Đẩy mạnh hợp tác, xây dựng ASEAN tự cường và sáng tạo
Nhiều kết quả tích cực
Cộng đồng ASEAN được hình thành dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội.
Quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng như mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN được lồng ghép vào nội dung của từng trụ cột Cộng đồng ASEAN.
Đối với Cộng đồng Chính trị-An ninh, hiện nay, ASEAN tiếp tục các nỗ lực củng cố, chia sẻ các chuẩn mực ứng xử trong khu vực…, đề cao đoàn kết, thống nhất nội khối, phát huy giá trị các công cụ và cơ chế bảo đảm an ninh khu vực, phát huy tiếng nói, lập trường chung đối với các thách thức quốc tế và khu vực (khủng bố, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh phi truyền thống…).
Thông qua các cơ chế hợp tác khu vực đã có, góp phần thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin, đóng góp cho hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Về Cộng đồng Kinh tế, ASEAN tiếp tục các nỗ lực giám sát, đánh giá việc thực hiện Cộng đồng Kinh tế thông qua Khuôn khổ Giám sát và Đánh giá Cộng đồng Kinh tế 2025; đẩy mạnh nhiều biện pháp hợp tác hướng đến tự do hóa thuận lợi thương mại, trong đó có gia tăng thương mại và đầu tư nội khối, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sáng tạo, phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Đồng thời, ASEAN tiếp tục kết nối với các nền kinh tế đối tác thông qua điều chỉnh và nâng cấp các hiệp định thương mại tự do đã có, ký và đàm phán các hiệp định thương mại tự do mới.
Ngoài ra, các nỗ lực tăng cường kết nối khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch công tác giai đoạn III Sáng kiến Hội nhập ASEAN đang được thúc đẩy (đã triển khai 13/26 dòng hành động với 26 dự án nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật, trị giá 9,9 triệu USD, triển khai ở các nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam).
Liên quan đến Cộng đồng Văn hóa-Xã hội, ASEAN tăng cường hệ thống giám sát đánh giá trực tuyến việc triển khai Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa-Xã hội 2025 nhằm chuẩn bị xây dựng báo cáo kế hoạch 2025; gửi đặc phái viên Cộng đồng Văn hóa-Xã hội tới Phái đoàn Đại diện các nước ASEAN tại Jakarta (bắt đầu từ 6-2020) nhằm tăng cường phối hợp giữa Cộng đồng Văn hóa-Xã hội và các trụ cột còn lại.
Trọng tâm hợp tác Cộng đồng Văn hóa-Xã hội là các lĩnh vực thiết thực hướng đến đời sống của người dân như: ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, phúc lợi xã hội, hỗ trợ các nhóm yếm thế, triển khai tương hỗ tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự Liên hợp quốc 2030 về Phát triển bền vững, thúc đẩy văn hóa phòng ngừa…; đồng thời nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về Cộng đồng ASEAN tới người dân, doanh nghiệp và đối tác bên ngoài.
Đến nay, ASEAN sắp kết thúc năm thứ 3 triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể xây dựng 3 trụ cột Cộng đồng với nhiều kết quả tích cực và khả quan.
Một số kết quả chính đạt được gồm: 239/290 (đạt 82%) dòng hành động hợp tác chính trị an ninh, 80/118 (đạt 68%) ưu tiên về hợp tác kinh tế và 100% các cam kết về hợp tác văn hóa xã hội đã và đang được triển khai. Tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 5,1% trong năm 2018 và 5,2% trong năm 2019.
Về ưu tiên 2018, Chủ đề “ASEAN tự cường và sáng tạo” do Chủ tịch Singapore đề xuất, đã được cụ thể hóa qua: Tuyên bố Tầm nhìn Lãnh đạo ASEAN về một ASEAN tự cường và sáng tạo với các nội dung hợp tác nâng cao năng lực tự cường của ASEAN trước các tác động từ bên ngoài, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực cũng như tận dụng hiệu quả các cơ hội do Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại; Tuyên bố Lãnh đạo ASEAN về Hợp tác An ninh Mạng; Triển khai xây dựng báo cáo đánh giá về mức độ sẵn sàng của ASEAN trước Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Xây dựng khuôn khổ Thành phố thông minh ASEAN, triển khai chương trình đào tạo Học viện pháp lý ASEAN nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ…
Quan hệ đối ngoại của ASEAN, tiếp tục được thúc đẩy thực chất với nhiều sáng kiến thiết thực nhằm hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, tập trung vào các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, kinh tế số, phát triển hạ tầng, chống khủng bố, an ninh mạng…
Các nước tiếp tục khẳng định coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác với ASEAN; cam kết hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN.
Đến nay, 91 nước cử Đại sứ tại ASEAN và 53 Ủy ban ASEAN tại nước thứ ba được thành lập. ASEAN khẳng định tiếp tục phát huy vai trò trung tâm trong các cơ chế hợp tác khu vực do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt, xây dựng mạng lưới quan hệ cân bằng, cùng có lợi với các đối tác, đóng góp định hình một cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, dung nạp và dựa trên luật lệ.
Năm 2018, ASEAN đã tổ chức cấp cao Kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN-Ấn Độ (25-01-2018) và cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia (17 đến 18-3-2018); Nga đề xuất họp cấp cao ASEAN-Nga dịp này; Hàn Quốc thúc đẩy tổ chức cấp cao kỷ niệm 15 năm quan hệ đối tác ASEAN-Hàn Quốc tại Hàn Quốc vào 2019.
Tăng cường kết nối
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các Hội nghị liên quan sẽ được tổ chức tại Singapore từ ngày 13 đến 15-11-2018.
Trước đó (từ ngày 11 và 12-11-2018), sẽ diễn ra các cuộc họp trù bị cấp Bộ trưởng (Ngoại giao, Kinh tế và Hội đồng Điều phối), cấp Quan chức cao cấp ASEAN (SOM), Quan chức cao cấp Kinh tế ASEAN (SEOM) và Đại sứ (Ủy ban các Đại diện thường trú tại ASEAN).
Chương trình dự kiến các hoạt động chính bao gồm: Hội nghị cấp cao ASEAN 33, cấp cao ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), cấp cao Đông Á (EAS), 7 Hội nghị cấp cao ASEAN+1 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia, Nga).
Ngoài ra, sẽ có Hội nghị cấp cao các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 2.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33, Lãnh đạo các nước ASEAN sẽ tập trung thảo luận đẩy mạnh hợp tác và liên kết, xây dựng Cộng đồng ASEAN theo tinh thần chủ đề của năm 2018 “tự cường và sáng tạo” và định hướng cho ASEAN trong các năm tiếp theo.
Tại Hội nghị cấp cao với các đối tác, Lãnh đạo ASEAN và các đối tác sẽ thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa các bên, trong đó có gia tăng hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối, hợp tác ứng phó với các biến động của kinh tế thế giới, thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; giải quyết thách thức toàn cầu như môi trường, biến đổi khí hậu.
Các nhà Lãnh đạo cũng sẽ trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhằm đóng góp cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực./.
Liên hợp quốc: Biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn cầu  (11/11/2018)
Chủ tịch Cuba kết thúc chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam  (11/11/2018)
Đề cao trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2018  (11/11/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên