Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 28-01 đến 03-02-2019)
TCCSĐT - Sau những tiến bộ tích cực nhằm chấm dứt tình trạng căng thẳng thương mại kéo dài tại cuộc đàm phán thương mại cấp thứ trưởng hồi đầu tháng 01-2019, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đạt được tiến bộ quan trọng tại vòng đàm phán diễn ra ngày 30 và 31-01. Đây tiếp tục được coi là bước tiến mới trong việc giải quyết tình trạng căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này.
Tiến triển tại cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung
Vòng đàm phán ngày 31-01. Ảnh: TTXVN
Ngày 01-02, Tân Hoa Xã dẫn một tuyên bố của phái đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc cho biết, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đã đạt tiến bộ quan trọng trong các cuộc đàm phán vừa diễn ra tại Washington khi hai bên xóa bỏ những bất đồng và khác biệt xung quanh các chính sách sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ của Bắc Kinh.
Tuyên bố nêu rõ đến thời điểm hiện tại, hai bên đã tiến hành “các cuộc thảo luận thẳng thắn, cụ thể và hiệu quả”. Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ D. Trump cũng thông báo các cuộc họp diễn ra “tốt đẹp với thiện chí và tinh thần tốt từ cả hai bên” và hoan nghênh tiến triển đạt được trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Ông nhấn mạnh hai đoàn đàm phán đang nỗ lực để hoàn tất thỏa thuận trước khi Mỹ tăng thêm 25% thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vào đầu tháng 3 tới. Tại cuộc đàm phán thương mại cấp thứ trưởng này, Mỹ và Trung Quốc cũng nhất trí tổ chức một cuộc đàm phán cấp bộ trưởng, trong đó có sự tham gia của Đại diện Thương mại Mỹ R. Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
Thực tế cho thấy, việc Trung Quốc và Mỹ lao vào một cuộc chiến thương mại trong nửa cuối năm 2018 đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế hai nước cũng như được dự báo gây tổn hại nền kinh tế toàn cầu. Với Trung Quốc, kinh tế nước này suy giảm nhanh hơn dự đoán. Một số cố vấn chính phủ, chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chính thức của Trung Quốc trong quý IV/2018 rơi xuống dưới mức 6,5% - một con số gây khiến nhiều chuyên gia và giới đầu tư tranh cãi. Dù vẫn ở ngưỡng cao theo tiêu chuẩn toàn cầu, nhưng tốc độ tăng trưởng như vậy là thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Các cố vấn về chính sách kinh tế cho Trung Quốc dự báo tăng trưởng còn suy giảm trong những tháng tới đây. Nền kinh tế chắc chắn sẽ đối diện với sức ép suy thoái lớn hơn. Mức độ tồi tệ như thế nào, gói kích thích kinh tế có tác động đến đâu sẽ phụ thuộc vào việc căng thẳng thương mại với Mỹ có sớm kết thúc hay không. Trong khi đó về phía Mỹ cũng xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ bắt đầu chậm lại trong thời gian gần đây. Hoạt động sản xuất của nền kinh tế hàng đầu thế giới này trong tháng 12-2018 đã giảm mức lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Theo các nhà kinh tế của Ngân hàng Mỹ, dự báo tăng trưởng kinh tế nước này sẽ chậm hơn vào năm 2019, dưới 2%, do tác động từ căng thẳng thương mại với Trung Quốc.
Các chuyên gia phân tích nhận định, mục đích của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung lần này là “đạt được sự thay đổi về cấu trúc cần thiết” nhằm tránh ảnh hưởng đến thương mại song phương. Chính vì vậy, việc Mỹ và Trung Quốc đạt được tiến bộ quan trọng tại cuộc đàm phán tiếp tục là một bước tiến tích cực trong việc giải quyết căng thẳng giữa hai nước.
Thêm một bước tiến giữa Trung Quốc và Ấn Độ về các vấn đề biên giới
Binh sỹ Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực biên giới giáp ranh. Ảnh: TTXVN
Cuộc họp Cơ chế tham vấn và điều phối về các vấn đề biên giới Trung Quốc - Ấn Độ lần thứ 13 được tổ chức tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) trong hai ngày 29 và 30-01 kết thúc với kết quả khả quan khi hai nước nhất trí duy trì hòa bình ở khu vực biên giới.
Hơn nửa thế kỷ qua, kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao 01-4-1950, Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đồng tác giả của “Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình” đã trải qua một mối quan hệ không mấy bằng phẳng. Chung đường biên giới dài 4.056 km, là hai quốc gia đông dân nhất thế giới, hai nền kinh tế quan trọng của khu vực cũng như trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), Trung Quốc và Ấn Độ là cặp song hành đặc biệt mà sự nổi lên của cả hai trên sân khấu địa - chính trị và kinh tế thế giới đã trở thành một trong những đặc trưng tiêu biểu của lịch sử đối ngoại toàn cầu những năm đầu thế kỷ XXI.
Với vị trí chiến lược, thực lực kinh tế, quân sự trong bối cảnh toàn cầu hóa góp phần cải thiện nhanh chóng vị thế của hai nước trên trường quốc tế. Vai trò đang lên của Trung Quốc và Ấn Độ đóng góp đáng kể vào nỗ lực cân bằng hệ thống chính trị toàn cầu, góp phần quyết định vào hành trình chuyển dịch trọng tâm quyền lực thế giới về phía Đông đang diễn ra. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là việc chung “bức vách” Himalaya hiểm trở chưa đủ để làm bền vững không gian hữu nghị. Đó chính là do cuộc tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ kéo dài trong nhiều thập niên qua. Nguyên nhân bắt nguồn từ những tranh chấp khu vực biên giới Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát và bang Arunachal Pradesh thuộc sự quản lý của Ấn Độ.
Cuộc họp Cơ chế tham vấn và điều phối về các vấn đề biên giới Trung Quốc - Ấn Độ lần thứ 13 này đã xem xét và đánh giá tình hình dọc các khu vực biên giới Trung Quốc - Ấn Độ kể từ cuộc họp lần trước, trao đổi quan điểm sâu rộng về việc thúc đẩy sự tin cậy đôi bên và đẩy mạnh các cuộc tham vấn sớm thu hoạch thành quả. Kết thúc cuộc họp, hai phái đoàn Trung Quốc và Ấn Độ đã nhất trí tuân thủ đường lối của sự đồng thuận mà lãnh đạo hai nước từng đạt được cũng như sự ủy nhiệm các đặc phái viên của hai nước về vấn đề biên giới, tăng cường trao đổi thông tin liên lạc và điều phối mang tính xây dựng, đồng thời đẩy mạnh xây dựng các biện pháp tin cậy lẫn nhau để chung tay duy trì hòa bình ở khu vực biên giới cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững và lành mạnh các mối quan hệ Trung - Ấn.
Việc Trung Quốc và Ấn Độ nhất trí duy trì hòa bình ở khu vực biên giới lần này tiếp tục được coi là một tín hiệu tích cực nữa trong việc xây dựng lòng tin giữa hai nước.
Tín hiệu tích cực cho tiến trình hòa bình tại Afghanistan
Đặc phái viên Mỹ về hòa bình Afghanistan Zalmay Khalilzad. Ảnh: TTXVN
Ngày 27-01, các quan chức ngoại giao Qatar cho biết, vòng hòa đàm tiếp theo giữa Mỹ và lực lượng Taliban tại Afghanistan dự kiến diễn ra vào ngày 25-02 tới. Cùng với việc trước đó, các bên liên quan đã hoàn tất các điều khoản trong dự thảo thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt 17 năm xung đột, những tín hiệu tích cực đã xuất hiện trong tiến trình hòa bình tại quốc gia Nam Á đầy bất ổn này.
Có thể thấy, trong nhiều năm qua, Taliban đã trở thành vấn đề đau đầu không chỉ của chính quyền Afghanistan và Pakistan, mà còn là bài toán nan giải đối với chính quyền Mỹ, bởi nước Mỹ đã sa lầy trong cuộc chiến tại đây. Dưới thời của Tổng thống B. Obama, nhằm mở đường cho sự rút lui khỏi Afghanistan, chính quyền Mỹ đã ký với Afghanistan Thỏa thuận An ninh song phương (BSA), theo đó, Mỹ kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại quốc gia Nam Á này vào tháng 12-2014 và chỉ duy trì một lực lượng gồm 13.000 binh sĩ để huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng an ninh sở tại trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong khi đó, các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Mỹ cũng kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại Afghanistan và chỉ duy trì khoảng 3.000 binh sĩ đồn trú với nhiệm vụ hỗ trợ huấn luyện lực lượng an ninh Afghanistan.
Tuy nhiên, sau khi Mỹ và các đồng minh NATO rút hết quân chiến đấu về nước, Afghanistan đã rơi vào tình trạng an ninh bất ổn do các cuộc giao tranh giữa quân đội và phiến quân Taliban. Lợi dụng tình trạng rối ren, nhiều tổ chức khủng bố đã thiết lập mạng lưới tại quốc gia này. Theo thống kê của Liên hợp quốc, kể từ tháng 01-2009, hơn 26.500 thường dân ở Afghanistan đã thiệt mạng và gần 49.000 người bị thương do xung đột vũ trang ở nước này.
Để đối phó với tình hình bất ổn, các lực lượng an ninh của Afghanistan và liên quân do Mỹ và NATO đứng đầu đã tăng cường các cuộc tấn công trên bộ và không kích nhằm vào các tay súng Taliban, đồng thời giới chức Kabul liên tục đề nghị hòa đàm với Taliban, tuy nhiên, lực lượng này từ chối và tuyên bố điều kiện tiên quyết cho hòa đàm là các lực lượng nước ngoài phải rời khỏi Afghanistan.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống D. Trump nhiều lần khẳng định quyết tâm nhanh chóng sớm kết thúc cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan. Vào tháng 8-2017, chính quyền của Tổng thống D. Trump đã công bố chiến lược mới về Afghanistan, bao gồm kế hoạch can dự quân sự dài hạn cũng như tăng số binh sĩ Mỹ tại Afghanistan lên đến 14.000 người. Trong khi đó, NATO cũng có kế hoạch bổ sung khoảng 4.000 binh sĩ cho lực lượng đang làm nhiệm vụ hỗ trợ quân chính phủ Afghanistan.
Về phía Afghanistan, trong một nỗ lực nhằm khởi động tiến trình hòa giải chính trị cho cuộc khủng hoảng, tháng 02-2018, Tổng thống Afghanistan Mohammad Ashraf Ghani đã vạch ra lộ trình hòa bình mới, theo đó, đề xuất hòa đàm vô điều kiện với Taliban. Tuy nhiên, nỗ lực đàm phán về một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến 17 năm qua ở Afghanistan đã gặp trở ngại vì những bất đồng liên quan đến việc Taliban kiên quyết từ chối đàm phán trực tiếp với chính quyền Kabul. Trên thực tế, từ lâu Taliban đã nhấn mạnh muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ, song Washington liên tiếp bác bỏ, cho rằng để có thể đi tới con đường hòa bình tại Afghanistan đòi hỏi Taliban phải tham gia hòa đàm trực tiếp với Chính phủ Afghanistan. Tuy nhiên, tháng 6-2018, Mỹ đã thể hiện sự thay đổi trong chính sách tại Afghanistan, khi Ngoại trưởng M. Pompeo cho biết Mỹ sẵn sàng “hỗ trợ, tạo điều kiện và tham gia” các cuộc đàm phán. Các nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Afghanistan đã được đẩy mạnh trong nửa cuối năm 2018 sau khi Mỹ bổ nhiệm đặc phái viên người gốc Afghanistan Z. Khalilzad đứng đầu các cuộc đàm phán trực tiếp với Taliban. Tính đến nay, Đặc phái viên Mỹ về hòa giải Afghanistan Z. Khalilzad đã tiến hành 4 cuộc đàm phán với các đại diện của Taliban.
Tiếp nối các nỗ lực ngoại giao trước đó, từ ngày 21 đến 26-01-2019, Mỹ và lực lượng Taliban ở Afghanistan đã tiến hành cuộc đàm phán tại thủ đô Doha (Qatar). Tại cuộc đàm phán này, thủ lĩnh sáng lập lực lượng Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar và Đặc phái viên Mỹ về hòa giải Afghanistan, ông Z. Khalilzad đã thảo luận về lộ trình rút các lực lượng nước ngoài cũng như việc bảo đảm Taliban sẽ không tiến hành các hành động chống lại Mỹ và các đồng minh tại Afghanistan. Hai bên cũng đề cập đến cơ chế ngừng bắn và cách thức tổ chức đối thoại liên Afghanistan.
Theo các nhà phân tích, cho dù “chưa có gì được bảo đảm”, nhưng những đột phá đạt được trong cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ với các thủ lĩnh Taliban ở Qatar, mở ra cơ hội mới đối với tiến trình hòa bình tại Afghanistan.
“Kế hoạch B” về Brexit đứng trước nhiều thách thức
Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN
Sau cuộc bỏ phiếu ngày 30-01, Quốc hội Anh đã ủng hộ Thủ tướng T. May đàm phán lại điều khoản về vấn đề biên giới với Ireland trong thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) còn gọi là Brexit. Đây được xem là cơ hội đối với “Kế hoạch B” về Brexit của Thủ tướng T. May nhằm tránh một Brexit không thỏa thuận vốn được dự báo sẽ gây không ít thiệt hại cho kinh tế Anh. Tuy nhiên, với việc giới lãnh đạo EU bác bỏ đàm phán lại về điều khoản biên giới khiến kế hoạch này đứng trước nhiều thách thức trong lần đàm phán trở lại với EU.
Cụ thể theo “Kế hoạch B” về Brexit có 14 đề xuất sửa đổi được trình. Trong đó, có thể kể đến đề xuất chuyển quyền kiểm soát vấn đề Brexit từ Chính phủ của Thủ tướng T. May sang Quốc hội; hay đề xuất lập một ủy ban gồm 17 nghị sĩ thuộc tất cả các đảng và trao cho ủy ban này quyền kiểm soát tiến trình Brexit; và một đề xuất các nghị sĩ có thể tiến hành thảo luận về Brexit mỗi tuần từ khi khởi động “Kế hoạch B” đến thời điểm Brexit (ngày 29-3).
Trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, với tỷ lệ sít sao, các nghị sĩ Anh đã thông qua đề xuất sửa đổi, theo đó cho phép Thủ tướng T. May đàm phán lại với EU và sẽ ủng hộ thỏa thuận Brexit nếu dỡ bỏ điều khoản khiến Anh phải giữ biên giới mở với Ireland. Theo đó, với tỷ lệ 317 phiếu ủng hộ và 301 phiếu chống, các nghị sỹ Anh đã thông qua điều khoản sửa đổi, trong đó khẳng định nếu điều khoản về giải pháp “lưới an toàn” được dỡ bỏ. Giải pháp này của EU nhằm giữ Bắc Ireland trong liên minh thuế quan của EU cho đến khi nào đạt được một giải pháp thay thế để giữ biên giới mở giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, trong trường hợp hai bên chưa đạt được thỏa thuận thương mại. Điều khoản này cũng bảo đảm sẽ không áp đặt thuế quan, hạn ngạch và quy định về nguồn gốc hay tiến trình hải quan đối với mối quan hệ thương mại Anh - EU trong giai đoạn này. Tuy nhiên, điều khoản này lại không nói rõ Anh có thể ký thỏa thuận tự do thương mại với các quốc gia khác trong lúc thực hiện giải pháp trên hay không. Giới nghị sỹ Anh, đặc biệt những người ủng hộ Brexit phản đối gay gắt giải pháp này do cho rằng, nó sẽ khiến Anh bị bó buộc đối với các quy định của EU vô thời hạn và bị hạn chế trong việc thiết lập giao dịch thương mại với các quốc gia khác trên thế giới. Bên cạnh đó, với tỷ lệ 318 phiếu ủng hộ và 310 phiếu chống, các nghị sỹ cũng bác bỏ khả năng Anh rời EU mà không có thỏa thuận.
Ngay sau cuộc bỏ phiếu, người phát ngôn của Thủ tướng T. May nhấn mạnh Quốc hội Anh đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Brussels về việc người Anh muốn thay đổi gì để thỏa thuận được thông qua. Cũng với sự ủng hộ của Quốc hội, Thủ tướng T. May sẽ đem thỏa thuận sửa đổi này đến Brussels đàm phán lại trước khi đưa trở về thông qua tại Quốc hội vào ngày 13-02.
Phản ứng trước việc Hạ viện Anh bỏ phiếu ủng hộ việc thay thế thỏa thuận biên giới với Ireland, người phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) D. Tusk tuyên bố EU tiếp tục kêu gọi Chính phủ Anh làm rõ các dự định của mình liên quan đến những bước tiếp theo ngay khi có thể, đồng thời tái khẳng định thỏa thuận Brexit vẫn là cách tốt nhất và duy nhất để bảo đảm việc Anh ra khỏi EU một cách có trật tự. Chủ tịch Hội đồng châu Âu D. Tusk, đại diện cho lãnh đạo châu Âu, tham vấn các lãnh đạo châu Âu về việc Thủ tướng T. May yêu cầu EU rút lại điều khoản “rào chắn” của thỏa thuận. Người phát ngôn của Chủ tịch EC khẳng định giải pháp “rào chắn”, vốn nhằm giúp bảo đảm một biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Ireland, một thành viên EU, để ràng buộc London với những quy định về thuế quan của khối cho đến khi hai bên nhất trí được về các mối quan hệ thương mại trong tương lai, là một phần của thỏa thuận Brexit và khẳng định sẽ không mở lại đàm phán về mục này.
Quan chức này khẳng định lại lập trường từ trước đến nay của EU rằng có thể tìm ra cách điều chỉnh Tuyên bố chính trị được ban hành song song với thỏa thuận Brexit. Người phát ngôn của Chủ tịch EC D. Tusk cũng cho biết thêm, nếu Anh đưa ra “yêu cầu hợp lý” để gia hạn thời hạn Brexit sau ngày 29-3 tới, và nếu các quốc gia thành viên nhất trí, điều này có thể được dàn xếp.
Như vậy, dù cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Anh về Brexit sửa đổi, nhằm thúc đẩy các giải pháp ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận, đã được các nghị sĩ Anh ủng hộ. Tuy nhiên, việc giới chức EU một lần nữa khẳng định sẽ không đàm phán lại thỏa thuận Brexit cho thấy, chiến lược tìm kiếm sự nhượng bộ từ EU trong vấn đề Brexit vốn từng được Thủ tướng T. May vận dụng trở nên hết sức khó khăn./.
Quán triệt phương châm: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá hiệu quả”  (04/02/2019)
Xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2019 hướng tới mục tiêu 43 tỷ USD  (04/02/2019)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 28-01 đến ngày 03-02-2019  (04/02/2019)
Lãnh đạo Chính phủ thăm, chúc Tết các địa phương  (03/02/2019)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên