ASEAN hướng tới trung tâm cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương
TCCSĐT - Sau 51 năm tồn tại và phát triển, ASEAN đã chứng tỏ được vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới. ASEAN đã góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh trong khu vực; đưa các nước Đông Nam Á vượt qua những nghi kỵ, chia rẽ, đối đầu trong quá khứ. Quá trình hình thành và phát triển của ASEAN phản ánh mức độ liên kết ASEAN cao hơn, chặt chẽ hơn, hướng tới trung tâm cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai.
Khẳng định vai trò
Sự hình thành Cộng đồng ASEAN là dấu mốc lịch sử của tiến trình liên kết ASEAN, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Hiệp hội, khu vực và từng nước thành viên. Dù là một Cộng đồng “thống nhất trong đa dạng” và còn nhiều khác biệt giữa các nước thành viên, nhưng đến nay, Cộng đồng ASEAN đã đạt mức độ phát triển khá cao với các đặc điểm như: Cộng đồng ASEAN là một tổ chức liên Chính phủ, bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia thành viên, ra quyết định theo nguyên tắc nhất trí, có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Hợp tác toàn diện và chặt chẽ trên các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và quan hệ với các đối tác bên ngoài. Tổ chức bộ máy hoàn chỉnh, hoạt động trên cơ sở pháp lý và các nguyên tắc cơ bản đã được ghi nhận trong Hiến chương ASEAN.
Đối với khu vực Đông Nam Á, ASEAN là nhân tố hàng đầu trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định và hợp tác vì sự phát triển ở khu vực thông qua những nỗ lực liên kết, hợp tác về chính trị - an ninh nội khối và với các đối tác. ASEAN ngăn ngừa xung đột thông qua xây dựng lòng tin và chia sẻ các quy tắc ứng xử; khởi xướng thành công và giữ vai trò chủ đạo trong các diễn đàn và cơ chế khu vực, với sự tham gia và đóng góp của các đối tác, nhằm tăng cường đối thoại và hợp tác xử lý những thách thức đối với hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực.
Với khu vực Đông Á, ASEAN đóng vai trò là động lực chính trong việc thúc đẩy hợp tác và liên kết của khu vực. Cùng với tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế, ASEAN chủ động đi đầu trong việc hình thành một mạng lưới các khu vực mậu dịch tự do với từng đối tác quan trọng, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. ASEAN cũng thúc đẩy nhiều chương trình hợp tác kinh tế, thương mại đa dạng với các đối tác lớn như Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Nga và đang thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Trên phạm vi toàn cầu, ASEAN đã trở thành đối tác quan trọng của nhiều nước, các tổ chức khu vực và quốc tế. ASEAN hiện có 11 đối tác đối thoại, trong đó có 7 đối tác chiến lược là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand và Hoa Kỳ, 4 đối tác toàn diện là Nga, EU, Canada và Liên hợp quốc. Kể từ khi thành lập Cộng đồng vào năm 2015, đã có thêm các nước như Chile, Ai Cập, Morroco tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) với ASEAN. Các đối tác đều coi trọng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác toàn diện với ASEAN cả về phương diện đa phương và song phương, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong khu vực. Đến nay, có 90 nước ngoài khu vực cử Đại sứ tại ASEAN. ASEAN cũng đã lập 53 Ủy ban ASEAN tại nước thứ ba và tổ chức quốc tế để thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề quan tâm và quảng bá hình ảnh ASEAN với cộng đồng quốc tế.
Quá trình phát triển của ASEAN thể hiện tính chất đặc trưng là một tiến trình tiệm tiến từ thấp đến cao. Cộng đồng ASEAN được hình thành từ năm 2015 đã tạo nền tảng và động lực cho giai đoạn phát triển mới cao hơn. Cho đến nay, tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đã đạt những kết quả tích cực. Tiến độ thực thi cam kết trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể đạt mức cao. ASESAN triển khai 239/290 (khoảng 82%) dòng hành động về chính trị - an ninh; 80/118 ưu tiên (khoảng 68%) và 23 Kế hoạch công tác ngành, lĩnh vực của Cộng đồng Kinh tế ASEAN; 100% cam kết về văn hóa - xã hội đã và đang được triển khai. Trong năm 2017, ASEAN giữ được mức tăng trưởng ổn định 5,2% với thương mại nội khối đạt 2%, dịch vụ 17%, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 25%. Sau hơn hai năm, 26 dự án với 9 triệu USD đã được triển khai, đạt 50% kế hoạch. ASEAN cũng đã hoàn tất 229 công cụ pháp lý, trong đó 165 công cụ có hiệu lực, 41 công cụ bị loại bỏ hoặc thay thế, 23 công cụ đang chờ hoàn tất thủ tục.
ASEAN trước bối cảnh mới
Hiện nay, sự phát triển của ASEAN đang đứng trước bối cảnh mới. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và nhu cầu cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu, khu vực buộc các nước phải tăng cường hợp tác. Xu thế toàn cầu hóa và liên kết kinh tế, nhất là liên kết khu vực được đẩy mạnh, hình thành nhiều liên kết khu vực mới. Trào lưu dân túy, dân tộc chủ nghĩa, bảo hộ thương mại đang nổi lên ở nhiều khu vực, quốc gia trên thế giới, do những thay đổi sâu sắc về kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh phức tạp hơn, đa dạng hơn.
Trên thế giới, tương quan sức mạnh tiếp tục chuyển dịch mạnh. Các vấn đề toàn cầu, khu vực và quốc gia đang trở nên ngày càng gắn kết và tương tác sâu sắc hơn. Các nước điều chỉnh chính sách, đẩy mạnh xây dựng các tập hợp lực lượng, liên kết kinh tế mới đa tầng nấc với quy mô sâu rộng. Trong khu vực diễn ra cạnh tranh gay gắt với nhiều biến động khó lường. Xu hướng các nước lớn muốn điều chỉnh, thay đổi luật chơi khiến hợp tác đa phương bị thách thức, hợp tác khu vực gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ bị chia rẽ. Các nước tăng cường cọ sát, cạnh tranh. Bất ổn địa chính trị gia tăng. Cạnh tranh kinh tế, thương mại đan xen chặt chẽ với toan tính chiến lược và lan sang nhiều lĩnh vực mới như công nghệ cao, tiền tệ, nguồn lực, chiến tranh thương mại. Xuất hiện các xu hướng tập hợp lực lượng mới, hợp tác ứng phó với các vấn đề toàn cầu và những thách thức mới về an ninh và phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn tới những thay đổi toàn diện, sâu sắc trong nền kinh tế thế giới. Công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp với khả năng thay đổi 60% - 80% ngành nghề đang diễn ra mạnh mẽ. Tốc độ số hóa trong 10 năm tới được dự báo bằng cả 50 năm qua. Diễn ra những làn sóng về cải cách, đổi mới tư duy, mô hình tăng trưởng hướng tới “xã hội 5.0 siêu thông minh”… Kinh tế thế giới bước vào chu kỳ phát triển mới với những tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Sức mạnh quốc gia được gắn với công nghệ số và năng lực ứng dụng số hóa.
Những diễn biến mới và nhanh chóng này đang đặt ra những thách thức lớn cho khuôn khổ quan hệ quốc tế tồn tại đến nay, dẫn đến hình thành những luật chơi và cấu trúc khu vực mới. Trên thực tế, các nước lớn trong thời gian qua liên tục đưa ra những điều chỉnh chiến lược, như: Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược “Vành đai và Con đường”. Nhật Bản tuyên bố thực hiện chính sách “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở rộng”. Ấn Độ thúc đẩy chiến lược “Hành động hướng Đông”. Tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tháng 11-2017, Tổng thống Mỹ D. Trump bày tỏ vinh dự “có mặt tại Việt Nam - trái tim của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Chiến lược an ninh quốc gia và Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ cũng khẳng định ưu tiên với khu vực này. Chiến lược này đề cao luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, củng cố và tăng cường trật tự khu vực dựa trên luật lệ; đề cao tính minh bạch về quản trị kinh tế, phản đối việc sử dụng sức mạnh kinh tế để gây sức ép chính trị, ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước trong khu vực.
Cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương thể hiện sự hội nhập ngày càng gia tăng trong khu vực. Tầm nhìn chiến lược mới này đã hình thành bản đồ chiến lược của thế kỷ XXI với tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế, quân sự, chính trị. Trong khái niệm địa chiến lược mới này, ASEAN đóng vai trò cầu nối và là nơi giao thoa giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Khi những cấu trúc cũ của thế kỷ XX thay đổi và điều chỉnh, ASEAN cần tìm con đường phát triển trong một thế giới đang có những biến đổi địa kinh tế, địa chính trị và địa chiến lược mang tính kiến tạo không ngừng. Trong bối cảnh đó, sự hình thành khu vực địa chiến lược Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương có thể mang lại cho ASEAN cơ hội quan trọng để duy trì và tăng cường vai trò của mình trong cấu trúc địa chính trị và các thể chế khu vực khi Đông Nam Á được thừa nhận là trung tâm cả về địa lý và chính trị của khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương.
Về cơ bản, Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương là cách tái xác định lại khu vực trung tâm châu Á nhằm nhấn mạnh tính kết nối toàn cầu đang tăng lên giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Đông Á và Nam Á. Trong đó, ASEAN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các tập hợp lực lượng đa phương, liên kết kinh tế đa tầng nấc ngày càng sâu rộng và luôn nằm trong tổng thể tính toán chiến lược của các nước và khu vực. Cho đến nay, ASEAN đã xây dựng được các nền móng cấu trúc địa chính trị ban đầu cho cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương, với các sáng kiến quan trọng, như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) với các thành viên bao gồm Ấn Độ, Australia, Mỹ và các đối tác khác ngoài phạm vi Đông Á. Với cấu trúc khu vực rộng hơn, ASEAN có cơ hội nâng cấp các sáng kiến này, chuyển từ xây dựng lòng tin sang ngoại giao phòng ngừa và giải quyết xung đột.
Trong cấu trúc này, Biển Đông chiếm vị trí chiến lược đặc biệt nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Vịnh Persic là tuyến hàng hải vận chuyển hàng hóa trị giá gần 4 nghìn tỷ USD mỗi năm trong thương mại quốc tế. Cạnh tranh giữa các nước trên Biển Đông đã trở thành điều kiện cho những điều chỉnh chiến lược lớn hơn đang diễn ra giữa Mỹ với Trung Quốc, giữa các nước ASEAN với Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, một ASEAN đoàn kết và có vai trò trung tâm là yếu tố cơ bản thiết yếu cho bất cứ cấu trúc nào trong khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương. Đó là sự tiếp tục hiện thực hóa vai trò trung tâm về mặt chính trị của ASEAN trong các tổ chức khu vực. Nhiều vấn đề mới liên quan đến đoàn kết, liên kết và vai trò trung tâm đang đặt ra yêu cầu ASEAN phải phát huy vai trò trong các khuôn khổ như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), APEC và ở tầm rộng lớn hơn là khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương. Đây là điều cốt yếu để bảo đảm rằng, các thể chế khu vực đang hình thành sẽ không bị chi phối bởi bất kỳ một cường quốc nào. Sự thành công của ASEAN và cam kết của ASEAN với việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và các nguyên tắc của ASEAN trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, tăng cường và củng cố vai trò của luật pháp sẽ tiếp tục đóng góp cho sự tăng trưởng thịnh vượng trong khu vực.
Về mặt địa kinh tế, sáng kiến do ASEAN khởi xướng về RCEP có cơ hội kết nối cả ba nền kinh tế lớn trong khu vực là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Cùng với các nền kinh tế lớn khác như Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Hiệp định này có cơ hội tạo ra sự kết nối và vai trò quan trọng cho ASEAN về mặt kinh tế.
Bên cạnh phát huy vai trò địa chiến lược của mình trong các cấu trúc mới, ASEAN cần tận dụng cơ hội mang lại từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nền kinh tế số có sức tăng trưởng mạnh với mức dự kiến 27%/năm trên toàn cầu. Đông Nam Á hiện đứng thứ 3 trên thế giới về số lượng người dùng internet. Kinh tế số của Đông Nam Á chiếm khoảng 2% GDP của khu vực vào năm 2017 và dự kiến sẽ đạt 6%, tương đương quy mô 200 tỷ USD vào năm 2025 (1).
Định hướng phát triển của ASEAN
Trước bối cảnh đó, Tầm nhìn 2025 của ASEAN sẽ tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn Cộng đồng ASEAN, đưa ASEAN trở thành một tổ chức hợp tác khu vực mở có mức độ liên kết sâu rộng hơn, đoàn kết, thống nhất và củng cố vai trò trung tâm. ASEAN xây dựng các mục tiêu xuyên suốt, gắn kết và bổ trợ giữa ba trụ cột Cộng đồng.
Các nước ASEAN khẳng định đoàn kết, thống nhất trong mọi lĩnh vực hợp tác là yếu tố quan trọng giúp ASEAN ứng phó hiệu quả với các thách thức và giữ vững vai trò trung tâm trong khu vực. ASEAN cũng nhất trí xây dựng cách tiếp cận chung với nội hàm của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (IPS), sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Các đối tác lớn của ASEAN như Mỹ và Trung Quốc cũng đánh giá cao vai trò và coi ASEAN là trung tâm trong các sáng kiến của mình với khu vực. Nhiều dự án cụ thể trong lĩnh vực năng lượng, kết nối hạ tầng trong các khuôn khổ chiến lược này có thể tạo cơ hội cho ASEAN và Việt Nam.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được dự báo sẽ tăng gấp đôi GDP trong giai đoạn 2015 - 2030, vươn lên vị trí thứ 4 thế giới. Tăng trưởng GDP thực tế của các nước thành viên ASEAN đã tăng gấp đôi trong hai thập niên qua và sự tăng trưởng này tiếp tục sẽ vượt xa đáng kể so với mức trung bình toàn cầu. ASEAN cũng đề ra những cam kết cao, gắn kết chiến lược trong các FTA thế hệ mới. ASEAN cũng ngày càng phát huy vai trò trong việc đề cao các vấn đề xã hội, môi trường, các quy tắc, chuẩn mực chung.
Để tăng cường hiệu quả ứng phó, ASEAN cần xây dựng các liên minh không chính thức mới giữa các nhóm nước thành viên để triển khai các sáng kiến kinh tế và an ninh. ASEAN cũng thúc đẩy đa dạng các quan hệ đối tác với các tổ chức khu vực và tài chính như EU, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) để có các nguồn lực phát triển. Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn, ASEAN tăng cường vai trò trung tâm của mình trong khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn hơn, tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn với Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, EU... để tạo thêm không gian chiến lược cho ASEAN trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, bảo đảm cho một sự “cân bằng năng động” trong khu vực.
Việt Nam trong xu thế phát triển của ASEAN và khu vực
Việt Nam xác định ASEAN có vai trò chiến lược quan trọng để bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc về an ninh, phát triển và nâng cao vị thế đất nước. Chặng đường 23 năm đồng hành cùng ASEAN cũng gắn với những dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam. Cộng đồng ASEAN sẽ tiếp tục mang lại những cơ hội và lợi ích cho Việt Nam với quy mô lớn hơn và thiết thực hơn. Khi ASEAN dần tiến tới các hình thức liên kết cao hơn, Việt Nam cần tận dụng vai trò của ASEAN để nâng cao vai trò trong các liên kết đa phương, sử dụng lợi thế đó làm đòn bẩy thúc đẩy sâu sắc hơn quan hệ song phương của Việt Nam với các nước. Bên cạnh đó, các thách thức Việt Nam phải đối mặt cũng nhiều hơn và trực tiếp hơn.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục hành động theo phương châm “chủ động, tích cực, có trách nhiệm” trong ASEAN; lựa chọn đi đầu, dẫn dắt; đóng vai trò nòng cốt, tích cực và có trách nhiệm trong từng vấn đề theo chiến lược và lộ trình phát triển của đất nước. Việt Nam thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, hình thành và chia sẻ chuẩn mực ứng xử trong khu vực, tăng cường hiệu quả của các diễn đàn do ASEAN đóng vai trò chủ đạo và dẫn dắt, như EAS, ARF, ADMM, ADMM+.
Việt Nam phát huy và khai thác lợi ích song trùng với các nước ASEAN khác trên từng vấn đề, lĩnh vực cụ thể; lồng ghép các chương trình hành động quốc gia, làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước ASEAN, đặc biệt là với nhóm nước đối tác chiến lược của Việt Nam trong ASEAN (nhóm IMPTS) (2).
Về kinh tế, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực có nhu cầu và thế mạnh, như phát triển nông nghiệp nông thôn, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; kết nối, có vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị của khu vực. Việt Nam cần thúc đẩy kết nối Cộng đồng kinh tế ASEAN với các đối tác bên ngoài thông qua các FTA ASEAN+1... cũng như phát huy lợi thế là nước thành viên ASEAN chia sẻ nhiều lợi ích và có đường biên giới chung với Trung Quốc - một cường quốc và trung tâm kinh tế lớn trên thế giới.
Về văn hóa - xã hội, Việt Nam hướng tới xây dựng các kế hoạch hành động, các sáng kiến, dự án có giá trị và khả thi theo lộ trình xây dựng Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN đến năm 2025. Về quan hệ đối ngoại, Việt Nam đóng góp thúc đẩy và duy trì quan hệ cân bằng giữa ASEAN và các đối tác lớn, xử lý khéo léo những đề xuất hợp tác mới của Mỹ và Trung Quốc.
Việt Nam nỗ lực góp phần tăng cường đoàn kết thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. Tham gia định hình cấu trúc cho khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương đa tiến trình, đa lĩnh vực và đa tầng nấc. Việt Nam cần triển khai đồng bộ hội nhập quốc tế trong mọi lĩnh vực, với trọng tâm là hợp tác kinh tế, tranh thủ nguồn lực quốc tế phục vụ đổi mới toàn diện, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với công nghệ số, đổi mới sáng tạo. Tăng cường nắm bắt làn sóng mới về thương mại, đầu tư toàn cầu, cơ hội từ Cộng đồng ASEAN, xu thế liên kết mới ở khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương cũng như sự phát triển của các thị trường tiềm năng.
Việt Nam tiếp tục đổi mới tư duy, cách tiếp cận, cải cách tổ chức bộ máy phù hợp với sự chuyển biến của tình hình và yêu cầu mới của thời đại. Thấm nhuần tư duy “khởi xướng, định hình”, phát huy các thế mạnh của Việt Nam trong vận động, thuyết phục, xây dựng đoàn kết trong khu vực. Tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng và cách mạng công nghiệp 4.0.
Nói tóm lại, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh tư duy “Chủ động và tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương”, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hợp tác tiểu vùng, các liên kết hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN và các đối tác bên ngoài. Để tăng cường vị thế, Việt Nam cần nâng các hoạt động, sáng kiến của mình lên tầm khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn hơn, tích cực tham gia xây dựng, thực thi các quy tắc, luật lệ, chuẩn mực chung, góp phần xây dựng một khu vực an ninh, hòa bình, ổn định cho hợp tác và phát triển với ASEAN đóng vai trò trung tâm trong các cấu trúc khu vực./.
--------------------
(1) e-conomy SEA: Unlocking the $200B Digital Opportunity, https://www.thinkwithgoogle.com/intl/en-apac/trends-and-insights/e-conomy-sea-unlocking-200b-digital-opportunity/
(2) Gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thailand và Singapore
Chủ tịch Quốc hội dự Lễ khai giảng tại Học viện Quốc phòng  (21/09/2018)
Phó Chủ tịch nước: Việt Nam chú trọng thể chế hóa bình đẳng giới  (21/09/2018)
Công bố Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán  (21/09/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Tập đoàn SAP (CHLB Đức)  (21/09/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển