừa là của cải tinh thần của dân tộc, nơi lưu giữ “hồn cốt” của dân tộc, là nơi để quy tụ và gắn kết dân tộc, nơi lưu dấu quá trình đấu tranh kiên cường chống giặc ngoại xâm của cha ông ta, thể hiện tinh thần tự hào dân tộc luôn luôn gắn liền với tinh thần tự hào về văn hóa, văn hiến Việt Nam, đã được lan truyền và tiếp nối qua thăng trầm của lịch sử. Do đó, trách nhiệm các thế hệ là phải trân trọng, giữ gìn, bảo vệ và phát huy.
Di sản văn hóa cũng là cơ sở để sáng tạo các giá trị văn hóa mới, nuôi dưỡng trí tuệ, tình cảm của các chủ thể sáng tạo, tạo động lực và cảm hứng sáng tạo để ngày càng phát huy bản sắc dân tộc. Di sản văn hóa với đặc trưng độc đáo, riêng biệt, cũng là cơ sở để mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, góp phần làm nên sự đa dạng, phong phú của văn hóa thế giới.
Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Đảng ta đã đề ra giải pháp xây dựng, ban hành luật pháp và các chính sách văn hóa, trong đó đề cập đến một số các chính sách, như chính sách kinh tế trong văn hóa, chính sách văn hóa trong kinh tế, chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa, chính sách bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, chính sách hợp tác quốc tế về văn hóa… Những chính sách này đã bước đầu tạo nên sự đột phá, mở đường để tạo điều kiện gắn kết giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế - xã hội. Khái niệm phát huy di sản được nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn, nhất là khai thác các giá trị văn hóa - lịch sử của di sản để phát triển kinh tế - xã hội. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung,0 phát triển năm 2011) Đảng ta đã khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”(3).
Từ Đại hội VIII đến nay, nhận thức của Đảng về mối quan hệ đồng bộ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển xã hội ngày càng được bổ sung, hoàn thiện. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng: Phần “III. VỀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở NƯỚC TA” đã khẳng định “Thực tiễn phong phú và những thành tựu thu được qua 15 năm đổi mới đã chứng minh tính đúng đắn của Cương lĩnh được thông qua tại Đại hội VII của Đảng, đồng thời giúp chúng ta nhận thức ngày càng rõ hơn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Chúng ta một lần nữa khẳng định: Cương lĩnh là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định hướng cho mọi hoạt động của Đảng hiện nay và trong những thập kỷ tới. Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng
Hồ Chí Minh”(4). Từ quan điểm đó, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng cũng đề ra “ĐƯỜNG LỐI VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI. Đường lối kinh tế của Đảng ta là: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp; ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh”(5). Tại Đại hội VIII, Đảng ta xác định: “Tăng trưởng kinh tế gắn với cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, giáo dục, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”. Đến Đại hội IX, quan điểm này tiếp tục được hoàn thiện với mục tiêu “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”(6).
Tại Đại hội X, nhiệm vụ gắn kết giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội càng rõ hơn và mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội được xác định là một trong những nội dung cơ bản của định hướng xã hội chủ nghĩa: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục... giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người”(7). Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta xác định một trong những mối quan hệ lớn cần phải giải quyết để bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước là mối quan hệ “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”(8). Nội dung này tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện tại Đại hội XII với định hướng: “Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân”(9).
Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã cụ thể hóa nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế: “Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Phục hồi và bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một. Phát huy các di sản được UNESCO công nhận, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam”. Đây là hệ thống các quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống quan điểm này được thể hiện đầy đủ và rõ ràng, liên tục và yêu cầu giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế ngày càng được thể hiện rõ, đặc biệt đặt trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, di sản văn hóa được Đảng ta xác định là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Mối quan hệ hai chiều được chỉ rõ: Văn hóa không phải là kết quả của kinh tế, mà còn là nguyên nhân, động lực, nguồn lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Đến Đại hội XIII, trong định hướng phát triển, Đảng ta nhấn mạnh phải nắm vững và xử lý tốt 1 trong 10 mối quan hệ lớn “Giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”(10).
Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Đảng ta yêu cầu: “Có kế hoạch, cơ chế và giải pháp xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế - xã hội”(11). Nội dung mới này được gắn với nhiệm vụ phát triển thị trường văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới. Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, giữ gìn tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”(12). “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030”, đã cụ thể hóa, xác định đây là một trong những khâu đột phá: “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế; đề cao ý thức trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật”(13).
Nhận thức đúng đắn vai trò của du lịch, ngày 16-1-2017, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Nghị quyết đã xác định quan điểm phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đồng thời đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trong đó có nhiệm vụ phát triển du lịch bền vững.
Ngày 18-5-2023, Chính Phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP “Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả và bền vững, trong đó tiếp tục khẳng định du lịch đã ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia và khẳng định hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai xây dựng kế hoạch triển khai, bước đầu đã đạt được kết quả tích cực. Ngành du lịch đã có bước tăng trưởng vượt bậc, trung bình 22,7%/năm giai đoạn 2015-2019, đóng góp trên 9,2% vào GDP và từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn. Chỉ tính riêng trong năm 2019, toàn ngành đón trên 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 85 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Ngày 24-5-2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU “Về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định phát triển du lịch tỉnh theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; góp phần quan trọng thực hiện 03 đột phá chiến lược (kết cấu hạ tầng giao thông, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực), gắn với mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.
Ngày 8-8-2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2256/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phục hồi và phát triển bền vững ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030 phát triển ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững, khẳng định vai trò là một trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu của quốc gia, phấn đấu đón được ít nhất 25,5 triệu - 26 triệu lượt khách du lịch, trong đó có ít nhất 8,6 - 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế; tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch giai đoạn 2025 - 2030 đạt 10% - 11%/năm; đóng góp trực tiếp 15% vào GRDP, tạo việc làm cho khoảng 410.000 lao động, trong đó có 130.000-140.000 lao động trực tiếp.
Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội - trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Trong gần 40 năm đổi mới vừa qua, hệ thống luật pháp và chính sách của Nhà nước nhằm thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng về bảo tồn di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện: Luật Di sản văn hóa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 29-6-2001, có hiệu lực từ ngày 1-1-2002, được sửa đổi, bổ sung theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009; Luật Du lịch, được ban hành năm 2005, được thay thế bằng Luật Du lịch năm 2018. Bên cạnh đó, các chính sách, chiến lược cụ thể cũng được ban hành: Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (ngày 08-09-2016); Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 (ngày 22-01-2020); trong lĩnh vực di sản có Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15-07-2021; Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030…; đặc biệt, là các chương trình mục tiêu, như Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020, đã tập trung nguồn lực hỗ trợ tu bổ, tôn tạo tổng thể di tích quốc gia đặc biệt, một số di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã và sẽ được UNESCO ghi danh; hỗ trợ phục dựng lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống để khai thác, phát triển du lịch… Các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… cũng được lồng ghép các tiêu chí văn hóa.
Về vai trò của nhân dân, ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước, công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản này cũng đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội. Tính đến năm 2022, cả nước có 32 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, trong đó có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 15 di sản văn hóa phi vật thể; 9 di sản tư liệu thế giới. Có hơn 40 nghìn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê. Trong đó, có 123 di tích xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt; 3.602 di tích quốc gia; hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 283 bảo vật quốc gia. Hiện cả nước có 194 bảo tàng, trong đó có 128 bảo tàng công lập và 66 bảo tàng ngoài công lập đang lưu giữ hơn 3 triệu hiện vật phản ánh toàn diện về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam trong tiến trình lịch sử(14). Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản chủ yếu được thực hiện bởi chính những người dân trong cộng đồng nơi hiện có di sản. Quần thể di tích Cố đô Huế (năm 1993), Vịnh Hạ Long (năm 1994) từ khi được ghi danh đã thu hút hàng triệu lượt khách tham quan du lịch. Đặc biệt là Quần thể Danh thắng Tràng An, thời điểm cấp hồ sơ đề cử năm 2012 chỉ có trên 1 triệu lượt khách, đến năm 2019 (sau 5 năm được UNESCO ghi danh) đã thu hút hơn 6,3 triệu lượt khách. Năm 2019, riêng 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đón khoảng 21.336.148 khách du lịch (trong đó 10.656.114 khách quốc tế) với doanh thu khoảng 3.123 tỷ đồng. Khu phố cổ Hội An là trường hợp điển hình về bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền và nhân dân Hội An đã đẩy mạnh hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển du lịch - dịch vụ và thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Số lượng khách tham quan, du lịch tới khu phố cổ Hội An ngày càng gia tăng, từ gần 879 nghìn khách năm 2006 đến năm 2019 đã tăng lên 2,5 triệu lượt khách, tỷ trọng ngành kinh tế này đã chiếm hơn 70% so với GDP của toàn thành phố. Những kết quả này là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương. Người dân chính là chủ thể, là người đưa di sản trở thành địa chỉ thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu. Đây là nguồn lực rất quan trọng để tái đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, bảo tồn, tôn tạo di sản, gia tăng các dịch vụ lưu trú, kinh doanh ăn uống, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ thông tin, nhà biểu diễn nghệ thuật truyền thống, quầy hàng lưu niệm, phát triển ngành nghề truyền thống… Từ đó tạo cơ hội có nhiều việc làm, nâng cao mức sống vật chất và tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng cư dân thành phố di sản này. Đặc biệt, nhiều địa phương đã tập trung vào gắn kết việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể với phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên thương hiệu riêng của địa phương để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Nổi bật là Lễ hội Đền Sóc, Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội); Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ); Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương); Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh); Festival truyền thống ở Huế; đua Ghe Ngo (Sóc Trăng); Lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang); Lễ hội Chùa Bà Đen (Tây Ninh); Lễ họi Ook om bo (Trà Vinh); Lễ hội Kate hay Gốm Chăm ở Bầu Trúc (Ninh Thuận)…
Quảng Ninh là địa phương sở hữu di sản thiên nhiên thế giới là vịnh Hạ Long với hơn 2.000 hòn đảo núi đá vôi nổi trên mặt biển. Vịnh Hạ Long có diện tích 1.553 km² với 1969 hòn đảo đã từng được UNESCO ba lần (năm 1994, 2000 và 2023) công nhận là di sản thế giới về giá trị thẩm mĩ, địa chất, địa mạo, sinh học và kinh tế. Trong đó khu di sản thế giới được UNESCO công nhận có diện tích trên 434 km² với 788 đảo, có giá trị đặc biệt về nhiều mặt. Trên vịnh Hạ Long có nhiều hang động, các bãi tắm cát vàng bằng phẳng, cảnh quan rất đẹp hết sức thuận lợi cho việc phát triển du lịch vô cùng hấp dẫn khách phương xa. Nhờ vậy, Vịnh Hạ Long cùng với đảo Cát Bà, đảo Cô Tô, vịnh Bái Tử Long, các bãi biển Bãi Cháy, Tuần Châu là các khu du lịch trọng điểm quốc gia, là động lực phát triển vùng du lịch Bắc Bộ.
Có thể thấy, trong những năm qua, toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực, trách nhiệm trong niềm tự hào với các giá trị di sản của cha ông để lại mà kế thừa, gìn giữ và phát huy. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: Di sản văn hóa “đó là tài sản vô cùng quý báu do Tổ tiên, Cha ông mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy, nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân, bội nghĩa với Tổ tiên, Cha ông chúng ta”(15). Tuy nhiên, trong thời gian tới cần tiếp tục “quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh mềm quốc gia trong thời gian tới”(16).
-----------------------
(1) Điều 4, Sắc lệnh số 65/SL
(2) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 63
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 75 - 76
(4) Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, (dangcongsan.vn), ngày 24/9/2015
(5) Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, (dangcongsan.vn), ngày 24/9/2015
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 162
(7 )Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 77
(8 )Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 73
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 299
(10 ) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 119
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. I, tr. 146
(12) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022
(13 ) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. I, tr. 222
(14) Theo Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn 2045, Hà Nội, tháng 8-2023
(15), (16) Xem: Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd
Hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế di sản tỉnh Quảng Ninh  (19/12/2024)
Để các sản phẩm thủ công nghiệp đóng góp phát triển kinh tế di sản tỉnh Quảng Ninh  (19/12/2024)
Nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế di sản tỉnh Quảng Ninh  (18/12/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm