Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (03-10 đến ngày 09-10-2016)

Hà Bùi (tổng hợp từ TTXVN)
14:44, ngày 11-10-2016
TCCSĐT - Ngày 05-10-2016, Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế ở Brussels (Bỉ), với sự tham dự của 75 quốc gia và 26 tổ chức quốc tế, đã cam kết tài trợ cho Afghanistan 13,6 tỷ euro (khoảng 15,2 tỷ USD) trong giai đoạn 2017 - 2020.

Gần 50% số người nghèo cùng cực trên thế giới là trẻ em

 

 Trong năm 2013, có tới 19,5% trẻ em tại các quốc gia đang phát triển sống trong các hộ gia đình có mức thu nhập trung bình khoảng 1,9 USD/ngày/người. Ảnh: shutterstock

Ngày 04-10-2016, theo Báo cáo “Chấm dứt Nghèo cùng cực: Trọng tâm là trẻ em” của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trong năm 2013, có tới 19,5% trẻ em tại các quốc gia đang phát triển sống trong các hộ gia đình có mức thu nhập trung bình khoảng 1,9 USD/ngày/người. Tỷ lệ này ở trẻ em cao hơn nhiều so với tỷ lệ 9,2% người lớn sống trong những hộ gia đình có mức thu nhập thấp. Trên toàn thế giới, trong tổng số 767 triệu người sống trong tình trạng nghèo cùng cực có gần 385 triệu trẻ em. Những con số này cho thấy một điều bất tương xứng, khi trẻ em chỉ chiếm 30% tổng số người được khảo sát, song lại chiếm tới 50% số người nghèo cùng cực.

Báo cáo trên nằm trong dự án nghiên cứu mới của WB “Nghèo và Sự thịnh vượng được sẻ chia 2016: Thực thi bình đẳng”, số liệu được đưa ra dựa trên số liệu của 89 quốc gia, đại diện cho 83% dân số các nước đang phát triển. Phát biểu nhân sự kiện công bố báo cáo chung này, Giám đốc điều hành UNICEF Anthony Lake nhấn mạnh nghèo đói là môi trường có hại nhất đối với trẻ em, đứa trẻ càng bé, mức độ ảnh hưởng càng lớn vì những thiếu thốn vật chất từ thời thơ ấu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể cũng như trí tuệ của trẻ. Trong khi đó, quan chức cấp cao của WB về nghèo đói và công bằng, Ana Revenga cho biết số lượng lớn trẻ em sống trong tình trạng nghèo cùng cực đặt ra một đòi hỏi thiết thực nguồn vốn đầu tư vào các dịch vụ cơ bản ban đầu cho trẻ em bao gồm chăm sóc sức khỏe cho thai phụ, các chương trình phát triển giai đoạn tuổi thơ, chất lượng giáo dục, nước sạch, phòng vệ sinh tốt và hệ thống y tế toàn cầu. Theo bà A. Revenga, cải thiện những dịch vụ cơ bản trên và bảo đảm trẻ em có thể tiếp cận những cơ hội nghề nghiệp chất lượng trong tương lai là cách duy nhất để phá vỡ vòng luẩn quẩn của nghèo đói đeo bám nhiều thế hệ.

Bế mạc Hội nghị CITES 17: Nhiều vấn đề vẫn bị “bỏ ngỏ”

 

Hội nghị nhất trí phải thúc đẩy bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ hành tinh xanh cũng như bảo tồn các nguồn động thực vật hoang dã quý hiếm. Ảnh: TTXVN

Ngày 04-10-2016, tại thành phố Johannesburg thuộc Cộng hòa Nam Phi, Hội nghị Công ước quốc tế về buôn bán động thực vật hoang dã nguy cấp lần thứ 17 (CoP17) đã chính thức khép lại. Phát biểu tại phiên bế mạc CoP17, Tổng Thư ký của Công ước quốc tế về buôn bán động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) John Scanlon cho biết, mặc dù còn một số vấn đề vẫn chưa được thống nhất cao, Hội nghị cơ bản đã thành công tốt đẹp. Điều đó thể hiện qua việc Hội nghị đã nhất trí thông qua 51 đề xuất, bác bỏ 5 đề xuất và rút lại 6 đề xuất của các quốc gia thành viên CITES có liên quan đến việc thắt chặt hoặc nới lỏng việc buôn bán động thực vật hoang dã, quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn thế giới. Ông J. Scanlon khẳng định, tất cả các nước thành viên CITES hoàn toàn nhất trí cao về việc “cần thiết phải thúc đẩy bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ hành tinh xanh cũng như bảo tồn các nguồn động thực vật hoang dã quý hiếm, nhất là các loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trên Trái đất ngay từ bây giờ”.

Đặc biệt, Tổng thống Cộng hòa Nam Phi Jacob Zuma có bài phát biểu quan trọng tại lễ khai mạc Hội nghị đã chứng tỏ tầm quan trọng, sự nỗ lực và quan tâm lớn của nước chủ nhà. Với vai trò là chủ tịch CoP17, Cộng hòa Nam Phi đã đưa ra nhiều đề xuất quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn đối với việc bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm ở châu Phi nói riêng cũng như trên phạm vi toàn thế giới trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai. Tại phiên bế mạc, Cộng hòa Nam Phi đã chuyển giao vai trò Chủ tịch Hội nghị Công ước quốc tế về buôn bán động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) lần thứ 18 (CoP18) cho Sri Lanka; và dự kiến Hội nghị CoP18 sẽ được tổ chức vào năm 2019.

Cộng đồng quốc tế cam kết tài trợ hơn 15 tỷ USD cho Afghanistan

 

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: AP/TTXVN 

Ngày 05-10-2016, Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế ở Brussels (Bỉ), với sự tham dự của 75 quốc gia và 26 tổ chức quốc tế, đã cam kết tài trợ cho Afghanistan 13,6 tỷ euro (khoảng 15,2 tỷ USD) trong giai đoạn 2017 - 2020. Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách phát triển và hợp tác quốc tế Neven Mimica đánh giá đây là mức tài trợ tốt trong bối cảnh các nguồn tài trợ đang suy giảm do cuộc chiến ở Syria, chỉ thấp hơn chút ít so với con số 14,3 tỷ euro (16 tỷ USD) được các nước cam kết cho giai đoạn 2012 - 2015 trong Hội nghị Afghanistan lần trước năm 2012 ở Tokyo (Nhật Bản). Mức tài trợ giảm chủ yếu do hoạt động phát triển kinh tế ở Afghanistan bắt đầu có lợi nhuận và các nước đã điều chỉnh khoản hỗ trợ cho quốc gia Tây Nam Á này.

Hội nghị kéo dài 2 ngày nói trên là nhằm thu hút sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế dành cho công cuộc cải cách của Afghanistan, đồng thời đảm bảo sự hỗ trợ liên tục về chính trị và tài chính nhằm thúc đẩy sự phát triển, ổn định kinh tế và tiến trình xây dựng nhà nước của Afghanistan trong vòng 4 năm tới. Để đổi lấy tài trợ, Afghanistan đã cam kết sẽ thực hiện các cải cách liên quan đến nhân quyền và chống tham nhũng, đồng thời cũng đồng ý sẽ tiếp nhận trở lại người di cư từ châu Âu một cách nhanh chóng hơn. Trước đó cùng ngày phát biểu tại hội nghị quốc tế hỗ trợ Afghanistan, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini cho biết các cường quốc khu vực đã nhất trí nỗ lực khôi phục tiến trình hòa bình bị bế tắc của Afghanistan sau gần 40 năm xung đột. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng một vài nước có thể thực sự giúp hợp tác trong vấn đề này. Ông cho biết đã kêu gọi Nga, Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ và Iran suy nghĩ về vai trò đặc biệt mà những nước này có thể đóng góp trong khu vực nhằm giúp chính phủ Afghanistan đạt được hòa bình với Taliban.

UNICEF: Nhiều trẻ em gái không có tuổi thơ do phải lao động nặng nhọc

 

Một em nhỏ Palestine chăn cừu tại khu vực Al-Nusirat ở Dải Gaza. Ảnh: EPA/TTXVN

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Trẻ em gái (ngày 11-10) hằng năm, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã công bố báo cáo cho thấy các bé gái từ 5 - 14 tuổi đang phải dành nhiều hơn 40% thời gian để làm các công việc vặt trong nhà so với các bé trai cùng độ tuổi, khiến các em bỏ lỡ nhiều cơ hội học tập và tận hưởng tuổi thơ. Theo số liệu của UNICEF, các bé gái trên thế giới đang giành nhiều hơn 160 triệu giờ mỗi ngày để làm các việc vặt trong nhà như nấu ăn, lau dọn, chăm sóc các thành viên gia đình, lấy nước và kiếm củi. Các trẻ em gái ở Nam Á, Trung Đông và các khu vực châu Phi chiếm phần lớn trong báo cáo. Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy các bé gái trong độ tuổi từ 10 - 14 tại các nước nghèo như Burkina Faso, Yemen và Somalia đã phải làm những công việc nặng nhọc nhất và không phù hợp với độ tuổi của các em.

Cố vấn về giới tính của UNICEF, Anju Malhotra cho biết, các trẻ em gái bắt đầu phải làm các công việc nhà quá sức khi còn rất nhỏ và cường độ công việc càng nặng hơn khi các em bước vào độ tuổi dậy thì. Thực trạng này khiến các em gái bỏ lỡ nhiều cơ hội học tập, phát triển và tận hưởng tuổi thơ của mình. Sự phân bố lao động trẻ em không đồng đều cũng đã tạo ra sự rập khuôn về giới tính và làm tăng gấp đôi gánh nặng lên phụ nữ và các trẻ em gái trong nhiều thế hệ. Các chuyên gia nhận định tình trạng mất cân bằng giới tính tiếp tục đặt ra thách thức lớn đe dọa các mục tiêu toàn cầu mới của Liên hợp quốc đưa ra hồi năm ngoái nhằm chấm dứt tình trạng đói nghèo cùng cực và giải quyết tình trạng thiếu cơ hội và bạo lực chống lại phụ nữ vào năm 2030. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc giải quyết hiệu quả các vấn đề như bạo lực, tảo hôn, thiếu giáo dục, cùng như trao quyền hợp pháp cho các bé gái trên thế giới không chỉ mang lại lợi ích cho chính các em (đối tượng cần được bảo vệ nhất) mà còn là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, duy trì hòa bình và giảm đói nghèo trên toàn thế giới./.