Hợp tác kết nghĩa các ngành, địa phương, thúc đẩy đối ngoại nhân dân giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn
TCCS - Trong thời gian qua, hợp tác kết nghĩa các ngành, địa phương, thúc đẩy đối ngoại nhân dân giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn đã góp phần gìn giữ và vun đắp phát triển truyền thống đoàn kết, tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào, nhằm thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước.
Với chiều dài 2.340km, đường biên giới Việt Nam - Lào đi qua 10 tỉnh của Lào và 10 tỉnh của Việt Nam, trong đó đoạn biên giới thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa giáp với Lào dài 192km, đi qua 53 bản, 16 xã, của 5 huyện là Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân và 11 xã thuộc 3 huyện của tỉnh Hủa Phăn là Sốp Bâu, Viêng Xay, Sầm Tớ. Từ quan hệ láng giềng thân thiết “chung rẫy, chung đồi”, “uống nước chung dòng”, “là sợi cùng dây, là cây cùng khóm”, tỉnh Thanh Hóa đóng vai trò căn cứ hậu phương, cơ sở kháng chiến trực tiếp của cách mạng Lào (huyện Thọ Xuân và huyện Lang Chánh). Những tiền đề vững chắc này đã tạo nên nền tảng cho tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện về mọi mặt để bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Từ sự hợp tác của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh...
Với chủ trương cùng nhau xây dựng chiến lược hợp tác, cùng phát triển hành lang Đông - Tây, hằng năm, lãnh đạo hai tỉnh Hủa Phăn và Thanh Hóa tích cực luân phiên tổ chức các cuộc gặp mặt chính thức giữa lãnh đạo chủ chốt của hai tỉnh thông qua các cuộc hội đàm, ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh... Các cuộc trao đổi, gặp gỡ ở các cấp, các ngành cũng được hai bên tăng cường thường xuyên (từ năm 2000 đến năm 2019 đã có 825 cuộc). Quan hệ hợp tác hai tỉnh cũng ngày càng đi vào chiều sâu, trong đó chú trọng trao đổi kinh nghiệm để triển khai thực hiện các nội dung thỏa thuận và phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh, qua đó, góp phần phát triển tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào; tình đoàn kết gắn bó lâu đời giữa nhân dân hai tỉnh và nhân dân các vùng biên giới được chăm lo, vun đắp, cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và bền vững lâu dài, góp phần làm tăng thêm sức mạnh của mỗi tỉnh trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, quê hương.
Các hoạt động hợp tác giữa các sở, ngành cấp tỉnh của hai bên được quan tâm kịp thời. Tại cuộc gặp gỡ ký kết Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2016 - 2020 giữa Ủy ban Chính quyền tỉnh Hủa Phăn và đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Thanh Hóa (năm 2016), hai bên đã khẳng định, hai tỉnh tiếp tục duy trì, củng cố và tăng cường tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Thanh Hóa - Hủa Phăn, cùng nhau tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức chính trị, đoàn thể quần chúng, các ngành hữu quan, địa phương tăng cường giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường sự hiểu biết và thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết đặc biệt giữa hai tỉnh. Trên cơ sở đó, nhiều sở, ngành có liên quan của hai tỉnh đã triển khai việc ký kết hợp tác song phương và tổ chức các hoạt động hợp tác: Sở Nông lâm tỉnh Hủa Phăn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hủa Phăn và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa; Sở Tư pháp tỉnh Hủa Phăn và Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa; Liên hiệp Công đoàn tỉnh Hủa Phăn và Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa; Ban Chỉ huy an ninh tỉnh Hủa Phăn và Công an tỉnh Thanh Hóa; Ban Kiểm tra - Thanh tra tỉnh Hủa Phăn với Ban Kiểm tra - Thanh Tra tỉnh Thanh Hóa... Đến năm 2019, đã có 25 đơn vị của tỉnh Thanh Hóa ký kết chương trình hợp tác với phía bạn nhằm triển khai các nội dung thỏa thuận giữa hai tỉnh, đồng thời hỗ trợ giúp đỡ nhau thực hiện nhiệm vụ chính trị, trao đổi kinh nghiệm và triển khai các nhiệm vụ liên quan đến việc bảo vệ biên giới quốc gia.
Các đơn vị kết nghĩa của hai tỉnh duy trì định kỳ mỗi năm một lần để kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện thỏa thuận hợp tác trong thời gian qua, thống nhất ký kết nội dung hợp tác cho những năm tiếp theo. Các tổ chức chính trị - xã hội (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh...), các huyện, xã biên giới, các ngành, cơ quan, trường học, bệnh viện... đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, học tập kinh nghiệm, giúp đỡ nhau, tăng cường sự hiểu biết và thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa hai tỉnh. Ngoài ra, các hoạt động cộng đồng được nhân dân hai bên thực hiện có hiệu quả, như: hoạt động tình nguyện, các đoàn khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp, phát thuốc miễn phí; tổ chức thăm, tặng quà những gia đình chính sách, trẻ em học giỏi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; dọn vệ sinh môi trường quanh khu dân cư; tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao; tư vấn, chuyển giao khoa học - công nghệ, kỹ thuật cho bà con nhân dân ở các huyện... Trong công tác kết nghĩa, vấn đề quan tâm hàng đầu là liên kết, hợp tác kinh tế, hai bên cùng có lợi để phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân bảo đảm tính thiết thực và hiệu quả cao.
... đến hoạt động kết nghĩa ở cấp huyện, xã biên giới
Huyện, xã, cụm cư dân biên giới là lực lượng thường trực tại chỗ có vai trò đặc biệt quan trọng trong thế trận toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, đồng thời, đây cũng là lực lượng góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với nước láng giềng. Với phương châm cùng nhau phát triển, các huyện biên giới của hai tỉnh đã phối hợp đẩy mạnh nội dung kết nghĩa để giúp nhau trong sản xuất, bảo vệ đường biên giới hữu nghị và bảo vệ quê hương của mỗi bên theo tinh thần xây dựng vùng hậu phương chiến lược trên địa bàn hai tỉnh.
Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh giữa hai tỉnh Hủa Phăn - Thanh Hóa, ủy ban nhân dân các huyện biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn cùng thống nhất chủ trương và xây dựng kế hoạch thực hiện việc kết nghĩa giữa các cặp huyện hai bên biên giới, bảo đảm nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia, phù hợp với hiệp định, quy chế biên giới mà hai nước, hai tỉnh đã ký kết. Nội dung kết nghĩa tập trung vào những vấn đề chủ yếu như: Nhân dân hai bên biên giới phối hợp cùng nhau bảo vệ hiện trạng đường biên, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới; thực hiện tốt các hiệp định, quy chế biên giới; thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình và phối hợp tham gia đấu tranh ngăn chặn các hoạt động vượt biên, xâm nhập chủ quyền lãnh thổ, xâm phạm tài nguyên, phá hoại môi trường, di cư tự do, chống các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, buôn bán, vận chuyển, sử dụng các chất ma túy, vũ khí, vật liệu nổ trái phép, buôn bán người qua biên giới; hỗ trợ phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, giúp nhau lao động, sản xuất, phát triển kinh tế; bài trừ các hủ tục lạc hậu; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao... Giáo dục cho cán bộ, nhân dân hai bên tham gia tự quản đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh, trật tự thôn, bản khu vực biên giới, cùng nhau tôn trọng và giữ gìn truyền thống đoàn kết, tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào, vì lợi ích của nhân dân hai tỉnh.
Ngày 17-12-2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành chủ trương “mỗi huyện chọn một bản đối diện với Bạn làm trước, sau đó triển khai ở các bản đối diện còn lại”. Sau đó, tại các hội nghị ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2016 - 2020, trong các năm 2018, 2019, hai tỉnh tiếp tục khẳng định và cùng thống nhất chủ trương “tiếp tục đẩy mạnh triển khai mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên”. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng, phòng, ban chức năng và các xã làm tốt công tác tuyên truyền, động viên đồng bào các dân tộc hai bên biên giới tích cực hưởng ứng việc tổ chức kết nghĩa và cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung đã cam kết giữa hai bên.
Hoạt động kết nghĩa giữa các địa phương trong tỉnh được thúc đẩy. Huyện Quan Hóa kết nghĩa, trao đổi với huyện Xiềng Khọ và Viêng Xay; huyện Thường Xuân, Lang Chánh hợp tác với huyện Sầm Tớ. Cách thức trao đổi định kỳ 6 tháng 1 lần, hai bên tổ chức cuộc gặp gỡ với địa điểm luân phiên. Qua các cuộc trao đổi, hai bên cùng giải quyết những vấn đề đặt ra liên quan đến đời sống của nhân dân dọc biên giới, trao đổi kinh nghiệm công tác tổ chức sản xuất, đời sống, trao đổi về công tác văn hóa quần chúng; tăng cường tình đoàn kết, cùng nhau trong sản xuất và bảo vệ biên giới hữu nghị lâu dài.
Các hoạt động đối ngoại nhân dân, thăm tặng quà, chúc mừng dịp Tết cổ truyền được các huyện biên giới của hai bên đặc biệt quan tâm. Hai bên cũng tích cực hợp tác để ổn định dân cư ở các xã biên giới, khai thác hiệu quả tài nguyên đất, các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng, nâng cao đời sống nhân dân, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng - an ninh, giữ gìn tình đoàn kết vùng biên giới và tình hữu nghị hai tỉnh, hai nước Việt Nam - Lào. Bắt đầu từ năm 2014, hai tỉnh triển khai mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới tại các cặp bản Na Mèo thuộc xã Na Mèo, huyện Quan Sơn và Bản Lơi thuộc cụm Mường Pún, huyện Viêng Xay; cặp bản Hin, xã Mừng Chanh, huyện Mường Lát và Bản Pó, cụm Mường Cáng, huyện Viêng Xay; cặp bản Kéo Hượn, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát và bản Khăm Nàng, cụm Nặm Ngà, huyện Viêng Xay. Từ năm 2016 đến năm 2019, bộ đội biên phòng hai tỉnh tiếp tục phối hợp với các huyện miền núi kết nghĩa thêm các cặp bản dọc biên giới hai tỉnh, nâng tổng số các cặp bản đã kết nghĩa trên tuyến biên giới tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn lên 26 cặp bản.
Thông qua hoạt động kết nghĩa, nhân dân hai bên biên giới nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với chủ quyền lãnh thổ quốc gia của mỗi nước, cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xã hội, xây đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai bên biên giới. Đặc biệt, thông qua các hoạt động đối ngoại nhân dân, hai bên cùng phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Lào.
Để quan hệ hợp tác và mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới ngày càng hiệu quả, thiết thực
Trong quá trình thực hiện hợp tác giữa các địa phương hai tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn đặt ra cần giải quyết, như địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là rừng núi hiểm trở; dân cư thưa thớt, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhiều hạn chế, nguồn lực đầu tư còn ít; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống thiếu đồng bộ nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; nhiều thôn, bản thiếu nước, điện lưới sinh hoạt, nhiều nơi không có sóng truyền hình... Điều này dẫn đến không ít khó khăn trong quá trình xúc tiến hợp tác kết nghĩa.
Mặt khác, trình độ dân trí của nhân dân hai bên biên giới còn thấp, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, phong tục, tập quán sinh hoạt còn lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; đội ngũ cán bộ trình độ, năng lực còn hạn chế nên chưa chủ động thúc đẩy kết nối, hợp tác giữa hai bên.
Một trở ngại khác cho quá trình hợp tác hai bên biên giới Hủa Phăn và Thanh Hóa đó là sự chống phá, kích động, lôi kéo, chia rẽ mối quan hệ hai nước Việt Nam - Lào của các thế lực thù địch, nhất là tuyên truyền việc thành lập “Nhà nước Mông” tự trị; truyền đạo trái pháp luật,... làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hợp tác, kết nghĩa giữa các địa phương hai bên biên giới Hủa Phăn - Thanh Hóa.
Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác kết nghĩa giữa các địa phương hai bên biên giới Việt Nam - Lào nói chung, của hai tỉnh Hủa Phăn và Thanh Hóa nói riêng, cần thể hiện sự vận dụng sáng tạo đường lối, quan điểm của hai Ðảng trong xây dựng mối quan hệ hợp tác hai bên, cùng nhau chủ động phòng ngừa, phát hiện, giải quyết có hiệu quả những vấn đề đặt ra liên quan đến biên giới hai bên, cùng nhau giữ vững ổn định chính trị ở khu vực biên giới, tăng cường mối quan hệ giữa hai tỉnh, hai dân tộc. Theo đó, một số vấn đề cần quan tâm:
Chính phủ, Nhà nước cần kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, tạo hành lang pháp lý để các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị vận dụng triển khai thực hiện, bảo đảm sự thống nhất từ Trung ương đến cơ sở; quan tâm đến nguồn kinh phí cho các địa phương thực hiện các vấn đề về biên giới, các nhiệm vụ liên quan đến công tác an ninh, trật tự, trong đó có danh mục đầu tư kinh phí bảo đảm cho hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới.
Tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn nắm vững phương châm, nguyên tắc chỉ đạo của Trung ương, đồng thời tổ chức tuyên truyền, giáo dục quan hệ hợp tác hai bên cho từng chòm, bản, từng người dân ở khu vực biên giới, đưa nội dung kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới vào các chương trình hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh. Từ đó, xác định mục tiêu, phương hướng, giải pháp chỉ đạo thực hiện đồng bộ, thống nhất trên toàn tuyến biên giới hai tỉnh. Hằng năm, tiến hành tổ chức hội nghị tập huấn cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của các đồn biên phòng, các phòng nghiệp vụ ở cấp tỉnh, huyện, xã, các già làng, trưởng bản để vận động đồng bào, động viên nhân dân hai bên biên giới thực hiện tốt công tác quy chế biên giới, tôn trọng luật pháp và phong tục của nhau, hiểu rõ, nắm chắc các chương trình, kế hoạch, hiệp định hợp tác hai bên, cùng nhau bảo vệ tốt đường biên, củng cố, phát huy tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc và nhân dân hai tỉnh Hủa Phăn - Thanh Hóa.
Tăng cường trao đổi thông tin, hằng năm, lãnh đạo cấp cao hai tỉnh cần tiếp tục tổ chức các cuộc gặp gỡ luân phiên để trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo, định hướng kế hoạch hợp tác theo tinh thần chỉ đạo của hai Đảng, hai Nhà nước. Mặt khác, tăng cường chỉ đạo các ngành hữu quan, các địa phương có chung đường biên giới của hai tỉnh gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình hợp tác và an ninh biên giới hai bên.
Tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, các hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn của hai bên, như ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, ngày truyền thống kết nghĩa; tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm, các hoạt động phù hợp nhân các ngày lễ và các sự kiện trọng đại của hai nước, hai tỉnh.
Các huyện, xã biên giới thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình, trên cơ sở các nội dung kết nghĩa, cụ thể hóa thành hoạt động, giúp cụm dân cư biên giới hai bên thực hiện chương trình kết nghĩa đạt hiệu quả thiết thực. Các huyện biên giới xây dựng kế hoạch, lập dự toán kinh phí hằng năm bảo đảm điều kiện thuận lợi cho hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới phát triển bền vững, góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào nói chung và hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn nói riêng./.
Việt Nam - Lào: Tiếp tục thúc đẩy quan hệ chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng đi vào chiều sâu  (05/01/2020)
Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào: Mối quan hệ đặc biệt xuyên thế kỷ  (01/12/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên