Hợp tác chặt chẽ Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào
TCCS - Việt Nam và Lào là hai quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), có nhiều điểm tương đồng về chế độ chính trị và lịch sử. Bên cạnh quan hệ hợp tác song phương, Việt Nam và Lào đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ đa phương, trong đó có GMS và Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam. Sự hợp tác hiệu quả và có trách nhiệm của hai nước trong thời gian qua góp phần thực hiện mục tiêu hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực, đồng thời tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào trong thời kỳ mới.
Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng - trọng tâm phát triển mới của châu Á
Hợp tác quốc tế phát triển Tiểu vùng sông Mê Công được bắt đầu từ năm 1957, khi Ủy ban Kinh tế châu Á và Viễn Đông của Liên hợp quốc thành lập Ủy ban Mê Công gồm Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia và Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động của Ủy ban Mê Công bị hạn chế do chiến tranh và nạn diệt chủng ở Cam-pu-chia. Kể từ Hội nghị Pa-ri về vấn đề Cam-pu-chia được ký kết năm 1991, hợp tác giữa các nước Tiểu vùng sông Mê Công mới thực sự phát triển, trở thành một trọng tâm phát triển mới của châu Á và nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế, nhất là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) gồm năm nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Mi-an-ma, Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc, với tổng diện tích 2,6 triệu ki-lô-mét vuông. Đây là khu vực có tiềm năng kinh tế rất lớn với trữ lượng tài nguyên phong phú và Mê Công là con sông có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của hơn 60 triệu người dân của các nước thuộc lưu vực sông, nhất là các nguồn lợi về nông - lâm nghiệp, thủy sản, thủy điện và giao thông đường thủy.
Năm 1992, dưới sự giúp đỡ của ADB, Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (Chương trình GMS) được khởi xướng, bao gồm: Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, Mi-an-ma, Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Tháng 10-2002, chính phủ sáu nước thuộc GMS (Trung Quốc tham gia với tư cách là một quốc gia) đã tiến hành Hội nghị cấp cao đầu tiên (GMS-1) tại Phnôm Pênh (Cam-pu-chia), đưa ra những nguyên tắc chung trong hợp tác kinh tế của tiểu vùng; xây dựng và thực hiện tầm nhìn của một tiểu vùng thịnh vượng, hài hòa và thống nhất, tăng trưởng kinh tế nhanh, tiến bộ xã hội và phát triển môi trường bền vững.
Chương trình GMS được đánh giá là hoàn chỉnh nhất, hiệu quả nhất trong các cơ chế hợp tác tiểu vùng, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, năng lượng, viễn thông, du lịch, thương mại - đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và môi trường. Chiến lược của Chương trình GMS thông qua ba trụ cột: 1- Nâng cao khả năng kết nối thông qua phát triển bền vững hạ tầng cơ sở và chuyển đổi các hành lang giao thông thành các hành lang kinh tế xuyên quốc gia; 2- Cải thiện năng lực cạnh tranh thông qua hỗ trợ hiệu quả vận tải hành khách và hàng hóa xuyên biên giới, hội nhập thị trường, các quy trình sản xuất, các chuỗi giá trị; 3- Nâng cao ý thức cộng đồng thông qua các chương trình và dự án nhằm giải quyết những mối lo ngại chung về xã hội và môi trường (còn được gọi là 3C: Connectivity (kết nối hạ tầng), Competitiveness (tăng cường khả năng cạnh tranh), Community (kết nối cộng đồng)(1).
Hợp tác GMS được nhiều chuyên gia nhìn nhận là một trong những kênh hợp tác khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới, nhất là lĩnh vực kinh tế với kim ngạch thương mại tăng từ 2,4 tỷ USD (năm 1992) lên khoảng 216 tỷ USD năm 2018(2). Ðây là một trong những yếu tố cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú trở thành lực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Vì vậy, hợp tác GMS không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam và Lào mà cả các nước trong khu vực, đem lại các lợi ích chung về nhiều mặt như an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao vị thế của mỗi nước trong khu vực và trên trường quốc tế.
Việt Nam và Lào luôn nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác tiểu vùng và hội nhập kinh tế quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước. Sự hợp tác của hai nước trong GMS và giữa hai nước trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng vững chắc.
Trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, việc tham gia Chương trình GMS do ADB khởi xướng là bước đi đầu tiên của Việt Nam và Lào. Hai nước đánh giá cao tầm quan trọng của hợp tác GMS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước. Bên cạnh Chương trình GMS, hai nước tham gia nhiều cơ chế hợp tác khác của GMS, hỗ trợ tổ chức các sự kiện quan trọng của hợp tác tiểu vùng sông Mê Công, đóng vai trò chủ đạo trong cơ chế hợp tác Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam (CLV), chủ trì thực hiện rà soát và xây dựng quy hoạch lại Tam giác phát triển CLV đến năm 2020, xây dựng trang mạng riêng phát bằng bốn thứ tiếng (Anh, Việt Nam, Lào, Khơ-me). Hai nước chủ động phối hợp hiệu quả trong các mục tiêu, kế hoạch của Chương trình, củng cố quan hệ giữa hai nước; đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong tiểu vùng, với các đối tác quan trọng.
Góp phần hợp tác chặt chẽ tiểu vùng khu vực
Trên lĩnh vực kinh tế - thương mại, Việt Nam và Lào là hai nước đầu tiên trong tiểu vùng sông Mê Công triển khai thực hiện Hiệp định GMS, qua đó tăng cường sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan liên quan, giảm thời gian làm thủ tục đối với người, hàng hóa và phương tiện qua lại biên giới, giảm chi phí vận tải; đồng thời, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch và đầu tư dọc theo tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Hai nước cũng đã ký thỏa thuận phối hợp kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh theo mô hình “Một cửa, một điểm dừng” - một trong những cơ chế quan trọng - nhằm cụ thể hóa “Hiệp định tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng” đầu tiên tại hai cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đen-xa-van. Việc thực hiện cơ chế kiểm tra, kiểm soát theo mô hình “Một cửa, một điểm dừng” đánh dấu bước đột phá quan trọng về cải cách thủ tục hành chính tại cửa khẩu, tiến tới triển khai đồng bộ ở các cửa khẩu khác trong GMS.
Năm 2004, Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia đã tiến hành thành lập khu vực Tam giác phát triển CLV, phát huy lợi thế và tiềm năng, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng, hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, bao gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước (Việt Nam); Xê-công, At-ta-pu, Sa-ra-vẳn, Chăm-pa-sắc (Lào) và Stung-treng, Rat-ta-nắc Ki-ri, Mon-đun Ki-ri, Kra-ti (Cam-pu-chia). Các doanh nghiệp của ba nước tích cực hợp tác đầu tư vào khu vực Tam giác phát triển CLV với phương châm “vốn, kỹ thuật và thị trường của Việt Nam, lao động và tiềm năng đất đai của Lào và Cam-pu-chia”; riêng các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào Tam giác phát triển hơn 100 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 3,8 tỷ USD(3). Sự hợp tác giữa ba nước trong khu vực Tam giác phát triển CLV đã đạt được những thành tựu trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và nâng cấp mạng lưới giao thông, đặc biệt là các tuyến giao thông đường bộ. Việt Nam cơ bản hoàn thành hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ ở các khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), hỗ trợ Lào xây dựng trạm liên kiểm cửa khẩu Phou-ke-ua, hỗ trợ Cam-pu-chia xây dựng chợ biên giới O Ya-đáp ở tỉnh Ra-ta-nắc Ki-ri.
Việt Nam và Lào cùng Cam-pu-chia, Mi-an-ma và Thái Lan thiết lập cơ chế Chiến lược Hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công (ACMECS)(4) mà điểm nhấn chính của cơ chế hợp tác là hướng tới kết quả cụ thể với các dự án, chương trình nổi bật, như đẩy mạnh hợp tác kinh tế trong Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), Hành lang kinh tế Bắc - Nam (NSEC) và Hành lang kinh tế phía Nam (SEC); ký kết và triển khai nhiều thỏa thuận song phương và đa phương về vận tải, thủ tục hải quan, xuất, nhập cảnh nhằm tạo thuận lợi cho lưu thông người và hàng hóa qua biên giới.
Hợp tác Việt Nam - Lào trong các chương trình phát triển tiểu vùng Mê Công đã có những đóng góp quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của hai nước, cũng như các nước trong khu vực. Trong đó, hai nước đã tăng cường phối hợp chính sách ở tầm vĩ mô, tìm hướng đi thích hợp cho các cơ chế và khuôn khổ hợp tác. Hai nước luôn coi trọng các cơ chế hợp tác khu vực Mê Công và phối hợp chặt chẽ với các nước Mê Công cũng như các đối tác phát triển, có những đóng góp tích cực, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Việt Nam và Lào đã tham gia các sáng kiến hợp tác về kinh tế của GMS và đóng vai trò quan trọng trong thực hiện “Chiến lược năng lực cạnh tranh, liên kết cộng đồng” của hợp tác kinh tế GMS.
Hiện nay, Việt Nam và Lào là mắt xích quan trọng trong hành lang giao thông GMS, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc hình thành các hành lang kinh tế tiểu vùng GMS. Hai nước tăng cường xúc tiến thương mại và các biện pháp đầu tư, đẩy mạnh các hợp tác về thương mại, xuất, nhập khẩu và tăng cường tự do hóa, tạo thuận lợi cho thương mại - đầu tư nội vùng. Sự tham gia tích cực, chủ động cũng như sự phối hợp, hợp tác giữa Việt Nam và Lào góp phần quan trọng củng cố quan hệ hữu nghị và láng giềng thân thiện với các nước trong tiểu vùng, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của hai nước, từng bước nâng cao vai trò, vị thế và phát huy những lợi thế của hai nước trong tiểu vùng GMS.
Trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, Việt Nam và Lào ủng hộ mạnh mẽ Sáng kiến hợp tác GMS trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng. Nhiều tuyến giao thông quan trọng được xây dựng, góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng của hai nước và khu vực, như đường cao tốc Phnôm Pênh - Thành phố Hồ Chí Minh, hành lang giao thông Đông - Tây từ Muc-đa-han - Sa-văn-na-khẹt - Quảng Trị - Đà Nẵng, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, tuyến giao thông ven biển phía Nam từ Cà Mau tới Kiên Giang. Việt Nam đã xây dựng cao tốc Hà Nội - Lào Cai, kết nối với cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu, tạo điều kiện cho các địa phương có tuyến giao thông đi qua phát triển kinh tế - xã hội. Các tuyến giao thông kết nối Việt Nam với Lào cũng được thúc đẩy phát triển, trong đó có quốc lộ 217 (tiêu chuẩn cấp IV, dài 88,2km, hai làn xe, tốc độ 60km/h), nhằm tối đa hóa tiềm năng kinh tế của hành lang Đông Bắc GMS và giúp cho phía Bắc Lào tiếp cận thuận lợi với cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa)(5). Các hệ thống giao thông huyết mạch của Việt Nam cũng được nối trực tiếp với các tuyến đường bộ ASEAN và các hành lang quốc tế GMS, như: Hành lang Đông - Tây nối Đà Nẵng (Việt Nam) - Thái Lan tới các cảng nước sâu của Mi-an-ma để đi ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; Hành lang Bắc - Nam từ Vân Nam (Trung Quốc) qua Lào tới Thái Lan giúp cho vùng Tây Nam Trung Quốc có đường ra biển; hành lang dọc bờ biển phía Nam Việt Nam - Cam-pu-chia - Thái Lan tạo sự gắn kết GMS với các nước ASEAN biển, đảo và kéo sang Mi-an-ma để tới Ấn Độ. Việc mở rộng hợp tác với các đối tác lớn được đẩy mạnh, huy động được khoảng 21 tỷ USD(6) cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại sáu nước thành viên; riêng Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại 20 triệu USD cho 5 nước thành viên ASEAN trong Tiểu vùng sông Mê Công để xây dựng Mạng lưu thông hành lang Ðông - Tây nối liền bốn nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam và Hành lang Ðông - Tây 2 dài 1.000km để nối liền mạch máu kinh tế trong nội khối ASEAN(7).
Về hợp tác phát triển du lịch, theo số liệu của Tổ chức Du lịch thế giới, từ năm 2002, số lượng khách quốc tế đến GMS tăng liên tục, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 12%/năm. Năm 2008, số lượng khách du lịch đạt 26 triệu lượt; năm 2014 gần 54 triệu lượt khách, chiếm khoảng 20% tổng số khách du lịch đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương; năm 2016, con số này là 60 triệu lượt người(8); doanh thu du lịch quốc tế đạt trên 61 tỷ USD(9). Để bảo đảm đà tăng trưởng bền vững của du lịch tiểu vùng trong những năm tiếp theo, ngành du lịch sáu nước GMS đã nỗ lực, đóng góp có trách nhiệm nhằm tăng khả năng cạnh tranh với những khu vực khác trên thế giới, khẳng định thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài khu vực.
Việt Nam và Lào đã phối hợp tổ chức và tham gia các diễn đàn du lịch của tiểu vùng - một trong các chương trình ưu tiên đã được xác định trong khuôn khổ hợp tác kinh tế tiểu vùng. Hai nước cũng đã đạt thỏa thuận với Cam-pu-chia về những biện pháp liên kết mở rộng quảng bá tiềm năng văn hóa và du lịch của mỗi nước để thực hiện các chương trình du lịch, như: “Một điểm đến - Nhiều quốc gia”, “Tiểu vùng Mê Công - điểm đến”,... Việt Nam và Lào đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Hợp tác phát triển kinh tế - du lịch hành lang kinh tế Đông - Tây”. Hai nước cũng đã ký kết 3 nghị định thư và các phụ lục của Hiệp định GMS, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hành khách qua biên giới; thực hiện thí điểm những quy định của Hiệp định này về tiến hành kiểm tra hải quan tại một số cặp cửa khẩu dọc hành lang Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), góp phần thúc đẩy phát triển du lịch giữa các quốc gia, bảo đảm tính an toàn và hợp pháp.
Trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, hợp tác giữa Việt Nam, Lào cũng như các nước tiểu vùng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là việc khai thác và quản lý các nguồn lực tự nhiên tại sông Mê Công. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên lưu vực sông Mê Công, hai nước đã thông qua sáng kiến thành lập các hành lang bảo tồn đa dạng sinh học, nhấn mạnh việc bảo vệ rừng, coi đó là chiến lược sống còn vì sự phát triển bền vững của cả khu vực. Tại Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC), hai nước đã cùng với các nước thành viên đàm phán và hoàn thành các quy định, thủ tục về chia sẻ số liệu, giám sát sử dụng nguồn nước hiện nay, thông báo và trao đổi ý kiến trước về sử dụng nguồn nước, duy trì dòng chảy chính của sông Mê Công và ràng buộc trách nhiệm của các nước thành viên trong việc bảo vệ nguồn nước; phối hợp, tăng cường hợp tác trong MRC và các cơ chế hợp tác tiểu vùng; cùng các nước thành viên xây dựng Trung tâm Hợp tác nguồn nước Mê Công - Lan Thương; xây dựng các khuôn khổ pháp lý, trong đó có các quy chế ràng buộc đối với các quốc gia thành viên về chia sẻ công bằng, hợp lý nguồn tài nguyên nước, cùng nhau bảo vệ môi trường sinh thái lưu vực sông và thúc đẩy các dự án chung.
Việt Nam và Lào đã hợp tác trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Năm 1993, hai nước cùng các nước tiểu vùng và Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác phòng, chống ma túy. Trong khuôn khổ GMS, hai nước tham gia ba công ước quốc tế về phòng, chống ma túy, ký kết hàng chục điều ước và thỏa thuận quốc tế về hợp tác phòng, chống tội phạm với các nước. Hằng năm, hai nước cử các đoàn cán bộ dự các hội nghị, hội thảo chuyên đề, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan, như giám định ma túy, cai nghiện và phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy, kỹ thuật đấu tranh chống tội phạm ma túy... Đồng thời, lực lượng chuyên trách điều tra tội phạm ma túy của hai nước cùng các nước trong khu vực nâng cao hiệu quả đấu tranh ngăn chặn buôn lậu ma túy ở khu vực biên giới, phát hiện, bắt giữ nhiều băng nhóm tội phạm buôn lậu ma túy nguy hiểm, thu hồi số lượng ma túy lớn.
Trong hợp tác phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam và Lào thực hiện nhiều chương trình hợp tác song phương, cũng như huy động cả các cơ quan ngoài tiểu vùng tham gia với tư cách hỗ trợ và đóng vai trò nòng cốt. Về bản chất, các dự án phát triển nguồn nhân lực cấp tiểu vùng mang tính liên quốc gia, song vẫn được xây dựng trên cơ sở cụ thể của từng quốc gia. Hai nước ủng hộ và thông qua “Kế hoạch Phnôm Pênh về Phát triển quản lý GMS”. Tại cuộc họp của Nhóm làm việc về Phát triển nguồn nhân lực thuộc Chương trình GMS của ADB, hai nước đã đề xuất ý kiến xây dựng các chương trình phát triển nguồn nhân lực để phục vụ cho thương mại xuyên biên giới, phát triển nền kinh tế thông qua chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau.
Việt Nam và Lào đã tham gia Dự án “Kết nối Mê Công thông qua giáo dục và đào tạo của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ” (USAID COMET) nhằm phát triển lực lượng lao động ở 5 nước thuộc khu vực hạ lưu sông Mê Công; phối hợp cùng với các nước trong tiểu vùng tổ chức các dự án, tập huấn, tham quan thực tế, phát triển chương trình giảng dạy nhằm phát triển nguồn nhân lực; tổ chức các hội thảo quốc tế, công tác nghiên cứu khoa học; hợp tác cùng Thái Lan xây dựng nhóm 9 tỉnh có đường giao thông chạy qua quốc lộ 8 và quốc lộ 12 của Việt Nam, tạo điều kiện cho giáo viên, sinh viên và học sinh ở các trường đại học, trường phổ thông của ba nước được học hỏi ngôn ngữ, trao đổi văn hóa, cùng nhau hợp tác phát triển trong tương lai. Việt Nam đã xây dựng Quỹ học bổng CLMV (Cam-pu-chia - Lào - Mi-an-ma - Việt Nam), theo đó mỗi năm cung cấp học bổng, tiếp nhận nhiều cán bộ, sinh viên sang học; hỗ trợ xây dựng trường phổ thông nội trú tại tỉnh Sê-công (Lào) và Ra-ta-nắc Ki-ri (Cam-pu-chia). Đây là một trong số các dự án điểm đầu tiên được thực hiện và cũng là kết quả nổi bật của cơ chế hợp tác CLMV.
Sự tham gia tích cực, chủ động cũng như sự phối hợp, hợp tác giữa Việt Nam và Lào góp phần quan trọng củng cố quan hệ hữu nghị và láng giềng thân thiện với các nước trong tiểu vùng, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của hai nước, từng bước nâng cao vai trò, vị thế và phát huy những lợi thế của hai nước trong tiểu vùng sông Mê Công.
Có thể thấy, quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào không chỉ diễn ra ở cấp độ song phương mà còn được tăng cường trong các hợp tác đa phương. Trong khuôn khổ hợp tác GMS, Việt Nam và Lào đã và đang hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau hiệu quả. Thông qua hợp tác, sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam và Lào đã có những đóng góp quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước; tiềm lực kinh tế của cả hai nước không ngừng được nâng cao, quan hệ đối ngoại được mở rộng, tạo bước chuyển biến lớn trong vị thế của mỗi quốc gia, khẳng định tính độc lập, tự chủ trong đường lối, chính sách phát triển và hội nhập quốc tế. Từ sự hợp tác chặt chẽ và có trách nhiệm trong GMS, Việt Nam và Lào góp phần tạo dựng tinh thần hợp tác, sự gắn kết trong các quốc gia GMS nói riêng, Cộng đồng ASEAN (AC) nói chung; đồng thời, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Những kết quả đạt được không chỉ mang lại các lợi ích về kinh tế, chính trị, an ninh, văn hóa - xã hội cho cả hai nước, bảo đảm môi trường ổn định, giúp hai nước tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong tiểu vùng, các nước đối tác của GMS, qua đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam và Lào trong khu vực và trên trường quốc tế mà thông qua đó, quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào được củng cố, nâng tầm, đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi nước trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong GMS vẫn còn những hạn chế nhất định: một số nội dung, chương trình hợp tác còn chậm được đổi mới, chưa đáp ứng được tốt nhất yêu cầu phát triển của mỗi nước; cơ cấu tổ chức, quản lý, giải quyết các vấn đề hợp tác trong tiểu vùng chưa thực sự hiệu quả, nhất là việc khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mê Công. Đây là những vấn đề tồn tại trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ GMS, đòi hỏi hai nước cần khắc phục để việc hợp tác đạt được nhiều kết quả bền vững trong thời gian tới./.
-----------------------------
(1) Báo điện tử Chính phủ: Tổng quan về GMS và sự tham gia của Việt Nam, http://baochinhphu.vn/Hoi-nghi-Thuong-dinh-GMS-6-va-Hoi-nghi-Cap-cao-CLV-10/Tong-quan-ve-GMS-va-su-tham-gia-cua-Viet-Nam/332772.vgp, ngày 10-2-2020
(2) Thông tấn xã Việt Nam: Hội nghị GMS6-CLV10: Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6, https://gms6-clv10.vnanet.vn/tin-tuc/hoi-nghi-gms6-clv10-tuyen-bo-chung-cua-hoi-nghi-thuong-dinh-tieu-vung-mekong-mo-rong-lan-thu-6/1f636525-00ec-450b-afd1-e6d4b0a7aac6, ngày 10-2-2020
(3) Báo điện tử Chính phủ: Mê Công: Dòng sông hợp tác và phát triển, http://baochinhphu.vn/Cac-bai-phat-bieu-cua-Thu-tuong/Me-Cong-Dong-song-hop-tac-va-phat-trien/332867.vgp, ngày 10-2-2020
(4) ACMECS được thành lập vào tháng 11-2003 tại Hội nghị cấp cao Ba-gan (Mi-an-ma) theo sáng kiến của Thủ tướng Thái Lan Thạc-xỉn Si-na-oa-tra với bốn nước thành viên là Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Thái Lan. Việt Nam chính thức tham gia ACMECS tại Hội nghị Bộ trưởng ACMECS lần thứ nhất, tổ chức tại Thái Lan, tháng 1-2004
(5) Quốc lộ 217 bắt đầu từ ngã ba Đồng Tâm (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa), kết thúc tại cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa) - Nam-soi (Ho-ua-phanh), được khởi công từ tháng 6-2013, thông xe vào tháng 01-2016 với tổng mức đầu tư 97,4 triệu USD (vốn vay ưu đãi của ADB là 75 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 22,4 triệu USD); dự án nâng cấp giai đoạn 2 được triển khai từ tháng 3-2018 với tổng nguồn vốn 732,339 triệu USD (từ nguồn vốn của ADB và 7 triệu USD đối ứng của Chính phủ Việt Nam)
(6) Trong khuôn khổ hợp tác GMS, ADB đã tài trợ 2,1 tỷ USD vốn và 3,1 tỷ USD chi phí xây dựng hạ tầng cơ sở ở khu vực; Nhật Bản hỗ trợ khoảng 13 tỷ USD, Mỹ: 50 triệu USD, Ấn Độ: 1 triệu USD (thường niên), Hàn Quốc: 1 triệu USD (thường niên) và dự kiến sẽ tăng lên 2 triệu USD trong thời gian tới; Trung Quốc cũng có kế hoạch đầu tư khoảng 10 tỷ USD cho tiểu vùng và cam kết đóng góp 300 triệu USD cho Quỹ đặc biệt hợp tác Mê Công - Lan Thương...
(7) Báo Nhân Dân: Tăng cường hợp tác tiểu vùng Mê Công, https://www.nhandan.com.vn/thegioi/item/
7813702-.html, ngày 10-2-2020
(8) Thông tấn xã Việt Nam: Hội nghị GMS6-CLV10: Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 6, Tlđd
(9) Báo Đầu tư: Khai thác tiềm năng du lịch Tiểu vùng Mê Công mở rộng, http://baodautu.vn/khai-thac-tiem-nang-du-lich-tieu-vung-me-kong-mo-rong-d28462.html, ngày 10-2-2020
Dấu ấn mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa tỉnh Quảng Bình (Việt Nam) và tỉnh Khăm Muộn (Lào) trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI  (26/04/2020)
Việt Nam quan tâm, theo dõi sát tình hình phức tạp ở vùng biển của một số nước ASEAN  (22/04/2020)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 về ứng phó dịch COVID-19  (27/03/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển