TCCSĐT - Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông sản ước vượt mức kỷ lục 40 tỷ USD. Việt Nam từng bước khẳng định vị thế cường quốc về xuất khẩu nông sản (đứng thứ 15 thế giới và đã xuất sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ). Năm 2019, xuất khẩu nông sản hướng tới những mục tiêu cao hơn, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt tối thiểu 43 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu nông sản vượt kỷ lục 40 tỷ USD

Thị trường thế giới năm 2018 có nhiều biến động, tiêu biểu là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; sự gia tăng bảo hộ thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước thị trường nông sản lớn của Việt Nam bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu. Năm 2018 cũng có sự sụt giảm mạnh của giá cả các mặt hàng cây công nghiệp trên thị trường thế giới, nhất là tiêu, đường… Sự sụt giảm mạnh về giá cả các mặt hàng cây công nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu khiến cho nguồn cung tăng nhanh trong khi nhu cầu thế giới giảm hoặc tăng trưởng chậm như đối với các mặt hàng: cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều. Không chỉ khó khăn về giá cả và nhu cầu, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam ngày càng đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe đối với nông sản nhập khẩu. Tiêu biểu là thị trường Trung Quốc không chỉ nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng nông sản nhập khẩu, mà còn tăng cường quản lý và siết chặt thương mại biên giới. Thị trường EU vẫn giữ cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản khai thác nhập khẩu từ Việt Nam, đồng thời dự thảo các quy định mới về các chất sử dụng trên sản phẩm giống cây trồng. Mỹ cũng tiếp tục duy trì và gia tăng các biện pháp bảo hộ thông qua áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng thủy sản Việt Nam, tiếp tục chương trình Thanh tra đối với cá da trơn theo Đạo luật Nông nghiệp (Farm Bill), đang triển khai mạnh mẽ việc áp dụng Đạo luật Lacey Act đối với nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra hàng nông thủy sản nhập khẩu, gây bất lợi đến tiến độ xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này.

 
 Nông sản Việt Nam có mặt trên thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam đã vượt lên các khó khăn; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam chỉ tính riêng đến hết 11 tháng đầu năm 2018 đã đạt 36,3 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017, ước tính cả năm 2018 đạt vượt mức kỷ lục 40 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt được năm 2018 là kỷ lục của ngành nông nghiệp Việt Nam, khẳng định vị thế cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới (đứng thứ 15 và đã xuất sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới).

Thị phần xuất khẩu được duy trì, củng cố và mở rộng, 5 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN và Hàn Quốc chiếm thị phần lần lượt là 22,9% (giá trị tăng 3,6% so với năm 2017), 17,9% (tăng 9,4%), 19,1% (tăng 7,1%); 10,64% (tăng 11,0%) và 6,9% (tăng 29,4%). Giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng, trong đó có: gạo, rau quả, cá tra, đồ gỗ và lâm sản.

Mặc dù đạt những kết quả ấn tượng nhưng những khó khăn của thị trường nông sản thế giới trong năm 2018 là một cản trở lớn làm cho xuất khẩu nông sản không thể tăng trưởng hai con số.

Xuất khẩu nông sản năm 2019 đặt mục tiêu 43 tỷ USD

Mục tiêu tối thiểu đối với ngành nông nghiệp trong năm 2019 là: tốc độ tăng trưởng 3,0%; kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD; 50% xã và 70 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%. Để thực hiện được mục tiêu này, công tác phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

 
 Chế biến thủy sản xuất khẩu.

Thông báo Kết luận buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019, nêu rõ yêu cầu của Thủ tướng đối với ngành trong năm 2019 cần tạo chuyển biến rõ nét, thực chất hơn trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân hướng tới “Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”. Ngành nông nghiệp phải khơi dậy được khát vọng của dân tộc, phấn đấu trong 10 năm tới lọt vào nhóm 15 nước có nền nông nghiệp phát triển, nhóm 10 nước chế biến nông sản, trở thành trung tâm chế biến xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu thế giới.

Để đạt được các mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01-01-2019 của Chính phủ ngay từ những ngày đầu năm 2019; quán triệt và thực hiện nghiêm phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Bên cạnh đó, cần tập trung chăm lo Tết cho người dân nông thôn, nhất là ở các vùng bị thiên tai, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo lương thực, chỗ ở cho người dân. Quan tâm giải quyết đồng bộ những vấn đề cấp bách đang đặt ra để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nhất là tổ chức sản xuất, thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; khắc phục tình trạng ô nhiễm, cải thiện môi trường ở nông thôn.

Các giải pháp chủ động, sáng tạo, tìm lợi thế để phát triển

Về một số giải pháp trọng tâm năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương chủ động, sáng tạo, tìm lợi thế để phát triển, khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp của ngành đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2019. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động rà soát, xác định nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch, kịch bản tăng trưởng ở địa phương mình không thấp hơn tốc độ tăng trưởng đạt được trong năm 2018 để đảm bảo thực hiện thành công nhiệm vụ trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cả nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát chính sách, pháp luật, xóa bỏ những thể chế chính sách lạc hậu không còn phù hợp để nông nghiệp Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ. Triển khai có hiệu quả, thực chất các cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân tiếp cận đất đai, tín dụng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới theo 3 trục sản phẩm chủ lực, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng và nhu cầu của thị trường. Làm tốt công tác dự báo thị trường; rà soát sản xuất, cân đối cung cầu, tổ chức lại thị trường trong nước, đồng thời duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, phát triển thị trường mới; tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp; tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020”. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nhất là thực hiện các FTAs trong lĩnh vực nông nghiệp; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành.

Tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định tự do thương mại đem lại, tăng cường các hoạt động phát triển thị trường. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm (Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc...), kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng xuất khẩu; tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường nước ngoài…

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên công nghệ cao, công nghệ sinh học; tận dụng tối đa thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và phát triển thị trường phải là khâu đột phá của ngành trong năm 2019.

Đẩy mạnh phát triển thủy sản gắn với phát triển bền vững kinh tế biển; triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp giải quyết dứt điểm việc gỡ “Thẻ vàng” của EU đối với đánh bắt hải sản; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xử lý dứt điểm nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên thực hiện tiêu chí về thu nhập, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người dân; bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tạo chuyển biến rõ nét về môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp.

Triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng di dân tự phát; quản lý, sử dụng có hiệu quả đất đai, đặc biệt là đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp; theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động tham mưu chỉ đạo phòng, chống kịp thời, hiệu quả mọi tình huống thiên tai, nhất là trước nguy cơ ảnh hưởng của hiện tượng El Nino; từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập..../.