TCCSĐT - Việt Nam và Australia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 26-02-1973. 45 năm qua, Việt Nam và Australia đã xây dựng mối quan hệ đối tác vững mạnh. Đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2009 và ký Tuyên bố về quan hệ Đối tác toàn diện tăng cường năm 2015, quan hệ song phương Việt Nam - Australia càng phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.

Hợp tác chính trị - ngoại giao phát triển thực chất

Trên lĩnh vực đối ngoại, Australia coi Việt Nam là đối tác then chốt trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN. Trong chuyến thăm Australia tháng 11-2016 của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, hai nước đã ký Chương trình Hành động giai đoạn 2016 - 2019. Nhân dịp Thủ tướng Australia M. Turnbull tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố Đà Nẵng vào tháng 11-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia M. Turnbull đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương giữa hai nước lên tầm Đối tác chiến lược.

Hai nước hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), APEC, Liên hợp quốc. Việt Nam ủng hộ Australia ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2013 - 2014 và Hội đồng Tổ chức Hàng hải Thế giới (IMO) nhiệm kỳ 2016 - 2017. Australia ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016, thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015 - 2019 và ECOSOC 2016 - 2018. Hai bên đã có thỏa thuận về việc Việt Nam ủng hộ Australia làm thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2018 - 2020 và Australia ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và thành viên Hội đồng Điều hành Liên minh bưu chính thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2017 - 2021.

Cùng với sự phát triển các mối quan hệ hữu nghị, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Australia ngày một phát triển tốt đẹp. Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Australia lần đầu tiên đã ký thỏa thuận hợp tác nhân dịp chuyến thăm chính thức Australia của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khóa XII Nguyễn Phú Trọng (tháng 3-2008). Kế thừa kết quả hợp tác tốt đẹp đó, trong chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Australia A. Burke (tháng 5-2013), Quốc hội Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác giai đoạn mới với Quốc hội liên bang gồm Thượng viện và Hạ viện Australia. Các văn bản này đã tạo ra động lực mới, là cơ sở pháp lý cho việc tăng cường quan hệ hợp tác song phương giữa cơ quan lập pháp hai nước đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực bền vững.

Việt Nam và Australia thường xuyên trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao và các đoàn công tác cấp ủy ban, các nghị sĩ hai nước. Hai bên đã thành lập các nhóm nghị sĩ hữu nghị tương ứng. Việc hai nước tăng cường trao đổi giao lưu nghị sĩ đã góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền đối ngoại và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước; thúc đẩy quan hệ toàn diện hai nước qua kênh ngoại giao nghị viện. Quốc hội hai nước có sự ủng hộ tích cực lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương mà hai nước là thành viên như IPU, APPF, AIPA, ASEP…

Hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng giữa Việt Nam và Australia phát triển thực chất và hiệu quả thông qua việc trao đổi đoàn, ký thỏa thuận hợp tác, hợp tác phòng chống tội phạm, quản lý xuất nhập cảnh, chống di cư bất hợp pháp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo tiếng Anh... Hai bên đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác đào tạo gìn giữ hòa bình và rà phá bom mìn (năm 2016). Hằng năm, Australia đào tạo cho Việt Nam khoảng 3.000 đến 4.000 sỹ quan. Tàu hải quân Australia cũng nhiều lần thăm Việt Nam (gần đây nhất là thăm cảng Đà Nẵng đầu tháng 6-2017). Tháng 12-2016 đã ký MOU về thủ tục nhận trở lại người di cư bất hợp pháp. Australia là nước duy nhất đặt đại diện thường trực tại Trung tâm phòng chống tội phạm xuyên quốc gia Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó hai bên thường xuyên trao đổi thông tin tình báo, hợp tác chống khủng bố, buôn người, tội phạm ma túy...

Hợp tác kinh tế hiệu quả

Trong 45 năm qua, quan hệ Việt Nam - Australia luôn được quan tâm, củng cố và đã đạt được những thành tựu to lớn, đặc biệt thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại là một trong những ưu tiên trong quan hệ hai nước, góp phần quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại mỗi nước. Quy mô thương mại hai nước trong vòng hơn 10 năm qua đã tăng gấp đôi. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Australia năm 2005 đạt 3 tỷ USD và đến năm 2016 đạt gần 6 tỷ USD. Tính đến tháng 11-2017, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Australia đạt 5,88 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016. Hiện Australia là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Australia sang Việt Nam gồm thủy sản, thanh long, hạt điều, gỗ và sản phẩm gỗ, than đá, nhôm … Trong khi đó, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Australia gồm điện thoại và linh kiện, mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dầu thô, giày dép…

Về đầu tư, tính đến tháng 01-2018, Australia đã đầu tư 411 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 1,80 tỷ USD, xếp thứ 19/116 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam. Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, công nghiệp chế biến, dịch vụ, giáo dục, nông lâm nghiệp, thủy sản. Việt Nam hiện có 17 dự án đầu tư trực tiếp vào Australia với tổng giá trị đạt 137 triệu USD, chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nghệ thuật, vui chơi giải trí, khai khoáng, dịch vụ.

Viện trợ phát triển chính thức (ODA) cũng là nhân tố hết sức quan trọng trong việc tăng cường quan hệ giữa hai nước. Australia đã có truyền thống nhiều năm cung cấp viện trợ phát triển một cách hiệu quả cho Việt Nam, trong đó có việc hỗ trợ xây dựng hai cây cầu quan trọng là cầu Mỹ Thuận và cầu Cao Lãnh. Đây là hai công trình giúp kết nối người dân và các thị trường ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và phần còn lại của khu vực Đông Nam Á. Nguồn vốn ODA của Australia cũng đã giúp Việt Nam cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới, nhất là ở khu vực nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các start-up (mô hình hỗ trợ khởi nghiệp)…

Trong lĩnh vực hợp tác du lịch, số lượng du khách Australia đến Việt Nam và du khách Việt Nam đến Australia hàng năm ngày càng tăng, qua đó góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Tính đến tháng 9-2017, số lượng khách du lịch Australia đến Việt Nam là 300.000 lượt, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Hợp tác mạnh mẽ về giáo dục, khoa học

Giáo dục là lĩnh vực hợp tác mạnh mẽ giữa Việt Nam và Australia. Australia là điểm đến du học được ưa chuộng hàng đầu của sinh viên Việt Nam với khoảng 31.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Australia. Chính phủ Australia đã cung cấp nhiều học bổng theo các chương trình dài hạn và ngắn hạn cho Việt Nam (thời điểm cao điểm lên tới 400 suất/năm, hiện nay duy trì khoảng gần 100 suất).

Trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, Australia đã thúc đẩy hợp tác với Việt Nam. Việt Nam là 1 trong 17 nước được hưởng lợi từ sáng kiến về hợp tác khoa học công nghệ của Australia. Hai bên đã tiến hành một số nghiên cứu chung trong lĩnh vực y tế. Australia hỗ trợ thành lập và tài trợ “Trung tâm đổi mới sáng tạo thích ứng với biến đổi khí hậu” tại Hà Nội (Climate Innovation Center) nhằm hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Cộng đồng Việt kiều đang sinh sống tại Australia có số lượng khoảng 300.000 người (đứng thứ 5 trong số các cộng đồng sắc tộc gốc nước ngoài tại Australia). Người Việt sống chủ yếu tại các bang Nam Australia, đông nhất là bang New South Wales (114.000 người) và bang Victoria (88.200 người).

Nhìn lại một chặng đường phát triển, có thể nhận thấy, Việt Nam và Australia đều mong muốn tăng cường mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài trên nhiều lĩnh vực vì sự thịnh vượng và ổn định. Với những nỗ lực chung của chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác toàn diện tăng cường giữa Việt Nam và Australia chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, cả trên bình diện song phương cũng như khu vực và quốc tế, hướng tới mối quan hệ Đối tác chiến lược./.