Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp của Hà Nội khi thực thi các FTA thế hệ mới
TCCS - Việt Nam đã ký kết ở các cấp độ khác nhau nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có một số FTA thế hệ mới với các cam kết hội nhập sâu rộng và toàn diện hơn. Hà Nội là trung tâm kinh tế của khu vực phía Bắc, vì thế nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Hà Nội sẽ tạo động lực hỗ trợ, phát triển toàn bộ các doanh nghiệp trong khu vực trong quá trình thực thi các FTA thế hệ mới.
Hiệp định thương mại tự do ngày càng trở nên phổ biến bởi những lợi ích kinh tế mà nó mang lại, các quốc gia có thể tiến hành hợp tác song phương và liên kết khu vực nhằm tìm giải pháp cho phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ. Điều này dẫn tới việc, những nước không tham gia FTA hoặc tham gia chậm sẽ bị gạt khỏi cuộc chơi, nên FTA đang trở thành một xu hướng chung.
Đến nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 FTA, trong đó có 10 hiệp định đã có hiệu lực và đang thực thi cam kết, 3 hiệp định đã ký kết hoặc kết thúc đàm phán nhưng chưa có hiệu lực, 4 hiệp định đang đàm phán. Trong số các FTA này bao gồm các FTA truyền thống và các FTA thế hệ mới, nổi bất nhất trong các FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Hội nhập kinh tế thông qua các FTA thế hệ mới là xu hướng tất yếu của thế kỷ XXI, nó đem lại cả cơ hội phát triển và thách thức cho tất cả các doanh nghiệp trong khu vực hội nhập. Điều này đòi hỏi khả năng “sinh tồn” của các doanh nghiệp cao hơn so với thời kỳ chưa hội nhập. Nếu trước đây, doanh nghiệp chỉ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp trong vùng, trong nước, thì nay họ phải cạnh tranh thêm với các doanh nghiệp từ bên ngoài với nhiều lợi thế cạnh tranh (về vốn, khoa học công nghệ, kinh nghiệm, thương hiệu...). Cạnh tranh là một trong những yếu tố nền tảng của thể chế kinh tế thị trường; là động lực đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, qua đó, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Một trong những điều mà tất cả các doanh nghiệp trên thế giới đều nhận thấy, để có thể chủ động tham gia các FTA thế hệ mới và gia nhập các thị trường mới, thì các doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Do đó, chỉ khi có khả năng cạnh tranh cao thì các doanh nghiệp của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng mới chủ động tham gia vào các FTA thế hệ mới.
Thực trạng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Hà Nội
Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội của Việt Nam. Vì thế, trên địa bàn Thủ đô có nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau, hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Hà Nội là một trong hai thành phố có số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động lớn nhất của Việt Nam. Tính đến cuối năm 2019, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội là hơn 270.000 doanh nghiệp. Sự chủ động tham gia vào các FTA thế hệ mới đã được ký kết sẽ phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp. Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, gồm có:
Thứ nhất, cạnh tranh về giá. Tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Hà Nội nói riêng về một số lợi thế so sánh trước đây đối với khu vực và thế giới đang mất dần do giá hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước cao hơn so với hàng hóa tương tự cùng xuất khẩu. Lý do được lý giải ở đây là chi phí đầu vào cho sản xuất hiện nay ở Việt Nam so với thế giới có sự chênh lệch khá lớn, trong đó Hà Nội được coi là nơi có chi phí cao nhất cả nước.
Thứ hai, cạnh tranh về chất lượng, số lượng sản phẩm. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thỏa ước về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại quốc tế đã tạo điều kiện cho mọi nguồn lực và sản phẩm ngày càng được tự do vượt biên giới quốc gia nếu đáp ứng đủ các yêu cầu của hàng rào kỹ thuật. Hiện nay, cơ cấu sản phẩm sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội so với một số nước trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không khác nhau nhiều. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Hà Nội nói riêng vẫn chưa thể cạnh tranh về chất lượng lẫn số lượng với các doanh nghiệp của một số nước ASEAN. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực công nghệ còn thấp, máy móc còn lạc hậu từ đó dẫn đến sức cạnh tranh của hàng hóa còn yếu.
Thứ ba, về nguồn lực của doanh nghiệp. Nguồn vốn của các doanh nghiệp Hà Nội nhìn chung là thấp và có sự phân hóa rõ nét. Trong khi chỉ có một số ít các doanh nghiệp của Hà Nội có quy mô vốn đủ lớn thì hầu hết các doanh nghiệp còn lại có quy mô nhỏ với số vốn từ một đến một vài tỷ. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp của Hà Nội trong hoạt động kinh doanh của mình. Với số vốn lưu động nhỏ, hầu hết các doanh nghiệp chỉ tập trung nguồn vốn cho các hoạt động ngắn hạn. Các hoạt động đòi hỏi những nỗ lực lâu dài, như xây dựng thương hiệu, phát triển quan hệ với các đối tác, xây dựng sản phẩm mới hay nghiên cứu và phát triển hầu như bị bỏ ngỏ.
Thứ tư, khả năng quản lý và đổi mới. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tiến hành xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh hoặc nếu có thì vẫn còn đơn giản và hạn chế về chiều sâu, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý còn thấp. Công tác quản lý và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này thiếu khoa học và thiên về kinh nghiệm. Đây sẽ là một bất lợi lớn khi tham gia thực thi các FTA thế hệ mới.
Một số kiến nghị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp của Hà Nội khi tham gia các FTA thế hệ mới
Trong quá trình triển khai các FTA thế hệ mới, nhiều lĩnh vực kinh doanh sẽ đón nhận những cơ hội đi kèm với thách thức từ bên ngoài. Để có thể tồn tại và phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu, rộng, một mặt các doanh nghiệp của Hà Nội phải tự vận động để nâng cao năng lực cạnh tranh, mặt khác cũng cần có sự hỗ trợ và định hướng của chính quyền thành phố.
Về phần các doanh nghiệp của Hà Nội
Một là, củng cố và tăng cường nguồn lực của doanh nghiệp. Đối với nhiều doanh nghiệp Hà Nội, việc tăng quy mô vốn không phải là điều dễ dàng thực hiện được. Do đó, các doanh nghiệp cần tận dụng các nguồn tín dụng, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ tín dụng trong gói kích thích nền kinh tế của Chính phủ để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Tiếp đến, các doanh nghiệp cần tìm kiếm thêm các nguồn vốn trên thị trường tài chính để đa dạng hóa nguồn lực tài chính. Điều chỉnh cơ cấu vốn để sử dụng hiệu quả nguồn vốn, giải pháp trước mắt cho tình trạng này là giảm tỷ lệ vốn cố định bằng cách tăng cường thuê và sử dụng các dịch vụ về cơ sở vật chất (văn phòng, xe ô-tô, máy tính...). Điều này sẽ làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhưng đây là giải pháp cần thiết đối với những doanh nghiệp có số vốn lưu động hạn chế.
Hai là, củng cố và phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm đủ số lượng và sự ổn định của đội ngũ lao động thông qua việc chú trọng tới công tác đãi ngộ, tạo động lực để từ đó xây dựng sự gắn bó về quyền lợi và trách nhiệm của người lao động đối với doanh nghiệp giúp họ yên tâm làm việc và trung thành với doanh nghiệp. Bên cạnh việc chuyên môn hóa một số vị trí công việc, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cũng cần thiết đa dạng hóa các kỹ năng và bảo đảm khả năng thích ứng của lao động trong một số bộ phận để có thể chủ động điều chỉnh lao động giữa các lĩnh vực kinh doanh. Biện pháp này sẽ giúp các doanh nghiệp ổn định và chủ động nguồn nhân lực khi có các biến động thị trường, đồng thời giảm được chi phí tuyển dụng, thuyên chuyển và sa thải nhân viên.
Ba là, tổ chức, quản lý, sử dụng lao động một cách hợp lý và hiệu quả. Doanh nghiệp Hà Nội phải lựa chọn cho mình một mô hình tổ chức phù hợp với mục tiêu và khả năng thực tế của doanh nghiệp, đồng thời xác định rõ chức năng nhiệm vụ của các bộ phận trong hệ thống nhằm bảo đảm sự phối hợp, liên kết nhịp nhàng hiệu quả giữa các bộ phận, tránh sự chồng chéo, trùng lặp trong các hoạt động tác nghiệp.
Bốn là, tập trung cho công tác phát triển thương hiệu. Việc đầu tư cho công tác xây dựng và phát triển thương hiệu là một việc làm vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài của các doanh nghiệp tại Hà Nội. Vì thế, các doanh nghiệp cần nhận thức một cách đầy đủ về giá trị của thương hiệu. Giá trị này còn lớn hơn giá trị các tài sản hữu hình của doanh nghiệp. Từng cá nhân, từng bộ phận và cả doanh nghiệp luôn phải xác định việc xây dựng, duy trì và phát triển thương hiệu là nhiệm vụ trọng tâm, liên tục và lâu dài của mình. Với năng lực của các doanh nghiệp Hà Nội hiện nay, chỉ một số ít doanh nghiệp lớn có đủ khả năng để quảng bá thương hiệu của mình trên phạm vi rộng. Còn lại đa số các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, với doanh số và nguồn lực chưa thực sự lớn, chỉ nên tập trung phát triển và quảng bá thương hiệu tại một số thị trường chính của mình, tránh tình trạng tỷ lệ chi phí đầu tư cho thương hiệu quá lớn mà hiệu quả không cao. Thậm chí các doanh nghiệp này có thể lựa chọn phương án nhượng quyền thương hiệu hoặc liên kết với các công ty khác để cùng phát triển thương hiệu trên một thị trường cụ thể.
Năm là, tăng cường khả năng liên kết và hợp tác. Các doanh nghiệp của Hà Nội cần xây dựng mối liên kết dọc và liên kết ngang thông qua các hiệp hội. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực sẽ tạo ra lợi thế về quy mô, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong cùng một lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh khi chủ động tham gia vào các FTA thế hệ mới. Đồng thời, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng một chuỗi sản xuất, kinh doanh từ nhà cung cấp nguyên vật liệu tới nhà sản xuất và cuối cùng là các doanh nghiệp thương mại đưa sản phẩm ra thị trường sẽ giúp cho các doanh nghiệp hạn chế được các rủi ro về thiếu vốn, thiếu thông tin về thị trường và hạn chế rủi ro cho nhau.
Sáu là, nâng cao năng lực đổi mới công nghệ. Cần lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện sản xuất, đặc thù sản phẩm, trình độ tay nghề của người lao động trong doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa việc kết hợp các nguồn lực để đạt được hiệu quả cao. Đây là biện pháp quan trọng để doanh nghiệp có thể chiếm ưu thế về cạnh tranh đối với hàng nhập khẩu ngay ở thị trường trong nước, tạo điều kiện cho việc xuất khẩu hàng hóa - khâu trọng yếu trong lộ trình hội nhập. Các doanh nghiệp của Hà Nội tăng cường liên kết và hiệp tác với các đơn vị, tổ chức tổ chức nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cùng đầu tư nghiên cứu để thiết kế và chế tạo. Ngoài ra, cần chủ động liên doanh, liên kết hoặc hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để tiếp thu công nghệ hiện đại của họ. Doanh nghiệp cần khuyến khích và có chế độ thỏa đáng để kích thích người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa quy trình sản xuất, cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành.
Về phần chính quyền thành phố Hà Nội
Một là, kiến nghị cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội gắn với chương trình cải cách hành chính. Phát triển dịch vụ hành chính công, đẩy nhanh tiến độ phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.
Hai là, xây dựng các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển doanh nghiệp. Khuyến khích các cơ quan nghiên cứu triển khai nghiên cứu, thực hiện các đề tài, dự án gắn với cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp. Đề xuất cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai và sử dụng có hiệu quả nguồn lực này. Hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết kinh tế, cụm liên kết ngành. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm có định hướng xuất khẩu.
Ba là, nâng cao tính minh bạch và tiếp cận thông tin. Hà Nội cần nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của doanh nghiệp về chính sách, pháp luật của Nhà nước và của thành phố; các quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế của thành phố. Xây dựng mạng thông tin doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý để cập nhật các thông tin về cơ chế, chính sách, tình hình doanh nghiệp, cung cấp cho lãnh đạo các ngành biết, quản lý, chỉ đạo. Mục tiêu của mạng thông tin này là cung cấp các thông tin về pháp luật, chính sách của thành phố và Nhà nước, các thủ tục hành chính thuộc từng lĩnh vực có liên quan đến doanh nghiệp; các quy hoạch cụ thể, kế hoạch, chiến lược, chính sách phát triển kinh tế của thành phố; các hoạt động cụ thể của từng cơ quan chức năng thành phố; các thông tin phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, như các số liệu thống kê kinh tế - xã hội, thị trường, giá cả và các thông tin hữu ích khác căn cứ theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại. Nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của các hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn Hà Nội. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường hoạt động này tại các trung tâm kinh tế của cả nước, nhằm nâng cao thương hiệu của từng doanh nghiệp cũng như hình ảnh của Hà Nội./.
Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp  (01/12/2020)
Căng thẳng thương mại Mỹ - Liên minh châu Âu và một số khuyến nghị đối với Việt Nam  (29/11/2020)
Phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch ở Hà Nội  (28/11/2020)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên