Năm mươi năm mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Cam-pu-chia
TCCS - Năm mươi năm trôi qua kể từ khi Việt Nam và Cam-pu-chia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (24-6-1967 - 24-6-2017). Trải qua chặng đường dài lịch sử, nhân dân hai nước luôn sát cánh bên nhau chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, viết nên những trang sử vẻ vang của hai dân tộc và cùng vun đắp mối quan hệ hữu nghị. Có thể nói, quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia là mối quan hệ lịch sử, truyền thống, láng giềng hữu nghị, đang ngày càng được củng cố và phát triển.
Từ mối quan hệ giàu truyền thống lịch sử
Việt Nam và Cam-pu-chia là hai nước láng giềng gần gũi trên bán đảo Đông Dương, thuộc khu vực Đông Nam Á lục địa, có dòng sông Mê Công hiền hòa chảy qua. Hai nước có đường biên giới chung trên đất liền dài hơn 1.000km và vùng biển liền kề. Không chỉ bắt nguồn từ sự gần gũi về mặt địa lý, cùng chia sẻ nhiều nét tương đồng văn hóa, tình đoàn kết gắn bó Việt Nam - Cam-pu-chia còn xuất phát từ yêu cầu khách quan và quy luật có ý nghĩa sống còn của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân đế quốc, giành, giữ độc lập dân tộc của nhân dân hai nước trước đây, cũng như công cuộc xây dựng và phát triển của mỗi nước ngày nay.
Vào nửa cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp tiến hành xâm lược Đông Dương và lần lượt biến Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia thành các xứ bảo hộ, thuộc địa của Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, với sứ mệnh lãnh đạo nhân dân Đông Dương đấu tranh vì mục tiêu chung giành độc lập hoàn toàn cho Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào, tình đoàn kết Việt Nam - Cam-pu-chia ngày càng gắn bó chặt chẽ trong liên minh đoàn kết chiến đấu Việt - Miên - Lào. Từ đây, phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam và nhân dân Cam-pu-chia không ngừng phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Tinh thần yêu nước và truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam và Cam-pu-chia được phát huy cao độ, trở thành một cao trào cách mạng rộng lớn.
Nhằm tăng cường sức mạnh đoàn kết của nhân dân mỗi nước cùng chống kẻ thù chung, lần đầu tiên Việt Nam đã đưa các chiến sĩ cách mạng và quân tình nguyện Việt Nam sang Cam-pu-chia cùng kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ với những chiến sĩ cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia tổ chức xây dựng cơ sở chính trị, lực lượng vũ trang cách mạng, thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc, Chính phủ kháng chiến..., và tổ chức cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Hiệp định Giơ-ne-vơ về vấn đề Đông Dương năm 1954 buộc Pháp phải công nhận và tôn trọng nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào. Đây là thắng lợi vĩ đại có ý nghĩa lịch sử, khẳng định tình đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt giữa ba nước Đông Dương.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đế quốc Mỹ thế chân thực dân Pháp tiến hành xâm lược các nước Đông Dương. Một lần nữa, nhân dân ba nước Việt Nam - Cam-pu-chia - Lào tiếp tục sát cánh bên nhau để bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa mới giành được. Hội nghị Nhân dân ba nước Việt Nam - Cam-pu-chia - Lào diễn ra tại Thủ đô Phnôm Pênh (Cam-pu-chia, tháng 3-1965) là một minh chứng về tình đoàn kết, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước Việt Nam - Cam-pu-chia - Lào.
Trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược được coi là mạnh nhất thế giới, hai nước Việt Nam và Cam-pu-chia đã dành cho nhau sự giúp đỡ quý báu, chí tình, chí nghĩa. Phân biệt rõ giữa công lý và bất công, bất chấp những đe dọa của đế quốc Mỹ, Chính quyền Cam-pu-chia do Hoàng thân Nô-rô-đôm Xi-ha-núc làm Quốc trưởng đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ (tháng 5-1965), đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam Việt Nam.
Đặc biệt, ngày 24-6-1967, giữa thời khắc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam trong giai đoạn căng thẳng nhất, Việt Nam và Cam-pu-chia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu một mốc son lịch sử quan trọng trong lịch sử quan hệ giữa hai nước thời kỳ hiện đại. Tiếp đó, theo đề nghị của lực lượng cách mạng Cam-pu-chia, lần thứ hai Việt Nam đưa quân tình nguyện trở lại chiến trường Cam-pu-chia để cùng chiến đấu và cùng giành thắng lợi trong chiến dịch tổng tấn công mùa Xuân năm 1975.
Thế nhưng, tiếng súng chống đế quốc Mỹ vừa chấm dứt, nhân dân hai nước chưa một ngày được hưởng niềm vui thái bình, khó khăn mới lại ập tới. Tập đoàn phản động Pôn-pốt - Iêng Xa-ry - Khiêu Xam-phon, núp dưới chiêu bài “Cam-pu-chia Dân chủ”, giả danh “chủ nghĩa xã hội” đã thi hành chính sách diệt chủng hết sức man rợ đối với nhân dân và dân tộc Cam-pu-chia, đồng thời phát động cuộc chiến tranh trên toàn tuyến biên giới chống Việt Nam. Ba năm, tám tháng, hai mươi ngày dưới chế độ phản động của Tập đoàn Pôn-pốt - I-êng Xa-ry - Khiêu Xam-phon là chừng ấy năm tháng nhân dân Cam-pu-chia sống trong cảnh đất nước hoang tàn, gia đình tan nát, ly tán, mọi thiết chế xã hội truyền thống bị phá đến tận gốc rễ, không có niềm vui, không có tiếng cười, chỉ thấy máu và nước mắt; gần 3 triệu người dân Cam-pu-chia vô tội bị giết hại, mọi giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc đều bị hủy hoại.
Thực hiện quyền tự vệ trước những hành động xâm lược với chính sách “giết sạch, cướp sạch, phá sạch” vô cùng dã man và tàn bạo của bè lũ Pôn-pốt đối với nhân dân Việt Nam ở khu vực biên giới Tây Nam, và đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia “hãy cứu giúp chúng tôi, không phải chỉ giúp mấy vạn người tị nạn mà cứu giúp cả một dân tộc” đang thực sự đứng trước nguy cơ bị diệt chủng, lần thứ ba các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam lại có mặt kịp thời, cùng với những chiến sĩ cách mạng chân chính và nhân dân Cam-pu-chia tiến hành cuộc cách mạng ngày 7-1-1979, lật đổ chế độ diệt chủng “Cam-pu-chia Dân chủ”, thành lập nước Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia, khôi phục tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Cam-pu-chia.
Thể theo nguyện vọng của nhân dân Cam-pu-chia, từ năm 1979 đến năm 1989, hàng vạn quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã ở lại Cam-pu-chia để cùng với cán bộ và nhân dân Cam-pu-chia chung sức ngăn chặn nạn đói đang hoành hành khắp nơi và trực tiếp cùng với Chính phủ, quân đội và nhân dân Cam-pu-chia khắc phục những hậu quả của chế độ diệt chủng, từng bước thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc, xây dựng lại đất nước, tạo thế nương tựa, hỗ trợ lẫn nhau để đối phó với sự bao vây, cấm vận và tiến công quân sự, ngoại giao của các thế lực thù địch quốc tế.
Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hai nước thực hiện phương châm “tài nguyên của bạn, lao động kỹ thuật Việt Nam, vốn góp chung hoặc vay của nước thứ ba”. Từ năm 1983 đến năm 1987, Việt Nam đã giúp Cam-pu-chia nâng cao sản lượng gỗ khai thác lên 340.000m3, tạo nguồn thu ngoại tệ cho Cam-pu-chia, đồng thời bổ sung nguồn gỗ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa của cả hai nước. Trong hợp tác gây trồng, khai thác và chế biến cao-su, từ năm 1985 đến năm 1988, Việt Nam giúp Cam-pu-chia khôi phục 4.000ha đất hoang hóa, xây dựng nhà máy chế biến mủ cao-su có công suất 4.000 tấn/năm tại tỉnh Rát-ta-na-ki-ri với vốn đóng góp 45 triệu Rien.
Kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nước ngày càng tăng. So với năm 1983, kim ngạch song phương năm 1984 tăng 1,7 lần, năm 1985 tăng hơn 1,8 lần, năm 1986 tăng 2,8 lần và năm 1987 tăng 3,1 lần. Hợp tác vận tải quá cảnh giữa hai nước giai đoạn 1980 - 1988, bình quân đạt 120.000 tấn. Hơn 700 công trình và hạng mục công trình, bao gồm công trình cầu đường, công trình thủy lợi, đóng ô-tô và xà lan... ở Cam-pu-chia đã được Việt Nam thực hiện.
Một trong những hoạt động thiết thực nhất trong viện trợ không hoàn lại giữa hai nước là hoạt động kết nghĩa giữa các tỉnh của Việt Nam với Cam-pu-chia. Hàng loạt thiết bị, máy móc, vật tư nhằm khôi phục hệ thống điện, nước, điện thoại, truyền thanh, làm mới hệ thống kho tàng, ngân hàng, cửa hàng, trường học đã được chuyển sang Cam-pu-chia. Chỉ tính trong tháng 1-1979, các bộ, các ngành, địa phương của Việt Nam đã san sẻ, giúp bạn số hàng hóa trị giá 704 triệu đồng. Trong kế hoạch 5 năm (1981 - 1985), Việt Nam đã viện trợ cho Cam-pu-chia 906 triệu đồng. Từ năm 1986 đến 1988, Việt Nam tiếp tục viện trợ không hoàn lại 2.300 triệu đồng.
Tháng 9-1989, khi Cam-pu-chia đã tự đảm đương nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã rút về nước. Trong buổi gặp gỡ chuyên gia Việt Nam chuẩn bị về nước, ngày 7-1-1989, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia Hêng Xom-rin (nay là Chủ tịch danh dự Đảng Nhân dân Cam-pu-chia, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Cam- pu-chia) đã khẳng định: “Tổ quốc và nhân dân Cam-pu-chia đã khắc sâu vào trái tim mình, lịch sử đất nước Cam-pu-chia sẽ mãi mãi khắc bằng chữ vàng công ơn to lớn của các đồng chí chuyên gia, cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi nghĩa vụ quốc tế cao cả trên đất nước Cam-pu-chia”. Chiến thắng ngày 7-1-1979 là một thắng lợi vĩ đại, sáng ngời chính nghĩa trong thế kỷ XX; là nền móng, là niềm tin để mối quan hệ hợp tác và hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia không ngừng phát triển. Ngày 7-1-1979 mãi mãi là một mốc son trong lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia.
Đến bước phát triển mới trong giai đoạn hiện nay
Sau Hiệp định Hòa bình Pa-ri về Cam-pu-chia (tháng 10-1991) và cuộc Tổng tuyển cử năm 1993, quan hệ hai nước chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Với phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trong những năm qua, quan hệ hai nước không ngừng được củng cố và phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực, mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân hai nước.
Về hợp tác chính trị - ngoại giao, hai bên tiếp tục duy trì truyền thống trao đổi các đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương và giao lưu nhân dân. Qua các chuyến thăm, lãnh đạo cấp cao hai nước đều khẳng định quyết tâm cùng nhau vun đắp cho quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước và coi đây là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.
Ngoại giao nhân dân của Mặt trận Tổ quốc, hội phụ nữ, tổ chức thanh niên, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia... diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống đoàn kết, hữu nghị, và giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Các cơ chế hợp tác, như Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, Hội nghị Hợp tác phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, Hội nghị Xúc tiến đầu tư,... được hai nước thực hiện hiệu quả.
Không chỉ hợp tác trong khuôn khổ song phương, hai nước ngày càng phối hợp tích cực và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, như hợp tác ba nước Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam (CLV), hợp tác bốn nước Cam-pu-chia - Lào - Mi-an-ma - Việt Nam (CLMV), Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công (ACMECs), Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Liên hợp quốc (UN)...
Về phương diện kinh tế, hai bên đã ký Hiệp định kinh tế - thương mại từ năm 1994. Từ đó đến nay, quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Cam-pu-chia phát triển mạnh với tổng kim ngạch buôn bán hai chiều tăng trung bình khoảng 30% - 40%/năm. Kim ngạch buôn bán giữa hai nước năm 2001 mới chỉ đạt 372 triệu USD, nhưng đến năm 2011, con số này đã đạt hơn 2,8 tỷ USD. Tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Cam-pu-chia từ năm 2012 đến năm 2014 đạt bình quân gần 3,4 tỷ USD/năm. Năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,37 tỷ USD; năm 2016: 2,92 tỷ USD (giảm 13,1% so với năm 2015). Trong ba tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại song phương ước đạt 936 triệu USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2016. Việt Nam hiện là bạn hàng lớn thứ ba của Cam-pu-chia và là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Cam-pu-chia trong ASEAN.
Hợp tác trên lĩnh vực đầu tư giữa hai nước đạt kết quả đáng khích lệ. Công tác khảo sát thị trường được các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế Việt Nam chú trọng, các dự án đầu tư tăng nhanh cả về quy mô lẫn số lượng. Đến nay, Việt Nam có 191 dự án đầu tư sang Cam-pu-chia, với tổng số vốn đăng ký đạt 2,89 tỷ USD, tiếp tục nằm trong danh sách 5 nước có giá trị đầu tư lớn nhất tại Cam-pu-chia ở hầu hết các ngành, lĩnh vực quan trọng, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 2,06 tỷ USD (chiếm 71,6% tổng số vốn đăng ký); tiếp theo là lĩnh vực tài chính - ngân hàng, khai khoáng,... Vốn thực hiện (chưa kể các dự án vay vốn ngân hàng Việt Nam tại Cam-pu-chia) lũy kế đến nay đạt 1,22 tỷ USD, chiếm 42,2% tổng số vốn đăng ký. Đầu tư của Cam-pu-chia vào Việt Nam gia tăng, với 18 dự án có tổng số vốn đầu tư đạt 58,125 triệu USD.
Về viện trợ phát triển chính thức (ODA), năm 2016 tổng số ODA của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Cam-pu-chia là 292,156 tỷ đồng, trong đó kinh phí dành cho đào tạo là 171 tỷ, còn lại là dành cho các chương trình, dự án.
Hợp tác quốc phòng - an ninh được tăng cường. Hai bên tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch hợp tác hằng năm giữa Bộ Quốc phòng hai nước cũng như giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Cam-pu-chia. Hai bên cam kết thực hiện chính sách không cho phép bất kỳ thế lực thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước này để chống phá nước kia; phối hợp ngăn chặn các hoạt động của các thế lực thù địch và tổ chức cực đoan, làm thất bại âm mưu phá hoại, khủng bố gây mất ổn định chính trị mỗi nước, lợi dụng vấn đề dân tộc, biên giới, lãnh thổ để chia rẽ phá hoại quan hệ hai nước, kích động đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia; phòng, chống các loại tội phạm xuyên biên giới, đặc biệt là tại địa bàn các tỉnh biên giới hai nước. Hai bên cũng tích cực triển khai Thỏa thuận về tìm kiếm quy tập và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Cam-pu-chia và thực hiện công tác tôn tạo, tu bổ các đài hữu nghị Việt Nam tại Cam-pu-chia.
Trong lĩnh vực hợp tác du lịch, với điều kiện thuận lợi do gần gũi về địa lý và sự phát triển các hình thức dịch vụ vận tải đường bộ, đường thủy, đường hàng không và đặc biệt kể từ khi hai nước thực hiện chính sách miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông (từ tháng 12-2008), lượng du khách qua lại giữa hai nước tăng nhanh. Năm 2016, số lượng khách du lịch Cam-pu-chia đến Việt Nam đạt 212.000 lượt, đứng thứ 13 trong số các thị trường gửi khách đến Việt Nam. Số lượng khách du lịch Việt Nam đến Cam-pu-chia đạt 960.000 lượt, chiếm 19% tổng số lượng khách quốc tế đến Cam-pu-chia.
Hợp tác giáo dục - đào tạo, văn hóa luôn được Chính phủ hai nước quan tâm thúc đẩy. Hằng năm, Việt Nam và Cam-pu-chia dành cho nhau hàng trăm suất học bổng dài hạn và ngắn hạn cho sinh viên, nghiên cứu sinh, cán bộ của các bộ, ngành và địa phương của hai nước. Tính đến nay, có gần 3.000 học sinh Cam-pu-chia đang theo học thường xuyên tại các trường đại học ở Việt Nam.
Với phương châm văn hóa là “cầu nối” giúp tăng cường quan hệ hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, hai bên đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, trong đó có việc tổ chức “Tuần văn hóa” theo hình thức luân phiên, đưa hợp tác văn hóa hai nước ngày càng trở nên phong phú và đa dạng.
Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ với nhau trên nhiều lĩnh vực khác, như y tế, nông nghiệp, thông tin - truyền thông, lao động - xã hội, tài nguyên - môi trường,...
Nhìn lại chặng đường phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia từ thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc đến thời kỳ xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế, chúng ta lại càng thấy rõ, mỗi bước đi lên, từng thắng lợi của cách mạng ở hai nước đều gắn liền với sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam - Cam-pu-chia, một truyền thống quý báu, một quy luật phát triển, một sức mạnh vô địch, một tài sản chung vô giá của cả hai dân tộc.
Năm 2017 là năm có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia, là năm được lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước chọn là “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia, Cam-pu-chia - Việt Nam” nhằm thiết thực kỷ niệm sự kiện trọng đại 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, để đáp ứng nhu cầu phát triển về mọi mặt ngày càng cấp thiết của mỗi nước, hai nước nhất trí tiếp tục cùng nhau giữ gìn, vun đắp tình đoàn kết gắn bó, xây dựng nền tảng hữu nghị bền vững lâu dài giữa hai nước, hai dân tộc; đồng thời, đổi mới cả về nội dung lẫn phương thức và cơ chế hợp tác Việt Nam - Cam-pu-chia theo hướng tăng cường hiệu quả thực chất, đi vào chiều sâu, phù hợp với quan hệ láng giềng hữu nghị, phát huy thế mạnh và tiềm năng của mỗi nước trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi.
Với quyết tâm và nỗ lực cao nhất của cả hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, chúng ta tin tưởng rằng, mối quan hệ mật thiết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được củng cố và phát triển, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chung của cả hai dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực./.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV cho ý kiến về hai dự án Luật  (18/08/2017)
Chủ tịch nước và Thủ tướng gửi điện mừng Quốc khánh Indonesia  (18/08/2017)
Báo cáo tự do tôn giáo của Hoa Kỳ thông tin sai lệch về Việt Nam  (18/08/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Thái Lan  (18/08/2017)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 07 đến 13-8-2017)  (17/08/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay