Đối ngoại đảng và quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và các đảng chính trị ở Ấn Độ
TCCS - Trong những năm qua, công tác đối ngoại của Đảng ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, trên cơ sở không ngừng tăng cường quan hệ với các chính đảng trên thế giới cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trong đó có các đảng chính trị ở Ấn Độ. Những hoạt động hợp tác giữa Đảng ta và các đảng chính trị Ấn Độ góp phần quan trọng thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa Việt Nam - Ấn Độ ngày càng phát triển.
Trong gần 40 năm đổi mới, Đảng ta đã phát triển chính sách đối ngoại đảng toàn diện, trên diện rộng và có chiều sâu. Trong đó, Đảng ta coi trọng phát triển quan hệ với các đảng phái chính trị ở Ấn Độ, bởi hai nước chia sẻ nhiều giá trị chung về lòng yêu nước, truyền thống nhân văn, yêu chuộng hòa bình và được gắn kết chặt chẽ bởi lý tưởng cao cả của các vị “Cha già dân tộc” Ma-hát-ma Gan-đi và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2007 và nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016, hợp tác giữa hai nước ngày càng thực chất và phát huy hiệu quả trên cả năm trụ cột chính trị - ngoại giao, kinh tế, thương mại, quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa, giao lưu nhân dân. Những kết quả mà hai nước đạt được hôm nay có sự đóng góp to lớn từ hoạt động đối ngoại đảng cũng như sự hợp tác giữa Đảng ta và các đảng chính trị ở Ấn Độ, đặc biệt là với đảng chính trị cầm quyền từ năm 2014 đến nay là Đảng BJP.
Công tác đối ngoại của Đảng ta luôn được đổi mới trong lý luận và thực tiễn, đã góp phần quan trọng vào việc hoạch định những bước phát triển mới và tạo cơ sở mới cho đối ngoại đảng trong thời đại mới.
Đối ngoại Đảng: Những đổi mới từ lý luận đến thực tiễn
Hơn 94 năm qua, Đảng ta đã quán triệt sứ mệnh, vai trò, vị trí lịch sử, ra sức tìm tòi thực tiễn, tổng kết kinh nghiệm hoàn thiện, điều chỉnh và đổi mới trong chính sách đối ngoại của Đảng. Ở từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam, công tác đối ngoại đảng luôn có một vị trí, vai trò đặc biệt và có những đóng góp quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa(1).
Giai đoạn trước thời kỳ đổi mới, trong bối cảnh quan hệ quốc tế và chính trị thế giới bị chi phối bởi sự đối lập giữa hệ thống xã hội chủ nghĩa và hệ thống tư bản chủ nghĩa, Đảng ta chủ yếu phát triển quan hệ với các đảng cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa, các đảng cộng sản, công nhân, các phong trào giải phóng và độc lập dân tộc, các phong trào cách mạng và tiến bộ(2).
Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Đảng ta rất coi trọng việc củng cố, mở rộng và tăng cường các mối quan hệ với chính đảng ở các nước trên thế giới. Tư duy về quan hệ đối ngoại đảng của Đảng ta ngày càng được phát triển. Cụ thể là, Đại hội VI (năm 1986) của Đảng nhấn mạnh chủ trương tiếp tục tăng cường quan hệ với lực lượng cộng sản, công nhân quốc tế. Từ Đại hội VII (năm 1991), Đảng ta từng bước mở rộng quan hệ với các đảng cánh tả, đảng cầm quyền và các đảng khác, chủ trương “sẵn sàng thiết lập và mở rộng quan hệ với các đảng xã hội - dân chủ, các phong trào dân chủ và tiến bộ trên thế giới”. Tại các kỳ Đại hội VIII (năm 1996), Đại hội IX (năm 2001), Đại hội X (năm 2006), Đại hội XI (năm 2011), Đại hội XII (năm 2016), Đảng chủ trương tiếp tục mở rộng quan hệ với các đảng cầm quyền và các đảng khác. Ngày 18-2-2019, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW, “Về tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng trong tình hình mới”, đây là dấu mốc quan trọng thể hiện sự phát triển về tư duy, lý luận, khẳng định vai trò quan trọng của đối ngoại đảng. Chỉ thị số 32-CT/TW nhấn mạnh, “tăng cường đối ngoại đảng là định hướng chiến lược đối ngoại quan trọng hàng đầu” và “là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng làm công tác đối ngoại là nòng cốt”; đề ra nhiệm vụ mở rộng và đưa các mối quan hệ đối ngoại đảng đi vào chiều sâu, tạo nền tảng chính trị vững chắc cho quan hệ song phương, tranh thủ sự ủng hộ và tạo thêm sự hỗ trợ về mặt chính trị cho quan hệ nhà nước cũng như đối ngoại nhân dân.
Đến Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta nêu rõ đối ngoại phải giữ vai trò tiên phong trong tạo dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước. Đây không chỉ là nhận thức mới, mà còn là yêu cầu cao hơn đối với công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại đảng nói riêng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Như vậy, trong hơn 94 năm qua, Đảng ta đã nhận thức đầy đủ tình hình và nhiệm vụ quốc tế trong từng giai đoạn lịch sử. Trước khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), thông qua tiếp xúc, trao đổi với Đảng Cộng sản Liên Xô và Quốc tế Cộng sản, Đảng ta đã bước đầu hình thành một số nhận thức và nguyên tắc xây dựng mối quan hệ với các đảng anh em. Sau khi thành lập nước, Đảng ta đã đưa ra các nguyên tắc chỉ đạo trong thực hiện đối ngoại đảng, đó là độc lập, tự chủ, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp công việc nội bộ của nhau; cùng nhau thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội. Đảng ta không quan hệ với các đảng, tổ chức cực đoan(3). Qua các kỳ đại hội, Đảng ta đã đưa ra các hướng dẫn cho sự phát triển công tác đối ngoại của Đảng, chỉ ra các phương hướng thúc đẩy đối ngoại đảng. Đối ngoại đảng không chỉ là mặt trận không thể thiếu trong các chủ trương của Đảng ta, mà còn là một bộ phận quan trọng trong đường lối ngoại giao tổng thể của Việt Nam. Trước sự phát triển của tình hình mới, đối ngoại đảng đã trở thành một kênh quan trọng để Việt Nam phát triển quan hệ đối ngoại, thể hiện hình ảnh tốt đẹp của Đảng ta đối với các nước trên thế giới, một nền tảng quan trọng để quan sát, nghiên cứu thế giới, đồng thời là kênh quan trọng để rút kinh nghiệm từ các nước, phục vụ cho sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Trên thực tiễn, trong việc xây dựng quan hệ với các đảng bạn, Đảng ta đã đạt được kết quả to lớn với những đặc điểm sau:
Thứ nhất, Đảng ta là một phần của Quốc tế Cộng sản và có quan hệ sâu sắc với Đảng Cộng sản Liên Xô kể từ khi thành lập. Sau sự sụp đổ của Liên Xô và biến động ở Đông Âu, Đảng ta nhanh chóng thiết lập liên lạc và duy trì quan hệ bình thường với các đảng cộng sản mới thành lập và các đảng cánh tả đổi tên của các nước Đông Âu cũ. Cơ quan chính thức chịu trách nhiệm giải quyết các mối quan hệ với các đảng quốc tế là Ban Đối ngoại Trung ương Đảng với nhiệm vụ theo dõi tình hình quốc tế và tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương và trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đường lối, chủ trương lớn liên quan đến công tác đối ngoại, kịp thời đề xuất chủ trương đối với những vấn đề lớn đặt ra trong quan hệ với các đảng bạn.
Thứ hai, Đảng ta bắt đầu thiết lập quan hệ hữu nghị với các đảng phái chính trị hợp pháp của tất cả các nước thay vì chỉ bó hẹp phạm vi các đảng cộng sản và đảng công nhân quốc tế. Vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX, đặc biệt là sau năm 1986, Đảng ta đã mở rộng các mối quan hệ chính thức với các đảng cánh tả theo khuynh hướng giải phóng dân tộc; ưu tiên cao nhất quan hệ với Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đảng Nhân dân Campuchia và các đảng cộng sản, công nhân cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa là thành viên Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV). Hiện nay, với tinh thần tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục duy trì, thúc đẩy quan hệ với nhiều đảng cầm quyền, tham chính và các đảng có vai trò quan trọng tại các nước lớn, đối tác quan trọng, các nước trong khu vực và bạn bè truyền thống. Cho đến nay, Đảng ta có quan hệ với 245 chính đảng ở 111 quốc gia trên thế giới, trong đó có 96 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 28 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính, cho thấy một bối cảnh đối ngoại đảng toàn diện, rộng lớn và đa tầng.
Thứ ba, Đảng ta coi trọng cả trao đổi song phương và đa phương. Theo đó, áp dụng các cơ chế tổ chức hội thảo lý luận (với Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đảng Cộng sản Cuba, Đảng Cộng sản Pháp), trao đổi lý luận (với Đảng Cộng sản Nhật Bản), đối thoại chính sách (với Đảng Dân chủ xã hội Đức), tham vấn với các đảng lớn và chính đảng trên thế giới(4). Trên bình diện song phương, thông qua các cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến, gửi thư, điện giữa lãnh đạo Đảng ta và chính đảng các nước trên thế giới, ngoại giao chính đảng đã góp phần tăng cường trao đổi và đối thoại, tăng cường sự tin cậy chính trị. Đặc biệt, việc tổ chức các hội thảo lý luận giữa Đảng ta và các đảng cộng sản cầm quyền trên thế giới, như Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, có ý nghĩa quan trọng để tổng kết và chia sẻ các thành tựu về lý luận và thực tiễn, cũng như kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Đảng ta ký kết các thỏa thuận đào tạo, cử hàng nghìn lượt cán bộ sang Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Nhân dân Singapore và các chính đảng tại Australia mỗi năm, cùng nhiều khóa đào tạo khác cho cán bộ các cấp.
Về hợp tác đa phương chính đảng, những năm gần đây, Đảng ta tích cực tham gia nhiều cơ chế đối thoại đa phương chính đảng ở châu Á và trên thế giới. Những hoạt động này góp phần giới thiệu kinh nghiệm quản trị đất nước, chuyển tải thông điệp của Đảng ta, tăng cường sự hiểu biết của các chính đảng đối với Đảng ta nói riêng, đất nước nói chung, từ đó nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới(5).
Như vậy, có thể thấy, đối ngoại đảng đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Đó là tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố sự tin cậy chính trị và cùng trao đổi, đề ra những phương hướng hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới với các đảng lãnh đạo và các nước láng giềng. Ngoài ra, đối với các chính đảng cầm quyền hoặc có vị thế quan trọng ở các quốc gia không cùng chế độ chính trị, Đảng ta duy trì và thúc đẩy mối quan hệ trao đổi, đối thoại thực chất và hiệu quả, thể hiện vai trò tích cực và năng động.
Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và các đảng chính trị ở Ấn Độ
Tháng 9-2016, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Việt Nam và Ấn Độ đã nâng cấp từ “quan hệ đối tác chiến lược” lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”. Kết quả tốt đẹp này được tiếp tục phát huy với việc củng cố, tăng cường quan hệ chính trị giữa hai nước, trong đó có đối ngoại đảng. Theo đó, Đảng ta có quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với các đảng của Ấn Độ, như: Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI), Đảng Cộng sản Ấn Độ Marxist (CPI-M), Đảng Quốc Đại (INC), Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) và Đảng Khối Tiến lên toàn Ấn (AIFB).
Với Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI), Đảng ta có quan hệ chính thức từ năm 1978 và cho đến nay, quan hệ giữa hai Đảng luôn phát triển tốt đẹp. Đảng CPI luôn tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta trước đây, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta hiện nay. Đảng CPI đánh giá cao những thành tựu của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, tích cực ủng hộ và thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam. Hai đảng thường xuyên cử đoàn đại biểu tham dự đại hội Đảng của nhau và trao đổi điện mừng trong các dịp đại hội và bầu lãnh đạo mới. Về phía Đảng bạn, có chuyến thăm của lãnh đạo Đảng CPI đến Việt Nam (tháng 6-1985), tham dự Đại hội VIII (tháng 6-1996), Đại hội IX (tháng 4-2001) của Đảng ta. Nhân dịp Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng CPI đã cử đồng chí Shameem Faizee, Bí thư Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo New Age, tham gia đoàn nhà báo đưa tin về Đại hội của Đảng ta. Đảng CPI đã gửi điện mừng Đại hội XI, Đại hội XII, Đại hội XIII của Đảng ta và gửi điện mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ Doraisamy Raja đã gửi thư chia buồn đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với Đảng Cộng sản Ấn Độ Marxist (CPI-M), quan hệ chính thức giữa Đảng CPI-M và Đảng ta được thiết lập từ năm 1978 và phát triển tốt đẹp tới nay. Đảng CPI-M đánh giá cao vai trò của Đảng ta, hoan nghênh sự nghiệp đổi mới và những thành tựu đạt được, cũng như kinh nghiệm xây dựng tổ chức, hệ thống chính trị và bảo đảm bình đẳng xã hội của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Đảng CPI-M luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam và Đảng ta, luôn chia sẻ và ủng hộ lập trường của ta trên nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Biển Đông, ủng hộ việc Chính phủ Ấn Độ tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt và đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Hai bên thường xuyên cử đoàn dự đại hội của nhau và trao đổi điện mừng.
Đáng chú ý, Đảng CPI-M rất tích cực phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và các cơ quan đại diện của Việt Nam trong việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc khánh Việt Nam, Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và giao lưu hữu nghị nhân dân giữa hai nước, nhất là liên hoan hữu nghị nhân dân hằng năm được tổ chức luân phiên tại mỗi nước. Đây là những hoạt động ý nghĩa, có sức lan tỏa rộng rãi nhằm tăng cường sự hiểu biết và đoàn kết, cũng như tạo cơ hội cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa nhân dân hai nước.
Với Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP), trong quan hệ với Đảng ta, nhân chuyến thăm Việt Nam vào tháng 1-2001, Thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ chính thức giữa hai đảng. Lãnh đạo BJP có thiện cảm với nhân dân Việt Nam ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ của ta trước đây cũng như công cuộc xây dựng đất nước ta hiện nay, coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ nhiều mặt với Việt Nam.
Về phía Việt Nam, Đảng ta đã thiết lập quan hệ chính thức với Đảng BJP nhân chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 4-2003), luôn có sự chủ động, tích cực trong quan hệ với BJP thông qua các cuộc tiếp xúc cấp cao. Có thể kể đến một số cuộc gặp gỡ quan trọng như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh gặp gỡ Thủ tướng Ấn Độ A. B. Vajpayee, khi đó là lãnh đạo Đảng BJP (tháng 4-2003); Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi tiếp xúc với Phó Chủ tịch Đảng BJP, bà N. Heptullah (tháng 11-2013); Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi điện chúc mừng ban lãnh đạo BJP sau thắng lợi tại cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5-2014, chúc mừng ông Amit Shah được bầu làm Chủ tịch BJP vào tháng 7-2014 và gặp gỡ lãnh đạo Đảng BJP, Thủ tướng Ấn Độ N. Modi (tháng 9-2016). Tháng 5-2018, theo Chương trình Khách quý, ông Sarbanada Sonowal, Thủ hiến bang Assam, đồng thời là lãnh đạo cấp cao BJP, đã thăm Việt Nam, khẳng định Chính phủ Ấn Độ do Đảng BJP cầm quyền hiện nay rất coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Trong các năm 2018 và 2019, Đảng ta lần lượt cử đoàn do đồng chí Nguyễn Ngọc Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam dẫn đầu và đoàn do đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên dẫn đầu thăm Ấn Độ theo Chương trình Khách Quý, trong đó có các cuộc trao đổi thiết thực, được phía bạn đánh giá cao. Tháng 1-2022, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung hội đàm trực tuyến với Trưởng Ban Quốc tế và Nghị sĩ, cựu Bộ trưởng của BJP. Nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tháng 4-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị, tiếp xúc cấp cao và trên các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân giữa hai nước. Có thể thấy, trong các buổi tiếp xúc, làm việc, các nhà lãnh đạo BJP đều khẳng định Chính phủ Ấn Độ do Đảng BJP cầm quyền hiện nay rất coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Ngày 7-6-2024, nhân dịp Ấn Độ tổ chức thành công bầu cử Hạ viện lần thứ 18 và Thủ tướng Ấn Độ N. Modi tái đắc cử, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng tới Thủ tướng N. Modi, bày tỏ mong muốn tiếp tục đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ phát triển sâu rộng hơn nữa, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, cũng như đóng góp vào hòa bình, hợp tác ở khu vực và trên toàn thế giới.
Ngày 20-7-2024, khi được tin đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ trần, Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu và Thủ tướng Ấn Độ N. Modi thay mặt Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã gửi lời chia buồn sâu sắc trước mất mát lớn lao của Việt Nam; bày tỏ kính trọng đối với cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Với sự gắn bó sâu sắc hơn bao giờ hết giữa hai Chính phủ nói chung, cũng như giữa Đảng ta và Đảng cầm quyền BJP, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm chính thức Ấn Độ theo lời mời của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi (từ ngày 30-7 đến 1-8-2024). Trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã thảo luận, đề ra phương hướng đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ ngày càng phát triển mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.
Với Đảng Quốc Đại (INC), đây là chính đảng lớn và lâu đời nhất ở Ấn Độ, theo khuynh hướng chính trị tư sản, tư tưởng dân chủ xã hội, chủ trương xây dựng Ấn Độ trở thành một quốc gia hiện đại, có nền kinh tế độc lập, tự chủ, gồm hai thành phần nhà nước và tư nhân. Quan hệ chính thức giữa Đảng ta với Đảng INC được đánh dấu bằng chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Lê Duẩn vào năm 1984 và phát triển tốt đẹp từ đó đến nay. Đảng INC đã cử đoàn tham dự và gửi điện mừng các kỳ đại hội của Đảng ta. Tháng 12-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện mừng ông Rahul Gandhi được bầu làm Chủ tịch Đảng INC.
Nhìn chung, quan hệ giữa đảng ta với các đảng chính trị Ấn Độ phát triển hết sức tốt đẹp. Trên cơ sở đó, để triển khai hiệu quả Kết luận số 73-TB/TW, ngày 8-2-2012, của Bộ Chính trị khóa XI, “Về tăng cường quan hệ đối ngoại của Đảng trong tình hình mới”, Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 18-2-2019, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng trong tình hình mới”, Đảng ta không ngừng tăng cường quan hệ với các đảng chính trị Ấn Độ thông qua tiếp xúc, trao đổi đoàn để thông tin về những thành tựu phát triển chính trị, kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các đảng bạn đối với lập trường của ta về các vấn đề quốc tế. Với các đảng cộng sản, cánh tả tại Ấn Độ, Đảng ta trao đổi thông tin, tài liệu, ấn phẩm, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với các đảng bạn, giới thiệu với bạn về đường lối đổi mới và chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam. Với Đảng BJP cầm quyền và Đảng INC, Đảng ta chủ động đưa hoạt động kinh tế, thương mại vào nội dung hợp tác. Đặc biệt với Đảng BJP, Đảng ta tranh thủ vị thế đảng cầm quyền của bạn để thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược giữa hai nước. Với các tổ chức quần chúng nhân dân, Ban Đối ngoại Trung ương và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã phối hợp và thúc đẩy quan hệ hợp tác với Tổ chức Hòa bình và đoàn kết toàn Ấn (AIPSO), Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam (IVSC) và các tổ chức nhân dân khác. Như vậy, trong thời gian tới, quan hệ giữa Đảng ta và các đảng chính trị Ấn Độ sẽ tiếp tục được thúc đẩy toàn diện, hiệu quả với nhiều hình thức và cấp độ./.
--------------------------
(1) Xem: Lê Hoài Trung: “Đối ngoại đảng năm 2021 phát huy hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng góp phần nâng cao vị thế và tiềm lực mới của đất nước”, Tạp chí Cộng sản, số 1.007 (tháng 2-2023), tr. 20 - 26
(2) Đề cương triển khai Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 18-2-2019, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại Đảng trong tình hình mới”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long
(3) Hoàng Bình Quân: “Tăng cường quan hệ của Đảng với các đảng thế giới”, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, ngày 15-1-2011, https://quochoi.vn/User Controls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx? UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=7835
(4) Nguyễn Hồng Sơn (chủ biên): Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc hội thảo quốc tế về lý luận giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và một số chính Đảng trên thế giới, 2019, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 34
(5) Hữu Hưng: “Ngoại giao chính đảng nâng tầm vị thế Việt Nam”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 1-2-2023, https://nhandan.vn/ngoai-giao-chinh-dang-nang-tam-vi-the-viet-nam-post736757.html
Trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong sự nghiệp đổi mới đất nước  (06/06/2024)
Đối ngoại nhân dân phát huy vai trò trụ cột trong nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam  (19/05/2024)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển