Đẩy mạnh khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của thành phố Hải Phòng
TCCSĐT - Là thành phố ven biển, nằm ở vị trí trung tâm vùng đồng bằng duyên hải, đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, Hải Phòng nắm giữ các loại hình giao thông, kết nối, giao lưu rất thuận lợi với các tỉnh trong nước và quốc tế.
Ngày 05-8-2003, Bộ Chính trị khóa IX đã ra Nghị quyết 32-NQ/TƯ “Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (gọi tắt là Nghị quyết 32). Cơ sở để Bộ Chính trị đưa ra nghị quyết trên xuất phát từ tiềm năng, thế mạnh của Hải Phòng, cũng như nhu cầu phát triển kinh tế của khu vực Đông Bắc.
Trên cơ sở của Nghị quyết 32, ngày 11-10-2003, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU, để chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương. Công tác tuyên truyền, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết đã được các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị thực hiện nghiêm túc với nhiều hình thức, bảo đảm sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thành phố. Các nội dung cơ bản của Nghị quyết 32 được đưa vào chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị hằng năm; được phổ biến thông qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên các cấp, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội.
Mười lăm năm qua, nhờ quyết tâm thực hiện nghị quyết trên, tình hình kinh tế, xã hội của Hải Phòng có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với yêu cầu, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để nắm bắt hiệu quả hơn những cơ hội và khai thác hơn nữa tiềm năng vốn có.
Phát huy vị trí địa lý thuận lợi
Hải Phòng là thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất phía Bắc Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ. Hải Phòng là thành phố lớn thứ 3 Việt Nam, là thành phố lớn thứ 2 miền Bắc sau Hà Nội, là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị loại 1 trung tâm cấp quốc gia, cùng với Đà Nẵng và Cần Thơ.
Là thành phố ven biển, nằm ở vị trí trung tâm vùng đồng bằng duyên hải, đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, Hải Phòng có đầy đủ 5 loại hình giao thông, kết nối, giao lưu rất thuận lợi với các tỉnh trong nước và quốc tế. Hải Phòng còn có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng của vùng Bắc Bộ và cả nước, nằm trên hai hành lang - một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.
Với vị trí này, Hải Phòng có điều kiện thuận lợi hơn một số địa phương khác trong phát triển kinh tế, kinh tế biển, hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp nhận các thành tựu khoa học, kỹ thuật của thế giới. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai Chiến lược biển Việt Nam, trong đó trọng tâm là phát triển kinh tế biển.
Vấn đề đặt ra đối với Hải Phòng là với vị trí trên đây, thành phố này đã kết nối với các địa phương khác ở mức độ nào? Sự kết nối đó đã đủ điều kiện cho Hải Phòng phát triển kinh tế, cũng như hỗ trợ, thúc đẩy các địa phương khác hay chưa? Mặt khác, ngoài hệ thống đường bộ, thì đường sông, đường biển, hàng không đã được Hải Phòng khai thác đến đâu?
Trên thực tế, sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng còn mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh, kết quả hợp tác chưa thực sự cao. Nguyên nhân do cơ chế, chế tài hợp tác, phối hợp vùng chưa đủ mạnh và hiệu quả; công tác điều phối trong liên kết, hợp tác vùng của Trung ương chưa thực sự được quan tâm. Rõ ràng, Hải Phòng cần khai thác nhiều hơn nữa vị trí địa lý của mình, để không chỉ cho Hải Phòng, mà còn cho các địa phương trong vùng (1).
Về giao thông, dựa theo Quy chuẩn Xây dựng, Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 (2), có một số tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá hệ thống giao thông đô thị phát triển bền vững như sau:
Một là, các chỉ tiêu chung: Tỷ lệ diện tích đất sử dụng cho giao thông, trong đó tỷ lệ diện tích đất cho giao thông tĩnh có chỉ tiêu cần đạt là 20% - 25%; mật độ mạng lưới đường chính đô thị là 3% - 5%; tốc độ lưu thông là 3,0 - 3,5 km/km2; tỷ lệ đường rải nhựa là 20 - 25km/h; tỷ lệ đường có 4 làn xe trở lên là trên 85%; bảo vệ môi trường trên 50%, trong đó hàm lượng khí thải trong không khí có mức CO2 dưới 0,51 mg/m3, NO2 dưới 0,25 mg/m3; tiếng ồn có quy định cụ thể về chỉ tiêu cần đạt đối với từng loại phương tiện.
Hai là, các chỉ tiêu đối với giao thông công cộng: Thời gian cho một chuyến đi có chỉ tiêu cần đạt là dưới 30 phút; thời gian đi bộ trung bình là 5 phút; tốc độ khai thác là 20 - 25km/h; tỷ lệ vận tải khách công cộng là 30% - 50% nhu cầu đi lại; phương tiện giao thông công cộng có chỉ tiêu cần đạt là đa phương thức, trong đó phương tiện giao thông công cộng có sức chở lớn làm chủ đạo.
So sánh với chuẩn này, thì năm 2017, tỷ lệ đất giao thông của Hải Phòng mới đạt 8,33%, tăng gấp gần 10 lần so với năm 2003. Nhưng như vậy, vẫn còn thấp so với mức chuẩn. Về đường bộ, năm 2017, Hải Phòng có 1.029 tuyến đường giao thông với tổng số 2.477,87 km. Trong khi đó, tính theo bảng số liệu trên, tối thiểu Hải Phòng cần có 3 x 1.507,57 = 4.524 km đường. Chiều dài của hệ thống này, mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/2 yêu cầu. Ngoài ra, Hải Phòng cần phát triển đường hàng không, vừa phục vụ đi lại, vận chuyển, vừa phát triển du lịch, nhất là đối với du khách quốc tế.
Sử dụng nguồn tài nguyên, thiên nhiên phong phú
Hải Phòng có diện tích đất liền là 1.208,49 km². Tổng diện tích đất sử dụng là 152,2 nghìn ha, trong đó đất ở chiếm 8,61%; đất dùng cho nông nghiệp chiếm 33,64%; đất lâm nghiệp là 14,45%; còn lại là đất chuyên dụng. Hải Phòng có các loại cát, đá phiến sét và đá vôi có tuổi đời khác nhau được phân bố thành từng dải liên tục theo hướng Tây Bắc - Đông Nam từ đất liền ra biển. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng cho xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như phát triển kinh tế.
Như vậy, đất dùng cho sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp không nhiều, chỉ chiếm khoảng 48% đất sử dụng. Vì vậy, Hải Phòng cần phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung công nghệ cao, an toàn về sinh thái, đạt hiệu quả cao và tạo ra giá trị lớn nông nghiệp hữu cơ. Đây vừa là yêu cầu, vừa là xu hướng trong phát triển nền nông nghiệp hiện đại.
Hải Phòng có rừng nguyên sinh trên đảo Cát Bà, là nơi dự trữ sinh quyển thế giới. Điều đặc biệt là khu rừng này nằm trên đá vôi, một trạng thái rừng độc đáo. Hải Phòng có rừng ngập mặn và rừng cây lấy gỗ, ăn quả, tre, mây… với diện tích 17.000 ha. Đặc biệt là loài voọc đầu trắng, trên thế giới chỉ thấy có ở Cát Bà. Bên cạnh đó, Đồ Sơn là một bán đảo đồi núi, rừng thông nối tiếp nhau vươn ra biển dài đến 5km, có giá trị chủ yếu về phong cảnh và môi trường sinh thái. Trong đất liền có vùng Núi Voi, nằm ở phía Bắc thị xã Kiến An và Tràng Kênh (huyện Thủy Nguyên) là một quần thể thiên nhiên đa dạng, cấu tạo chủ yếu là núi đá vôi, nhiều hang động kỳ thú… là những địa danh nổi tiếng của thành phố Cảng (3). Những tài nguyên này, không phải địa phương nào cũng có. Do vậy, ngoài việc bảo tồn, Hải Phòng cần tập trung để khai thác dưới góc độ kinh tế, nhất là du lịch sinh thái, khám phá.
Hệ thống sông ngòi ở Hải Phòng khá dày đặc, mật độ trung bình từ 0,6 km - 0,8 km/km². Độ dốc khá nhỏ, chảy chủ yếu theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Đây là nơi các hạ lưu của sông Thái Bình đổ ra biển, tạo ra một vùng hạ lưu màu mỡ, dồi dào nước ngọt phục vụ đời sống con người nơi đây. Các con sông ngòi này còn giúp cho Hải Phòng có thể phát triển giao thông đường thủy một cách thuận lợi.
Bờ biển dài trên 125km, thấp và khá bằng phẳng, nước biển Đồ Sơn sau khi cải tạo đã sạch hơn, cát mịn vàng, phong cảnh đẹp. Ngoài ra, Hải Phòng còn có đảo Cát Bà với những bãi tắm đẹp, cát trắng, nước trong xanh cùng vịnh Lan Hạ đẹp và kỳ thú. Cát Bà cũng là đảo lớn nhất thuộc khu vực Vịnh Hạ Long. Biển Hải Phòng mang lại nguồn lợi rất lớn về cảng, góp phần phát triển thành cảng cửa ngõ quốc tế của cả miền Bắc và cả nước. Ngoài khơi thuộc địa phận Hải Phòng có nhiều đảo rải rác, lớn nhất có quần đảo Cát Bà, xa nhất là đảo Bạch Long Vỹ.
Về giá trị kinh tế, biển Hải Phòng là một trong những nguồn tài nguyên quý hiếm, với gần 1.000 loài tôm, cá và hàng chục loài rong biển có giá trị cao như tôm rồng, tôm he, cua bể, đồi mồi, sò huyết, ngọc trai, tu hài, bào ngư. Biển Hải Phòng có nhiều bãi cá, lớn nhất là bãi cá quanh đảo Bạch Long Vỹ với độ rộng trên 10.000 hải lý vuông, trữ lượng cao và ổn định. Tại các vùng triều ven bờ, ven đảo và các vùng bãi triều ở các vùng cửa sông rộng tới trên 12.000 ha vừa có khả năng khai thác, vừa có khả năng nuôi trồng thủy sản nước mặn và nước lợ có giá trị kinh tế cao (4). Ngoài ra, Hải Phòng là đầu mối giao thông đường biển phía Bắc.
Về khí hậu, thời tiết Hải Phòng có tính chất cận nhiệt đới ẩm, ấm đặc trưng của thời tiết miền Bắc Việt Nam: mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, mùa đông khô và lạnh, có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông tương đối rõ rệt. Điều kiện này phù hợp cho việc phát triển nền nông nghiệp. Tuy nhiên, do vị trí địa lý, Hải Phòng cũng như nhiều địa phương ven biển của Việt Nam thường phải chịu nhiều gió bão, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế, xã hội.
Những điều kiện trên cho thấy, Hải Phòng cần phát triển một nền kinh tế cân đối, toàn diện, trong đó tập trung vào kinh tế biển và du lịch. Tuy nhiên, cần chú ý rằng, trong khi phát triển kinh tế thị trường, phải hết sức chú ý đến mặt trái của nó, như phá hủy, làm ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên, chẳng hạn như tại những khu rừng nguyên sinh. Về du lịch, có thể nói là Hải Phòng có tiềm năng rất lớn. Ngoài du lịch biển, cần chú ý thêm các loại hình khác. Ẩm thực Hải Phòng bình dị và dân dã, không cầu kỳ nhưng đậm đà khó quên, chủ yếu là các món hải sản tươi sống; giá cả phải chăng, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Đây là ưu điểm nổi trội trong bối cảnh an toàn thực phẩm đang báo động, không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với quốc tế.
Làng nghề Hải Phòng cũng là một thế mạnh. Ngoài giá trị kinh tế, các làng nghề này cần được khai thác dưới góc độ du lịch, như kinh nghiệm của Đài Loan, Thái Lan… Hệ thống chùa chiền, đền thờ cũng là điều kiện để phát triển du lịch tâm linh.
Trong các hoạt động giới thiệu, quảng bá du lịch, hằng năm, Hải Phòng đã có các hoạt động như Liên hoan Du lịch “Đồ Sơn biển gọi”, diễn ra vào ngày 30-4 đến 02-5; “Lễ hội Hoa Phượng đỏ” bắt đầu từ năm 2012. Tuy nhiên, đây mới chỉ là quảng bá trong nước. Hải Phòng cần quảng bá, thông tin nhiều hơn nữa đối với du khách quốc tế thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hoặc nhân các sự kiện quốc tế để quảng bá về địa phương.
Hiện nay, Hải Phòng là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của Việt Nam. Từ năm 2005 đến nay, Hải Phòng luôn đứng trong top 5 các tỉnh, thành phố đóng góp ngân sách nhiều nhất cả nước. Đó là những thành tích rất đáng kể. Tuy nhiên, với những điều kiện thuận lợi như trên, rõ ràng Hải Phòng chưa phát huy hết tiềm năng, cần khai thác nhiều hơn nữa.
Một trong những thuận lợi là Hải Phòng được Đảng, Chính phủ rất quan tâm, thể hiện ở chỗ Trung ương có Nghị quyết về Hải Phòng. Các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ luôn đánh giá cao vai trò, vị trí quan trọng của Hải Phòng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Bộ và cả nước. Nhiều công trình, dự án lớn, trọng điểm có vai trò đối với vùng đồng bằng sông Hồng, miền Bắc đã và đang được Trung ương ưu tiên đầu tư xây mới, nâng cấp trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Về phía địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố có quyết tâm chính trị lớn; có truyền thống đi đầu trong đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, việc biến những thuận lợi trên thành sức mạnh trong thực tế vẫn còn hạn chế. Hải Phòng cần phải thấy rằng, đây là thành phố có vị trí, vai trò, là cực tăng trưởng quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm. Hải Phòng phát triển không chỉ cho mình, mà còn phải cho cả khu vực. Điều này đòi hỏi Hải Phòng phải có sức lan tỏa và tác động đối với sự phát triển trong vùng.
Về nguồn nhân lực, Hải Phòng có nguồn nhân lực dồi dào, được đào tạo và chất lượng cao hơn so với hầu hết các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng. Là một thành phố công nghiệp có truyền thống, có đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ đông đảo, năng lực đào tạo nguồn nhân lực có nhiều ưu thế, do đó có lợi thế hơn so với nhiều địa phương khác trong việc cạnh tranh thu hút nhân lực chất lượng cao. Vấn đề đặt ra là Hải Phòng cần có những chính sách phù hợp, hấp dẫn để thu hút, sử dụng đội ngũ nhân lực này.
Về kinh tế tư nhân, đây cũng là một thế mạnh của Hải Phòng. Theo báo cáo của thành phố, cơ cấu thành phần kinh tế đã chuyển dịch tích cực, thành phần kinh tế tư nhân tăng từ 28,44% lên 49,98% GRDP. Trong khi đó, Việt Nam hiện có khoảng 600 nghìn doanh nghiệp, với gần 500 nghìn doanh nghiệp tư nhân (5). Doanh nghiệp tư nhân đóng góp hơn 40% GDP mỗi năm. Hải Phòng cần tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân, làm cho thành phần này thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường. Điều này vừa đúng với thực tế của Hải Phòng, vừa thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Về công nghiệp, Hải Phòng là một trong năm địa phương có quy mô công nghiệp lớn nhất cả nước. Mục tiêu phát triển của thành phố là trở thành “thành phố công nghiệp và dịch vụ cảng văn minh, hiện đại”. Một số khu công nghiệp lớn đang được nghiên cứu đầu tư xây dựng để đưa tổng diện tích các khu, cụm công nghiệp lên trên 10.000 ha. Vấn đề đặt ra là các khu công nghiệp này quy hoạch đã hợp lý chưa? Hiệu quả các khu công nghiệp như thế nào? Hải Phòng đã có khu công nghệ cao chưa?.
Trong tương lai, Hải Phòng cần chú ý đến những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới hiện nay là xu hướng bảo hộ, cạnh tranh đang diễn ra ngày càng phức tạp. Việc thực hiện các cam kết, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết sẽ ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của các quốc gia. Những khó khăn này không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam nói chung, mà còn ảnh hưởng đến từng địa phương, trong đó có Hải Phòng nói riêng. Về quản lý, một số cơ chế, chính sách vĩ mô của Nhà nước chưa phù hợp với điều kiện đặc thù của thành phố, một số bộ, ngành Trung ương chưa chủ động phối hợp chặt chẽ, kịp thời với thành phố trong việc triển khai các quyết định của Chính phủ, nhất là trong việc xây dựng và thực hiện các quy hoạch phát triển ngành trên địa bàn. Vì thế, Hải Phòng cần chủ động đề xuất những biện pháp đặc thù cho thành phố. Trung ương đã có riêng một Nghị quyết cho Hải Phòng, thì cũng cần có những quy định riêng cho thành phố. Mặt khác, Hải Phòng cũng cần chủ động, tích cực hợp tác với các địa phương, trên cơ sở lợi ích chung và lợi ích của mỗi bên./.
-------------------------
(1) Thành ủy Hải Phòng, Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết 32-NQ/TƯ
(3) Tài nguyên rừng, http://haiphong.gov.vn/p-UBNDTP/d-9707/31809/tai-nguyen-rung
(4) Tài nguyên biển, http://haiphong.gov.vn/p-UBNDTP/d-9707/31810/tai-nguyen-bien
(5) Thành ủy Hải Phòng, Báo cáo phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn
Chủ tịch Cuba kết thúc chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam  (11/11/2018)
Đề cao trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2018  (11/11/2018)
Các hoạt động của Chủ tịch Cuba  (11/11/2018)
Thủ tướng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại tỉnh Bắc Giang  (11/11/2018)
Chống tham nhũng: Bên trên chuyển động, bên dưới bắt đầu ấm dần lên  (11/11/2018)
Cuba đưa tin đậm nét về chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Diaz-Canel  (11/11/2018)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay