Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 06-3 đến 12-3-2017)
TCCSĐT - Với đa số tuyệt đối, ông Donald Tusk đã tái đắc cử chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) trong cuộc bỏ phiếu tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 09-3-2017. Phát biểu sau khi tái đắc cử, ông D. Tusk đã bày tỏ hy vọng sẽ nỗ lực để EU được tốt hơn.
Đối mặt với nhiều thách thức
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk. Ảnh: AP |
Ông D. Tusk tái đắc cử chức Chủ tịch EC trong bối cảnh tình hình địa -chính trị trên thế giới, cũng như trong nội bộ châu Âu đang diễn biến vô cùng phức tạp. Chính vì vậy, ông D. Tusk được cho là sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Trong số đó, tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, chính sách của Nga đối với Ukaine và các nước láng giềng; tình hình xung đột và khủng bố ở Trung Đông và châu Phi mà đứng đằng sau đó là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, cũng như những tuyên bố gây lo ngại của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống D. Trump… sẽ là những bài toán khó giải đối với châu Âu. Bên cạnh đó, là làn sóng bài châu Âu và làn sóng dân tộc chủ nghĩa ngày càng lan rộng. Ngoài ra, sức hấp dẫn của xu hướng hội nhập trong các quốc gia thành viên EU đang ngày càng yếu đi, trong đó sự suy giảm về hội nhập chính trị là điều đáng quan ngại đối với “lục địa già”.
Trước những thách thức trên, Chủ tịch EC khẳng định, EU cần tập trung mọi sức lực và đoàn kết chính trị để bảo đảm sự ổn định vững chắc trong tương lai. Tinh thần thống nhất và đoàn kết sẽ củng cố sức mạnh của EU, giúp khối sở hữu một tiềm năng kinh tế và quy mô dân số làm cho EU sánh ngang với các cường quốc khác. EU cần đưa ra các biện pháp mạnh mẽ để có thể thúc đẩy hội nhập châu Âu và cần phải khôi phục lại cảm giác an toàn bên ngoài và bên trong cũng như phúc lợi kinh tế - xã hội cho công dân của mình. Ngoài ra, EU cần tăng cường quản lý một cách hiệu quả đường biên giới ngoài khối này, cải thiện sự hợp tác của các cơ quan phụ trách chống khủng bố, duy trì trật tự và hòa bình trong không gian chung, tăng chi tiêu trong lĩnh vực quốc phòng, tăng cường các chính sách đối ngoại của khối, phối hợp tốt hơn giữa các quốc gia thành viên, khuyến khích đầu tư, hòa nhập xã hội, tăng trưởng và việc làm, lấy lợi thế của sự phát triển và hội tụ công nghệ trong khu vực đồng euro cũng như phần còn lại của châu Âu. Chủ tịch D. Tusk kêu gọi EU tranh thủ sự đổi hướng trong chính sách thương mại của Mỹ để mở rộng đàm phán với các đối tác mà EU quan tâm. Ông bày tỏ mong muốn EU không nên từ bỏ vai trò siêu cường thương mại nhằm bảo vệ công dân, bảo vệ doanh nghiệp và giữ tinh thần tự do thương mại song hành với giao dịch thương mại công bằng.
ALBA ủng hộ sáng kiến về một thế giới không tường rào
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA) lần thứ 14. Ảnh: AVN
Trong hai ngày, từ ngày 05-3 đến ngày 06-3-2017, tại thủ đô Caracas (Venezuela) đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA) lần thứ 14. Tham dự Hội nghị có Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro, Chủ tịch Cuba Raúl Castro và người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ các nước trong khu vực Mỹ Latinh và Caribe, cùng nhiều quan khách ngoại giao.
Diễn ra trong dịp tưởng niệm bốn năm ngày cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez qua đời (ngày 05-3-2013 - 05-3-2017), Hội nghị là cơ hội để lãnh đạo các nước thành viên thảo luận đưa ra các mục tiêu, biện pháp mới thúc đẩy sự đoàn kết, thống nhất và hội nhập khu vực, bên cạnh việc mở rộng các dự án kinh tế, thương mại và hợp tác đem lại lợi ích chung cho tất cả các quốc gia thành viên.
Tại phiên bế mạc, Ngoại trưởng nước chủ nhà Delcy Rodríguez nhấn mạnh, trong bối cảnh chủ nghĩa đế quốc, các tập đoàn đa quốc gia và các thế lực tư bản đang mở rộng tấn công, các phong trào dân chủ, quần chúng cần tăng cường đoàn kết, ALBA bảo vệ độc lập, quyền tự quyết, bản sắc dân tộc, công lý và hợp tác, nhằm đạt được sự phát triển toàn diện và bảo đảm chủ quyền quốc gia của các nước thành viên. Ngoài ra, các khối liên kết như Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và vùng Caribe (CELAC), Cộng đồng Caribe (Caricom) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) cũng đóng vai trò quan trọng.
Hội nghị đã ra văn bản phản đối sắc lệnh của Mỹ trừng phạt Venezuela với nhận định nước này là “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia” Nhà Trắng, đồng thời hối thúc dỡ bỏ lệnh này. Hội nghị cũng bầu cựu Ngoại trưởng Bolivia D. Choquehuanca làm Thư ký điều hành của ALBA và thống nhất tái khởi động quỹ hỗ trợ về pháp lý, tài chính và tư vấn cho những kiều dân Mỹ Latinh tại Mỹ. ALBA cũng ủng hộ sáng kiến tổ chức Hội nghị toàn cầu của các dân tộc về một thế giới không tường rào, do Tổng thống Bolivia Evo Morales đề xuất và dự kiến diễn ra vào tháng 6-2017.
Sau nhiều thập niên yếu kém trước cánh hữu thân Mỹ và phương Tây, phong trào cánh tả châu Mỹ Latinh đã phát triển mạnh mẽ. Ngày 14-12-2004, tại La Habana, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và Chủ tịch Cuba Fidel Castro ký tuyên bố thành lập Tổ chức Sự lựa chọn Bolivia cho châu Mỹ (ALBA). Đây là cơ chế hội nhập trên tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước Mỹ Latinh, như một sự lựa chọn thay thế cho Khu vực Thương mại Tự do châu Mỹ (FTAA). ALBA đã trở thành đối trọng công khai với FTAA trong toàn cảnh hội nhập quốc tế tại châu lục.
ALBA là một tổ chức liên kết khu vực, hội nhập quốc tế rất đặc thù, là thiết chế liên kết khu vực hoàn toàn của các quốc gia đang phát triển, không có sự tham gia của quốc gia phát triển hay bất cứ một cường quốc nào. Gần 13 năm là quãng thời gian còn tương đối ngắn đối với tổ chức quốc tế như ALBA nhưng tổ chức này đã đạt được những bước tiến rất ấn tượng. Liên minh này đã xây dựng được nền móng cho khối đoàn kết chung Mỹ Latinh, để từ đó, xây dựng cơ chế liên kết khu vực khác như Cộng đồng Quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) vào năm 2010 và Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) vào năm 2011. ALBA cũng đã mở ra không gian tham vấn, phối hợp và thỏa thuận nhằm thiết lập liên minh chiến lược, tạo dựng vị trí và vai trò cân bằng với các tổ chức quốc tế khác. Đồng thời, thúc đẩy nguyên tắc công bằng chủ quyền của các quốc gia, chủ động tham gia vào việc xây dựng một trật tự thế giới đa cực và đa trung tâm, xây dựng mối quan hệ sâu rộng và phong phú giữa các quốc gia dựa trên việc xem xét những mặt bất cân xứng giữa các quốc gia.
Với những gì đã đạt được trong thời gian qua, ALBA đã thực sự trở thành một không gian địa chiến lược giúp các nước nhỏ trong khu vực xóa bỏ được bất công, bất bình đẳng và nghèo nàn do các tập đoàn đa quốc gia theo chủ nghĩa tự do mới để lại. Cũng vì lẽ đó, cố Tổng thống Hugo Chavez có lý khi nói rằng: “ALBA không chỉ có vai trò trong việc thắt chặt quan hệ giữa các nước với nhau mà nó đã tập hợp các nước trong việc giữ vững độc lập”. Có thể nói, thành công của ALBA trong gần 13 năm qua, không phải chủ yếu nhờ sức mạnh kinh tế, mà là nhờ tầm nhìn đúng đắn, bản lĩnh chính trị kiên định của các nguyên thủ quốc gia, trong đó có các lãnh tụ Fidel Castro, Hugo Chavez, Rafael Correa, Evo Morales, Daniel Ortega...
Nỗ lực phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên ngày càng xa vời
Hình ảnh về vụ phóng tên lửa ngày 06-3 của Triều Tiên do Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải. Ảnh: nytimes.com
Ngày 06-3, quân đội Hàn Quốc cho biết vào lúc 7 giờ 36 phút (giờ địa phương - 5 giờ 36 phút giờ Hà Hội), Triều Tiên đã phóng 4 quả tên lửa từ khu vực Tongchang-ri, nơi Bình Nhưỡng đặt một căn cứ tên lửa, vào vùng biển phía Đông.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Y. Suga cho biết, 3 quả tên lửa đã rơi xuống Vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Trong khi đó, theo các quan chức quốc phòng Mỹ, Triều Tiên đã phóng 5 quả tên lửa. Ngày 07-3, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố vụ phóng tên lửa này nằm trong khuôn khổ cuộc diễn tập phóng tên lửa đạn đạo và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã giám sát, chỉ đạo cuộc diễn tập. Ông Kim Jong-un đã khen ngợi đơn vị pháo binh Hwasong tiến hành vụ phóng “thành công”.
Phản ứng trước việc Triều Tiên liên tiếp bắn tên lửa đạn đạo, Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn đã lên án vụ phóng tên lửa này, đồng thời kêu gọi nhanh chóng hoàn thành triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo này cũng ra lệnh quân đội Hàn Quốc duy trì cảnh giác ở mức cao nhất trong khuôn khổ mối quan hệ đồng minh Hàn - Mỹ để đối phó với các hành động khiêu khích từ Triều Tiên.
Phản đối mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe cho biết, Nhật Bản sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép đối với Triều Tiên nhằm buộc nước này từ bỏ các chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân. Quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ M. Toner tuyên bố, “vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm nước này tiến hành các vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo”. Ông M. Toner cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục có các bước để tăng mức độ sẵn sàng nhằm bảo vệ nước Mỹ cũng như các đồng minh khỏi các vụ tấn công.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres lên án động thái này của Triều Tiên, kêu gọi Bình Nhưỡng không có thêm “các hành động gây căng thẳng”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nêu rõ, “Trung Quốc phản đối các vụ phóng của Triều Tiên vốn vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong bất kỳ tình huống nào, các bên liên quan cần kiềm chế và tránh bất kỳ hành động nào có thể gây kích động các bên hoặc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”. Trong khi đó, người phát ngôn điện Kremlin D. Peskov cho biết, Nga hết sức quan ngại về các vụ thử tên lửa của Triều Tiên và nhận định đây là những loại hành động dẫn đến gia tăng căng thẳng trong khu vực, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế.
Các nhà phân tích cho rằng, vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên sẽ khiến những nỗ lực nhằm phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên của cộng đồng quốc tế trở nên khó khăn và có thể sẽ tác động tới chính sách của Mỹ đối phó với nước này mà Tổng thống Mỹ D. Trump đang cân nhắc.
Ô nhiễm môi trường: vấn đề cấp bách cần đối phó
Hiểm họa từ hút thuốc lá thụ động. Ảnh: vtv.vn
Ngày 07-3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố báo cáo về môi trường, trong đó đánh giá những mối đe dọa đến từ những chất gây ô nhiễm môi trường như là hút thuốc bị động, phóng xạ từ ánh nắng mặt trời, nước không an toàn và rác thải điện tử.
Báo cáo của WHO cho biết, môi trường sống bị ô nhiễm là “thủ phạm” cướp đi sinh mạng của 1,7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm trên thế giới. Bà M. Chan, Tổng Giám đốc WHO cho rằng, môi trường bị ô nhiễm “gây tác hại đặc biệt nặng nề đối với trẻ nhỏ vì các bộ phận cơ thể và hệ miễn dịch của các em đang trong giai đoạn phát triển, nên rất dễ bị tổn thương trước không khí và nước bẩn”.
Theo báo cáo của WHO, nhiều ca tử vong ở trẻ nhỏ là do mắc các chứng bệnh như tiêu chảy, sốt rét và viêm phổi. Do đó có thể ngăn chặn nhiều ca tử vong ở trẻ em trong độ tuổi từ 1 tháng đến 5 năm tuổi bằng cách bảo đảm cho các em được hưởng nước an toàn và nhiên liệu nấu nướng sạch. Chất gây ô nhiễm chính tồn tại trong không khí, là thủ phạm khiến mỗi năm có 570.000 trẻ dưới 5 tuổi bị thiệt mạng. Không khí bẩn có thể làm chậm quá trình phát triển não và làm suy giảm chức năng hoạt động của phổi và gây ra bệnh hen suyễn. Về lâu dài, việc phải hít thở không khí ô nhiễm có thể làm tăng nguy cơ trẻ mắc các chứng bệnh tim mạch, đột quỵ hoặc ung thư.
Cũng theo WHO, một trong những mối đe dọa môi trường mới nổi lên đối với trẻ em là rác thải điện và điện tử. Những thiết bị như điện thoại di động cũ nếu không được tái sử dụng đúng cách sẽ “khiến trẻ em có nguy cơ bị nhiễm độc tố, có thể dẫn đến tình trạng suy giảm trí tuệ, kém tập trung, phá hủy phổi và ung thư”. Với tốc độ hiện nay, số lượng loại rác thải này có thể tăng 19% trong khoảng từ năm 2014 đến năm 2018.
Thông báo cũng nêu một số hóa chất có hại tác động đến sức khỏe trẻ em thông qua thực phẩm như là florua, chì và thủy ngân, cũng như các tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và tia UV đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Trước đó, báo cáo “Thiệt hại do ô nhiễm không khí” của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đầu tháng 01-2017 cho thấy, ô nhiễm không khí đã gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu hàng nghìn tỷ USD trong năm 2016. Báo cáo cho biết trong năm 2016, có khoảng 5,5 triệu người trên thế giới tử vong do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, dẫn đến tổn hại nguồn lực lao động và làm chậm lại tốc độ phát triển kinh tế. Tình trạng này đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 225 tỷ USD từ tổn thất về thu nhập của người lao động và hơn 5.000 tỷ USD từ thiệt hại phúc lợi xã hội.
Đức - Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực “hạ nhiệt” căng thẳng
Ngoại trưởng Đức S. Gabriel và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ M. Cavusoglu. Ảnh: The Star Online
Ngày 08-3, phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ M. Cavusoglu, Ngoại trưởng Đức S. Gabriel tuyên bố, mặc dù vẫn còn một số khác biệt và tranh cãi, nhưng Đức và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí cho rằng hai bên sẽ hợp tác để từng bước tái lập mối quan hệ tốt đẹp và thân thiện vốn bị xói mòn sau những căng thẳng vừa qua.
Theo Ngoại trưởng Đức, đối thoại là giải pháp duy nhất để từng bước bình thường hóa quan hệ hai nước, đồng thời khẳng định Berlin “sẽ làm tất cả những gì có thể” để duy trì đối thoại với Ankara. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức cũng lên tiếng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng, bất cứ so sánh nào với thời kỳ Đức quốc xã là “giới hạn đỏ” không thể vượt qua.
Sau cuộc gặp, Ngoại trưởng M. Cavusoglu đã đến tham dự Hội chợ Du lịch Quốc tế - ITB Berlin 2017 tại thủ đô Berlin, tới thăm khu vực quảng bá nghỉ dưỡng Alanya trong Hội chợ. Tại ITB Berlin 2017, Ngoại trưởng M. Cavusoglu khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ cũng an toàn như Đức và nhiều chính trị gia Đức đã dành thời gian để nghỉ ngơi tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng trấn an du khách Đức không nên lo lắng, đồng thời khẳng định những “người bạn Đức” sẽ được nghỉ ngơi tại các khách sạn tốt nhất, những khu nghỉ dưỡng tốt nhất và tìm hiểu nhiều điều thú vị về lịch sử, văn hóa tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Quan hệ giữa hai nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Đức và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên xấu đi, căng thẳng leo thang nghiêm trọng khi ngày 27-02-2017, tòa án tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh tạm giam đối với D. Yucel, 43 tuổi, phóng viên báo Die Welt (Thế giới) của Đức với cáo buộc tuyên truyền ủng hộ khủng bố và kích động thù hận. Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ phóng viên D. Yucel đã khiến giới chức Đức phản đối mạnh mẽ và kêu gọi nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho phóng viên này, đồng thời cảnh báo vụ việc sẽ gây thêm những ảnh hưởng tiêu cực và làm phương hại nghiêm trọng mối quan hệ song phương.
Tiếp đó, ngày 02-3, chính quyền tại thành phố Gaggenau ở miền Tây nước Đức đã hủy bỏ cuộc mít-tinh của cộng đồng người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ với lý do không đủ chỗ trong hội trường. Ngoại trưởng M. Cavusoglu đã triệu tập Đại sứ Đức tại Ankara để phản đối quyết định hủy cuộc mít-tinh. Chưa hết, chính quyền địa phương tại các thành phố Cologne, Frechen và Hamburg cũng quyết định hủy các cuộc mít-tinh lớn của cộng đồng người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Phản ứng trước quyết định hủy bỏ các cuộc mít-tinh lớn của cộng đồng người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại một số thành phố của Đức, ngày 03-3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan đã cáo buộc Berlin có những “hành động như chế độ phát xít”. Sau tuyên bố của Tổng thống T. Erdogan, giới chính trị gia Đức đã phản ứng hết sức giận dữ, gọi sự so sánh này là “hoàn toàn không thể chấp nhận”, đồng thời đe dọa sẽ trả đũa nếu như Thổ Nhĩ Kỳ không có động thái xin lỗi.
Giới quan sát cho rằng, dù còn tồn tại nhiều bất đồng, song có thể khẳng định, hòa giải là mục tiêu mà cả Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đều mong muốn. Và cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Đức S. Gabriel và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ M. Cavusoglu được coi là một dấu mốc quan trọng cho quan hệ song phương./.
Phản ứng của Việt Nam trước Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ  (13/03/2017)
Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động của Trung Quốc ở Hoàng Sa  (13/03/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay