Tiếp tục vun đắp quan hệ hữu nghị vĩ đại và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào
TCCS - Nhằm thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, ngày 7-12-2019, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về thúc đẩy hợp tác với Lào; tại tỉnh Nghệ An, Hội thảo “Tiếp tục vun đắp quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm công tác dân tộc” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Dân tộc (Việt Nam) phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, Bộ Nội vụ Lào tổ chức.
* Ngày 7-12-2019, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về thúc đẩy hợp tác với Lào. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, cơ quan.
Qua kiểm điểm kết quả hợp tác thời gian qua, các bộ, cơ quan, địa phương cả nước có nhiều cố gắng, vượt qua những khó khăn của môi trường kinh tế, thương mại quốc tế, khu vực suy giảm, hai nước Việt Nam và Lào đều chịu nhiều thiên tai, hạn hán nặng nề, nhưng trong 10 tháng qua, hợp tác thương mại là một điểm sáng, với kim ngạch thương mại đạt 940 triệu USD, ước cả năm 2019 đạt 1,1 - 1,2 tỷ USD, tăng 12,6% (vượt mục tiêu hai Chính phủ đề ra là 1 tỷ USD và tăng 10%/năm). Trong đó, Lào xuất khẩu gần 400 triệu USD (tăng 16%), là nỗ lực lớn, thể hiện sức cạnh tranh tăng lên của nền kinh tế Lào.
Đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào là 413 dự án, với tổng vốn 4,22 tỷ USD, nhiều công trình tiêu biểu đạt kết quả tích cực, như Liên doanh viễn thông của Viettel, các dự án của Tập đoàn Cao su với hàng vạn héc-ta, Ngân hàng Lào - Việt, Nhà máy thủy điện Xê-ca-mản 1... Việt Nam đồng ý mua 1.200 MW điện của Lào, vượt mức kế hoạch đề ra là 1.000 MW của năm 2020 và sẽ tăng mua tới 5.000 MW đến năm 2030, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho Lào phát triển kinh tế - xã hội.
Hằng năm, Việt Nam viện trợ không hoàn lại cho Lào (giai đoạn 2016 - 2020 là 3.250 tỷ đồng), năm tài khóa 2019 là 707 tỷ đồng (tăng 18,4% so với năm 2018), phát triển nhiều dự án kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án giao thông, năng lượng, đào tạo cán bộ, an sinh xã hội... Năm 2019, có khoảng 5 dự án viện trợ hoàn thành, đạt chất lượng, đưa vào sử dụng; mở mới 2 dự án; công trình Nhà Quốc hội Lào đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra; sân bay Nọng Khang được tích cực triển khai để sớm hoàn thành. Đầu năm 2019, Việt Nam hỗ trợ kịp thời 300 tấn hạt giống lúa giúp Lào khôi phục sản xuất sau thiên tai. Trao hơn 1.000 suất học bổng cho học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam; cử giáo viên sang Lào giảng dạy tiếng Việt. Bên cạnh đó, các địa phương, các ngành trực tiếp hỗ trợ đối tác Lào, ước tính khoảng 200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong hợp tác, một số dự án của hai bên thực hiện bị chậm giải ngân, vướng mắc về thủ tục, khó khăn về nguồn vốn..., như Thủy điện Luông Phra-bang, Muối mỏ Kali, Thủy điện Xê-ca-mản 3, hợp tác cảng Vũng Áng...
Trên tinh thần hợp tác quan hệ đặc biệt Việt - Lào, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp nhân dân nước bạn (Lào) tức là mình tự giúp mình”, Thủ tướng và Thường trực Chính phủ có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hợp tác, chuẩn bị cho phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Việt - Lào do Thủ tướng hai nước chủ trì vào đầu quý I-2020, mở ra những phương hướng hợp tác mới, đưa quan hệ anh em thân thiết Việt - Lào đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
** Ngày 7-12-2019, tại tỉnh Nghệ An, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Dân tộc (Việt Nam) phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, Bộ Nội vụ Lào tổ chức hội thảo “Tiếp tục vun đắp quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm công tác dân tộc”.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Xay Xỏm Phon Phôm Vi Hản; lãnh đạo các ban, bộ, ngành và địa phương của hai nước cùng 300 đại biểu.
Hội thảo là dịp để phân tích một cách sâu sắc, toàn diện các vấn đề về vai trò của hệ thống chính trị các cấp, của cộng đồng các dân tộc thiểu số, người có uy tín sinh sống dọc tuyến biên giới Việt Nam - Lào trong việc vun đắp truyền thống hữu nghị vĩ đại giữa hai nước. Đồng thời hướng tới những mục tiêu chung trong bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng dân tộc thiểu số miền núi; công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng vững chắc thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm hay, những bài học quý trong công tác dân tộc của hai nước.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, đây là cơ hội để thắt chặt hơn, thắm tình đoàn kết keo sơn giữa hai dân tộc, hai đất nước, cũng như sự thân thiết ruột thịt giữa các dân tộc hai bên dãy Trường Sơn.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, năm 2019 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Lào Thoong-lun Xi-xu-lít, từ ngày 1 đến ngày 3-10-2019, hai bên đã ra Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Lãnh đạo cấp cao hai nước khẳng định quyết tâm gìn giữ, vun đắp, phát triển mối quan hệ hai nước trên tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí tự lực, tự cường, phát huy thế mạnh và khả năng của hai bên; đồng thời không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng hợp tác vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển khu vực và trên thế giới.
Đồng chí Xay Xỏm Phon Phôm Vi Hản, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước cho rằng, mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống tốt đẹp lâu đời giữa hai nước được hai Đảng, nhân dân hai nước không ngừng vun đắp, trở thành tấm gương mẫu mực, thủy chung, trong sáng, vững bền, hiếm có trong quan hệ quốc tế nhiều biến động hiện nay.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu về công tác giảm nghèo và phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi; bài học về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống dọc tuyến biên giới Việt - Lào; kinh nghiệm xây dựng khối đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc thiểu số trong bối cảnh hội nhập quốc tế..../.
Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
Hội Cựu chiến binh Việt Nam luôn trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc  (04/12/2019)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác quân sự, quốc phòng năm 2019  (02/12/2019)
Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào: Mối quan hệ đặc biệt xuyên thế kỷ  (01/12/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên