Vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hiện nay và sự tham gia của Việt Nam
TCCS - Tháng 1-2020, Tổng Thư ký Liên hợp quốc An-tô-ni-ô Gu-tơ-rết trong phát biểu về các ưu tiên năm 2020 của Liên hợp quốc đã nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong tham gia, giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh. Đây cũng là vấn đề lần đầu tiên được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chính thức thảo luận kể từ năm 2000. Đến nay, vấn đề này đã và đang được triển khai rộng khắp trên toàn cầu, đồng thời được lồng ghép đa dạng vào nhiều chương trình, hoạt động của Liên hợp quốc cũng như các quốc gia thành viên.
Có thể nói, vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong công tác gìn giữ hòa bình được Liên hợp quốc nhìn nhận kể từ khi tổ chức này ra đời thông qua sự thành lập Ủy ban địa vị phụ nữ vào năm 1946. Nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới cũng ngày càng được củng cố với việc Liên hợp quốc thông qua Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (năm 1979), Tuyên bố về việc tham gia của phụ nữ trong thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc tế (năm 1982) và tổ chức các Hội nghị quốc tế về phụ nữ tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc, năm 1995). Đặc biệt, năm 2000, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 1325 về chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh, theo đó vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh trở thành một trong những chương trình thảo luận chính tại Hội đồng Bảo an, sau đó được thúc đẩy tại nhiều cơ chế khác của Liên hợp quốc(1). Đây được coi là văn kiện quan trọng mang tính lịch sử, đánh dấu lần đầu tiên Hội đồng Bảo an ghi nhận ảnh hưởng của xung đột vũ trang đối với phụ nữ và trẻ em gái; thừa nhận những giá trị và đóng góp của phụ nữ đối với gìn giữ hòa bình, giải quyết xung đột và kiến tạo hòa bình. Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ là những chủ thể năng động trong vấn đề hòa bình và an ninh.
Hiện nay, chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh được đề cập trong 10 nghị quyết của Hội đồng Bảo an(2) và là chủ đề thảo luận thường niên của Hội đồng Bảo an vào tháng 10 hằng năm theo hình thức thảo luận mở với văn kiện thông qua thường là Nghị quyết Hội đồng Bảo an hoặc Tuyên bố Chủ tịch của Hội đồng Bảo an(3). Một số khía cạnh khác của các chủ đề này cũng được khai thác thảo luận dưới hình thức cuộc họp Arria-formula(4). Chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh bao gồm bốn trụ cột chính: 1- Sự tham gia; 2- Ngăn ngừa xung đột; 3- Bảo vệ; 4- Cứu trợ và phục hồi(5).
Tình hình thực hiện chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh
Từ năm 2000 đến nay, tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh được trao đổi, thảo luận xoay quanh các vấn đề: 1- Tăng cường vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình phòng ngừa, giải quyết xung đột, xây dựng và gìn giữ hòa bình. 2- Từ năm 2008, Hội đồng Bảo an đã thông qua các Nghị quyết số 1820, 1888, 1960, 2106, 2467, nhìn nhận các hình thức bạo lực tình dục đối với phụ nữ được coi là tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người; các quốc gia có vai trò và trách nhiệm giải quyết nguồn gốc bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; nhấn mạnh vai trò của Hội đồng Bảo an trong tăng cường giám sát việc thực thi của các bên tham gia xung đột. 3- Thiết lập và tăng cường sử dụng các biện pháp đánh giá, theo dõi việc thực hiện các nội dung của chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh.
4- Đào tạo, tăng cường năng lực cho lực lượng phòng ngừa và giải quyết tình trạng bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang; kêu gọi hình thành các nhóm chuyên gia tại nơi xảy ra bạo lực tình dục; tăng cường ngân sách dành cho đào tạo, phân tích và các chương trình giới. 5- Vai trò của phụ nữ trong các hoạt động gìn giữ hòa bình và phòng ngừa bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang. 6- Vai trò của các tổ chức khu vực, tiểu khu vực trong củng cố chính sách, tăng cường vai trò, sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong tiến trình hướng tới bảo đảm lợi ích của phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng bởi bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang. 7- Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội (CSO) trong thúc đẩy sự tham dự của phụ nữ giải quyết xung đột, giải quyết bạo lực tình dục, xây dựng hòa bình...
Mới đây nhất, tháng 4-2019, Hội đồng Bảo an đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 2467 về bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang. Theo đó, các quốc gia có trách nhiệm giải quyết nguồn gốc của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, trên cơ sở tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm, chú trọng quyền và nhu cầu của nạn nhân, nhấn mạnh vai trò của Hội đồng Bảo an trong tăng cường giám sát thực thi của các bên tham gia xung đột, thách thức hiện nay đối với phòng, chống bạo lực tình dục trong xung đột; kêu gọi các Ủy ban chuyên trách áp dụng những biện pháp trừng phạt có chủ đích nhằm vào hung thủ hay những kẻ chủ mưu thực hiện hành vi bạo lực tình dục trong xung đột(6)... Năm 2020, trong bối cảnh Liên hợp quốc kỷ niệm 20 năm thông qua Nghị quyết số 1325, các nước thành viên Liên hợp quốc đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các tiến trình ra quyết định; ưu tiên ngăn ngừa xung đột và giải quyết các thách thức đang nổi lên; cam kết thúc đẩy triển khai chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh trong vòng 18 tháng, từ tháng 4-2019 đến tháng 10-2020.
Bên cạnh Hội đồng Bảo an, một số cơ chế khác của Liên hợp quốc cũng tham gia triển khai, lồng ghép nội dung phụ nữ, hòa bình và an ninh trong chính sách và hoạt động hằng năm của mình, như Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) có nhiệm vụ thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường quyền năng cho phụ nữ, hỗ trợ Tổng Thư ký Liên hợp quốc điều phối và tham vấn lấy ý kiến các quốc gia, khu vực để xây dựng nhiều báo cáo quan trọng về chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh; Cục gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (DPKO) thúc đẩy, gia tăng số lượng phụ nữ tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình; Vụ các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình Liên hợp quốc (DDPA) thành lập Nhóm giới, hòa bình và an ninh nhằm xây dựng chính sách, nâng cao năng lực nhân viên trong triển khai các nghị quyết về phụ nữ, hòa bình và an ninh cũng như bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang... Ngoài ra, một số sáng kiến không chính thức cũng được thành lập nhằm thúc đẩy chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh, như Nhóm Bạn bè 1325(7); Mạng lưới đầu mối quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh(8); Bộ chỉ số về phụ nữ, hòa bình và an ninh (WPSI)(9).
Kết quả và những vấn đề đặt ra khi thực hiện chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh
Ở cấp độ toàn cầu
Một là, số lượng lãnh đạo nữ tại các cơ quan về phụ nữ, hòa bình và an ninh Liên hợp quốc ngày càng tăng kể từ khi triển khai chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh. Tính đến tháng 12-2018, phụ nữ chiếm 35% vị trí cấp trưởng và 48% vị trí cấp phó tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình và Phái bộ chính trị đặc biệt của Liên hợp quốc (năm 2017 là 26% và 35%)(10). Lần đầu tiên bổ nhiệm nữ Tổng chỉ huy các Phái bộ hòa bình Liên hợp quốc và Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang. Thành lập Nhóm chuyên gia không chính thức (IEG) về phụ nữ, hòa bình và an ninh và Nhóm chuyên gia về pháp luật và bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang(11).
Hai là, ban hành Bộ chỉ số toàn cầu (Global Indicators) đánh giá việc thực hiện các nội dung về phụ nữ, hòa bình và an ninh (gồm 26 chỉ số định tính và định lượng). Các quốc gia thành viên trên cơ sở đó có thể báo cáo việc thực hiện toàn bộ hoặc một phần (ít nhất 9 chỉ số). Việc ban hành bộ chỉ số đóng góp thực chất cho công tác nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh các chính sách phù hợp trong triển khai các nhiệm vụ trong tương lai một cách hiệu quả và mang lại lợi ích, hòa bình cho các khu vực trên thế giới, cũng như thể hiện trách nhiệm của các quốc gia trong thực hiện nhiệm vụ và vai trò thành viên Liên hợp quốc của mình.
Ba là, xây dựng và ban hành báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về “Phòng ngừa xung đột, biến chuyển công bằng, củng cố hòa bình: Nghiên cứu toàn cầu về việc triển khai Nghị quyết số 1325” nhân dịp kỷ niệm 15 năm ban hành Nghị quyết số 1325 và triển khai chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh. Báo cáo là một công cụ tham khảo hữu ích cho các nước thành viên Liên hợp quốc sử dụng, tham chiếu kết quả triển khai của quốc gia mình và ban hành định hướng triển khai sau năm 2015.
Bốn là, ban hành văn kiện về khung kết quả chiến lược Liên hợp quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2011 - 2020 nhằm định hướng tiếp tục triển khai Nghị quyết số 1325 và các nghị quyết có liên quan của Liên hợp quốc về chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Năm là, ban hành các báo cáo thường niên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh (từ năm 2011); bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang (từ năm 2012); cung cấp thông tin về các biện pháp ứng phó của hệ thống Liên hợp quốc đối với lạm dụng và bóc lột tình dục (từ năm 2018).
Sáu là, thành lập Quỹ Hòa bình và Nhân đạo phụ nữ hướng tới hỗ trợ sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình ra quyết sách, phòng ngừa xung đột, phục hồi nền kinh tế hậu xung đột, tham gia vị trí lãnh đạo, bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái.
Ở cấp độ quốc gia
Đến tháng 8-2019, đã có 81 quốc gia và vùng lãnh thổ xây dựng và thông qua Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh(12). Tỷ lệ phụ nữ trên thế giới giữ chức vụ cấp bộ trưởng là 20,7%, so với 18,3% tại các quốc gia xung đột và hậu xung đột; 24,3% số ghế trong quốc hội các nước do phụ nữ nắm giữ. Tại các quốc gia xung đột và hậu xung đột, tỷ lệ này là 19%(13).
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn xuất hiện một số vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh. Cụ thể là: 1- Hội đồng Bảo an còn thiếu cơ chế tổng thể theo dõi, tổng kết, đánh giá chung về việc thực hiện chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh. 2- Số lượng quốc gia xây dựng Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh còn tương đối thấp. Tại các quốc gia đã thông qua chương trình hành động, đa phần các dự án mang tính ngắn hạn, có quy mô nhỏ và ngân sách hạn hẹp; thiếu các công cụ đánh giá hiệu quả thực thi. 3- Sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình đàm phán, xây dựng hòa bình, an ninh, tái thiết hậu xung đột còn hạn chế. 4- Khoảng cách giữa cam kết chính trị và bố trí nguồn lực tài chính trên thực tế trong triển khai chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh còn lớn. 5- Việc thu thập dữ liệu gặp khó khăn do bối cảnh xảy ra xung đột, hạn chế về năng lực và nguồn lực, dẫn đến khó khăn trong thực hiện và đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Sự tham gia triển khai chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh của các quốc gia
Tại Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nói riêng, các nước phát triển chủ yếu tập trung vào một số nội dung, như chống bạo lực tình dục trong chiến tranh, xung đột; trừng phạt các lực lượng vũ trang tại một số nước châu Phi (Xu-đăng, Công-gô, Ma-li...) vì những cáo buộc bạo lực tình dục đối với phụ nữ tại các khu vực có xung đột, chiến tranh, đề cao vai trò của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) trong điều tra, xét xử, thẩm quyền của Hội đồng Bảo an đưa vấn đề nêu trên ra ICC... Nhiều nước phương Tây, như Mỹ, Đan Mạch, Na Uy, Anh, Áo, Thụy Sỹ, Ca-na-đa... đã thông qua chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Các nước đang phát triển chú trọng đến khía cạnh thúc đẩy vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình hòa bình; đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; thúc đẩy bình đẳng giới; chống phân biệt đối xử và bạo lực; ủng hộ các biện pháp nâng cao nhận thức đối với người dân, nhất là với phụ nữ... Các nước đang phát triển cũng tập trung vào vai trò và trách nhiệm hàng đầu của quốc gia, nhìn nhận không có một giải pháp chung cho tất cả, tôn trọng chủ quyền quốc gia và các biện pháp mà chính phủ nước đó tiến hành cần phù hợp với tình hình thực tế đất nước, ngăn ngừa và chấm dứt xung đột thông qua các biện pháp hòa bình.
Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực, sự đóng góp của các nước đang phát triển dành cho chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh còn gặp khó khăn. Ngày 23-4-2019, trong sự kiện cấp cao thảo luận hướng tới kỷ niệm 20 năm ban hành Nghị quyết số 1325, diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc (Niu Oóc), một số nước, như Ma-lai-xi-a, Gia-mai-ca, Pê-ru cam kết sẽ tăng số lượng phụ nữ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Ca-dắc-xtan, Li-bê-ri-a, Man-ta cam kết sớm hoàn thành báo cáo thực hiện Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), phê chuẩn Nghị định thư CEDAW. Nam Phi, Li-bê-ri-a ưu tiên tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các tiến trình ra quyết định. Xéc-bi, Ác-hen-ti-na, U-ru-goay cam kết thông qua và triển khai các luật, chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, chống bạo lực gia đình, xây dựng ngân sách có tính đến yếu tố giới. Xri Lan-ca, Nam Phi, Ai Cập cam kết xây dựng Chương trình hành động quốc gia đầu tiên về vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Tại khu vực Đông Nam Á, ASEAN đang nỗ lực thúc đẩy lồng ghép vấn đề giới vào cả ba trụ cột Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội. Việc ASEAN thông qua Tuyên bố chung ASEAN về phụ nữ, hòa bình và an ninh; Tuyên bố triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự 2030 trên cơ sở góc độ giới; Chương trình hành động lồng ghép sự tham gia kinh tế của phụ nữ..., là một trong những minh chứng rõ nét về điều này.
Một số đề xuất hướng tham gia chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh đối với Việt Nam thời gian tới
Năm 2009, tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã chủ trì cuộc Thảo luận mở về chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh; giới thiệu và vận động thông qua Nghị quyết số 1889 (tháng 10-2009) - nghị quyết đầu tiên của Hội đồng Bảo an tập trung vào đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong giai đoạn hậu xung đột. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam soạn thảo, chủ trì thương lượng, thúc đẩy Hội đồng Bảo an đồng thuận thông qua Nghị quyết số 1889 về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Đến nay, tại các diễn đàn của Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nói riêng, Việt Nam đều tích cực tham gia thảo luận, nhấn mạnh vai trò tích cực của phụ nữ đối với hòa bình nói chung và hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc nói riêng, nhất là tăng cường hiệu quả giải quyết các vấn đề về giới, bảo vệ và thúc đẩy thực thi quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái; tạo động lực để phụ nữ, trẻ em tại khu vực tham gia tích cực hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình và có tác động tích cực nhằm giải quyết vấn đề lạm dụng và bạo lực tình dục trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việt Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc tăng cường vai trò quan trọng và sự tham gia của phụ nữ Việt Nam trong suốt quá trình tái thiết và phát triển sau khi đất nước giành được độc lập và thống nhất, như việc tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ, góp phần tích cực vào việc bảo đảm an toàn và sinh kế cho các cộng đồng dân cư.
Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã và đang hoàn thiện các văn bản về bình đẳng giới, lồng ghép giới trong luật pháp, chính sách và các chương trình cụ thể. Đơn cử như, Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007, của Bộ Chính trị, về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 (ngày 24-12-2010); Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (tháng 5-2015); Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20-1-2018, của Ban Bí thư, về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.
Ngoài ra, trong lĩnh vực hòa bình, an ninh, Việt Nam đã và đang tích cực nâng cao vai trò của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Năm 2017, Việt Nam đã cử một nữ quân nhân tham gia làm nhiệm vụ sĩ quan tham mưu tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Xu-đăng. Tiếp đó, năm 2018, Việt Nam triển khai Bệnh viện dã chiến cấp II đầu tiên tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Xu-đăng, trong đó có 10 thành viên nữ (chiếm hơn 15%) tham gia làm nhiệm vụ. Các tổ chức phụ nữ của Việt Nam đóng vai trò tích cực trong khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng xã hội an toàn, hòa bình, ổn định.
Việt Nam hiện đang đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (E10) nhiệm kỳ 2020 - 2021. Đây là giai đoạn thuận lợi mà Việt Nam có nhiều dư địa để tiếp tục thúc đẩy chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh như đã triển khai trong nhiệm kỳ 2008 - 2009; tranh thủ đề xuất, thúc đẩy các ưu tiên, sáng kiến trong lĩnh vực này tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cụ thể như: 1- Tiếp nối, cập nhật các nội dung Nghị quyết số 1889 (Việt Nam chủ trì xây dựng năm 2008) một cách phù hợp thông qua việc tập trung về một vấn đề cụ thể hơn, như “bảo vệ và hỗ trợ các góa phụ và trẻ em trong xung đột vũ trang”(14), tăng cường sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái và vai trò lãnh đạo nữ trong ngăn ngừa xung đột; 2- Tham gia nghiên cứu, đóng góp và đề xuất những giải pháp đối với các rào cản liên quan đến sự tham gia của phụ nữ vào các lực lượng gìn giữ hòa bình; 3- Nghiên cứu thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN và Liên hợp quốc nói chung, Hội đồng Bảo an nói riêng thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm của ASEAN trong triển khai các sáng kiến về phụ nữ, hòa bình và an ninh trong ngăn ngừa xung đột và ngoại giao phòng ngừa; 4- Thúc đẩy, tham gia các sáng kiến về việc nâng cao vai trò của phụ nữ tại các khu vực xung đột và hậu xung đột do tác động của biến đổi khí hậu đem lại; 5- Tranh thủ thu hút các dự án, nguồn lực của Liên hợp quốc và khu vực tư nhân trong hỗ trợ thực hiện chương trình của Việt Nam liên quan đến phụ nữ, trẻ em.
Tóm lại, phụ nữ, hòa bình và an ninh là một chủ đề quan trọng, xuyên suốt được thảo luận chuyên sâu trong suốt gần 20 năm qua tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các cơ chế liên quan, thu hút sự quan tâm và chú ý của tất cả các nước trên thế giới. Đây là cơ hội giúp Việt Nam nâng cao vị thế, thể hiện trách nhiệm của một thành viên trong E10 nói riêng và quốc gia thành viên Liên hợp quốc nói chung, góp phần triển khai thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội XII, Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007, của Bộ Chính trị, về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị, về “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”, Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20-1-2018, của Ban Bí thư, về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới và Chỉ thị số 25/CT-TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”./.
------------------------------
(1) Nghị quyết số 1325, xem http://unscr.com/en/resolutions/doc/1325. Trước đó, sau Phiên họp đặc biệt lần thứ 23 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về “Phụ nữ năm 2000: Bình đẳng giới, phát triển và hòa bình trong thế kỷ XXI”, các nước đã ra Tuyên bố kêu gọi tăng cường sự tham gia đầy đủ của phụ nữ ở các cấp trong tiến trình xây dựng và gìn giữ hòa bình. Cũng trong năm 2000, Hội đồng Bảo an ra Tuyên bố Chủ tịch chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, nhìn nhận mối liên hệ giữa hòa bình và quyền phụ nữ; đồng thời, Báo cáo Brahimi của Nhóm chuyên gia về các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ghi nhận sự cần thiết bảo đảm cân bằng giới trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, đặc biệt là ở các vị trí ra quyết định
(2) 10 Nghị quyết của Hội đồng Bảo an về triển khai chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh, gồm Nghị quyết số 1325 (năm 2000), 1820 (năm 2008), 1888 (năm 2009), 1889 (năm 2009), 1960 (năm 2010), 2106 (năm 2013), 2122 (năm 2013), 2242 (năm 2015), 2467 và 2493 (năm 2019)
(3) Thảo luận mở (Open Debate) là hình thức họp công khai và mở rộng cho các thành viên Liên hợp quốc tham gia phát biểu, có cấp bộ trưởng các nước tham gia
(4) Arria-formula là hình thức họp không chính thức, bên cạnh các cuộc họp của Hội đồng Bảo an. Sáng kiến về hình thức họp này do Vê-nê-xu-ê-la đưa ra vào năm 1992 về Bô-xni-a và Héc-xê-gô-vi-na
(5) Security Council Resolution 1325, xem: https://www.peacewomen.org/SCR-1325
(6) Xem: https://www.un.org/sexualviolenceinconflict/press-release/landmark-un-security-council-resolution-2467-2019-strengthens-justice-and-accountability-and-calls-for-a-survivor-centered-approach-in-the-prevention-and-response-to-conflict-related-sexual-violence/ và https://undocs.org/S/RES/2467(2019)
(7) Nhóm này do Ca-na-đa sáng lập, thường tham vấn với các tổ chức phi chính phủ liên quan
(8) Mạng lưới này do Tây Ban Nha, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Na-mi-bi-a và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất thành lập vào năm 2016. Đến nay, đã có hơn 80 quốc gia và tổ chức khu vực tham gia
(9) Các nước Na-mi-bi-a, Cô-lôm-bi-a, Na-uy cùng Viện Georgetown về phụ nữ, hòa bình và an ninh (Mỹ) và Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo (Na Uy) là các bên đề xuất WPSI
(10) UN Security Council: Report of the Secretary-General on women peace and security (S/2019/800), p. 83
(11) Năm 2016, Nhóm chuyên gia đã thảo luận về tình hình phụ nữ, hòa bình và an ninh tại Áp-ga-ni-xtan, Trung Phi, I-rắc, Ma-li; năm 2017, tại Y-ê-men, Ma-li, I-rắc, hồ Sát (Chad); năm 2018, tại hồ Sát, Li-bi, Y-ê-men, I-rắc, Công-gô, Trung Phi; năm 2019, thảo luận tại Y-ê-men
(12), (13) Facts and figures: Peace and security, xem: https://www.unwomen.org/en/what-we-do/peace-and-security/facts-and-figures
(14) Ngày 21-12-2010, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết (A/RES/65/189) về công nhận ngày Quốc tế Góa phụ vào ngày 23-6 hằng năm
Thế giới năm 2020 và một số vấn đề đặt ra với việc Việt Nam khi tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021  (19/03/2020)
Về cơ chế “chấp bút” tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi Việt Nam đảm nhiệm vị trí E10 nhiệm kỳ 2020 - 2021  (29/12/2019)
Việt Nam quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế mới  (05/11/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên