Tham gia hoạt động cảnh sát Liên hợp quốc: Cơ hội, thách thức và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam
TCCS - Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc chính thức ra đời vào năm 1948. Trải qua gần 75 năm, hoạt động này đã phát triển thành nhiều hoạt động khác nhau để phù hợp với tình hình thực tế, trong đó có hoạt động cảnh sát Liên hợp quốc, nhằm bảo vệ người dân, thúc đẩy hòa bình và an ninh.
Đối với Việt Nam, bên cạnh tham gia hoạt động quân sự gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, việc tham gia hoạt động cảnh sát Liên hợp quốc cũng góp phần thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam. Tham gia hoạt động cảnh sát Liên hợp quốc sẽ mang lại những cơ hội, cũng như thách thức nhất định cho Việt Nam.
Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và sự tham gia tích cực, hiệu quả của Việt Nam
Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ra đời vào năm 1948 trên cơ sở đóng góp binh lính tham gia của các thành viên Liên hợp quốc và do Liên hợp quốc chỉ huy để hỗ trợ giải quyết các cuộc xung đột xảy ra trên thế giới. Các hoạt động này phải tuân thủ những quy định về an ninh tập thể của Hiến chương Liên hợp quốc và phải được Liên hợp quốc cho phép thông qua các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (1); đồng thời, phải được triển khai trên cơ sở thỏa thuận hòa bình, có sự nhất trí của các bên liên quan, bảo đảm tính trung lập, vô tư; triển khai không nhằm thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, không tham gia tác chiến, chỉ cùng các bộ phận khác của Liên hợp quốc kiến tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết các xung đột; chỉ sử dụng vũ lực ở mức độ tối thiểu trong trường hợp không còn biện pháp nào khác và vì mục đích tự vệ.
Các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được thành lập và hoạt động trên cơ sở nhiệm vụ được giao. Trong quá trình triển khai thực hiện, các nhiệm vụ, sứ mệnh của các phái bộ gìn giữ hòa bình sẽ được điều chỉnh, cập nhật phù hợp với thực tiễn tại thực địa để giải quyết hiệu quả những đe dọa đối với hòa bình, an ninh quốc tế. Mỗi phái bộ Liên hợp quốc có nhiệm vụ khác nhau tùy theo tình hình, mặc dù vậy vẫn có những điểm chung là nhằm ngăn ngừa xung đột bùng phát hoặc lan rộng; ổn định tình hình sau ngừng bắn và tạo điều kiện thuận lợi cho các bên liên quan đạt thỏa thuận hòa bình; hỗ trợ thực hiện thỏa thuận hòa bình; giải giáp lực lượng từng tham chiến; rà phá bom, mìn; thúc đẩy pháp quyền, bảo vệ quyền con người, hỗ trợ bầu cử; thúc đẩy tái thiết, phục hồi và phát triển kinh tế. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thường xuyên giám sát hoạt động của các phái bộ gìn giữ hòa bình thông qua các báo cáo định kỳ của Tổng Thư ký Liên hợp quốc và các phiên họp của Hội đồng Bảo an để thảo luận về hoạt động của một phái bộ cụ thể.
Tính đến tháng 7-2019, đã có 71 phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được triển khai, trong đó 14 phái bộ(2) hiện đang hoạt động với tổng số 100.945 người tham gia, đến từ 122 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, ngân sách khoảng 6,7 tỷ USD/năm. Hiện cũng có khoảng 8.000 phụ nữ đang làm việc tại các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trong đó hơn một nửa là quân nhân và cảnh sát, chiếm dưới 5% tổng số lực lượng triển khai. Tính từ năm 1948 đến tháng 8-2019, có 3.853 người đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Đối với Việt Nam, thực hiện chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tham gia các hoạt động quốc tế đa phương của Đảng, Nhà nước, Việt Nam đã chuẩn bị các điều kiện về pháp lý, tổ chức, nhân lực và điều kiện vật chất để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ngày 25-5-2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo”. Trước đó, để chuẩn bị cho sự tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tháng 12-2013, Việt Nam cũng đã thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam), trực thuộc Bộ Quốc phòng. Trung tâm ra đời có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đào tạo, huấn luyện, chuẩn bị và triển khai lực lượng, chỉ huy và điều hành toàn bộ lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến năm 2014, hai sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên đã lên đường làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc tại Phái bộ Nam Sudan, đánh dấu sự tham gia chính thức hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc của Việt Nam.
Từ đầu năm 2014 đến tháng 2-2019, Việt Nam đã triển khai 29 lượt sĩ quan cá nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc(3). Các sĩ quan Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và được lãnh đạo phái bộ cũng như sĩ quan chỉ huy các nước đánh giá cao cả về trình độ chuyên môn, khả năng tổ chức làm việc độc lập và phối hợp nhóm, cũng như ý thức kỷ luật và quan hệ với nhân dân bản địa. Nhiều sĩ quan đã được Liên hợp quốc trao tặng Huân chương vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Bên cạnh đó, sau hơn 4 năm chuẩn bị, Việt Nam đã chính thức cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, gồm 63 cán bộ, nhân viên, lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan vào đầu tháng 10-2018, đặc biệt trong đó có đến 10 cán bộ nữ - chiếm 16%, tỷ lệ cao nhất trong các nước tham gia lực lượng này. Ngày 19-11-2019, Việt Nam tiếp tục cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, với biên chế 70 cán bộ, nhân viên thuộc Học viện Quân y, sang Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan để làm nhiệm vụ thay thế bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã được triển khai trước đó. Sự tham gia của hai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 và số 2 của Việt Nam được xem là một bước đột phá ấn tượng, không chỉ thể hiện thiện chí, trách nhiệm của Việt Nam đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, mà còn thể hiện sự cố gắng, năng lực của Việt Nam trong tham gia trực tiếp vào hoạt động gìn giữ hòa bình, mang lại cuộc sống ổn định, hòa bình cho các quốc gia, khu vực còn gặp khó khăn vì bất ổn, xung đột hay đói nghèo, lạc hậu, dịch bệnh…
Việt Nam cũng đã liên kết với nhiều quốc gia trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình nhằm hợp tác, trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm, mở lớp tập huấn… Thông qua hoạt động đa phương này, Việt Nam đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về trang thiết bị, kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực… đối với hoạt động gìn giữ hòa bình. Đặc biệt, Việt Nam đã được Liên hợp quốc lựa chọn trở thành một trong bốn Trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây là sự ghi nhận và đánh giá cao của Liên hợp quốc đối với những cam kết và kết quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam trong suốt thời gian qua. Hiện Việt Nam đang tích cực chuẩn bị về lực lượng, trang thiết bị, đào tạo chuyên môn… để có thể tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở quy mô lớn hơn và đa dạng hơn về hình thức trong thời gian tới.
Về đóng góp tài chính, Việt Nam đã tham gia đóng góp một phần tài chính cho hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ năm 1996. Đến năm 2006, Việt Nam đóng góp khoảng 250.000 USD - 300.000 USD/năm, theo phương thức trả các khoản nợ mới và trả dần các khoản nợ còn tồn đọng. Từ năm 2019, mức đóng góp trong giai đoạn 2019 - 2021 của Việt Nam là hơn 1,35 triệu USD/năm cho hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (4).
Cảnh sát Liên hợp quốc và cơ hội, thách thức đối với Việt Nam khi tham gia
Cảnh sát Liên hợp quốc (UNPOL) là lực lượng trực thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, bắt đầu được triển khai từ những năm 60 của thế kỷ XX trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Congo và Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cyprus. Trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, cảnh sát Liên hợp quốc thực hiện nhiệm vụ triển khai các công tác giám sát, tư vấn, đào tạo cảnh sát sở tại về nhân quyền và các hoạt động tác chiến trên thực địa. Đến những năm 90 của thế kỷ XX, khi Chiến tranh lạnh kết thúc, nhiệm vụ của cảnh sát gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được gia tăng và mở rộng để đáp ứng những yêu cầu thay đổi của thực tiễn tại nhiều khu vực trên thế giới với nhiệm vụ chính là tập trung bảo vệ người dân tại những khu vực có xảy ra xung đột. Đến nay, có khoảng 11.530 chiến sĩ cảnh sát đến từ hơn 90 quốc gia trên thế giới tham gia hoạt động cảnh sát Liên hợp quốc và được triển khai tại 11 phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cũng như 6 phái bộ chính trị đặc biệt (SPM) của Liên hợp quốc.
Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc năm 2016 nhấn mạnh: 1- Tầm nhìn của cảnh sát Liên hợp quốc là xây dựng cảnh sát Liên hợp quốc hoạt động theo luật lệ, quy định, linh hoạt, cơ động, nhanh nhẹn, hiện đại và lấy con người làm trung tâm; 2- Nhiệm vụ của cảnh sát Liên hợp quốc là thúc đẩy hòa bình và an ninh bằng cách giúp đỡ các nước thành viên của Liên hợp quốc trong xung đột, hậu xung đột và các cuộc khủng hoảng khác để thực hiện các hoạt động của cảnh sát một cách trách nhiệm, đại diện, hiệu quả và phản ứng tốt.
Ngoài ra, cảnh sát Liên hợp quốc xây dựng, hỗ trợ thiết kế và triển khai các kế hoạch, hoạt động chuyên môn của lực lượng hành pháp, bao gồm cả lực lượng cảnh sát sở tại, nhằm ngăn chặn, phát hiện tội phạm, bảo vệ người dân, tài sản và duy trì trật tự và an toàn cho công chúng theo luật lệ và Luật Nhân đạo quốc tế. Cảnh sát Liên hợp quốc cũng giới thiệu các phương pháp, biện pháp tiếp cận, đưa ra định hướng đối với cộng đồng sở tại và chủ động chia sẻ thông tin tình báo cho cảnh sát sở tại, góp phần vào việc bảo vệ người dân và quyền con người; xử lý bạo lực tình dục và giới tính, bạo lực tình dục liên quan đến xung đột và tội phạm nguy hiểm có tổ chức; thực hiện điều tra các hoạt động đặc biệt và bảo đảm an ninh cho bầu cử. Nhiệm vụ của cảnh sát Liên hợp quốc được triển khai, thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc, quy định và chuẩn mực trong các lĩnh vực, như cải tổ lĩnh vực an ninh, kiến tạo hòa bình cho các hoạt động hòa bình; các nỗ lực nhằm ngăn chặn bùng phát xung đột quay trở lại.
Cảnh sát Liên hợp quốc có nhiều lợi thế so sánh hơn so với quân đội khi hoạt động tại những nơi đông dân cư và có nhiều mối đe dọa của các hoạt động phạm tội. Cảnh sát Liên hợp quốc được đào tạo và có nhiều kỹ năng mềm tốt, có thể là cầu nối giúp thu hẹp sự hiểu lầm của người dân nơi có xung đột với lực lượng an ninh Liên hợp quốc tại các phái bộ gìn giữ hòa bình khi được cử đến đất nước của họ để làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cảnh sát Liên hợp quốc có nhiệm vụ phối hợp với các bộ phận khác trong phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và sở tại (nhất là quân đội) để bảo vệ người dân.
Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát Liên hợp quốc hiện đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức, như: 1- Các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro, đe dọa đến từ các cuộc tấn công của các nhóm vũ trang và cực đoan tại khu vực xung đột ; 2- Nguy cơ gây hại cho người dân trong xung đột khi triển khai các nhiệm vụ được giao và dễ bị cáo buộc là vi phạm nhân quyền; 3- Hạn chế giữa việc linh hoạt về nguồn lực triển khai các hoạt động trên thực địa của cảnh sát Liên hợp quốc và các quy định, thủ tục làm giảm tính hiệu quả thực thi nhiệm vụ của các phái bộ; 4- Khó khăn trong quan hệ phối hợp triển khai và phân định rõ thẩm quyền quyết định thực thi các nhiệm vụ trên thực địa giữa cảnh sát và quân đội (5); 5- Thiếu sự đồng bộ trong phối hợp triển khai giữa cảnh sát Liên hợp quốc và cơ chế thực hiện chấp pháp của sở tại…
Tham gia hoạt động cảnh sát Liên hợp quốc sẽ mang lại những cơ hội, cũng như thách thức nhất định đối với Việt Nam.
Về cơ hội:
Thứ nhất, Việt Nam tham gia hoạt động cảnh sát Liên hợp quốc không chỉ đóng góp vào công tác chung về hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của nước ta, mà còn là dấu mốc quan trọng, thể hiện sự tiếp nối trong chính sách nhất quán của Việt Nam là chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, sẵn sàng tham gia đóng góp một cách có trách nhiệm vào các công việc chung, góp phần duy trì và bảo đảm hòa bình, an ninh quốc tế.
Thứ hai, tham gia cảnh sát Liên hợp quốc giúp nâng cao hơn nữa uy tín của các lực lượng vũ trang Việt Nam nói chung và lực lượng Công an nhân dân nói riêng, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng - an ninh ở cấp độ quốc tế và khu vực.
Thứ ba, tham gia cảnh sát Liên hợp quốc giúp lực lượng Công an Việt Nam tham gia cơ chế chia sẻ thông tin tình báo và có cơ hội tranh thủ thu thập thông tin phục vụ cho công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, phương thức tác chiến, tổ chức, hiệp đồng, trang thiết bị,... của các nước nhằm phục vụ yêu cầu xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao trình độ của các cán bộ, sĩ quan trong các lĩnh vực khác tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nói chung và cảnh sát Liên hợp quốc nói riêng.
Thứ tư, lực lượng cảnh sát Việt Nam có thể tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế thông qua việc cử cán bộ, chiến sĩ đi tập huấn tại các trung tâm huấn luyện; tổ chức các khóa đào tạo, công tác đào tạo, đầu tư, hiện đại hóa một số cơ sở vật chất, trang thiết bị của Việt Nam.
Thứ năm, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải là những cán bộ dân vận giỏi nhất, tốt nhất; đặc biệt phải làm để dân tin, dân phục, dân yêu và tham gia vào các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự ngày càng tự giác, hiệu quả”(6) và tiếp nối truyền thống trong nhiều năm qua, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam với nhiều kinh nghiệm trong công tác dân vận và bảo vệ bình yên cho người dân Việt Nam, có thể chia sẻ và đóng góp những kinh nghiệm trên cho hoạt động của cảnh sát Liên hợp quốc ở những nơi xung đột, nơi đang trong giai đoạn chuyển đổi từ chiến tranh sang hòa bình nhằm giúp duy trì an ninh, phục vụ quốc gia sở tại tái thiết xây dựng và phát triển.
Về thách thức
Một là, việc nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt tình hình phục vụ việc chọn thời điểm và ra quyết định lựa chọn quốc gia/khu vực nơi có hoạt động của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc để tham gia công tác của cảnh sát Liên hợp quốc là một trong những thách thức Việt Nam cần giải quyết để có thể đưa ra được lựa chọn phù hợp với khả năng hiện tại của mình.
Hai là, rào cản về ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp…), kỹ năng mềm và các kỹ năng tham gia phối hợp tác chiến theo tiêu chuẩn Liên hợp quốc là những thách thức đối với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.
Ba là, làm quen, hiểu khu vực địa lý, văn hóa, luật pháp, người dân địa phương thuộc nhiều sắc tộc khác nhau là những khó khăn đối với cảnh sát Việt Nam khi tham gia các nhiệm vụ bảo vệ thường dân và bảo đảm an ninh tại sở tại.
Bốn là, nguy cơ từ các cuộc tấn công của các phần tử cực đoan, khủng bố, không những nhằm vào dân thường mà còn vào lực lượng cảnh sát Liên hợp quốc khi lực lượng này tiến hành các hoạt động đặc biệt, đi tuần tại những khu vực có nhiều rủi ro về an ninh và bất ổn.
Năm là, thách thức về việc cán bộ, chiến sĩ của Việt Nam phải điều chỉnh thói quen, tập quán, sinh hoạt để phù hợp với môi trường sống và làm việc trong các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nơi có rất nhiều binh lính đến từ các quốc gia khác nhau.
Khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam
Việt Nam tham gia hoạt động cảnh sát Liên hợp quốc nằm trong chủ trương tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Đảng và Nhà nước ta, nhằm triển khai thực hiện: 1- Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; 2- Chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện được nêu rõ trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị, “Về hội nhập quốc tế”; Chị thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư, về “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn, như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc... đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và góp phần đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu ổn định, bền vững. Trên cơ sở đó, để phục vụ việc chuẩn bị và tham gia hoạt động cảnh sát Liên hợp quốc, cần thực hiện các biện pháp:
Thứ nhất, thực hiện rà soát, cập nhật, bổ sung nội dung tham gia hoạt động của cảnh sát Liên hợp quốc trong các văn bản của Đảng, Nhà nước nói chung và Đảng ủy Công an Trung ương với mục đích đóng góp vào việc thực hiện chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, góp phần thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thứ hai, tập trung nghiên cứu, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm về khả năng lựa chọn những địa bàn/khu vực đã có thỏa thuận hòa bình giữa các bên xung đột; trước mắt, ưu tiên triển khai cử cán bộ, chiến sĩ cảnh sát Việt Nam đi đến những địa bàn/khu vực đã có lực lượng quân đội Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại đó.
Thứ ba, xây dựng lộ trình/chiến lược về việc lực lượng Công an Việt Nam tham gia từng bước hoạt động của cảnh sát Liên hợp quốc giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn 2030, góp phần thúc đẩy chủ chương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, đặc biệt chuẩn bị cho việc sẵn sàng phối hợp, thực hiện các nhiệm vụ hợp tác với lực lượng cảnh sát các nước ASEAN khi ASEAN hoàn thành quá trình xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN (AC) trong giai đoạn tới.
Thứ tư, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, làm quen, sử dụng các trang thiết bị chuyên dụng cho cảnh sát và rèn luyện các kỹ năng tác chiến quốc tế cho lực lượng cảnh sát Việt Nam trước khi cử lực lượng tham gia hoạt động của cảnh sát Liên hợp quốc tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Thứ năm, đẩy mạnh mở rộng hợp tác quốc tế, tham khảo kinh nghiệm các quốc gia trong ASEAN và các nước khác trên thế giới khi tham gia hoạt động cảnh sát Liên hợp quốc bảo vệ thường dân; đồng thời, chia sẻ những lý luận, kinh nghiệm về công tác dân vận “đi dân nhớ, ở dân thương” của Việt Nam nhằm bảo đảm môi trường an ninh, ổn định xã hội phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ sáu, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “quan hệ giữa công an nhân dân với quân đội nhân dân là quan hệ hợp đồng tác chiến, keo sơn, gắn bó…, phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau”(7), việc xây dựng kế hoạch phối hợp công tác với Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao trong triển khai thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và cơ chế chia sẻ thông tin đặc biệt khi đảm nhận nhiệm vụ và tham tác chiến thực địa tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là hết sức cần thiết.
Thứ bảy, đẩy mạnh hợp tác, phối hợp với Bộ Ngoại giao thông qua Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, tại thành phố New York (Hoa Kỳ) trong tìm hiểu, nghiên cứu, trao đổi, cập nhật chính sách và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn từ Ban Thư ký Liên hợp quốc và các cơ quan đầu não của Liên hợp quốc phụ trách về gìn giữ hòa bình.
Thứ tám, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quán triệt nội dung tham gia cảnh sát Liên hợp quốc trong công tác học tập chính trị của lực lượng Công an nhân dân, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong lực lượng, nâng tầm hội nhập quốc tế của ngành công an, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế và tiếp tục khẳng định vai trò của Công an nhân dân “thực sự là lực lượng vũ trang nhân dân trọng yếu, tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; không ngừng phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì an ninh quốc gia” (8)./.
-----------------------------
(1) Trước đây, Đại hội đồng Liên hợp quốc từng thực hiện chức năng này, như thành lập Lực lượng khẩn cấp Liên hợp quốc phân tách lực lượng Ai Cập và Israel ở dải Gaza và Sinai (năm 1956) và Lực lượng an ninh Liên hợp quốc ở phía Tây New Guinea (năm 1962) để giám sát thỏa thuận ngừng bắn giữa Indonesia và Hà Lan
(2) Phái bộ củng cố các thể chế pháp quyền, phát triển cảnh sát quốc gia Haiti, bảo vệ và thúc đầy quyền con người được thành lập theo Nghị quyết số 2350 (MINUSJUSTH, năm 2017); Phái bộ về trưng cầu dân ý ở Tây Sahara được thành lập theo Nghị quyết số 690 (MINURSO, năm 1991); Phái bộ ổn định hỗn hợp đa chiều ở Cộng hòa Trung Phi được thành lập theo Nghị quyết số 2149 (MINUSCA, năm 2014); Phái bộ ổn định hỗn hợp đa chiều ở Mali được thành lập theo Nghị quyết số 2164 tại Mali (MINUSMA, năm 2015); Phái bộ ổn định tổ chức ở Congo được thành lập theo Nghị quyết số 1925 (MONUSCO, năm 2010); Phái bộ hoạt động hỗn hợp Liên minh châu Phi - Liên hợp quốc ở thành phố Darfur (Sudan) được thành lập theo Nghị quyết số 2363 (UNAMID, năm 2017); Phái bộ giám sát ngừng giao tranh ở Golan được thành lập theo Nghị quyết số 350 (UNDOF, năm 1974); Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Síp được thành lập theo Nghị quyết số 186 (UNFICYP, năm 1964); Phái bộ lâm thời ở Libang được thành lập theo Nghị quyết năm 1978 (UNIFIL); Phái bộ an ninh lâm thời ở Abyei (Sudan) được thành lập theo Nghị quyết số 1990 (UNISFA, năm 2011); Phái bộ chính quyền lâm thời ở Kosovo được thành lập theo Nghị quyết số 1244 (UNMIK, năm 1990); Phái bộ ở Nam Sudan được thành lập theo Nghị quyết số 1996 (UNMISS, năm 2011); Phái bộ quan sát viên quân sự ở Jamu và Kashmir (UNMOGIP) được thành lập vào năm 1949; Phái bộ giám sát đình chiến ở Trung Đông (UNSTO) được thành lập vào năm 1948
(3) Xem: Việt Nam chuẩn bị cử hàng trăm “sứ giả” tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, http://baochinhphu.vn/Doi-ngoai/Viet-Nam-chuan-bi-cu-hang-tram-su-gia-tham-gia-gin-giu-hoa-binh/359209.vgp
(4) Xem: Báo cáo của Tổng Thư ký về mức đóng góp cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc theo Nghị quyết A/RES/73/272 của Đại hội Đồng Liên hợp quốc khoá 73, https://undocs.org/A/73/350/Add.1
(5) Tại nhiều nơi trên thực địa, quyền quyết định triển khai về nhân sự, thiết bị và các hoạt động tác chiến là của chỉ huy quân đội. Điều này gây ảnh hưởng đến các kế hoạch, ý tưởng tác chiến riêng đã được duyệt trước đó của phía cảnh sát
(6), (7), (8) Đại tướng, GS.TS. Tô Lâm: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân - Nền tảng lý luận quan trọng của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự”, https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/40212702-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-cong-an-nhan-dan-nen-tang-ly-luan-quan-trong-cua-su-nghiep-bao-ve-an-ninh-trat-tu.html
Vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hiện nay và sự tham gia của Việt Nam  (17/05/2020)
Thế giới năm 2020 và một số vấn đề đặt ra với việc Việt Nam khi tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021  (19/03/2020)
Về cơ chế “chấp bút” tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi Việt Nam đảm nhiệm vị trí E10 nhiệm kỳ 2020 - 2021  (29/12/2019)
Việt Nam quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế mới  (05/11/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên