TCCSĐT - Trải qua 73 năm phát triển (1945 - 2018), với những thành tựu quan trọng đạt được, Liên hợp quốc được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tổ chức toàn cầu có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn.

Thành tựu và thách thức

Trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia của hầu hết các quốc gia trên thế giới, vai trò và hoạt động của Liên hợp quốc được mở rộng về mọi mặt, qua đó đem lại những tác động tích cực, to lớn đến đời sống quốc tế và mỗi quốc gia.

Một là, Liên hợp quốc phát huy vai trò to lớn, nỗ lực không mệt mỏi vì mục tiêu gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột, chiến tranh; thực thi những chuẩn mực cốt lõi của quan hệ quốc tế trong Hiến chương Liên hợp quốc. Trải qua những thăng trầm lịch sử, Liên hợp quốc vẫn luôn duy trì là một diễn đàn hòa bình để các bên đối thoại. Theo đó, Liên hợp quốc tích cực đóng vai trò trung gian hòa giải nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế thông qua thương lượng, sáng kiến giải pháp hòa bình cho hàng trăm cuộc xung đột ở các khu vực, với phạm vi và quy mô ngày càng được mở rộng. Nhờ có sự can thiệp của Liên hợp quốc, nhiều cuộc xung đột đã được giải quyết.

Hai là, trong 73 năm qua, hơn 500 điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong nhiều lĩnh vực đã được ký kết, tạo khuôn khổ chung cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia. Đặc biệt, những năm gần đây, Liên hợp quốc đạt được những thành tựu về hợp tác và phát triển toàn cầu, như ký kết Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, cải cách Hệ thống phát triển Liên hợp quốc, thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG 2015), triển khai Mục tiêu phát triển bền vững (SDG 2030); giải quyết các vấn đề toàn cầu về xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, bảo đảm quyền con người, cải thiện y tế, văn hóa, giáo dục, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu…

Ba là, Liên hợp quốc thực sự trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn cầu, nơi kết tinh các giá trị tiến bộ nhân văn và hiện thực hóa khát vọng vươn lên vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng. Từ 51 quốc gia thành viên khi được thành lập, đến nay, Liên hợp quốc có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện gồm 5 cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và 5 Ủy ban Kinh tế - Xã hội đặt ở các khu vực, hàng chục quỹ và chương trình hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, từ giải quyết và ngăn ngừa xung đột, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, bảo vệ người tị nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, nhân quyền...

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, Liên hợp quốc cũng phải đối mặt với những thách thức. Bước sang thế kỷ XXI, thế giới chứng kiến sự “chuyển dịch”, biến động sâu sắc trên nhiều mặt, đặt ra những bài toán mới đối với tất cả các quốc gia. Phát biểu tại phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 diễn ra ở New Yord (Mỹ) tháng 9-2018, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng đang lan rộng trên toàn cầu. Lòng tin vào hệ thống quản trị toàn cầu trở nên mong manh trong bối cảnh những thách thức của thế kỷ XXI vượt xa khả năng xử lý của những thể chế và quan niệm của thế kỷ XX. Do vậy, những thách thức hiện hữu cần phải nhìn nhận.

Thứ nhất, thế giới đang chuyển động nhanh chóng với động lực mạnh mẽ từ những tiến bộ vượt bậc về khoa học - công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự lan tỏa theo xu thế tất yếu của toàn cầu hóa. Điều này mở ra nhiều cơ hội mới để đưa nhân loại bước vào giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ chưa từng có, góp phần củng cố xu thế lớn của toàn cầu về hòa bình, hợp tác và phát triển, song cũng đặt ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia, khu vực, thậm chí là những lệnh trừng phạt, trả đũa trong các cuộc chiến thương mại. Vòng xoáy mà chủ nghĩa bảo hộ và các biện pháp trả đũa lẫn nhau tạo ra có thể cản bước tiến của hệ thống thương mại đa phương và rộng hơn là làm suy yếu chủ nghĩa đa phương.

Thứ hai, hòa bình thế giới vẫn chưa được bảo đảm. Tình hình Bán đảo Triều Tiên đã có tiến triển, nhưng ở Trung Đông, châu Phi và nhiều “điểm nóng” khác trên thế giới, chủ nghĩa khủng bố, xung đột và nguy cơ xung đột vẫn hiện hữu. Tư duy cường quyền đề cao sức mạnh, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, sự gia tăng các biện pháp đơn phương tiếp tục là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định quốc tế. Tình trạng bất công và bất bình đẳng còn tồn tại nhiều nơi trên thế giới.

Thứ ba, những thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng diễn biến phức tạp. Tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến thế giới chệch khỏi con đường hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Khí hậu khắc nghiệt và diễn biến thất thường - hạn hán kéo dài, các cơn siêu bão, lũ lụt và cháy rừng - đã và đang đe dọa những tiến triển chung của nhân loại. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc đưa ra cảnh báo ngày 08-10-2018, nhiệt độ trên Trái đất có thể sẽ tăng 1,5 độ C trong giai đoạn 2030 - 2052 nếu hiện tượng ấm lên trên toàn cầu vẫn tiếp diễn với tốc độ như hiện nay và các nước không áp dụng các biện pháp khẩn trương nhằm ngăn chặn xu hướng này (1).

Tình trạng biến đổi khí hậu cùng những cuộc xung đột đang đẩy số người bị mất nhà cửa trên toàn cầu lên mức cao nhất trong lịch sử, theo đó, việc bảo vệ người tị nạn và người di cư là một thách thức vô cùng quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Dòng người di cư toàn cầu đã lên tới 250 triệu người, chiếm tới 3% dân số thế giới (2). Năm 2018, có hơn 1.600 người thiệt mạng khi liều mình vượt biển đến châu Âu, dù số lượng người tìm cách vượt biển đã giảm đáng kể so với những năm trước (3).

Không chỉ có vậy, theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc, trong năm 2017 có khoảng 821 triệu người bị đói, tương đương khoảng 10% dân số thế giới, đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp số lượng người bị đói toàn cầu gia tăng. Trong khi đó, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) thống kê có khoảng 155 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mãn tính và tình trạng thiếu dinh dưỡng ảnh hưởng đến hơn 2 tỷ người toàn cầu; ước tính mỗi 12 giây có một trẻ em thiệt mạng do không có thức ăn (4). Liên hợp quốc cũng cảnh báo nếu xung đột tiếp diễn và biến đổi khí hậu không được ngăn chặn, từ nay tới năm 2030, sẽ có 35 - 122 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói, đồng nghĩa với nguy cơ cộng đồng quốc tế thất bại trong cuộc chiến chống nạn đói.

Trước những thách thức nêu trên, để vận hành hiệu quả, linh hoạt và tập trung hơn, Liên hợp quốc đang đứng trước yêu cầu phải có sự cải tổ và cơ cấu lại tổ chức. Vấn đề cải tổ ở tổ chức quốc tế đa phương lớn nhất thế giới này đang là đòi hỏi bức thiết của bản thân Liên hợp quốc cũng như của cộng đồng quốc tế. Trong những năm tới, Liên hợp quốc cần tiếp tục sáng tạo và đổi mới trong bối cảnh các vấn đề và sự kiện thế giới đổi thay từng ngày. Liên hợp quốc sẽ tiếp tục là một nền tảng tạo điều kiện để các nước thành viên, các tổ chức khu vực tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu mà không một quốc gia nào, dù là các cường quốc giàu mạnh, có đủ sức giải quyết. Điều này đòi hỏi Liên hợp quốc phải nỗ lực trong việc xây dựng quan hệ đối tác với các nước thành viên, các tổ chức khu vực và quốc tế.

Trên tinh thần đó, Nhóm Quá độ của hệ thống phát triển Liên hợp quốc được thành lập nhằm đảm nhận vai trò lãnh đạo chiến lược và giám sát mọi khía cạnh của cuộc cải tổ hệ thống phát triển của Liên hợp quốc. Nhóm Quá độ sẽ hành động dựa trên các điều khoản của Nghị quyết 72/279 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, được các nước thành viên phê chuẩn ngày 31-5-2018. Nghị quyết này mở ra cuộc cải tổ hệ thống phát triển của Liên hợp quốc một cách toàn diện nhất và nhiều tham vọng trong những thập niên qua. Trong đó, Nghị quyết đòi hỏi phải thực thi một loạt cuộc cải cách dẫn đến những thay đổi đáng kể về cơ cấu, ban lãnh đạo, các cơ chế trách nhiệm và năng suất của toàn bộ hệ thống phát triển của Liên hợp quốc để đáp ứng những nhu cầu của các quốc gia đối với việc thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (CTNS 2030).

Những đóng góp tích cực của Việt Nam

Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc ngày 20-9-1977. Vượt qua giai đoạn khó khăn sau chiến tranh, từng bước khôi phục phát triển kinh tế - xã hội với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, từ đó đến nay, sau nhiều thập niên tiến hành công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam dành được những thành tựu có ý nghĩa to lớn. Nhờ đó, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam không ngừng nâng cao. Bạn bè quốc tế đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam tại Liên hợp quốc. Việt Nam được bầu với số phiếu cao vào nhiều cơ quan của Liên hợp quốc, đặc biệt là Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2008 - 2009), Hội đồng Kinh tế - Xã hội (1998 - 2000 và 2016 - 2018), Hội đồng Nhân quyền (2014 - 2016), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015 - 2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2017 - 2021).

Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Việt Nam tích cực đóng góp vào quá trình xây dựng và thực thi các điều ước quốc tế của Liên hợp quốc, xây dựng một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chung của toàn nhân loại. Việt Nam luôn nhất quán trong việc đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc trong việc giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí, nhất là giải trừ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, là một trong 10 nước phê chuẩn Hiệp ước Cấm Vũ khí hạt nhân sớm nhất vào tháng 5-2018.

Trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009, Việt Nam tham gia tích cực vào các nỗ lực ngăn ngừa khủng hoảng, gìn giữ hòa bình, có những đề xuất quan trọng về bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong xung đột, thúc đẩy quyền con người. Việt Nam tiếp tục ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 - 2021. Ngày 25-5 vừa qua, tại cuộc họp của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương tại Liên hợp quốc, các nước nhất trí thông qua đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của Nhóm vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2020 - 2021) tại cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 6-2019. Động thái này thể hiện sự ủng hộ và tín nhiệm cao của các nước trong khu vực đối với vai trò và năng lực của Việt Nam. Đây là kết quả bước đầu quan trọng, tạo thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình vận động các nước thành viên Liên hợp quốc ở các khu vực khác trong thời gian tới.

Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, diễn tập về an ninh phi truyền thống và các hoạt động khác. Từ tháng 6-2014, Việt Nam bắt đầu cử lực lượng tham gia, đến nay, Tổ công tác liên ngành về gìn giữ hòa bình đã đề xuất và cử 27 lượt sỹ quan làm nhiệm vụ dưới hình thức cá nhân tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở châu Phi. Đầu năm 2018, nữ sỹ quan Việt Nam đầu tiên được cử tham gia phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Ngày 01-10-2018, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam với hơn 60 cán bộ y, bác sỹ (trong đó có 10 cán bộ nữ) đã chính thức xuất quân lên đường tới Phái bộ Nam Sudan. Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử đội hình cấp đơn vị thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việt Nam đang tích cực chuẩn bị mọi mặt cho Đội Công binh, sẵn sàng cử tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ năm 2020; đồng thời xem xét, mở rộng việc cử đơn vị ở lĩnh vực khác tại phái bộ phù hợp. Tháng 6-2018, Cục Hỗ trợ thực địa Liên hợp quốc đã công bố kết quả thanh sát địa điểm huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại các nước thuộc ASEAN. Việt Nam cùng với 3 nước Campuchia, Indonesia, Thái Lan được chọn làm địa điểm huấn luyện binh sỹ gìn giữ hòa bình quốc tế luân phiên. Khóa huấn luyện đầu tiên sẽ diễn ra tại Việt Nam vào cuối năm 2018.

Được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014 - 2016), Việt Nam tham gia tích cực vào các nỗ lực thúc đẩy quyền con người trên thế giới, đề xuất và được thông qua Nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu với quyền trẻ em, đưa ra và tham gia nhiều sáng kiến như bảo vệ quyền lao động của người khuyết tật, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển, tăng cường giáo dục, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái... Đến nay, Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia các cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng Nhân quyền nói riêng, qua đó không chỉ thể hiện nỗ lực trong việc bảo đảm quyền cho mọi người dân mà còn là hình ảnh một nước Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, không ngừng đề cao tinh thần đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương với các nước bạn bè, các nước đối tác.

Trong năm 2016 - 2018, với tư cách thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC), Việt Nam hoạt động tích cực trong mảng kinh tế - phát triển tại Liên hợp quốc, nắm bắt xu thế, các chuyển động lớn của thế giới trong lĩnh vực phát triển để chủ động tham mưu xây dựng và triển khai các chính sách phát triển của Việt Nam, nêu các nhu cầu, quan tâm của Việt Nam cần sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, góp phần huy động nguồn lực cho phát triển thông qua hoạt động của các quỹ, chương trình tại Việt Nam.

Ngày 05-7-2018, Việt Nam và Liên hợp quốc đã ký Kế hoạch Chiến lược chung mới (OSP) cho giai đoạn 2017 - 2021 giữa Chính phủ Việt Nam và 18 cơ quan Liên hợp quốc. Đây là dấu ấn quan trọng nêu bật cam kết mạnh mẽ của Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam trong Chương trình hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự vì sự phát biển bền vững đến năm 2030. Kế hoạch Chiến lược chung 2017 - 2021 được xây dựng phù hợp với Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội 2011 - 2020, Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội 2016 - 2020 của Việt Nam, các SDG 2030, cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người. Kế hoạch Chiến lược chung tiếp tục tạo thuận lợi cho việc mở rộng quan hệ đối tác giữa Liên hợp quốc, chính phủ, các đối tác tư nhân, các đối tác phát triển, các tổ chức và các nhóm phi chính phủ được thành lập hợp pháp. Đây cũng là nền tảng quan trọng để triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể giữa Việt Nam và Liên hợp quốc.

Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới, đồng thời phấn đấu đưa quan hệ hợp tác với Liên hợp quốc đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực. Việt Nam tiếp tục cùng các nước thành viên đề cao các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng, hữu nghị và hợp tác, bảo đảm lợi ích chính đáng của tất cả các nước, nhất là các nước đang phát triển. Việt Nam sẽ tăng cường tham gia ở cấp độ cao hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, nỗ lực thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030, Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu,… ủng hộ các nỗ lực cải tổ Liên hợp quốc theo hướng nâng cao hiệu quả, minh bạch và dân chủ hóa trong mọi hoạt động của tổ chức./.
----------------------

(1) Biến đổi khí hậu: Liên hợp quốc và Pháp hối thúc thế giới hành động khẩn cấp, TTXVN, ngày 09-10-2018

(2) Vấn đề người di cư: Đại hội đồng Liên hợp quốc tán thành hiệp ước toàn cầu về di cư, TTXVN, ngày 14-7-2018

(3) Vấn đề người di cư: Liên hợp quốc kêu gọi châu Âu khẩn trương tiếp nhận người di cư trên tàu Diciotti, TTXVN, ngày 25-8-2018

(4) Nghịch cảnh lãng phí lương thực trong khi trẻ chết đói gia tăng, TTXVN, ngày 17-10-2018