Vai trò của giá trị nhân văn quân sự truyền thống đối với xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị hiện nay
TCCSĐT - Giá trị nhân văn quân sự truyền thống của dân tộc là những giá trị nhân văn về “tự vệ, chính nghĩa”; “trọng sức dân”, “trọng tâm công”; “trọng hòa mục, giữ hòa hiếu” có vai trò quan trọng đối với xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị hiện nay.
Vai trò đó biểu hiện ở từng khía cạnh trong nội dung, như: Góp phần tăng cường, củng cố hệ tư tưởng của quân đội theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là cơ sở bảo đảm cho Đảng nắm chắc, nắm chặt quân đội, quân đội tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện thắng lợi đường lối chính trị, đường lối quân sự và nhiệm vụ mà Đảng giao cho.
Học thuyết Mác - Lê-nin về chiến tranh và quân đội khẳng định: trong xã hội có đối kháng giai cấp, xây dựng quân đội về chính trị là vấn đề có tính quy luật, là nguyên tắc, cơ sở để quân đội trung thành tuyệt đối với giai cấp. Xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị thực chất là tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, là quá trình xây dựng, bồi dưỡng niềm tin, ý chí, trạng thái tinh thần chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng cách mạng cho mọi quân nhân. Do đó, cùng với xây dựng nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì việc phát huy giá trị nhân văn quân sự truyền thống của dân tộc trong xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị có vai trò hết sức quan trọng, là “phát huy sức mạnh đặc biệt văn hóa với tính chất đặc thù của nó để tạo nên tính thống nhất trong sự đa dạng của các mảng công tác tư tưởng nhằm củng cố trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội, góp phần trực tiếp xây dựng quân đội về chính trị” (1).
Giá trị nhân văn quân sự truyền thống của dân tộc là những giá trị được hình thành bởi điều kiện “đất nước và con người Việt Nam”, trải qua quá trình “giữ gìn”, “lọc bỏ” biện chứng, tiếp thu tinh hoa giá trị dân tộc và nhân loại thường xuyên, liên tục từ thấp đến cao. Là sự kết tinh giá trị trong bề dày truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, mang tính trường tồn với sắc thái quân sự Việt Nam. Đó là những giá trị nhân văn trong mục đích tiến hành chiến tranh “tự vệ, chính nghĩa”; phương thức tiến hành “trọng sức dân”, “trọng tâm công”; cách thức ứng xử “trọng hòa mục” trong quan hệ với đồng đội, với nhân dân và “giữ hòa hiếu” trong quan hệ đối ngoại. Tính tất yếu vai trò của giá trị nhân văn quân sự truyền thống của dân tộc đối với xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị bắt nguồn từ quan hệ khách quan giữa chính trị và nhân văn, truyền thống và hiện tại.
Hiện có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về đạo đức, nhân văn. Tuy nhiên, chỉ có quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin là tiêu chí khoa học nhất, xác định hoạt động quân sự nào là nhân văn và hoạt động quân sự nào phản nhân văn dựa trên mục đích chính trị giai cấp. Mục tiêu suy đến cùng của hoạt động xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị là nhân văn, hoạt động đó nhằm thực hiện đường lối chính trị, mục tiêu, lý tưởng nhân văn cộng sản của Đảng. Do vậy, trên “đường đi” của nó cho phép xác lập quan hệ và kế thừa, phát triển của các giá trị nhân văn quân sự truyền thống. Sự tác động trở lại của các giá trị nhân văn quân sự truyền thống đối với xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị không chỉ là quy luật mà còn mang tính “tự giác”. Các giá trị nhân văn quân sự truyền thống của dân tộc không những thống nhất, đồng đẳng với mục tiêu xây dựng quân đội về chính trị mà còn thực sự là tiền đề, giá đỡ, bậc thang để đưa giá trị nhân văn trong hoạt động quân sự đạt đến giá trị nhân văn cao nhất trong lịch sử loài người.
Giá trị của hoạt động quân sự truyền thống của dân tộc ta có ở mọi mặt từ việc sử dụng con người, công tác binh vận, địch vận; nghệ thuật quân sự Việt Nam; đến việc sáng tạo vũ khí, trang bị, lợi dụng địa hình, địa vật để đánh giặc. Mỗi truyền thống có những giá trị cụ thể về mặt vật chất và tinh thần, giá trị nhân văn quân sự truyền thống của dân tộc là giá trị kết tinh trong các giá trị, thuộc về giá trị tinh thần, liên quan trực tiếp đến đời sống chính trị - tinh thần của cán bộ, binh sĩ trong quân đội. Đời sống chính trị - tinh thần tốt đẹp trong quân đội bao giờ cũng hình thành trên cơ sở kế thừa biện chứng của truyền thống. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trước khi đến với quân đội là những công dân từ thuở nhỏ đã được trao truyền, mang trong mình những giá trị nhân văn truyền thống, giá trị nhân văn quân sự truyền thống của dân tộc, nếu phát huy tốt giá trị nhân văn quân sự truyền thống trong thời gian quân ngũ sẽ tạo sức mạnh cộng hưởng cùng với các biện pháp khác của quá trình xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị. Vai trò, sự tác động thể hiện trên các phương diện nội dung cụ thể của hoạt động xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị.
Thứ nhất, góp phần tăng cường, củng cố hệ tư tưởng của quân đội theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Giá trị nhân văn quân sự truyền thống của dân tộc là cơ sở, điều kiện thuận lợi, để tiếp thu hệ tư tưởng của Đảng. Mang trong mình “dòng máu” nhân văn được truyền qua mấy ngàn năm lịch sử, bắt gặp “dòng máu” nhân văn cách mạng, mọi cán bộ, chiến sĩ quân đội sẽ nhanh chóng tiếp nhận, hòa chung vào một dòng chảy. Nhờ đó trong kháng chiến chống Pháp, người dân, người lính, họ có thể chưa hiểu cặn kẽ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, song với bản tính nhân văn “tự vệ, chính nghĩa” đã nguyện một lòng đi theo vì đó là chủ nghĩa giải phóng người lao động khỏi áp bức, bóc lột,... đem lại ấm no, hạnh phúc cho con người “chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người, niềm vui, hòa bình và hạnh phúc”(2), phù hợp với khát vọng, truyền thống ngàn đời của dân tộc. Nguyện đi theo con đường, mục tiêu chính trị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành...”(3), bởi nó phù hợp với giá trị nhân văn quân sự truyền thống mang trong mình họ. Sự hòa nhập của “hai dòng” nhân văn đó phát triển lên đỉnh cao giá trị nhân văn “Bộ đội Cụ Hồ” của quân đội ta trong kháng chiến chống Mỹ.
Hệ tư tưởng của quân đội ta hiện nay về bản chất mang hệ tư tưởng nhân văn cộng sản của Đảng, song nó là cái không hoàn toàn cố định, bất biến. Trước các tư tưởng trái chiều và sự chống phá điên cuồng của các thế lực đế quốc, thù địch bằng “diễn biến hòa bình” được “nâng lên” bởi công nghệ thông tin, “mạng xã hội mở” và sự “hà hơi” qua các “Mùa xuân Ả Rập” ở Bắc Phi và Trung Đông làm cho hệ tư tưởng của Đảng nói chung và trong quân đội nói riêng dễ bị phai nhạt, biến chất nếu không được củng cố, tăng cường. Mặt khác, tuy toàn cầu hóa đem lại sự phát triển cho nhiều quốc gia, dân tộc, làm cho nhiều giá trị trong đó các tiêu chí giá trị nhân văn được định hình, thống nhất, ngày càng hoàn thiện và trở thành chuẩn mực xã hội, được luật hóa ở tầm quốc tế (Bộ luật Nhân quyền quốc tế), song cũng rõ ràng toàn cầu hóa đang làm băng hoại các giá trị truyền thống của các quốc gia, dân tộc, và nhân quyền, được các “ông lớn” sử dụng làm chiêu bài can thiệp vào các quốc gia có chủ quyền. Phát huy giá trị nhân văn quân sự truyền thống của dân tộc, nhất là giá trị nhân văn của hoạt động quân sự tự vệ, chính nghĩa không chỉ giúp lưu giữ và phát triển “bản thể” của nó mà còn là động lực tinh thần cho việc củng cố, tăng cường hệ tư tưởng trong quân đội góp phần làm thất bại sự chống phá về tư tưởng của địch.
Thứ hai, giá trị nhân văn quân sự truyền thống của dân tộc là cơ sở bảo đảm cho Đảng nắm chắc, nắm chặt quân đội, quân đội tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của Đảng. Học thuyết Mác - Lê-nin về nguồn gốc, bản chất của quân đội chỉ ra tính khách quan đội tiền phong của các giai cấp tổ chức ra và lãnh đạo quân đội, bác bỏ tư tưởng, luận thuyết về quân đội trung lập, phi giai cấp. Về mặt lý luận và thực tiễn cho thấy, các giai cấp luôn xây dựng, phát triển hoặc tìm cách lôi kéo công cụ bạo lực về phía mình, song sự lôi kéo đó chỉ có hiệu quả trên sự thống nhất về những giá trị cốt lõi. Với bề dày các giá trị nhân văn quân sự truyền thống của dân tộc, hành động phục tùng của quân đội không chỉ là “tự phát” mà còn mang tính “tự giác” cao độ.
Sự phát triển về chất của giá trị nhân văn quân sự truyền thống của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh là kết quả của sự kế thừa giá trị nhân văn quân sự truyền thống của dân tộc trong lịch sử, và sự cụ thể hóa mục tiêu, nội dung xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Những giá trị đó góp phần định hình, tỏ rõ tư tưởng nhân văn, tinh thần “đem đại nghĩa để thắng hung tàn” trong mục tiêu chiến đấu của quân đội, và về cuộc chiến tranh chính nghĩa do Đảng ta phát động, là sức mạnh tinh thần to lớn xây dựng bản lĩnh, ý chí, niềm tin, sự thừa nhận và đòi hỏi khách quan Đảng lãnh đạo quân đội. Bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo quân đội “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” được thực hiện triệt để nhất. Cũng vì cùng chung mục tiêu “tự vệ, chính nghĩa” vì giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, với cách thức ứng xử “trọng hòa mục” trong các quan hệ giữa cán - binh, giúp cho quan hệ phối hợp công tác giữa người chỉ huy với người chính ủy, chính trị viên, giữa cán bộ quân sự với cán bộ chính trị được giải quyết hài hòa, cả tình và lý. Một mặt vẫn bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng ở đơn vị đối với người chỉ huy theo đúng nguyên tắc. Mặt khác, người chỉ huy cũng dám tự chủ, quyết đoán và chịu trách nhiệm trước tổ chức đảng, cấp ủy của đơn vị mình thực hiện nhiệm vụ trong các tình huống gay go, khốc liệt của chiến tranh. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đến từng đơn vị cơ sở, trên mọi lĩnh vực ở mọi nơi có hoạt động của quân đội.
Thứ ba, giá trị nhân văn quân sự truyền thống của dân tộc góp phần làm cho quân đội thực hiện thắng lợi đường lối chính trị, đường lối quân sự và nhiệm vụ của Đảng giao cho. Hiệu quả xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị được đánh giá ở đích cuối cùng là thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ được giao. Với tính cách là một chỉnh thể thống nhất, xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện được bắt nguồn bởi chính sức mạnh nội tại, trong mối quan hệ gắn kết với nhân dân, với bè bạn quốc tế, và trong tương quan so sánh với kẻ thù, trong đó sức mạnh nội tại và quan hệ quân dân là yếu tố then chốt.
Sức mạnh nội tại của quân đội xem xét ở góc độ lực lượng, ở nhân tố con người, thể hiện ở quân số hợp lý, ở chất lượng từng thành viên và phương thức liên kết tối ưu nhất. Trong đó sức mạnh của nhân tố con người, trước hết ở từng quân nhân là hạt nhân cho sức mạnh toàn thể. Giá trị nhân văn quân sự truyền thống của dân tộc với đặc điểm cơ bản xuyên suốt là tự vệ, chính nghĩa là cơ sở để quân đội chấp nhận tự giác và nhu cầu tiếp thu hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng, phục tùng tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng. Giá trị đó còn tạo niềm tin to lớn, ý chí quật cường sẵn sàng hy sinh để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Chiến tranh - đặc trưng cơ bản của hoạt động quân sự - là sự thử thách toàn diện của các bên tham chiến, sự khốc liệt của chiến tranh tác động và ảnh hưởng to lớn, trước tiên tới trạng thái chính trị - tinh thần của cả dân tộc mà trước hết là những người cầm súng. Theo V.I.Lê-nin: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”(4). Tinh thần đó chỉ được tạo dựng bởi “Lòng tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa, sự giác ngộ rằng cần phải hy sinh đời mình cho hạnh phúc của những người anh em, là yếu tố nâng cao tinh thần của binh sĩ và làm cho họ chịu đựng được những khó khăn chưa từng thấy”(5). Bởi, “họ hiểu rằng vì sao họ chiến đấu và tự nguyện đổ máu cho thắng lợi của chính nghĩa và chủ nghĩa xã hội. Việc quần chúng nhận thức được mục đích và nguyên nhân của chiến tranh có một tầm quan trọng to lớn và đó là sự bảo đảm cho thắng lợi”(6). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 6 lần nhắc đến nguyên nhân thắng lợi của hoạt động quân sự do tính chất chính nghĩa, và khẳng định: “Kháng chiến của ta là chính nghĩa. Ta chỉ giữ gìn non sông, đất nước của ta. Chỉ chiến đấu cho quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Còn thực dân phản động Pháp thì mong ăn cướp nước ta, mong bắt dân ta làm nô lệ. Vậy ta là chính, địch là tà. Chính nhất định thắng tà”(7). Ngược lại, nếu mục đích của hoạt động quân sự, của chiến tranh không vì giá trị nhân văn thì không thể chịu đựng được sự khốc liệt của chiến tranh, không thể làm nên những chiến thắng rạng rỡ. Đó cũng là lý giải thỏa đáng nhất cho nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược của quân và dân ta.
Giá trị nhân văn quân sự truyền thống của dân tộc là cơ sở tạo nên sức mạnh tinh thần, ý chí quyết tâm to lớn của mỗi quân nhân, động lực của các phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “cuộc đời tuổi trẻ đẹp nhất trên trận tuyến chống quân thù”, những người lính gia nhập quân đội trên cơ sở hiểu được sự cần thiết phải cầm súng chiến đấu, bởi lòng yêu nước tự nguyện viết đơn tòng quân bằng máu của mình. Vì lòng yêu thương con người, yêu người thân, yêu giống nòi Lạc Hồng, yêu đồng chí, đồng đội, yêu xóm làng, ruộng nương; sự mẫn cảm với nỗi khổ của những người xung quanh, kết hợp niềm tin vào sức mạnh và khát vọng đấu tranh cho độc lập, tự do, hạnh phúc của con người dẫn đến nhận thức về sự cần thiết phải hiến đời mình cho dân tộc. Nhiều nhân sĩ, trí thức tài giỏi như Võ Nguyên Giáp, Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn,... sẵn sàng từ bỏ cuộc sống vinh hoa, phú quý, vượt lên trên danh lợi cá nhân đem tài, đức cống hiến xây dựng quân đội. Cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng chia ngọt, sẻ bùi, “điếu thuốc bẻ đôi”, “đêm rét chung chăn”, và cao hơn cả là dám nhận hy sinh mất mát về mình, giành quyền sống cho đồng đội trong chiến tranh cũng như trong thời bình. Một đội quân gắn kết, yêu thương nhau, đồng cam cộng khổ, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, được nhân dân mến yêu gọi là “Bộ đội Cụ Hồ”. Một đội quân mà trong đối kháng với kẻ thù dựa trên sự nhân nghĩa, khoan dung, độ lượng, lấy cảm hóa làm sức mạnh. Đội quân như vậy, thì không có “quân lính nào”, “súng ống nào” đè bẹp được và nó tạo ra “Dáng đứng Việt Nam” tạc vào thế kỷ. Đúng như nhà nghiên cứu Phan Ngọc viết: “Sở dĩ nước Việt Nam là nước không ai xâm lược được là vì truyền thống quân sự Việt Nam bắt nguồn từ chính truyền thống văn hóa Việt Nam và truyền thống ấy có một nguồn gốc vật chất do đất nước, cách sinh sống, xã hội Việt Nam tạo ra qua bao đời nay. Khi nào quân sự theo đúng truyền thống ấy thì thắng lợi, còn nếu rời bỏ truyền thống ấy thì thất bại, nước mất nhà tan”(8).
Sự tác động của giá trị nhân văn quân sự truyền thống của dân tộc là toàn diện đối với mọi mặt, mọi lĩnh vực hoạt động quân sự, song việc lựa chọn mặt nào, lĩnh vực nào để phát huy cần tính đến vai trò và sự tác động tích cực. Vai trò, động lực của giá trị nhân văn quân sự truyền thống của dân tộc trong xây dựng quân đội về chính trị là to lớn, nó cũng là mục tiêu xây dựng một quân đội nhân văn mà Đảng, quân đội đặt ra. Trong giai đoạn hiện nay cần phát huy hơn nữa giá trị nhân văn quân sự truyền thống của dân tộc trong xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị./.
----------------------------------------------
(1) Tổng cục Chính trị, Chặng đường 5 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng môi trường văn hoá trong các đơn vị quân đội (1992 - 1997), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr. 18
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 461
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr. 517
(4), (5), (6) V.I. Lê-nin: Toàn tập, t.41, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 147
(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr. 150
(8) Phan Ngọc (1998), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1998, tr. 405 - 406
Ban Bí thư sẽ xem xét báo cáo kết quả kiểm tra với bà Mỹ Thanh  (03/05/2018)
Không chậm trễ trong xây dựng dự án luật chuẩn bị cho Kỳ họp Quốc hội  (03/05/2018)
Việt Nam chia sẻ ý nghĩa thiêng liêng của Ngày quốc tế Vesak  (03/05/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Tập đoàn JP. Morgan (Hoa Kỳ)  (03/05/2018)
Phiên họp toàn thể lần thứ 6 Hội đồng Dân tộc của Quốc hội  (03/05/2018)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên