Tăng cường hợp tác biên phòng trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Cam-pu-chia trong tình hình mới
TCCS - Tăng cường hợp tác biên phòng với các nước có chung đường biên giới luôn được xác định là nhiệm vụ trọng yếu trong thực hiện công tác đối ngoại biên phòng, góp phần giúp bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia luôn là vấn đề trọng yếu của mọi quốc gia dân tộc độc lập, có chủ quyền. Vấn đề biên giới, lãnh thổ luôn là tiền đề quan trọng trong quan hệ hữu nghị, hợp tác, nhất là với các quốc gia có chung đường biên giới. Trong quan hệ “bang giao”, các quốc gia láng giềng đều mong muốn giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình thông qua đàm phán, thương lượng, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai bên để cùng phát triển và giữ biên giới ổn định lâu dài. Liên hợp quốc cũng nhiều lần khuyến cáo các quốc gia coi trọng biện pháp đàm phán hòa bình trong quá trình giải quyết tranh chấp biên giới. Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, bất cứ quốc gia nào muốn phát triển đều phải tham gia các quan hệ luật pháp quốc tế với tư cách là một chủ thể đầy đủ và có trách nhiệm. Trước xu thế đó, các quốc gia đều cho rằng công tác đối ngoại biên phòng ngày càng có vai trò to lớn trong quản lý, bảo vệ biên giới để giữ biên giới ổn định, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Công tác đối ngoại biên phòng là một bộ phận quan trọng của đối ngoại quốc phòng và là một trong những nội dung quan trọng trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Công tác đối ngoại biên phòng còn là một trong các biện pháp công tác quan trọng của bộ đội biên phòng (BĐBP) và cùng với các biện pháp công tác khác, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Trong công tác đối ngoại biên phòng, hợp tác biên phòng vừa là nội dung, vừa là hình thức cơ bản, quan trọng nhằm tạo sức mạnh tổng hợp cho các lực lượng bảo vệ biên giới hai nước cùng nhau quản lý, bảo vệ đường biên giới chung, xây dựng biên giới đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.
Những năm qua, quán triệt và triển khai nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Thỏa thuận cấp cao giữa Bộ Chính trị Đảng ta với Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Cam-pu-chia, các quan điểm, đường lối đối ngoại, chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ quan hệ hợp tác với Lào và Cam-pu-chia trong các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch của Đảng, Nhà nước; dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, hợp tác biên phòng trên bình diện song phương và đa phương với Lào và Cam-pu-chia đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, chặt chẽ, có chiều sâu, thực chất và hiệu quả, trở thành điểm sáng trong quan hệ đối ngoại quốc phòng, cụ thể là:
Trong lãnh đạo, chỉ đạo: Thực hiện Chỉ thị của Bộ Quốc phòng về giao nhiệm vụ hợp tác với Lào và Cam-pu-chia, từ cấp Bộ Tư lệnh BĐBP đến bộ chỉ huy BĐBP và các đồn biên phòng các tỉnh triển khai thực hiện tốt kế hoạch hợp tác với bộ chỉ huy quân sự, công an các tỉnh biên giới đối diện theo biên bản đã ký giữa Bộ Tư lệnh BĐBP với Cục Biên phòng thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Lào, Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục An ninh của Lào. Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Lục quân thuộc Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia và Tổng cục Công an quốc gia thuộc Bộ Nội vụ Cam-pu-chia chỉ đạo, hướng dẫn bộ chỉ huy BĐBP 10 tỉnh của Việt Nam duy trì quan hệ với tiểu khu quân sự và ty công an 10 tỉnh biên giới đối diện; chỉ đạo BĐBP các tỉnh triển khai thực hiện tốt kế hoạch hợp tác với tiểu khu quân sự, công an các tỉnh biên giới đối diện.
Trong hội ngộ, hội đàm, tuần tra chung, giao lưu, kết nghĩa: Thường xuyên phối hợp tổ chức đón, tiếp đoàn Cục trưởng Cục Biên phòng Lào sang thăm, trao đổi công tác, hợp tác giữa biên phòng hai nước; tổ chức tốt đoàn đại biểu của Bộ Tư lệnh BĐBP sang thăm, làm việc với Bộ Tư lệnh Lục quân và Tổng cục Công an quốc gia của Cam-pu-chia và mời bạn sang ta làm việc để đánh giá kết quả phối hợp quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự trên biên giới. Ở cấp tỉnh duy trì thường xuyên 6 tháng/1 lần, cấp đồn 3 tháng/1 lần; các đơn vị đã chủ động tổ chức gặp gỡ, trao đổi tình hình với bạn, cùng nhau kiểm điểm, đánh giá những vấn đề có liên quan đến chủ quyền, an ninh, trật tự trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị đặc biệt, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Các đồn, trạm biên phòng thường xuyên duy trì tốt công tác phối hợp tuần tra song phương và triển khai tốt mô hình kết nghĩa đồn, trạm biên phòng với các đơn vị lực lượng bảo vệ biên giới tương ứng của Lào và Cam-pu-chia với chủ đề “Chung tay xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển bền vững”. Đến nay, trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 60/96 đồn, 25/27 đại đội BĐBP và 10/10 đồn công an cửa khẩu của Lào; tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia có 14/98 đồn, 14 đại đội cảnh sát bảo vệ biên giới và 2 tiểu đoàn BĐBP của Cam-pu-chia kết nghĩa đồn, trạm hữu nghị. Phối hợp, tham mưu cho địa phương hai bên biên giới tổ chức kết nghĩa “Cụm dân cư hai bên biên giới”. Tính đến nay, tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 86 cặp cụm bản biên giới; tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia có 38 cặp cụm bản biên giới tổ chức kết nghĩa. Việc triển khai mô hình kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới đã góp phần trực tiếp duy trì ổn định biên giới để nhân dân đang sinh sống ở khu vực biên giới yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế - xã hội, cùng tham gia với BĐBP quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội hai bên biên giới: Đã chủ động quan hệ chặt chẽ với Tổng cục Cảnh sát Lào, các lực lượng vũ trang Cam-pu-chia đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, gian lận thương mại, buôn lậu lâm sản, khoáng sản; ngăn chặn di cư tự do, vượt biên trái phép. Chủ động phối hợp ngăn chặn, giải quyết nhanh chóng, có hiệu quả các vụ, việc xảy ra trên biên giới theo đúng Hiệp định về Quy chế biên giới và các thỏa thuận của Chính phủ hai nước trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, không để các thế lực thù địch lợi dụng kích động, xuyên tạc, vu cáo, phá hoại.
Trong tuyên truyền, vận động: Lực lượng bảo vệ biên giới hai bên đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt Hiệp định về Quy chế biên giới và các thỏa thuận mà hai nước đã ký kết; tích cực tham mưu cho Chính phủ, Bộ Quốc phòng, chính quyền địa phương xây dựng biên giới vững mạnh về mọi mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho các thôn, bản, ấp, phun, sóc hai bên biên giới được kết nghĩa, giúp đỡ nhau trong phát triển sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân; tham gia thực hiện có hiệu quả Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, đẩy nhanh quá trình phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia.
Trong hợp tác đào tạo: Thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các học viện, nhà trường trong BĐBP đã tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cán bộ cho lực lượng bảo vệ biên giới của Lào và Cam-pu-chia. Việc tiếp nhận, bàn giao cán bộ Lào, Cam-pu-chia sang tập huấn, đào tạo tại Việt Nam bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, đúng quy trình thủ tục. Hiện nay, Việt Nam và Lào đang tích cực trao đổi, thống nhất để triển khai xây dựng Trường Nghiệp vụ biên phòng cho Quân đội nhân dân Lào; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đẩy nhanh xây dựng Đề án thực hiện Thỏa thuận giải quyết vấn đề dân di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong hợp tác biên phòng với Lào và Cam-pu-chia còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót, như trong tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các hoạt động hợp tác ở một số đơn vị còn thiếu tính chủ động, sáng tạo, việc trao đổi thông tin có thời điểm chưa kịp thời nên hiệu quả phối hợp giải quyết vụ, việc chưa cao; chưa gắn kết giữa hợp tác biên phòng với hợp tác quốc phòng. Công tác nắm tình hình phục vụ cho đối ngoại biên phòng chưa được tiến hành thường xuyên, thiếu toàn diện và chiều sâu, còn bị động và chưa bám sát diễn biến tình hình trên biên giới. Các thông tin về tình hình ngoại biên còn thiếu chính xác và chưa có hệ thống, chưa nắm chắc và cụ thể những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động tác động đến chủ quyền, an ninh biên giới của nước ta. Việc vận dụng các nội dung, hình thức hợp tác biên phòng trong thực tiễn có lúc, có nơi thiếu linh hoạt. Công tác bố trí, sử dụng lực lượng trong hợp tác biên phòng chưa hợp lý; việc tổ chức thực hiện mới chỉ được duy trì thường xuyên ở các đồn biên phòng cửa khẩu, còn ở các đồn biên giới thì chưa thành nền nếp. Việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân thiếu chủ động, chưa kịp thời; việc tuyên truyền trong nhân dân và các lực lượng làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới về thực hiện các hiệp ước, hiệp định biên giới chưa được coi trọng...
Nguyên nhân của những hạn chế nói trên là do một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của hợp tác biên phòng, còn xem đây là nhiệm vụ riêng của lực lượng trực tiếp làm công tác đối ngoại; trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ của không ít cán bộ còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công tác đối ngoại biên phòng nói chung, hợp tác biên phòng nói riêng trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Trong những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn trên thế giới; quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, tình hình thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, bất trắc, khó lường; tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ... tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực; cộng đồng quốc tế phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, an ninh mạng và các hình thái chiến tranh kiểu mới; châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, là khu vực ít có khả năng xảy ra chiến tranh, xung đột lớn, nhưng tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo ngày càng phức tạp, nhất là trên Biển Đông.
Ở nước ta, chính trị tiếp tục ổn định, kinh tế giữ được đà tăng trưởng, nhiều vấn đề về an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường, uy tín và vị thế của Việt Nam đối với thế giới và khu vực ngày càng được củng cố, mở rộng. Song, bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra tiếp tục tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn về kinh tế; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp; khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội ngày càng tăng... cũng đã và đang tác động không nhỏ tới đời sống chính trị, xã hội. Trên các tuyến biên giới, tình hình kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ dân đói nghèo vẫn còn cao; hoạt động của các loại tội phạm, tình trạng người dân tộc thiểu số vượt biên trái phép, di, dịch cư tự do, tình hình an ninh nông thôn, trật tự, an toàn xã hội và những vấn đề, như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... còn diễn biến phức tạp. Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Cam-pu-chia, các nước lớn tăng cường tác động, kiềm chế gây ảnh hưởng của Việt Nam. Các thế lực phản động lợi dụng dân tộc Mông tăng cường các hoạt động tập hợp lực lượng, lôi kéo người Mông ở vùng Bắc Lào và Tây Bắc Việt Nam tham gia cái gọi là “Bộ đội Mông”; tuyên truyền, kích động, gây rối, gây bạo loạn để chống phá Đảng, Nhà nước Lào và Việt Nam. Hoạt động của các loại tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm vận chuyển, mua bán các chất ma túy có vũ trang, buôn lậu xuyên quốc gia. Tình hình chính trị nội bộ Cam-pu-chia còn nhiều bất ổn, có chiều hướng ngày càng phức tạp và khó lường. Một số đảng đối lập ở Cam-pu-chia tăng cường lợi dụng các vấn đề về biên giới, tình hình người Việt Nam tại Cam-pu-chia để tuyên truyền, chống phá Chính phủ do Đảng Nhân dân Cam-pu-chia lãnh đạo và quan hệ hữu nghị Cam-pu-chia - Việt Nam.
Tình hình trên đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa hợp tác biên phòng với Lào và Cam-pu-chia, trong đó chú trọng triển khai một số nội dung, biện pháp chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội về hội nhập quốc tế, hợp tác quốc phòng và hợp tác biên phòng trong tình hình mới. Tập trung tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Thỏa thuận cấp cao giữa Bộ Chính trị Đảng ta với Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Cam-pu-chia, các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ, các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về quan hệ hợp tác với Lào và Cam-pu-chia. Đồng thời, tuyên truyền về tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Lào, Việt Nam - Cam-pu-chia, về truyền thống gắn bó thủy chung lâu đời của ba quốc gia, dân tộc đã được trải qua thử thách của lịch sử và là tài sản đặc biệt quý báu của nhân dân ba nước; về sự tương trợ, giúp đỡ nhau vô tư, trong sáng, chí tình của Đảng, Nhà nước, nhân dân ba nước anh em trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, biên giới lãnh thổ để phá hoại tình đoàn kết, hữu nghị và sự hợp tác giữa ba nước. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các lực lượng và nhân dân về truyền thống đoàn kết, hữu nghị quý báu giữa Việt Nam với Lào và Cam-pu-chia, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong xây dựng, củng cố một đường biên giới ổn định, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.
Hai là, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, kế hoạch và chương trình hợp tác với Lào, Cam-pu-chia: Thỏa thuận cấp cao Việt Nam - Lào và Việt Nam - Cam-pu-chia năm 2016 và Kế hoạch số 06-KH/TW, ngày 25-5-2017, của Ban Bí thư; Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 7-7-2015, của Thủ tướng Chính phủ, về tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 1-8-2017, của Ban Bí thư, về “Tăng cường hợp tác với Lào và Cam-pu-chia đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Nghị định thư hợp tác quốc phòng song phương giai đoạn 2015 - 2019 và chương trình, kế hoạch hợp tác quốc phòng hằng năm; Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc giải quyết các vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước; Kế hoạch phối hợp đấu tranh ngăn chặn hoạt động di cư trái phép của người Mông Việt Nam sang Lào.
Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dự báo, phân tích tình hình, những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh và quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia tác động tới hợp tác biên phòng. Đây là một trong những nội dung quan trọng, làm cơ sở để tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng trong hoạch định chiến lược, phương hướng, nhiệm vụ hợp tác quốc phòng và hợp tác biên phòng trong tình hình mới. Để làm được điều đó, các đơn vị BĐBP cần phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành ở Trung ương và địa phương, các lực lượng, cơ quan, đơn vị ở khu vực biên giới, với các lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng tăng cường các hoạt động bảo vệ biên giới, cửa khẩu, phòng, chống tội phạm..., đẩy mạnh giao lưu, kết nghĩa các đơn vị, lực lượng bảo vệ biên giới, kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới...; phối hợp với Lào và Cam-pu-chia tăng cường hợp tác, sẵn sàng cử lực lượng, phương tiện, giúp đỡ lẫn nhau trong cứu hộ, cứu nạn tại khu vực biên giới và vùng tiếp giáp của mỗi nước khi xảy ra thiên tai, thảm họa nặng nề.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ biên giới của Lào, Cam-pu-chia trong quản lý, bảo vệ đường biên giới, hệ thống mốc quốc giới và giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới, cửa khẩu; kịp thời phát hiện, giải quyết có hiệu quả hoạt động xâm canh, xâm cư, xuất, nhập cảnh trái phép, di cư tự do; ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, chất ma túy, trấn cướp, buôn bán người qua biên giới, hoạt động rửa tiền, khủng bố, các tội phạm khác và các hoạt động tuyên truyền, kích động, gây rối an ninh, trật tự, chia rẽ quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa chính quyền và nhân dân hai bên biên giới. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương sớm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, đàm phán phân định đường biên giới trên biển, ký kết các văn bản pháp lý về biên giới với Cam-pu-chia. Các đơn vị BĐBP cần tăng cường quan hệ giao lưu, trao đổi, hội đàm với các cơ quan hữu quan tương ứng của Lào, Cam-pu-chia về tình hình thực hiện các hiệp ước, hiệp định, thỏa thuận về biên giới, lãnh thổ; hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới, tình hình an ninh, trật tự; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh... ở khu vực biên giới, cửa khẩu; kết quả phối hợp giải quyết các vụ, việc liên quan đến hai bên biên giới, theo quy định của pháp luật Việt Nam và tập quán quốc tế.
Năm là, chủ động tham mưu cho Bộ Quốc phòng đẩy mạnh giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới với Lào và Cam-pu-chia; tổ chức kết nghĩa giữa các đồn biên phòng với các lực lượng bảo vệ biên giới hữu quan tương ứng của Lào, Cam-pu-chia. Tham mưu cho các cấp, các ngành và chính quyền địa phương hai bên biên giới thực hiện chương trình hợp tác, đầu tư xây dựng khu vực biên giới hai nước vững mạnh về mọi mặt, trong đó tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, củng cố quốc phòng, an ninh; đồng thời tham mưu cho địa phương khu vực biên giới tăng cường công tác đối ngoại nhân dân, phát huy hiệu quả hoạt động kết nghĩa giữa các cụm dân cư hai bên biên giới. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho lực lượng bảo vệ biên giới của Lào và Cam-pu-chia, giúp bạn nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện trong các nhà trường quân đội của Lào và Cam-pu-chia.
Sáu là, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, biên chế, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng làm công tác đối ngoại biên phòng; quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách đối ngoại biên phòng có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, có phẩm chất đạo đức, sức khỏe tốt, có năng lực chuyên môn ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Đồng thời, quan tâm bồi dưỡng cho các lực lượng trực tiếp tham gia các nội dung hợp tác cả về chuyên môn, phẩm chất chính trị và nghiệp vụ công tác đối ngoại.
Thường xuyên coi trọng việc bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP, nhất là những lực lượng tham gia công tác đối ngoại biên phòng nói chung, thực hiện các nội dung hợp tác biên phòng nói riêng nắm vững chủ trương, chính sách đối ngoại, hợp tác quốc tế của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng; xây dựng lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, thường xuyên tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng; không ngừng học tập và rèn luyện nâng cao trình độ về mọi mặt, duy trì và thực hiện nghiêm các hiệp ước, hiệp định, thỏa thuận về biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam - Lào, Việt Nam - Cam-pu-chia, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng đường biên giới Việt Nam với các nước láng giềng ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển./.
Cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường Tết  (08/11/2017)
Cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường Tết  (08/11/2017)
Xây dựng thành phố Phủ Lý sớm trở thành đô thị loại II thuộc tỉnh Hà Nam  (08/11/2017)
Xây dựng thành phố Phủ Lý sớm trở thành đô thị loại II thuộc tỉnh Hà Nam  (08/11/2017)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 30-10 đến 05-11-2017)  (07/11/2017)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay