TCCSĐT - Đánh giá về vai trò của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ, Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Michaëlle Jean cho rằng, Việt Nam đang đóng một vai trò tích cực và với tinh thần xây dựng. Bản thân Việt Nam cũng nhận thấy cộng đồng Pháp ngữ là một môi trường cộng tác, đoàn kết, chia sẻ và đối thoại trong sự đa dạng của chính mình, rằng đây là một môi trường của những cơ hội vô cùng lớn, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh.
Việt Nam kêu gọi các nước có trách nhiệm giữ gìn hoà bình, ổn định khu vực

Từ ngày 10 đến ngày 12-10-2016, tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã tổ chức Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 7. Với chủ đề “Tăng cường đối thoại hợp tác an ninh, xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới”, diễn đàn năm nay đã thu hút gần 400 quan chức quân đội, chuyên gia, học giả đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đi sâu thảo luận các vấn đề như “Hợp tác ứng phó với thách thức an ninh mới tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, “Vai trò của quân đội trong quản lý toàn cầu”, “Hợp tác an ninh trên biển”, “Mối đe dọa khủng bố quốc tế và biện pháp ứng phó”. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn và phát biểu tại Diễn đàn.

Thượng tướng khẳng định trong một thế giới có nhiều biến động, thay đổi và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức như vậy, các nước không có lựa chọn nào tốt hơn là cùng nhau hợp tác một cách thực tâm, thực chất, dung hòa lợi ích quốc gia, dân tộc với lợi ích khu vực và quốc tế. Cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm chung và phát huy vai trò các nhân tố trong hợp tác xử lý các vấn đề quản trị toàn cầu, trong đó có vai trò của quân đội. Quân đội hiện nay không chỉ có vai trò giới hạn là bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc mình mà còn có trách nhiệm thúc đẩy cùng nhau hợp tác, một mặt duy trì môi trường an ninh có lợi cho hòa bình, ổn định chung, tăng cường lòng tin, nâng cao năng lực, mặt khác cùng nhau kiềm chế, kiểm soát căng thẳng, ngăn ngừa xung đột để giải quyết tranh chấp, bất đồng.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh là quốc gia ngày càng phát triển và giàu mạnh hơn, nước chủ nhà cần đóng vai trò trách nhiệm lớn hơn, hợp tác nhiều hơn với cộng đồng quốc tế và khu vực, phát huy hơn nữa vai trò tích cực, có trách nhiệm trong hợp tác quốc tế, đóng góp cho quản trị toàn cầu trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, gắn lợi ích của Trung Quốc với lợi ích chung của khu vực và thế giới. Như vậy, các nước có thêm những dàn xếp và thỏa thuận an ninh khu vực, hỗ trợ cho luật pháp quốc tế, cũng như các thỏa thuận đã ký kết như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN và tiến tới sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để duy trì luật pháp, hòa bình, ổn định trên Biển Đông, cũng như trong khu vực và toàn thế giới.

Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Kristian Jensen thăm và làm việc tại Việt Nam

Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Kristian Jensen đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 11 đến ngày 12-10-2016. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Kristian Jensen đã hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; cùng với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 5 Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - Đan Mạch về Kinh tế - Thương mại; thăm Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương.

Tại các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo hai bên bày tỏ hài lòng về sự phát triển tích cực trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch trong 45 năm qua, đặc biệt kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013. Hai bên thống nhất tăng cường trao đổi đoàn các cấp; triển khai hiệu quả các cơ chế Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao và Ủy ban liên Chính phủ về Kinh tế - thương mại và triển khai Kế hoạch hành động Việt Nam - Đan Mạch năm 2016. Hai bên nhất trí tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp xúc, tìm hiểu thị trường, kết nối hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, chế biến thực phẩm, năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh, môi trường; tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch nhằm tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước; thúc đẩy sớm ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), tạo khuôn khổ thuận lợi mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai bên trong thời gian tới.

Lãnh đạo hai bên đã trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại Liên hợp quốc. Việt Nam hoan nghênh Đan Mạch tăng cường hợp tác và hỗ trợ ASEAN thời gian qua và mong muốn hai bên sớm triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể, nhất là trong các lĩnh vực an ninh biển, xây dựng thể chế, chia sẻ kinh nghiệm giải quyết hòa bình các tranh chấp, hợp tác kết nối, phát triển kết cấu hạ tầng, giáo dục, nông nghiệp, công nghệ xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Về vấn đề Biển Đông, lãnh đạo hai bên chia sẻ quan ngại về những diễn biến gần đây, nhấn mạnh cần giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các Bên tại Biển Đông (DOC), tiến tới hoàn tất xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không và giao thương tại Biển Đông.

Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ Việt Nam - Đan Mạch họp phiên thứ 5

Ngày 11-10-2016, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Đối tác Toàn diện Việt Nam - Đan Mạch đã diễn ra Phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ Việt Nam - Đan Mạch do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch Kristian Jensen đồng chủ trì.

Tại cuộc họp, hai Bộ trưởng đã ghi nhận những bước phát triển nhanh chóng trong quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại song phương giữa Việt Nam - Đan Mạch trong thời gian gần đây, đặc biệt kể từ khi hai nước đã trở thành Đối tác toàn diện vào năm 2013 và ký kết các kế hoạch hành động cụ thể. Quan hệ thương mại song phương giữa hai nước phát triển rất tích cực với tổng giá trị thương mại tăng mạnh và đầu tư của Đan Mạch vào Việt Nam cũng trên đà phát triển tốt. Tầm quan trọng của Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam đối với việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác về thương mại và đâu tư giữa hai nước cũng được nhấn mạnh tại cuộc họp.

Về hợp tác phát triển, hai bên đã đạt được thỏa thuận về lộ trình hài hòa thủ tục của hai bên để tiếp tục thúc đẩy Chương trình tài chính doanh nghiệp Danida ở Việt Nam nhằm hướng tới tài trợ các dự án có quy mô phù hợp nhằm tận dụng được công nghệ, kỹ thuật hiện đại của Đan Mạch. Hơn nữa, hai Bộ trưởng cũng đã ghi nhận tầm quan trọng của chương trình Hợp tác Chiến lược giữa các bộ, ngành Việt Nam với Đan Mạch trong lĩnh vực môi trường, thực phẩm và nông nghiệp, y tế và giáo dục.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại, hai Bộ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục, thông qua những biện pháp tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm cùa các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp của hai bên; xây dựng cơ chế trao đổi thông tin hiệu quả đế xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong hoạt động hợp tác thương mại và đầu tư. Trên tinh thần hợp tác thông qua cơ chế họp Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ, hai bên tin tưởng rằng quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại Việt Nam - Đan Mạch sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa và góp phần thực hiện thành công Kế hoạch hành động của Hiệp định Đối tác toàn diện mà hai bên đã cam kết.

Việt Nam - Đức tiến hành họp Nhóm Điều hành chiến lược lần thứ 4


Thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, ngày 12-10-2016, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Markus Ederer đồng chủ trì Cuộc họp Nhóm Điều hành chiến lược lần thứ 4 tại Hà Nội. Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Quốc Vụ khanh Markus Ederer đã chào xã giao Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu.

Tại cuộc họp, hai bên đã điểm lại tình hình hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực của khuôn khổ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức và nhất trí đánh giá quan hệ hai nước phát triển tích cực trong thời gian qua. Các nội dung hợp tác trong Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam - Đức giai đoạn 2015-2016 đã được thực hiện đúng tiến độ, đặc biệt là dự án Ngôi nhà Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hai bên đã nhất trí về phương hướng, các biện pháp nhằm triển khai các dự án, kế hoạch hợp tác giữa Việt Nam và Đức thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như hợp tác chính trị chiến lược, thương mại và đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, tư pháp và pháp luật.

Hai bên cũng nhất trí phối hợp thúc đẩy việc sớm ký kết và triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Phía Đức cam kết ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ toàn diện với EU, triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA); ủng hộ EU sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc, trong khuôn khổ ASEM và hợp tác ASEAN - EU. Tại cuộc họp, hai bên cũng trao đổi sâu rộng về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Trong vấn đề Biển Đông, phía Đức khẳng định ủng hộ giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển, UNCLOS 1982, trao đổi về an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông

Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Michaëlle Jean thăm và làm việc tại Việt Nam

Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, từ ngày 11 đến ngày 13-10-2016, Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Michaëlle Jean thăm và làm việc tại Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Michaëlle Jean đã hội Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, đến thăm Tòa soạn báo Le Courrier du Vietnam.

Tại các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, khẳng định Cộng đồng Pháp ngữ là đối tác quan trọng của Việt Nam và bày tỏ vui mừng trước việc quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng được củng cố và tăng cường. Lãnh đạo nước ta đã trao đổi với Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ về các hoạt động ưu tiên của Cộng đồng Pháp ngữ trong thời gian tới, công tác chuẩn bị Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham gia Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16 vào tháng 11 tới. Lãnh đạo nước ta nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ những nỗ lực của Cộng đồng Pháp ngữ nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế bên cạnh các lĩnh vực hợp tác truyền thống, qua đó tăng cường sức sống của Cộng đồng và đáp ứng mong đợi của các nước thành viên. Hai bên cũng trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Về phía Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, bà Michaëlle Jean bày tỏ khâm phục tinh thần quật cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và ấn tượng về những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội. Tổng Thư ký nhấn mạnh vai trò, vị trí quan trọng của Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ; hoan nghênh những đóng góp tích cực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với Cộng đồng. Bà Tổng Thư ký cũng khẳng định Cộng đồng Pháp ngữ sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam về giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp, hỗ trợ Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đồng thời, luôn quan tâm theo dõi sát tình hình, kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc.

APEC 2017 là trọng tâm chính sách đối ngoại của Việt Nam trong năm tới


Nhận lời mời của Chủ tịch Trung tâm Quốc gia vì APEC Hoa Kỳ (NCAPEC), bà Monica Hardy Whaley, tuần qua, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh đã đến dự và phát biểu với tư cách đại diện cho nước chủ trì Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại phiên thảo luận đặc biệt trong khuôn khổ hội nghị hằng năm của ban lãnh đạo tổ chức này. Tham dự phiên thảo luận còn có đại sứ tại Hoa Kỳ của một số nước chủ nhà APEC hiện tại và trong những năm tiếp theo như Peru, Papua New Guinea và New Zealand.

Tại phiên thảo luận, Đại sứ Phạm Quang Vinh giới thiệu về chủ trương của Việt Nam trong năm chủ trì APEC 2017 và khẳng định Việt Nam luôn đề cao tầm quan trọng về chiến lược cũng như kinh tế của APEC. Do đó, việc tổ chức thành công APEC trong năm 2017 sẽ là trọng tâm chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam đang xây dựng chủ đề APEC 2017 xoay quanh việc tạo động lực mới cho kinh tế APEC, có tính tới bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Trên tinh thần đó, Việt Nam đang trao đổi với các thành viên APEC về các trọng tâm sau: tăng cường liên kết kinh tế khu vực và kết nối; bảo đảm tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, trong đó bao gồm thúc đẩy các vấn đề “sau biên giới” như cải cách cơ cấu, thuận lợi hoá kinh doanh; thúc đẩy tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và tăng cường năng lực cạnh tranh, sáng tạo trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đại sứ Phạm Quang Vinh đánh giá cao vai trò của NCAPEC đối với sự phát triển và thành công của APEC cũng như đóng góp của NCAPEC đối với việc tổ chức APEC 2006 và 2017 của Việt Nam. Đại sứ khẳng định Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế nói chung cũng như NCAPEC và các doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng trong tất cả các hoạt động của năm APEC 2017. Đại sứ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ, cùng Việt Nam tạo giá trị mới cho APEC, đảm bảo sự phát triển và thành công của APEC; tham gia tích cực vào các hoạt động đối thoại doanh nghiệp trong khuôn khổ APEC 2017; chia sẻ những vấn đề quan tâm để đảm bảo APEC đáp ứng đầy đủ nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp./.