Xúc tiến và khai thác tài nguyên phát triển các khu, điểm du lịch nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững: Từ thực tiễn tỉnh Quảng Ninh
1- Là quốc gia thành viên cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ngày 25-9-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP “Về phát triển bền vững”, trong đó đưa ra các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam và yêu cầu các bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch triển khai với những hoạt động cụ thể; trong đó, giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp, nhằm vào thị trường mục tiêu, lấy sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch là trọng tâm; quảng bá du lịch gắn với quảng bá hình ảnh quốc gia”.
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội. Do vậy, phát triển du lịch giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và ngược lại phát triển kinh tế - xã hội sẽ tạo ra nền tảng căn bản cho phát triển du lịch. Du lịch là việc khai thác các giá trị tài nguyên kết hợp với những dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch. Điều này có nghĩa rằng, trên cơ sở tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa, du lịch có thể được phát triển bởi bất cứ ai, và bất cứ nơi đâu, đặc biệt là đối với du lịch cộng đồng, loại hình du lịch được phát triển bởi chính người dân và vì lợi ích của người dân. Chính vì vậy, nhiều địa phương đã lựa chọn và coi du lịch là hướng đi mới đầy triển vọng, là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế của địa phương.
Nhiều nghiên cứu và thực tế phát triển đã chỉ ra rằng phát triển du lịch góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách quốc gia, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với phát triển các ngành kinh tế có liên quan. Không những thế, du lịch còn góp phần thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm, mang lại thu nhập thường xuyên cho cộng đồng, góp phần cải thiện chất lượng hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng địa phương... Phát triển du lịch đúng cách và bền vững còn góp phần phát huy và bảo tồn di sản văn hóa, tài nguyên tự nhiên, bảo vệ tài nguyên môi trường… Như vậy có thể thấy, phát triển du lịch bền vững sẽ góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các chương trình xúc tiến giới thiệu sản phẩm du lịch cũng góp phần giới thiệu về cảnh quan, con người, các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, trong đó có nông sản và sản phẩm đặc trưng của các làng nghề truyền thống tại địa phương. Do đó, thông qua các chương trình xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch có thể đóng góp tích cực cho xuất nhập khẩu hàng hóa của địa phương.
Ngược lại, để phát triển du lịch, ngoài tài nguyên còn cần tới những nền tảng cơ bản như cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, các sản phẩm, dịch vụ ăn uống, lưu trú, vận chuyển, người lao động và nhiều sản phẩm, dịch vụ bổ trợ khác. Những nền tảng cơ bản này sẽ được bảo đảm hơn tại những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.
Kinh tế - xã hội phát triển tạo ra tiềm lực tài chính để đầu tư vào nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường giao thông giúp tăng cường khả năng kết nối tới các khu, điểm du lịch. Dịch vụ viễn thông cũng được đảm bảo, kết nối thông suốt, góp phần đáp ứng nhu cầu giao tiếp, thông tin liên lạc cho khách du lịch và công tác xúc tiến, quảng bá cho du lịch địa phương. Đồng thời, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, người dân có nhiều cơ hội được học tập giúp tăng cường khả năng đáp ứng yêu cầu của công việc, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghề, trong đó có du lịch. Tỷ lệ thất nghiệp giảm, an ninh, trật tự được ổn định hơn. Công tác bảo vệ môi trường tự nhiên cũng được đẩy mạnh… Tất cả sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, thu nhập ổn định giúp người dân có cuộc sống ấm no hơn, chất lượng cuộc sống cũng từ đó được nâng cao, nhu cầu đi du lịch cũng tự nhiên lớn mạnh.
Do đó, để xúc tiến và khai thác tài nguyên phát triển các khu, điểm du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cần thực hiện những nội dung sau:
- Rà soát, nghiên cứu, đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương để xây dựng những loại hình du lịch phù hợp. Đồng thời, nhận định đúng những hạn chế, yếu kém để đưa ra những giải pháp hiệu quả;
- Việc xây dựng sản phẩm du lịch cần bám sát vào tiềm năng, thế mạnh, điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo tối đa hóa lợi ích cho cộng đồng địa phương bằng việc tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động kinh doanh; cung cấp sản phẩm, hàng hóa hoặc được đào tạo để đáp ứng nhu cầu công việc trong ngành du lịch;
- Lựa chọn và kết hợp việc giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa được sản xuất tại địa phương trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch;
- Một phần lợi ích tài chính thu được từ hoạt động du lịch cần được dùng để phục vụ nâng cấp kết cấu hạ tầng và bảo đảm an sinh xã hội cho cộng đồng địa phương;
- Phát triển du lịch bền vững phải là quan điểm, mục tiêu phát triển xuyên suốt trong mọi chính sách và hoạt động của chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch;
- Một số nội dung khác có liên quan.
Nhận thức đúng đắn vai trò của du lịch, ngày 16-1-2017, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, trong đó, khẳng định sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Nghị quyết đã xác định quan điểm phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đồng thời đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trong đó có nhiệm vụ phát triển du lịch bền vững.
Ngày 18-5-2023, Chính Phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP “Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả và bền vững, trong đó tiếp tục khẳng định du lịch đã ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia và khẳng định hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam. Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội nghề nghiệp và doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi thẩm quyền tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để phát triển ngành du lịch có trọng tâm, trọng điểm, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai xây dựng kế hoạch triển khai, bước đầu đã đạt được kết quả tích cực. Ngành du lịch đã có bước tăng trưởng vượt bậc, trung bình 22,7%/năm giai đoạn 2015-2019, đóng góp trên 9,2% vào GDP và từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn. Chỉ tính riêng trong năm 2019, toàn ngành đón trên 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 85 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tới năm 2023, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 108,2 triệu lượt khách du lịch nội địa, thu 678,3 ngàn tỷ đồng. Tính tới tháng 9-2024, Việt Nam phục vụ 79,5 triệu lượt khách du lịch nội địa và đón gần 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là kết quả đáng khích lệ và thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành trong việc triển khai thực hiện các giải pháp nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, trong đó có giải pháp về phát triển sản phẩm du lịch, làm mới sản phẩm du lịch.
Tại nhiều địa phương, du lịch cũng được định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tùy điều kiện thực tế, tốc độ phát triển và vai trò của ngành du lịch không giống nhau. Tuy vậy, tại nhiều địa phương, du lịch đã thực sự trở thành là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có Quảng Ninh.
2- Quảng Ninh có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, nổi bật là Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận 3 lần; khu di tích danh thắng Yên Tử, một trong những khu du lịch tâm linh nổi tiếng của miền bắc; Chùa Ba Vàng, chùa Cái Bầu cùng hơn 600 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh khác… Tất cả đã làm nền tảng để Quảng Ninh xây dựng gần 100 khu, điểm du lịch, gồm 1 khu du lịch quốc gia Trà Cổ - Móng Cái, 5 khu du lịch cấp tỉnh và 91 điểm du lịch đã được công nhận theo Luật Du lịch. Trong đó nhiều khu, điểm du lịch đã trở thành điểm đến hấp dẫn, đón hàng triệu du khách trong nước và quốc tế mỗi năm.
Để ngành du lịch phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc, ngày 24-5-2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU “Về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định phát triển du lịch tỉnh theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; góp phần quan trọng thực hiện 03 đột phá chiến lược (kết cấu hạ tầng giao thông, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực), gắn với mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Nhờ đó, trong giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, đạt 10,8%. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 220.298 tỷ đồng, tăng gấp 1,93 lần so với năm 2015. Thu ngân sách nhà nước 5 năm (2015 - 2020) đạt trên 212.200 tỷ đồng, tăng 29% so với giai đoạn 2011-2015, trong đó thu nội địa đạt trên 155.000 tỷ đồng, tăng 88% so với giai đoạn 2011-2015, thu xuất nhập khẩu đạt trên 57.200 tỷ đồng, vượt trên 43% so với chỉ tiêu Trung ương giao.
Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế dưới sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn này là đã định hướng, phát triển ngành dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, hiện đại đã tạo đòn bẩy để du lịch phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch, từ việc xây dựng, quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch du lịch đến hoạt động thanh tra, kiểm tra bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch được tăng cường. Nhờ đó, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh liên tục tăng qua các năm. Giai đoạn 2015 - 2019, Quảng Ninh đón tổng số 52,239 triệu lượt khách; trong đó khách quốc tế đạt 21,521 triệu lượt. Tổng thu từ lĩnh vực du lịch đạt 95.203 tỷ đồng. Đến năm 2022, tỉnh Quảng Ninh lần thứ sáu liên tiếp (2017 - 2022) dẫn đầu toàn quốc về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), một lần nữa khẳng định về năng lực lãnh đạo của chính quyền tỉnh cũng như môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn bậc nhất cả nước.
Riêng năm 2019, với chủ đề công tác năm về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động dịch vụ”, trong đó: tập trung phát triển dịch vụ nhằm tiếp tục nâng cao tỷ trọng, chất lượng và hiệu quả hoạt động dịch vụ; phát triển du lịch, dịch vụ đẳng cấp cao, tăng cường đầu tư kết nối kết cấu hạ tầng các trung tâm du lịch, đa dạng các loại hình du lịch; kết nối với các trung tâm du lịch lớn của quốc gia và quốc tế; nâng cao chất lượng du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bảo đảm môi trường du lịch an ninh, an toàn, sạch đẹp, thân thiện và mang tính bền vững; bảo tồn và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, các di tích văn hóa - lịch sử, đặc biệt là môi trường biển trên Vịnh Hạ Long, hoạt động kinh tế trên các lĩnh vực tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, nhất là khu vực dịch vụ (trong đó có du lịch), chiếm 45,88% cơ cấu kinh tế, tăng 0,22% so với năm 2018. Năm 2023, nền kinh tế đang dần phục hồi sau đai dịch COVID-19, khu vực dịch vụ chiếm 30,7% trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn.
Ngành du lịch Quảng Ninh đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Theo thống kê của Sở Du lịch Quảng Ninh, trước khi đại dịch bùng phát COVID-19, du lịch Quảng Ninh có khoảng 63.000 lao động, trong đó có 26.000 lao động trực tiếp năm 2019. Sau đại dịch, nhiều lao động đã chuyển hướng sang nhiều công việc khác nhau, do đó, để bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm từng bước xây dựng và bồi dưỡng nguồn nhân lực đủ về số lượng và đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra. Trong đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; tổ chức các khóa đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ quản lý và nhân viên làm việc trực tiếp trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch…
Với quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, tập trung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng đã giúp tỉnh Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo của vùng, đặc biệt là ngành du lịch. Năm 2023, Quảng Ninh đón và phục vụ tổng 15.560.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 2.150.000 lượt khách. Tổng thu ước đạt 33.610 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đón và phục vụ tổng 15.639.000 lượt khách, đạt 120% cùng kỳ năm 2023, đạt 104% kế hoạch đã đề ra. Trong đó, đón 1.341.545 lượt khách du lịch quốc tế, đạt 185% cùng kỳ năm 2023. Tổng thu 9 tháng ước đạt 36.856 tỷ đồng, đạt 139% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 104% kế hoạch đã đề ra.
Như vậy, có thể thấy, lĩnh vực du lịch đang phát triển không ngừng và ngày càng đóng góp đáng kể vào thành công chung trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, các cơ quan, ban, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp du lịch và người lao động trong ngành đã tích cực thực hiện các quy định, giải pháp, nhiệm vụ để chung tay phát triển du lịch Quảng Ninh mạnh mẽ và bền vững, xứng đáng là một trong những trọng điểm phát triển du lịch của Việt Nam.
Với mục tiêu phục hồi nhanh và đẩy mạnh phát triển du lịch, xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và quốc tế, địa bàn trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, trung tâm nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp…, ngày 8-8-2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2256/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phục hồi và phát triển bền vững ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030 phát triển ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững, khẳng định vai trò là một trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu của quốc gia, phấn đấu đón được ít nhất 25,5 triệu - 26 triệu lượt khách du lịch, trong đó có ít nhất 8,6 - 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế; tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch giai đoạn 2025 - 2030 đạt 10% - 11%/năm; đóng góp trực tiếp 15% vào GRDP, tạo việc làm cho khoảng 410.000 lao động, trong đó có 130.000-140.000 lao động trực tiếp.
Quá trình theo dõi, nghiên cứu hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Ninh có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
- Xác định quan điểm, định hướng phát triển “coi du lịch nội địa là nội lực, nền tảng căn bản để phát triển bền vững, đồng thời tận dụng mọi cơ hội để phục hồi và phát triển thị trường khách du lịch quốc tế”; phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đây là quan điểm xuyên suốt trong mọi chính sách, chỉ đạo của tỉnh trong nhiều năm trở lại đây.
- Bên cạnh chiến lược phát triển dài hạn, từng năm xây dựng chủ đề công tác năm khác nhau, phù hợp với yêu cầu thực tế, từ đó đề ra các giải pháp, hoạt động, nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo, quán triệt các cơ quan chức năng, sở, ban, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện. Ví dụ như năm 2023, kinh tế còn đang khó khăn sau đại dịch COVID-19, đặc biệt là ngành du lịch, chủ đề công tác năm là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, trong đó tập trung 3 khâu đột phá về hạ tầng, cải cách hành chính và phát triển nguồn lực; đồng thời, tập trung phát triển du lịch dịch vụ, tận dụng các cơ hội mới phục hồi sau đại dịch ở thị trường trong nước và quốc tế để phát triển sản phẩm du lịch. Tới năm 2024, khi kinh tế đã dần phục hồi và ổn định, tỉnh đã xác định chủ đề công tác năm là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”.
- Qua chủ đề công tác năm, tỉnh Quảng Ninh đã huy động toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng chung tay thực hiện mục tiêu đã đề ra.
- Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch truyền thống, chú trọng công tác phát triển sản phẩm mới và xúc tiến quảng bá bằng nhiều hình thức, trên nhiều kênh thông tin và nền tảng ứng dụng, đặc biệt là các trang mạng xã hội mới thu hút lượng lớn người truy cập và sử dụng như Instagram, Tiktok Food Tour Quảng Ninh...
- Tuyên truyền sâu rộng pháp luật về du lịch, về bảo vệ môi trường…
- Tăng cường công tác thanh kiểm tra, đặc biệt phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện các đoàn kiểm tra liên ngành về hoạt động kinh doanh du lịch, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm, như nâng giá, ép giá, cung cấp dịch vụ kém chất lượng, xả thải môi trường, xâm hại tài nguyên… nhằm bảo đảm môi trường du lịch an toàn và bền vững.
- Thực hiện công tác phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa.
- Nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các đề án phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh, như đề án phục hồi và phát triển bền vững ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024 trong phát triển du lịch bền vững; đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024; đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế, xã hội huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030…
3- Qua phân tích mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau giữa phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã hội cũng như kinh nghiệm thực tiễn của tỉnh Quảng Ninh, các địa phương cần chú ý một số vấn đề như:
- Nghiên cứu, đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh của địa phương để xây dựng những sản phẩm du lịch theo hướng phát triển bền vững; thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; đào tạo nhân lực; đầu tư công tác xúc tiến quảng bá nhằm phát huy tối đa tài nguyên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
- Quán triệt mục tiêu phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch gắn với công tác bảo tồn, bảo vệ các giá trị tài nguyên và vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững;
- Tổ chức nghiên cứu, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch trong nước và quốc tế để đưa ra định hướng phát triển du lịch phù hợp điều kiện thực tế của địa phương;
- Tăng cường công tác phối hợp công tư trong phát triển du lịch để giảm tải gánh nặng ngân sách nhà nước, đồng thời tranh thủ nguồn lực từ khu vực công để phát triển du lịch năng động và bền vững hơn./.
Quảng Ninh đổi mới, hướng công tác dân vận về cơ sở, tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng  (14/12/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm