APEC 2017: Tăng cường phối hợp thúc đẩy hợp tác kinh tế kỹ thuật, và những việc làm cuối cùng của Hội nghị SOM 1
TCCSĐT - Chiều 28-02, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM 1) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017, đã diễn ra cuộc họp của Ủy ban Chỉ đạo các quan chức cao cấp về hợp tác kinh tế kỹ thuật.
Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn phát biểu tại cuộc họp |
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết những hướng ưu tiên Việt Nam đã đề xuất gồm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm.
Cải cách cơ cấu và sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng suất. Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, học tập suốt đời và đặc biệt là đào tạo lại là cần thiết nhằm bảo đảm các tầng lớp xã hội có thể tham gia tích cực vào lực lượng lao động và hưởng lợi từ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật.
Trọng tâm sẽ là xây dựng một cộng đồng bền vững, bao trùm, trong đó người dân và doanh nghiệp là trung tâm của sự phát triển.
Ưu tiên thứ hai là hội nhập kinh tế và kết nối khu vực. Việc Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương thúc đẩy nhanh tiến trình thực hiện Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là rất quan trọng và cấp thiết, cần đề ra một tầm nhìn APEC sau năm 2020.
Ưu tiên thứ ba là khuyến khích sự năng động của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), lực lượng có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng của khu vực, hiện chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp của khu vực APEC.
Ưu tiên thứ tư, bảo đảm an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, đây cũng là mục tiêu thứ hai trong Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Việc chuyển giao và ứng dụng kỹ thuật là rất quan trọng đối với việc cải thiện năng suất trong sản xuất nông nghiệp, cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu. Các thành viên APEC cần phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm quản lý bền vững các nguồn lực, trong đó có nguồn nước, đồng thời tiếp tục theo đuổi các nỗ lực liên quan tới thị trường lương thực, phát triển bền vững và bao trùm các khu vực nông thôn.
Cũng theo Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, những ưu tiên trên sẽ chỉ đạo các hoạt động của APEC trong cả năm 2017. Những ưu tiên này phù hợp với những ưu tiên trung hạn mà Ủy ban điều phối các quan chức cao cấp về hợp tác kinh tế kỹ thuật đã đề ra cho giai đoạn 2015-2019, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích sự sáng tạo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực và tăng cường cải cách cơ cấu.
Ủy ban điều phối các quan chức cao cấp về hợp tác kinh tế kỹ thuật đóng vai trò rất quan trọng trong việc giám sát việc thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả của các nhóm làm việc và diễn đàn, tăng cường sự phối hợp giữa các diễn đàn nhằm giải quyết tốt hơn các vấn đề liên ngành cũng như chỉ đạo công tác của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về hợp tác kinh tế kỹ thuật.
Bốn ưu tiên của Năm APEC 2017 có nhiều vấn đề liên ngành, đòi hỏi sự phối hợp giữa các ủy ban, nhóm làm việc và diễn đàn liên quan.
* Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017 và các cuộc họp liên quan bước vào một trong những ngày làm việc cuối cùng ở cấp làm việc với hoạt động của bốn ủy ban và nhóm công tác trong các lĩnh vực Thương mại và Đầu tư (CTI), Kinh tế (EC), Điều phối SOM về Hợp tác kinh tế-kỹ thuật (SCE) và Điều phối kinh tế mạng (AHSGIE).
|
Đại biểu các nền kinh tế APEC dự cuộc họp |
Trong ngày làm việc cuối cùng, Ủy ban Thương mại và Đầu tư đã rà soát kế hoạch công tác năm 2017 của một số nhóm công tác trực thuộc, như Đối thoại Hóa chất (CD), Diễn đàn Đổi mới khoa học và đời sống (LSIF), các Nhóm Chuyên gia sở hữu trí tuệ (IPEG), và Tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC).
Các nền kinh tế cũng trao đổi các sáng kiến mới có thể triển khai thời gian tới, tập trung vào các nội dung thúc đẩy tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vào chuỗi giá trị toàn cầu, đối thoại về quy tắc xuất xứ, hỗ trợ nâng cao năng lực đàm phán các hiệp định thương mại tự do...
Là Ủy ban có vai trò điều phối nghị trình tự do hóa thương mại và đầu tư Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, các sáng kiến, giải pháp của Nhóm Thương mại và Đầu tư tại cuộc họp lần này có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy liên kết kinh tế, trong bối cảnh bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu gần đây chưa khởi sắc.
Ủy ban Kinh tế thảo luận về việc xây dựng Báo cáo chính sách kinh tế APEC 2017 với chủ đề “Cải cách cơ cấu và phát triển nguồn nhân lực.” Các đại biểu cũng rà soát nghị trình Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về cải cách cơ cấu và Kế hoạch hành động Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về thuận lợi hóa kinh doanh giai đoạn 2016-2018; đồng thời đề xuất một số sáng kiến mới.
Tại cuộc họp, tiến sỹ Võ Trí Thành, đại diện Đoàn Việt Nam cũng thông báo với các nền kinh tế tình hình và triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam thời gian qua. Theo nhận định của ông Thành, hiện nay là thời điểm bước ngoặt trong tiến trình cải cách của Việt Nam. Đổi mới trong nước và hội nhập quốc tế hiện nay ngày càng gắn kết chặt chẽ. Theo đó, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình phát triển, tạo dựng nền tảng để có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình mà nhiều nền kinh tế khu vực cũng đang đối mặt.
Tại cuộc họp Ủy ban Điều phối SOM về Hợp tác kinh tế-kỹ thuật, Chủ tịch các nhóm công tác trực thuộc Ủy ban Điều phối SOM về Hợp tác kinh tế-kỹ thuật đã trình bày kế hoạch hành động trong năm 2017 đã được thông qua tại các cuộc họp trong những ngày vừa qua, đồng thời nêu bật những hoạt động góp phần triển khai bốn hướng ưu tiên của Năm APEC 2017.
Ủy ban cũng thảo luận việc triển khai chính sách nâng cao năng lực, với mục tiêu hỗ trợ các nền kinh tế thành viên đang phát triển có thêm nguồn lực, kinh nghiệm, kiến thức để triển khai các cam kết và tận dụng tốt hơn các cơ hội của hợp tác Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Nhóm Điều phối kinh tế mạng kết thúc hoạt động hôm nay, sơ bộ thống nhất các bước đi nhằm xây dựng Lộ trình kinh tế mạng, dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2017. Đây cũng là hoạt động cuối cùng ở cấp nhóm công tác trong kỳ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp và các cuộc họp liên quan lần này./.
Những hình ảnh rất dung dị của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu  (28/02/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ thượng cờ tàu ngầm KILO  (28/02/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ thượng cờ tàu ngầm KILO  (28/02/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên